Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 19, kỳ I tháng 10 năm 2023 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2023, cụ thể như sau:

​Bài viết “Hoãn chấp hành án phạt tù - một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện” của các tác giả Phùng Văn Hoàng và Lê Xuân Quang nêu đánh giá: “Hoãn chấp hành án phạt tù là một chế định được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù”. Bài viết tập trung phân tích một số vướng mắc, bất cập còn tồn tại về hoãn chấp hành án phạt tù và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện theo hướng tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn các trường hợp hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015.

​Bài viết “Một số vấn đề hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay” của tác giả Trần Nguyễn Hoàng Nhật phân tích thực trạng pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đề xuất một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay.

​Bài viết “Pháp luật về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng - thực trạng và giải pháp” của các tác giả Nguyễn Hoài Châu, Dương Hoài Ẩn và Trần Trọng Tuân viết: “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã được quy định riêng và cụ thể trong pháp luật đất đai hiện hành. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng ở nhiều địa phương hiện nay đang gặp một số hạn chế, bất cập. Củng cố, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân về vấn đề này. Đồng thời, việc xây dựng cơ chế thu hồi đất hợp pháp, hợp hiến cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở nước ta”.

Bài viết phân tích và làm rõ một số hạn chế, bất cập nêu trên, từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể.

​Bài viết “Xây dựng đội ngũ giám định viên tư pháp Công an đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới” của tác giả Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: “Giám định viên là chủ thể có thẩm quyền thực hiện giám định theo pháp luật, đồng thời, là nhân tố cốt lõi, quyết định trực tiếp tới chất lượng hoạt động giám định tư pháp”. Bài viết trình bày khái quát một số kết quả đạt được trong cải cách hoạt động giám định tư pháp, đồng thời, xác định một số nhiệm vụ trong xây dựng đội ngũ giám định viên Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

​Bài viết “Công chứng điện tử tại Pháp và một số gợi mở cho Việt Nam” của tác giả Phan Hoài Nam, Nguyễn Hoàng Minh Như và Trần Ngọc Vân Quỳnh viết: “Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ đã tác động đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong thế kỷ 21, việc các quốc gia từng bước áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đang trở thành xu hướng, bởi sự tiện ích, tiết kiệm về thời gian, nguồn nhân lực, chi phí thấp, qua đó, góp phần đơn giản hóa các thủ tục cho người dân. Hoạt động công chứng cũng không nằm ngoài xu thế này”. Bài viết tập trung nghiên cứu một số quy định về hoạt động công chứng điện tử ở Pháp - một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra quy định về công chứng điện tử và áp dụng thành công mô hình này trên thực tiễn; từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm cải thiện hoạt động công chứng hiện nay tại Việt Nam.

​Bài viết “Quy đổi hình phạt tại một số nước trên thế giới và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam” của tác giả Hoàng Anh Tuyên nghiên cứu những hạt nhân hợp lý về quy đổi hình phạt trong pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới, từ đó, đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam trong thời gian tới.

​Bài viết “Quan hệ cho thuê lại lao động có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Trung Quốc và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Kim Duyên viết: “Trong những năm gần đây, quá trình khu vực hóa, toàn cầu hóa diễn ra một cách mạnh mẽ. Hiện tượng di dân lao động quốc tế ngày càng phổ biến và là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống kinh tế thế giới hiện nay. Ngoài quan hệ lao động truyền thống giữa người lao động và người sử dụng lao động, quan hệ lao động mới với sự tham gia của ba chủ thể có quyền và nghĩa vụ khác nhau là quan hệ cho thuê lại lao động cũng xuất hiện”. Bài viết nghiên cứu pháp luật Trung Quốc về cho thuê lại lao động có yếu tố nước ngoài để tiếp thu có chọn lọc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

Bài viết “Trí tuệ nhân tạo và những giải pháp pháp lý của châu Âu” của tác giả Nguyễn Hoàng Vĩ Khang nêu quan điểm: “Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực mới mẻ nhất, tiềm năng nhất, song, cũng được đánh giá sẽ thay đổi hoàn toàn cách làm việc của con người trong mọi ngành nghề tương lai”. Bài viết phân tích khái niệm và một số lĩnh vực trí tuệ nhân tạo giữ vai trò quan trọng; giới thiệu những giải pháp pháp lý của châu Âu và đề xuất một số kinh nghiệm có thể áp dụng tại Việt Nam.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 19, kỳ I tháng 10 năm 2023.
 
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK