Tạp chí Tòa án nhân dân - những bước phát triển mới
Năm 2017 sắp qua và năm 2018 sắp đến. Vào thời khắc chuyển giao này, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử xin đăng bài cảm nghĩ của tác giả Lê Phúc Hỷ, nguyên Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí, nhìn lại chặng đường đã qua, để Tạp chí Tòa án nhân dân nói chung, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử nói riêng vươn mình, tiến bước vững vàng và mạnh mẽ hơn...
*Nhớ một thời gian khó…
Đã xa rồi cái thời Tạp chí Tòa án nhân dân in ti pô trên giấy đen, phát hành mỗi tháng một kỳ và vẻn vẹn chỉ có 4 – 5 cán bộ, phóng viên, Biên tập viên, tác nghiệp trong diện tích trụ sở hơn 10m2 tại số 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Cộng tác viên đến liên hệ bài vở hoặc lấy nhuận bút, có khi phải đứng ngoài sân vì phòng làm việc quá chật hẹp. Đó là những năm 90 của thế kỷ trước. Bản thảo bài vở lúc ấy sau khi biên tập, phải đánh máy chữ, chưa có Computer và mạng Internet như hiện nay. Mấy anh em trong Tạp chí thay phiên nhau chạy xe máy chuyển bản thảo đến nhà in. Nội dung Tạp chí lúc đó chủ yếu đăng tải văn bản của lãnh đạo TANDTC cùng một số bài trao đổi ý kiến của cán bộ, Thẩm phán TANDTC. Thực ra, đó là những bài có tính chất nghiên cứu, trao đổi pháp lý, hoặc ôn lại ký ức của một số bác cán bộ chuyên viên được đào tạo Luật từ hồi Pháp thuộc, được chọn vào làm công tác nghiên cứu tại các đơn vị thuộc TANDTC. Một số cán bộ, Thẩm phán các Tòa chuyên trách, các Tòa án địa phương cũng gửi bài tham gia đăng trên Tạp chí.
Lúc đó, tôi là phóng viên kiêm kế toán, vừa chụp ảnh, làm ma két, trả nhuận bút, vừa mầy mò sổ sách thu chi hàng ngày của Tạp chí. Nghiệp vụ kế toán không có, nhưng tôi vẫn phải làm, vừa làm vừa học hỏi thêm, vì đùn đẩy cho ai bây giờ?. Đồng chí Trần Văn Thư (nay là Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC) lúc ấy là phóng viên, Biên tập viên kiêm thủ quỹ. Phòng Bảo vệ trụ sở số 48 Lý Thường Kiệt ngày nay là khuôn viên tác nghiệp của Tạp chí. Cùng với quá trình phát triển về tổ chức và hoạt động của TANDTC, cũng như của toàn hệ thống TAND, Tạp chí TAND cũng đã trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm, đổi thay và trưởng thành về mọi mặt.
Năm 1994, để tăng cường tuyên truyền về Tòa án, Tạp chí TAND xuất bản thêm Bán nguyệt san “Người bảo vệ công lý”, phát hành 2 kỳ/tháng (Tạp chí TAND vẫn phát hành 1 kỳ/tháng). Tạp chí thời kỳ này có mở thêm một số chuyên mục, nhưng lượng bạn đọc dường như ít hơn bán nguyệt san “Người bảo vệ công lý” bởi nội dung đề cập nhiều vấn đề pháp luật – xã hội theo cách “mềm hơn”. Nhân viên, phóng viên Tạp chí được tăng cường, chủ yếu theo hình thức hợp đồng.
Từ năm 2001, theo quy hoạch báo chí Báo Công lý ra đời với bộ máy tách khỏi cơ cấu của Tạp chí TAND. Từ 2003, để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Tạp chí tăng kỳ xuất bản từ 1 kỳ/tháng lên 2 kỳ/tháng; tăng trang từ 36 trang/số lên 48 trang/số. Số lượng phát hành cũng tăng lên đáng kể, từ hơn 3000 cuốn/tháng được tăng lên trên 6000 cuốn/kỳ (trên 12.000 cuốn/tháng). Có thể xem bắt đầu từ giai đoạn này, Tạp chí TAND có những chuyển biến cơ bản trong sự phát triển tiến bộ, đi lên. Nổi bật nhất là sự đổi mới về nội dung. Một số chuyên mục mới được thành lập thời kỳ này: Giới thiệu Quyết định Giám đốc thẩm của HĐTP TANDTC; Pháp luật Quốc tế; Bình luận án..v.v..Đội ngũ cộng tác viên được tập hợp đông đảo hơn trước. Các Thẩm phán TAND, các chuyên gia có học hàm, học vị từ các cơ sở đào tạo Luật, nghiên cứu khoa học Luật, các Luật sư chuyên sâu từng lĩnh vực…đã quan tâm cộng tác bài vở với Tạp chí. Đối với cán bộ, Thẩm phán TAND các địa phương, họ “khoái” nhất chuyên mục “Trao đổi ý kiến” vì đề cập cụ thể các vấn đề trong các vụ án, giúp họ dễ hiểu, dễ nắm bắt định hướng xét xử, áp dụng pháp luật. Ngoài ra, Tạp chí đã chủ động biên soạn, xuất bản sách pháp luật, phát hành, phổ biến rộng rãi trong TAND, TAQS các cấp, như: Luật Phá sản, Luật Hôn nhân & Gia đình (sửa đổi)…vừa đáp ứng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vừa tăng nguồn kinh phí bổ sung cho hoạt động biên tập, xuất bản hàng tháng.
Lúc đó, Tạp chí TAND chỉ có Tổng Biên tập, chưa có Phó Tổng Biên tập và các Phòng, ban chuyên trách như hiện nay. Đồng chí Ngô Cường, Tổng Biên tập (thời kỳ đó kiêm Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử) đã tranh thủ mọi thời gian để đọc và biên tập bài cả ngày và đêm. Số Biên tập viên, Phóng viên, nhân viên cũng chỉ có khoảng 5-6 người. Từ năm 2008 đến 2014, đồng chí Lê Hồng Quang, Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập, (nay đồng chí Lê Hồng Quang là Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC). Thời kỳ này, Tạp chí lập thêm Chuyên mục như: Xây dựng Ngành TAND, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Công lý Xưa – Nay…Tạp chí vẫn phát hành với số lượng lớn, có thời điểm tăng hơn hàng nghìn cuốn/kỳ….
*Bước trưởng thành vượt bậc
Còn nhớ năm 2010, hệ thống TAND đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, đã quan tâm đầu tư, chỉ đạo mạnh mẽ đến công tác thông tin – tuyên truyền. Đề án tăng cường công tác Thông tin – Tuyên truyền được Chánh án TANDTC chỉ đạo, giao cho Tạp chí TAND xây dựng từ ngày đó.
Từ năm 2015 đến nay, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC, công tác Thông tin – Tuyên truyền TAND có nhiều khởi sắc nổi bật. Vào dịp kỷ niệm ngày Truyền thống TAND, các cơ quan thông tin Báo, Đài trong và ngoài Tòa án đã theo sát các sự kiện của TAND các cấp, tăng cường phản ánh kịp thời hoạt động và những tiến bộ trong công tác của các Tòa án. Năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, Tạp chí TAND được lãnh đạo TANDTC giao nhiệm vụ phối hợp với một số đơn vị xây dựng bộ phim tài liệu “Tòa án nhân dân- 70 năm Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” phát sóng trên VTV1; thực hiện thông tin tuyên truyền về Hội thao, Hội thi Tiếng hát TAND và cuộc Vận động sáng tác âm nhạc, văn học, báo chí về TAND.
Tạp chí TAND mấy năm đó có nhiều thay đổi về nhân sự lãnh đạo. Năm 2014, Tổng Biên tập Lê Hồng Quang được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án TANDTC, rồi sau đó được TW luân chuyển về làm Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Tiền Giang, Đồng chí Lê Phúc Hỷ, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí được điều chuyển công tác khác. Tổng Biên tập Nguyễn Thị Thanh Thủy rồi cũng chuyển lên làm Phó Chánh Tòa Phúc thẩm (nay là Phó Chánh án TAND cấp cao). Đồng chí Trần Quốc Việt (nguyên Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh) được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập cho đến nay. Cơ cấu tổ chức Tạp chí có Ban Thư ký và Ban trị sự . Trụ sở Tạp chí là một tòa nhà hai tầng, với diện tích hơn trăm mét vuông tại quận Hà Đông.
Là cơ quan tuyên truyền chuyên về nghiên cứu khoa học, lý luận pháp lý của TANDTC, Tạp chí TAND được Lãnh đạo xác định là đơn vị nghiên cứu khoa học chuyên môn, nghiệp vụ quan trọng, cần được củng cố, đầu tư về tổ chức, nhiệm vụ và kinh phí hoạt động. Năm 2016, đ/c Vũ Thúy Hòa, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí; đ/c Nguyễn Thị Hải Châu, Trưởng phòng Ban Thanh tra TANDTC; đ/c Nguyễn Thị Kim Loan, Vụ Pháp chế & Quản lý khoa học TANDTC, được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân; hai đ/c khác cũng được bổ nhiệm Trưởng, Phó phòng của Tạp chí.
Bước sang năm 2017, Tạp chí TAND đã có những thành tựu nổi bật, đáng ghi nhận. Trong suy nghĩ của cán bộ các cơ quan Pháp luật, cũng như của cộng tác viên và bạn đọc xa gần cả nước, Tạp chí TAND vẫn luôn được đánh giá là một Tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và có hàm lượng pháp lý cao, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, Phóng viên, Biên tập viên Tạp chí vừa lo biên tập, xuất bản Tạp chí, vừa vượt mọi khó khăn, đã cố gắng biên soạn, xuất bản cuốn sách “So sánh Bộ Luật Hình sự 1999 và Bộ Luật Hình sự 2015”, góp phần tuyên truyền, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán TAND các cấp trong toàn quốc.
Sự kiện đặc biệt vui mừng, đánh dấu bước tiến mới của Tạp chí Tòa án nhân dân, đó là sự ra đời của Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử. Ngày 06/10/2017 Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Lễ ra mắt Tạp chí TAND điện tử, phương thức truyền tải nhanh và thuận tiện trong thời đại công nghệ số hiện nay. Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử mới ra đời hơn hai tháng nay nhưng được bạn đọc trong và ngoài hệ thống Tòa án nhân dân đánh giá rất cao. Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử với tên miền tapchitoan.vn đã được Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ ISSN (viết tắt của “International Standard Serial Number”) là mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ, một mã số được công nhận trên phạm vi toàn thế giới nhằm xác định nhan đề của các xuất bản phẩm.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ Pháp luật, nghiệp vụ Báo chí của đội ngũ lãnh đạo Tạp chí TAND hiện nay so với thời kỳ trước là sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc. Ba đồng chí Phó Tổng Biên tập đều có học vị Thạc sĩ Luật, đều đã qua Lớp bồi dưỡng Quản lý Báo chí tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền, lại được bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý Báo chí trên mạng Internet. Các đồng chí phóng viên, Biên tập viên cũng đã hoàn thành trình độ cử nhân Luật, một số đồng chí là Thạc sĩ hoặc đang học cao học Luật.
Ôn lại thời xưa cũ, nhìn vào hiện tại để thấy rằng Tạp chí TAND hôm nay đã có những bước phát triển mới, hết sức thuận lợi về mọi mặt: Lãnh đạo TANDTC quan tâm; tổ chức bộ máy từng bước hoàn thiện; đội ngũ lãnh đạo và phóng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; cơ sở vật chất đảm bảo; phương thức truyền thông tiên tiến, hiện đại; nội dung rộng mở, phong phú, đa dạng; lực lượng cộng tác viên đông đảo; bạn đọc xa gần đón nhận, yêu thích…Phấn khởi, mừng vui nhưng cùng với đó, cũng còn những băn khoăn, lo toan về hành trình trước mặt. Làm sao để nâng cao chất lượng Tạp chí in và điện tử; rồi công tác phát hành, quảng cáo, củng cố cơ sở vật chất cho Tạp chí; làm sao để thu hút được bạn đọc truy cập Tạp chí điện tử, thu hút được được nhiều cộng tác viên tham gia viết bài cho Tạp chí?…. Nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với khí thế mới, quyết tâm mới, với những thế mạnh nhiều mặt hiện có, Tạp chí TAND nhất định sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, xứng đáng là một Tạp chí khoa học pháp lý có uy tín của hệ thống TAND và của đất nước./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận