Tăng cường hòa giải, đối thoại là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp

Những năm gần đây, với nền kinh tế nhiều thành phần có độ mở cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã mang lại những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng cũng làm gia tăng các tranh chấp dân sự, hành chính. Tính từ năm 2012 đến nay, số lượng các vụ án loại này đã tăng gấp hai lần với tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng; nhiều vụ án dân sự, hành chính đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nhưng vẫn tiếp tục có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; các bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, làm giảm niềm tin của người dân và xã hội đối với công tác Tòa án.

Hòa giải, đối thoại có thể giúp các bên giải quyết mâu thuẫn bằng chính ý chí của mình 

Thông qua hòa giải, đối thoại mâu thuẫn của các bên được giải quyết mà không phải phán quyết của tòa án thông qua phiên tòa xét xử; qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc, tiết kiệm kinh phí của Nhà nước và các bên, hàn gắn những rạn nứt trong các quan hệ xã hội, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân; qua việc hòa giải, đối thoại, người tiến hành hòa giải, đối thoại còn có thể giải thích, nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giúp việc thi hành thuận lợi.

Qua thực tiễn áp dụng, mỗi loại hình hòa giải đều đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của xã hội.

Về hòa giải, đối thoại trong tố tụng tại Tòa án: Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong những năm qua, tỷ lệ hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự của tòa án cũng đã có nhiều tiến bộ, trung bình hằng năm đạt hơn 40% số vụ án dân sự phải giải quyết và cá biệt có những tòa án, tỷ lệ này đạt tới 60 đến 70%, nhưng tập trung chủ yếu về thuận tình ly hôn. Do đó, chưa đáp ứng đòi hỏi của tình trạng quá tải các vụ việc dân sự, kinh doanh – thương mại tại Tòa án.

Về hòa giải ngoài Tòa án: Việc hòa giải ở cơ sở theo Luật Hòa giải ở cơ sở đạt tỷ lệ khá cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được hòa giải, hòa giải không kịp thời, hòa giải không thành dẫn đến khiếu kiện kéo dài; chỉ có hai trung tâm trọng tài thương mại cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại; tỷ lệ vụ việc được hòa giải thành các vụ việc tranh chấp lao động đạt 60%, nhưng số vụ được hòa giải viên lao động thụ lý rất thấp; chưa có trường hợp nào đề nghị công nhận kết quả hòa giải thành công ngoài tòa án.

Với bối cảnh pháp luật, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế như trên, cho thấy sự cần thiết phải đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại tòa án ở Việt Nam với những chính sách mới đặc thù nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hòa giải, đối thoại; tạo bước cải cách đột phá trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; bảo đảm cho việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, xã hội hóa việc giải quyết các tranh chấp theo phương thức không đối đầu, hướng tới xây dựng các mối quan hệ trong xã hội một cách hòa bình, ổn định lâu dài.

Kết quả 6 tháng triển khai thí điểm đổi mới mô hình hòa giải, đối thoại tại thành phố Hải Phòng

Kết quả sáu tháng triển khai thí điểm đổi mới mô hình hòa giải, đối thoại tại thành phố Hải Phòng đạt được rất tích cực. Các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án ở thành phố Hải Phòng đã nhận 2.573 đơn khởi kiện; đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn; hòa giải, đối thoại thành công 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%. Số vụ việc hòa giải, đối thoại thành công 6 tháng đã giúp giảm được số vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính phải giải quyết, xét xử là 598 vụ so với cùng kỳ năm 2017.

Trong số những tranh chấp được hòa giải, nhiều vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại và khiếu kiện hành chính phức tạp, kéo dài nhiều năm, chính quyền địa phương không giải quyết được, nội bộ gia đình mâu thuẫn, mất đoàn kết, nhưng sau khi được hòa giải viên phân tích đã bớt căng thẳng, chủ động thỏa thuận phân chia đất có sự chứng kiến của chính quyền địa phương; nhiều trường hợp vợ chồng được hòa giải đoàn tụ đã chủ động gọi điện cảm ơn hòa giải viên một cách rất chân thành; nhiều tranh chấp hợp đồng tín dụng, người vay trả tiền cho ngân hàng ngay tại trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án, thỏa thuận chốt nợ, thống nhất phương án trả nợ gốc và lãi được ngân hàng đồng ý và rút đơn khởi kiện.

Ðối với khiếu kiện hành chính, tuy số vụ việc đối thoại thành công đạt tỷ lệ không cao nhưng đã tạo bước chuyển biến quan trọng về nhận thức đối với cả người khởi kiện và người bị kiện; qua đối thoại một số cơ quan hành chính thấy được quyết định hành chính ban hành chưa chuẩn xác đã chủ động sửa đổi, hủy bỏ quyết định để ban hành lại, người khởi kiện rút đơn khởi kiện, tạo niềm tin trong nhân dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

Kết quả thực hiện thí điểm tại thành phố Hải Phòng bước đầu cho thấy đây là mô hình cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Tuy nhiên, vì là hoạt động thí điểm cho nên nguồn lực thực hiện còn hạn chế, chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp tục củng cố và nâng cao cơ sở thực tiễn của chế định hòa giải, đối thoại tại tòa án trước khi tòa án giải quyết vụ việc, góp phần xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án theo hướng đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo bước đi đột phá trong cải cách tư pháp giải quyết vụ việc dân sự, hành chính, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho phép Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục thực hiện thí điểm tại thành phố Hải Phòng và mở rộng phạm vi thực hiện thí điểm mô hình này tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thái Bình. Việc thực hiện thí điểm dự kiến bắt đầu thực hiện từ 01-11-2018.

