Tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng viết bản án cho Thẩm phán

Ngày19/12/2019 tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng viết bản án cho Thẩm phán TAND trong khuôn khổ Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng đến năm 2020” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

Tham dự buổi tập huấn có ông Chu Trung Dũng, Phó Vụ trưởng VHTQT; ông Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh; lãnh đạo hơn 20 tỉnh Tòa án các tỉnh phía bắc, Bắc Trung bộ. Về phía JICA có ông Nagahashi Masanori, chuyên gia dài hạn Dự án JICA và các đại biểu tham dự tập huấn.

Tại buổi tập huấn TS Phạm Minh Tuyên trình bày về Kỹ năng viết bản án hình sự- từ thực tiễn hoạt động của Thẩm phán và một số kiến nghị; ông Hoàng Ngọc Thành, Chánh tòa kinh tế TAND thành phố Hà Nội trình bày Một số khó khăn vướng mắc trong việc soạn thảo bản án dân sự và kiến nghị; ông Nagahashi Masanori, chuyên gia dài hạn Dự án JICA trình bày Kinh nghiệm của Nhật Bản về kỹ năng viết bản án và thảo luận, bên cạnh đó còn có các ý kiến tham luận của các đại biểu về dự.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Đây là hoạt động rất có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hệ thống Tòa án nhân dân đang nỗ lực tiến hành cải cách, hoàn thiện hệ thống tư pháp và pháp luật, tăng cường áp dụng án lệ trong Tòa án nhân dân. Việc soạn thảo bản án là công việc thường xuyên của Thẩm phán. Bản án là sản phẩm thể hiện kết quả toàn bộ hoạt động tố tụng của Tòa án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi tuyên án. Thực tiễn cho thấy hiện nay việc viết bản án vẫn còn xảy ra nhiều sai sót. Các thông tin thể hiện trong bản án phải đảm bảo tính chính xác; các lập luận, két luận và các quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án phải cụ thể, chặt chẽ, lô-gic, có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp luật. Ngoài ra, từ ngày 1/7/2017, các bản án, quyêt định của TAND các câp theo quy định tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được công bố trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân.

Để bảo đảm chất lượng của bản án, trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng yêu cầu đối với bản án là đảm bảo về mặt hình thức, bố cục, nội dung và văn phong- mỗi bản án có đặc thù riêng do phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của từng loại vụ việc. Việc soạn thảo bản án, quyết định Tòa án đúng quy chuẩn là yêu cầu thiết thực, đòi hỏi Thẩm phán phải nắm vững những kỹ năng, yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn xảy ra tình trạng bản án viết ẩu, không thống nhất theo mẫu hướng dẫn, không phản ánh hết các hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án cũng như kết quả tranh tụng. Một số bản án còn sai sót về văn phong, chính tả, nhận định không sâu sắc, lập luận thiếu chặt chẽ, thậm chí có bản án giữa phần nhận định và phần quyết định còn mâu thuẫn với nhau.

Bên cạnh đó để triển khai thi hành các đạo luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, trong thời gian qua, TANDTC đã thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án. Đó là việc xây dựng Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự và Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính; Công văn số 155/TANDTC-PC về việc áp dụng thống nhất về thể thức và kỹ thuật trình bày các văn bản tố tụng. Năm 2017, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về kỹ năng viết bản án cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án trong phạm vi cả nước.

Qua khóa Tập huấn này là cơ hội các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ những thông tin và quán triệt những yêu cầu, trách nhiệm của Thẩm phán, cán bộ Tòa án trong việc soạn thảo bản án của Tòa án. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản trong việc soạn thảo bản án của Tòa án Nhật Bản. Các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ với chúng ta một số vấn đề cụ thể như cấu trúc bản án của Nhật Bản, cách thức sắp xếp các vấn đề tranh luận, cách viết lập luận pháp lý chặt chẽ, đây đủ, ngắn gọn và logic. Từ đó, các Thẩm phán có thể rút ra những kinh nghiệm quý báu giúp trau dồi kỹ năng viết bản án.

HÙNG DINH