Tăng tuổi nghỉ hưu, cần có tầm nhìn dài hạn
Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận kỹ là độ tuổi nghỉ hưu khi bàn về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Tuổi nghỉ hưu tăng
Tại Điều 170 của Dự thảo cả hai phương án nêu ra đều quy định mốc tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam đủ tuổi lao động từ 62, nữ đủ 60. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định này.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng: Mức quy định như vậy là phù hợp với khả năng lao động, quá trình già hóa dân số, hội nhập quốc tế và thể chế hóa tinh thần của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, trong hai phương án dự thảo đưa ra tại khoản 1 và khoản 2 Điều 170, đại biểu đồng tình với phương án một vì theo lộ trình này sau 15 năm độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ mới đạt 60 và sau 8 năm mới đạt 62. Như vậy, không làm hạn chế chỗ làm việc của người lao động bước vào tuổi lao động, đồng thời đủ thời gian cải thiện điều kiện lao động và sức khỏe cho người lao động và hạn chế tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng đồng tình về tuổi nghỉ hưu ở Điều 170 và chọn phương án 1 là tăng 3 tháng/năm để hạn chế tác động do tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo đại biểu, khoản 2 quy định một số trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 nhưng không quá 5 năm. Nếu quy định như vậy thì một số trường hợp đặc biệt vẫn phải lao động đến tuổi 55 mà không được nghỉ hưu ở tuổi 50. Như vậy dự thảo lần này không có gì ưu việt hơn so với Bộ luật Lao động năm 2012. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh cho những nhóm đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đến 10 năm, đồng thời bổ sung phụ lục các trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn 5 năm và 10 năm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) đồng tình với dự thảo và phân tích thêm, tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm, đến nay tất cả các điều kiện về kinh tế – xã hội, điều kiện lao động, sức khỏe, tuổi thọ bình quân, về yêu cầu phát triển đất nước đã thay đổi nhiều nên tăng tuổi nghỉ hưu đã chín muồi. Cách đây 15 năm lực lượng lao động tăng 1,2 triệu người/năm, đến nay chỉ còn 400.000 người/năm, dự báo 15 năm tới Việt Nam chỉ tăng 200.000 lao động/1 năm. Như vậy, trong tương lại chúng ta rất thiếu lao động. Đối với nữ việc tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, chắc chắn lương hưu lao động nữ sẽ cải thiện tốt hơn. Thực tế hiện nay theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, lương hưu trung bình của phụ nữ chỉ chiếm khoảng 84% so với lao động nam. Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động tích cực đến việc phát triển sự nghiệp và sự tiến bộ của phụ nữ do có thêm cơ hội trong đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, bồi dưỡng cũng như nhiều quy trình về công tác cán bộ khác.
Tuy nhiên, đại biểu cũng ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm, theo đó quy định về nghỉ hưu sớm ở độ tuổi thấp hơn đối với một số nhóm lao động đặc thù là rất cần thiết. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đưa ra các căn cứ khoa học, thực tiễn về các ngành nghề hoặc các đối tượng lao động nào cần được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và thấp hơn là bao nhiêu. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về lao động, về an sinh xã hội một cách tổng thể và cần được tuyên truyền đầy đủ để tạo ra sự đồng thuận của xã hội trong triển khai thực hiện.
Cần có lộ trình, tránh gây sốc
Trái lại, cũng có những ý kiến khác. Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) cho rằng, xem xét tăng tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn; lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế; giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm chất lượng, số lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới; cân đối quỹ bảo hiểm xã hội dài hạn; xu hướng già hóa dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về thời gian trong quy định tuổi nghỉ hưu.
Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Tuy nhiên, cần xem xét, cân nhắc tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với những đối tượng này, có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn.
Ngoài ra, việc xét tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình phù hợp để tránh gây sốc về tình trạng thất nghiệp cũng như không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Người lao động hiện nay đang làm việc trong điều kiện lao động còn rất khó khăn so với các nước trong khu vực, mức sinh hoạt bảo đảm cho cuộc sống của họ còn hạn chế. Các nước tiên tiến tăng tuổi hưu họ vẫn có thể làm việc được vì sử dụng công nghệ cao, làm việc chỉ cần bấm nút. Vì vậy, các yếu tố trên sẽ quyết định tuổi hưu của người lao động, và nếu trong trường hợp có tăng tuổi nghỉ hưu thì nên chia theo nhóm lao động. Nhóm lao động trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và nhóm lao động trong doanh nghiệp ngoài công lập. Do đó đại biểu “đề nghị giữ nguyên như hiện hành đối với nhóm lao động ngoài nhà nước”.
Mặt khác, hàng năm nước ta có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, đó là đội ngũ trẻ, khỏe, đủ năng lực, và là nguồn nhân lực có chất lượng. “Nếu chúng ta áp dụng ngay quy định tăng tuổi nghỉ hưu, rõ ràng có một phần cản trở lực lượng lao động trẻ. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, vấn đề tăng tuổi hưu cần phải tính toán kỹ”- đại biểu chốt lại.
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cơ bản đồng tình với đề xuất tuổi nghỉ hưu của nam là 62, nữ là 60. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm, bổ sung thêm báo cáo đánh giá tác động của chính sách này để có thể tăng tính thuyết phục. “Tôi nhận thấy nhiều cử tri cũng như các vị đại biểu Quốc hội hết sức băn khoăn về đề xuất này. Tôi đề nghị nên sửa theo hướng quy định quyền được nghỉ hưu ở các độ tuổi khác nhau đối với từng ngành nghề cụ thể và có thể quy định cụ thể trong luật này hay trong các luật chuyên ngành khác. Đối với các trường hợp được nghỉ hưu sớm do tính chất công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần xem xét yếu tố mức hưởng bảo hiểm xã hội để tránh thiệt thòi cho các đối tượng này khi nghỉ hưu sớm”- đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu này đã làm, trao đổi nhiều năm và lần này trong luật sửa đổi cần xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu một cách cẩn trọng. Theo phương án 1, đại biểu cho rằng đã đáp ứng được yêu cầu này nhưng cần quan tâm thêm các yếu tố về đối tượng ngành nghề, ngành nghề mang tính chất độc hại hoặc ngành giáo dục mầm non, không nên chỉ giới hạn cho nghỉ hưu sớm trước năm tuổi mà có thể 5 – 10 tuổi với ngành nghề cụ thể. Có những ngành nghề chúng ta có thể tăng thêm thời gian làm việc không chỉ 5 tuổi mà có thể 5 – 7 tuổi, cần có danh mục Quốc hội thảo luận, xem xét.
Ngoài những vấn đề tâm tư, nguyện vọng của người lao động thì quyền được nghỉ cần có sự liên thông với Luật Bảo hiểm xã hội, đến ngưỡng nào đó thì quyền được nghỉ này được tiếp cận và có phần bù trong này, những người nghỉ kéo dài thời gian sẽ có bù đắp vì đây là chính sách xã hội nên những việc này có thể tạo được sự bù đắp của những người kéo dài tuổi nghỉ hưu với người nghỉ sớm để có sự cân bằng trong quỹ cũng là trách nhiệm. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành bảo hiểm mà trách nhiệm của xã hội, của mọi người tham gia trong quỹ bảo hiểm này. Đại biểu đề nghị điểm này cần phân tích kỹ thêm, có danh mục chia sẻ với người lao động, tâm tư, nguyện vọng của người lao động nhưng đặt vấn đề về liên thông giữa các luật trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội là sự cần thiết trong thời điểm này.
Xu hướng tất yếu
Kết thúc phiên thảo luận, Đại biểu Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội khẳng định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu cũng như yêu cầu thực sự cần thiết của chúng ta hiện nay. Bộ trưởng chia sẻ: Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, hầu như các nước đều gặp phải khó khăn khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, trong đó có 4 vấn đề lớn: Một là các nước đều đi đến là quyết định sớm khi còn thặng dư lao động; Hai là đều tiến hành lộ trình tăng phải chậm; Ba là thường người dân và người lao động không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lâu dài các nước đều quyết định. Gần đây là Nga và một số nước như Anh, Pháp và một số nước gần chúng ta; Bốn là trong quá trình xử lý, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải phân loại đối tượng theo các nhóm.
Đây là 4 kinh nghiệm các nước đặt ra chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu. Bộ trưởng khẳng định tuổi nghỉ hưu đích đạt đến của chúng ta nữ là năm 2035, nam là năm 2029, khi đó như tinh thần dự thảo Nghị quyết Đại hội 13, năm 2030 Việt Nam thuộc vào nước phát triển trung bình cao, năm 2045 chúng ta thuộc vào nước phát triển, khi đó chắc chắn tình hình sức khỏe, điều kiện, v.v… tất cả chúng ta sẽ có sự thay đổi, kể cả về kinh tế – xã hội, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chúng ta sẽ phân làm 3 nhóm:
Nhóm thứ nhất là tuổi nghỉ hưu lao động trong điều kiện bình thường.
Nhóm thứ hai là nhóm lao động ngành nghề, lĩnh vực độc hại, nặng nhọc, suy giảm, vùng sâu, vùng xa có phụ cấp 0,7 thì có quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật.
Nhóm thứ ba là nhóm nghỉ hưu muộn hơn, ở đây có danh sách cụ thể. Hiện nay chúng ta áp dụng chủ yếu có 3 đối tượng: Đối tượng thứ nhất là 17 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thứ hai là nữ Thứ trưởng; Thứ ba là đối với nhà khoa học và quản lý.
Thứ ba, riêng về vấn đề đại biểu quan tâm lực lượng lao động Việt Nam hiện nay như thế nào? Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn đang già, theo đúng đánh giá của quốc tế. Hiện nay, chúng ta chỉ còn 400.000 lao động tăng hàng năm và tiến tới chắc chắn chúng ta thiếu lao động và tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,2% so với quốc tế, so với các nước chúng ta đứng đầu trong tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Về sức khỏe chúng ta hiện nay đứng thứ 40/183.
Thêm ngày nghỉ Tết của đồng bào thiểu số
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu ý kiến về nghỉ lễ tết ở Điều 113 : “Người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong những ngày lễ tết”. Việt Nam là quốc gia với 54 thành phần dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hóa với bản sắc, phong tục tập quán riêng, góp phần hình thành nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong thống nhất.
Song song với Tết cổ truyền ở Việt Nam, các dân tộc thiểu số đón Tết nguyên đán theo phong tục dân tộc mình. Thực tế, ngày Tết của các dân tộc thiểu số lại diễn ra vào thời điểm khác nhau trong năm và địa phương cũng linh hoạt để cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số được nghỉ dịp này trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, đối với người lao động là người dân tộc thiểu số đang làm việc tại các doanh nghiệp lại khó thực hiện hơn do chưa có văn bản luật quy định. Nhiều trường hợp xin nghỉ trong dịp Tết của dân tộc mình bị xem là vô tổ chức, vô kỷ luật, phá vỡ hợp đồng lao động, làm ảnh hưởng quan hệ lao động và quyền lợi của người lao động. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một khoản vào Điều 113 quy định: “Lao động là người dân tộc thiểu số ở Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 điều này còn được nghỉ thêm 1 ngày tết cổ truyền của dân tộc mình”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận