Thẩm quyền của Tòa án trong áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các tranh chấp dân sự về quyền tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực tế phát sinh nhiều bất cập, hạn chế.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản và thẩm quyền của Tòa án

Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) quy định trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời. Một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác [1].

Theo đó, pháp luật dân sự quy định chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản [2]. Quyền định đoạt của chủ sở hữu chỉ bị hạn chế trong trường hợp do pháp luật quy định.

Khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nếu tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án [3], thì căn cứ theo thẩm quyền của Tòa án các cấp và thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ để xác định thẩm quyền Tòa án giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, không phải lúc nào việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể cũng rõ ràng, dễ xác định, đặc biệt là thẩm quyền Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản.

Những bất cập trong việc xác định Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các tranh chấp dân sự về quyền tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực tế, phát sinh nhiều bất cập, hạn chế như sau:

Thứ nhất, nhiều Tòa án tại các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản là đất đai. Theo đó, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với bất động sản được xác định cụ thể “đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Tranh chấp liên quan đến bất động sản được hiểu là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dân sự hoặc giao dịch liên quan đến bất động sản như: mua bán, tặng cho, thừa kế, ủy quyền quản lý…

Tiêu chí xác định một tranh chấp liên quan đến bất động sản được xác định nếu các bên tranh chấp với nhau về việc phải giao đất, giao nhà đã bán, đã cho thuê hay trả nhà đã thuê; hoặc một trong các bên yêu cầu hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng mua bán,…

Một vụ việc cụ thể tại thành phố Cần Thơ, vào năm 2016 bà T. khởi kiện ông H. tại Tòa án nhân dân huyện A. (nơi ông H. thường trú) đề nghị hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Tòa án huyện A. từ chối thụ lý và chuyển hồ sơ về Tòa án huyện B. vì cho rằng đối tượng tranh chấp là bất động sản nằm ở huyện B. dẫn đến tranh chấp về thẩm quyền Tòa án giải quyết. Theo đó, Tòa án cấp có thẩm quyền quyết định thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án nơi có bất động sản. Cũng vào năm 2020, một trường hợp khác bà X. khởi kiện ông Y. yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, kèm theo đó nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền tài sản, Tòa án nơi ông Y. sinh sống và Tòa án nơi có bất động sản đều từ chối thụ lý đơn, theo đó Tòa án cấp có thẩm quyền lại quyết định nơi giải quyết là Tòa án nơi ông Y. thường trú. Như vậy, cùng một nội dung, mà Tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết chưa thống nhất.

Thứ hai, mặc dù Tòa án nhân dân tối cao đã có Chỉ thị số 03/2019/CT-CA đặt ra những yêu cầu cụ thể về việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, vẫn cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, như khi quy định “tại thời điểm nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án đã biết việc thụ lý vụ án là không đúng thẩm quyền nhưng vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (sau đó mới chuyển vụ án theo thẩm quyền) là vi phạm quy định của pháp luật” thì phải hướng dẫn hoặc quy định các biện pháp thay thế. Vì biện pháp khẩn cấp tạm thời với đặc tính là khẩn cấp, giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa các Tòa án sẽ khiến đương sự bị ảnh hưởng, vì thực tế nếu quy định không đúng thẩm quyền mà vẫn ra quyết định là vi phạm thì không Tòa án nào dám thụ lý vụ án trong trường hợp chưa xác định đúng thẩm quyền, điều này dẫn đến tính khẩn cấp và kịp thời không được áp dụng đúng.

Thứ ba, có trường hợp vụ tranh chấp đang bị Tòa án nhân dân cấp huyện đình chỉ vụ án, đương sự khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại đình chỉ vụ án là Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết khiếu nại đình chỉ, đương sự có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về cấm chuyển dịch quyền tài sản, thì vấn đề đặt ra là Tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của đương sự? Tòa án nhân dân huyện L. đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông A. với bị đơn là ông B. Trong thời gian vụ án đang bị Tòa án nhân dân huyện L. tạm đình chỉ giải quyết thì ông B. chuyển nhượng đất cho ông C., trong đó có một phần đất đang tranh chấp với ông A. Vì vậy, ông A. đã làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện L. áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: cấm ông B. chuyển nhượng phần đất tranh chấp cho ông C. Vấn đề đặt ra là Tòa án nhân dân huyện L. có được quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không? Thực tế có 02 ý kiến đối với vụ việc nêu trên, thứ nhất cho rằng, vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông A. và ông B. đang bị tạm đình chỉ giải quyết nên Tòa án không được quyền tiến hành bất kỳ hoạt động tố tụng nào khác ngoại trừ việc theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết.

Ý kiến thứ hai cho rằng, Tòa án nhân dân huyện L. có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của ông A. mặc dù vụ án đang tạm đình chỉ giải quyết. Vì theo quy định, trong thời gian Tòa án đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án chỉ không được tiến hành các hoạt động tố tụng “nhằm mục đích giải quyết vụ án”. Còn ở đây, việc Tòa án áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phải là đang giải quyết vụ án để xác định đất tranh chấp là của ông A. hay của ông B. mà là nhằm “bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án”. Đồng thời, khoản 4 Điều 215 BLTTDS cũng quy định rõ là trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án [4].

Thứ tư, có trường hợp Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản khi nguyên đơn chưa nộp đơn khởi kiện, Tòa án chưa thụ lý vụ án. Không những thế, hợp đồng đặt cọc mà phía nguyên đơn cung cấp cho Tòa án để làm căn cứ khởi kiện có dấu hiệu bị chỉnh sửa, giả mạo, khác với bản hợp đồng đặt cọc mà bị đơn đang giữ [5]. Theo đó, vấn đề là khi đương sự chưa nộp đơn khởi kiện thì Tòa án có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không khi mà Điều 111 BLTTDS không quy định về việc Tòa án được quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản khi đương sự chưa nộp đơn khởi kiện.

Một số giải pháp đặt ra

Một là, cần có văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề nói trên để Tòa án các cấp vận dụng đúng theo tinh thần của biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể hơn hoặc xây dựng phát triển thành án lệ cho cơ sở và điều kiện áp dụng đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền tài sản.

Hai là, cần có văn bản hướng dẫn xác định rõ thế nào là tranh chấp về bất động sản, tranh chấp có liên quan đến bất động sản để các Tòa án địa phương áp dụng thống nhất trong việc xác định cấp có thẩm quyền giải quyết.

Ba là, biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đặc biệt là bất động sản thường được áp dụng phổ biến trong các tranh chấp liên quan đến bất động sản, vì vậy cần thiết phải thường xuyên giám sát, thanh tra, chấn chỉnh những sai sót trong việc áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự để tránh xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Bốn là, thường xuyên tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, rút kinh nghiệm trong hệ thống các cơ quan tư pháp để bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật.

Theo lsvn.vn

TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án dân sự - Ảnh: Chu Dũng/ HNM

[1] Điều 121 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Điều 194 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[3] Xem thêm Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[4] https://vksndtc.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?Cat=10&ItemID=8079&Page=1 (truy cập ngày 17/11/2021).

[5] https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/hoi-am/phan-hoi-bai-viet-tand-quan-son-tra-cam-chuyen-dich-tai-san-trai-luat-da-huy-bo-bien-phap-khan-cap-tam-thoi-48886.html (truy cập ngày 17/11/2021).

NGỌC TÂM