Tăng cường hòa giải, đối thoại là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp

Ðổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp trong xã hội.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất cản trở áp dụng mô hình này là sự thiếu hụt của khung pháp lý. Nhằm tạo ra bước cải cách đột phá trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, Tòa án nhân dân tối cao đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho bổ sung dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2019. Tại phiên họp ngày 10-12-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao, bổ sung dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019; dự kiến trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10-2019; trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5-2020.

Mục tiêu của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại; giúp các bên có thêm lựa chọn để giải quyết tranh chấp; khắc phục những hạn chế, vướng mắc của các phương thức hòa giải, đối thoại hiện có; giải quyết nhanh chóng, triệt để, hiệu quả các tranh chấp; tăng tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành, giảm số lượng các vụ án phải giải quyết bằng hình thức mở phiên tòa xét xử; tạo thuận lợi cho việc thi hành kết quả hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án; gìn giữ sự đoàn kết trong nhân dân, vì mục tiêu phát triển ổn định, lâu dài.

Việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải bảo đảm nguyên tắc về cải cách tư pháp, cải cách hành chính như không làm tăng bộ máy, tổ chức, biên chế của Tòa án nhân dân, thu hút sự tham gia của các nguồn lực trong xã hội trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại đơn giản; bảo đảm kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Tòa án công nhận có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, việc xét xử là phương thức giải quyết tranh chấp được sử dụng cuối cùng nếu việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án không thành; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm, pháp luật nước ngoài về hòa giải, đối thoại.

Phạm vi hòa giải, đối thoại theo Luật này được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hoặc các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính do một hoặc các bên yêu cầu Tòa án hòa giải, đối thoại. Hoạt động hòa giải, đối thoại theo pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng hành chính không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ xác định tiêu chuẩn Hòa giải viên, Đối thoại viên để bảo đảm lựa chọn được đội ngũ nhân lực có năng lực, trình độ, uy tín, tạo niềm tin cho xã hội. Tùy từng điều kiện, đặc điểm của từng địa phương mà nơi nào có nhu cầu, đủ điều kiện thì thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Việc quản lý Trung tâm do lãnh đạo hoặc Thẩm phán Tòa án thực hiện kiêm nhiệm. Những địa phương không thành lập Trung tâm thì mỗi Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh có danh sách Hòa giải viên, Đối thoại viên để thực hiện việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tòa án phân công luân phiên một Thẩm phán để điều phối, tổ chức hoạt động, hỗ trợ Hòa giải viên, Đối thoại viên. Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại thuận tiện, linh hoạt, bảo đảm bí mật thông tin. Thủ tục công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án  đơn giản, hiệu lực cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ nhanh quyền, lợi ích của các bên.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và thu hút sự tham gia của nhân dân vào hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Xây dựng đất nước phát triển, ổn định lâu dài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, của cả Đảng, Nhà nước và nhân dân; mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải đóng góp thực hiện trách nhiệm này. Lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước đã cho thấy mọi thắng lợi, thành tích mà nhân dân ta đã đạt được trong bất kỳ lĩnh vực nào đều không tách rời sự lãnh đạo của Đảng; vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định cả trong lý luận và thực tiễn; yêu cầu về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại đã, đang và tiếp tục cần sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân. Sự tham gia của nhân dân vào hoạt động hòa giải không chỉ thể hiện ở sự đóng góp bằng nhân lực chất lượng cao từ xã hội tham gia làm Hòa giải viên, Đối thoại viên, mà còn là sự mạnh dạn đặt niềm tin của tổ chức, cá nhân vào việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhân dân có tham gia giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì mô hình này mới có cơ hội để thực hành, rút kinh nghiệm và phát triển. Kết quả thí điểm tại thành phố Hải Phòng là minh chứng rất rõ về tác dụng từ sự chỉ đạo, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và niềm tin của nhân dân vào mô hình này.

Để thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo dự án Luật này trên phạm vi cả nước, bên cạnh việc xã hội hóa bằng cách tăng cường huy động nguồn nhân lực không nằm trong biên chế nhà nước, thì Nhà nước phải có sự đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hòa giải viên, Đối thoại viên và một khoản chi nhỏ khi hòa giải thành, đối thoại thành. Mô hình này được thực hiện sẽ sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước đầu tư; tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội, ổn định của các quan hệ xã hội – đây cũng là mục tiêu phát triển của văn minh nhân loại.

Hiệu quả, ý nghĩa của hòa giải, đối thoại gắn với Tòa án đã được khẳng định ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, sự đồng thuận và phối hợp giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương, cấp ủy và chính quyền các địa phương; trước những kết quả tích cực đạt được qua thực hiện thí điểm tại thành phố Hải Phòng; cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, Thẩm phán, các Hòa giải viên, Đối thoại viên… chúng tôi tin tưởng rằng, phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án được nhân rộng, luật hóa thì sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội, góp phần hóa giải mâu thuẫn, tăng cường đoàn kết, ổn định quan hệ xã hội, giảm tải áp lực xét xử cho Tòa án, tiết kiệm công sức, thời gian, chi phí cho nhân dân và Nhà nước, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong tình hình mới./.

 

 

TS NGUYỄN THÚY HIỀN (Phó Chánh án TANDTC)