Tập trung cao độ để cứu người, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc

Chiều và tối 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội và các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên.

Cảm thông và chia sẻ sâu sắc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân mất do bão lũ; gửi lời cảm thông và chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ.

Theo báo cáo của tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc cho thấy, do nước lũ dâng cao những ngày gần đây đã làm cho nhiều địa bàn trong tỉnh bị ngập sâu, diện rộng. Đến ngày 11/9 có 101 điểm bị nước ngập sâu bị cô lập. Đặc biệt thủy điện Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái (giáp ranh với huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), do lượng nước về hồ lớn hơn lượng nước xả ra, trong khi hồ đã chứa đầy nước đến an toàn để vận hành, vào thời điểm ngày 10/9/2024 đã rơi vào tình huống khẩn cấp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong chiều và đêm 10/9, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo UBND huyện Yên Sơn và 3 xã bị ảnh hưởng (Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Nhữ Khê) di dời khẩn cấp 692 hộ với 2.853 khẩu nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn trong trường hợp khi hồ thủy điện Thác Bà xảy ra sự cố.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước động viên lực lượng làm nhiệm vụ củng cố, khắc phục sự cố một số điểm xung yếu ở đê sông Lô (xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương) - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, những ngày vừa qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra. Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm đạt được 5 mục tiêu: Tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và hoạt động bình thường của đời sống xã hội; thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…

Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo tại những điểm nóng. Cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ, giúp dân sơ tán, khắc phục hậu quả, cứu trợ. Nhân dân cả nước triệu trái tim hướng về người dân vùng bão lũ với nhiều hành động thiết thực, rất xúc động. Qua đó đã giảm thiểu, khắc phục nhanh nhất, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời nhất, cao nhất đối với những thiệt hại.

Góp phần giảm thiểu thiệt hại

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống khắc phục hậu quả bão số 3 của Tỉnh ủy Tuyên Quang và lực lượng quân đội, công an phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả mưa bão, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại trên địa bàn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị rà soát, xác định ngay những điểm có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá, vỡ đê, ngập úng để di dời người dân đến nơi an toàn; thường xuyên phát hiện, cảnh báo người dân, bố trí lực lượng chốt chặn không để người dân đi lại, ở những nơi có nguy cơ cao; thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay những nguy cơ có thể xảy ra đối với hệ thống đê điều, hồ đập, cầu cống; có kế hoạch phân lũ trong trường hợp khẩn cấp để chủ động di dân.

Đối với những địa bàn bị ảnh hưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, triển khai nhanh nhất các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến tận tay người cần hỗ trợ; lực lượng vũ trang (quân đội, công an) là nòng cốt; sử dụng mọi nguồn lực, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ tìm kiếm người mất tích, người chết; đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, triển khai lực lượng, biện pháp khôi phục ngay các hoạt động bình thường của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh, vệ sinh môi trường, sửa chữa, khắc phục nhanh hệ thống giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, tuyệt đối không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; lưu ý phòng, chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay sớm để khôi phục sản xuất.

Thủ tướng đến thăm Làng Nủ, xã Phúc Khánh, Lào Cai

Tối 12/9, tại Trụ sở UBND huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ngay sau khi thị sát hiện trường vụ sạt lở làm gần 100 người chết và mất tích tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.

Theo các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do đợt mưa lũ, thiên tai hiện nay. Đây cũng là địa phương thiệt hại nhân mạng nặng nề nhất tới thời điểm hiện nay, với nhiều vụ sạt lở rất nghiêm trọng.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo

Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi), từ đêm 7 đến 11/9/2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng; lũ sông Hồng đêm 9/9 trên báo động 3 từ 3,47-4,19 m, vượt lũ lịch sử; gây ngập sâu trên diện rộng.

Theo báo cáo mới nhất của tỉnh, 6/9 địa bàn cấp huyện có người tử vong; đã có 98 người thiệt mạng, 81 người mất tích, 76 người bị thương.

Trong đó, vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đã khiến gần 100 người thiệt mạng và mất tích; vụ sạt lở tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà cũng vùi lấp hoàn toàn 8 ngôi nhà khiến 7 người thiệt mạng và 11 người bị thương, 11 người mất tích; vụ sập nhà điều hành thủy điện Đông Nam Á- Nậm Lúc tại xã Bản Cái, huyện Bắc Hà khiến 5 người mất tích…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết cuộc họp nhằm đánh giá lại đợt thiên tai vừa qua và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, huyện Bảo Yên nói riêng.

"Lịch sử Lào Cai chưa bao giờ có trận mưa lũ như lần này", Thủ tướng đánh giá. Điều này thể hiện qua phạm vi mưa lũ rộng, đối tượng nhiều, tính chất phức tạp, diễn ra rất nhanh chóng, đột ngột, kỹ năng, trang thiết bị ứng phó còn thiếu, yếu, phản ứng chưa kịp thời, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan.

Thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn, thăm hỏi sâu sắc nhất tới các gia đình có người thân bị thiệt mạng, mất tích; đồng thời hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lào Cai đã nỗ lực, quyết tâm, vận dụng hết khả năng, "gồng mình" ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương lực lượng quân đội, công an đã sẵn sàng, triển khai lực lượng từ sớm, từ xa, bám sát địa bàn, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ngoài thiệt hại về vật chất, Thủ tướng cho rằng tổn thương về tinh thần, tâm lý của một bộ phận người dân cũng rất nặng nề, cần được động viên, chia sẻ và có giải pháp.

Thủ tướng nhấn mạnh 4 mục tiêu: Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; nhanh chóng ổn định tình hình cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội; khôi phục sản xuất, kinh doanh cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân.

Về nhiệm vụ tổng quát, Thủ tướng yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện thật tốt các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để khắc phục hậu quả mưa lũ thật hiệu quả, tự tin, tự lực, tự cường, phấn đấu bằng mọi khả năng của mình, với tinh thần đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết.

Chỉ rõ 15 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với các địa phương nói chung và Lào Cai nói riêng, Thủ tướng yêu cầu trước hết cần tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, bị bệnh, lo hậu sự và chính sách cho người thiệt mạng.

Trao 30 tỷ đồng cho tỉnh Thái Nguyên

Chiều 12/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác Trung ương đã đến làm việc tại tỉnh Thái Nguyên trực tiếp nắm tình hình; hỗ trợ và chia sẻ với địa phương nhằm sớm khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Thị sát tình hình, thăm và động viên nhân dân xã Nga My - một trong những nơi là “rốn lũ” của huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) với mực nước lũ dâng cao trong những ngày qua, Chủ tịch Quốc hội biểu dương, động viên lực lượng đang thu dọn bùn đất, rửa dọn nhà cửa, làm vệ sinh môi trường đường phố; mong muốn các lực lượng huy động tổng lực về nhân lực, phương tiện, hỗ trợ người dân để cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường. Chủ tịch Quốc hội mong muốn bà con đoàn kết, “tương thân, tương ái”, cùng nhau chia sẻ khó khăn, chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn động viên người dân địa phương

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao 200 suất quà động viên các hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra của huyện Phú Bình.

Trước đó, phát biểu thăm hỏi và động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bão số 3 là cơn bão rất mạnh trong vòng hàng chục năm trở lại đây. Mặc dù lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng với sức gió rất mạnh, cơn bão đã gây ra sức tàn phá rất lớn và ngay sau bão là mưa lũ, gây ảnh hưởng nặng nề tới tính mạng, tài sản của người dân các tỉnh phía Bắc.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Thái Nguyên tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau khi nước rút, bảo đảm người dân sớm ổn định cuộc sống; nhanh chóng khắc phục thiệt hại bảo đảm cấp điện, kết nối thông tin liên lạc; khắc phục các đoạn đường sạt lở, sụt lún; kiểm tra lại hệ thống cầu đường trên địa bàn, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân; có cảnh báo vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ lụt...

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục sớm khắc phục các điểm trường ngập lụt, bảo đảm 100% các cháu ở các cấp học đều được đến trường, sớm ổn định việc dạy và học; quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên, hỗ trợ để các em sớm trở lại trường học.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp, ngành, chính quyền của tỉnh tổ chức ứng trực 24/24 giờ, nắm bắt tình hình để có biện pháp ứng phó kịp thời, không chủ quan, lơ là. Bên cạnh các nhiệm vụ được phân công, các cấp, các ngành, các lực lượng phải chủ động bám sát để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ; quán triệt sâu sắc quan điểm đặt tính mạng, an toàn về người lên cao nhất, tiếp tục duy trì công tác dự báo, truyền thông, cập nhật tình hình nhanh đến nhân dân; tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối lắng nghe chỉ đạo, thông báo của chính quyền địa phương; phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tham gia ủng hộ, khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn; phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Nhà nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao 30 tỷ đồng của Ban Cứu trợ Trung ương cho tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ xảy ra trên địa bàn.

BẢO THƯ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kiểm tra công tác củng cố, khắc phục sự cố một số điểm xung yếu ở đê sông Lô (xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương) - Ảnh: TTXVN