Thanh Hóa: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở giặt rửa bao bì xi măng chậm được xử lý
Hàng chục cơ sở tái chế, giặt rửa bao bì xi măng tự phát trong các hộ gia đình, đang hằng ngày xả thải ra môi trường ở xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn. Có nhiều cơ sở còn tái chế cả hạt nhựa khi không đảm bảo các thủ tục về đất đai và môi trường.
Tại xã Thái Hòa có hàng chục cơ sở tái chế, giặt rửa bao bì xi măng đang hoạt động tấp nập. Người gom bao bì, tách và phân loại, sau đó đem vào máy để giặt. Qua quan sát của chúng tôi hầu hết các cơ sở ở đây trang thiết bị đều rất đơn sơ, công nhân làm việc không có bảo hộ lao động. Đặc biệt là nước qua quá trình sản xuất đang hàng ngày xả trực tiếp ra môi trường như một số cơ sở ở thôn Thái Yên.
Một người dân thôn Thái Yên cho biết: Cả xã có hàng chục cơ sở giặt rửa bao bì, nước thải sau khi giặt rửa vẫn đang thải trực tiếp ra sông suối, ao hồ. Nghiêm trọng hơn, trên diện tích đất của mỏ cromit còn có 3 cơ sở tái chế hạt nhựa, không chỉ nước thải còn mùi trong quá trình sản xuất.
Tình trạng các xưởng giặt rửa bao bì tại xã Thái Hòa gây ô nhiễm diễn ra từ nhiều năm qua
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tất Cầu - Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho hay: “UBND huyện cũng đã kiểm tra nhiều lần, phối hợp với Chi nhánh Điện lực huyện Triệu Sơn ra thông báo cắt điện nhiều lần, nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn chưa thực hiện. Cắt điện là biện pháp nhanh nhất để chấm dứt hoạt động của các cơ sở giặt rửa, tái chế bao bì trái phép. Tới đây xã sẽ quy hoạch thành làng nghề, nếu hộ nào không vào thì xã sẽ cắt điện dừng hoạt động. Việc xả thải ra môi trường xã cũng đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị phải làm đúng quy định để đảm bảo”.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Xuân – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn cho biết: Năm 2013 huyện đã xử phạt 2 cơ sở vì xả thải trực tiếp ra sông. Phòng cũng đã đưa ra kế hoạch thanh kiểm tra tại các cơ sở giặt rửa bao bì xi măng ở xã Thái Hòa vào kế hoạch của quý 2 năm 2015. Huyện cũng hướng dẫn xã làm tờ trình để quy hoạch làng nghề tập trung để có phương án xử lý nước thải đảm bảo khi thải ra môi trường. Nhưng cũng có nhiều cái khó vì xin quy hoạch làng nghề rất khó, mất thời gian trong khi các hộ gia đình đều tự phát sản xuất, nay làm mai nghỉ là chuyện thường. Xã Thái Hòa đã đăng ký hoàn thành tiêu chí nông thôn mới trong năm nay, thế nên bắt buộc xã phải đưa ra được phương án cho các cơ sở giặt rửa bao bì xi măng để đảm bảo tiêu chí môi trường.
Hiện nay trên địa bàn xã Thái Hòa có 31 cơ sở giặt rửa, tái chế bao bì xi măng, trong đó có 4 cơ sở tái chế hạt nhựa. Chỉ có 1 đơn vị là Công ty Bao bì Thái Yên được ngành chức năng cấp phép đủ điều kiện hoạt động. Có 3 cơ sở tái chế hạt nhựa nằm trên diện tích đất quy hoạch và mục đích khai thác khoáng sản; vì vậy không thể làm thủ tục thuê đất cũng như hồ sơ môi trường theo quy định.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc chi nhánh điện lực huyện Triệu Sơn cho hay: quan điểm ngành điện là có giấy phép kinh doanh, có đất thuê mượn thì ngành điện bán điện thôi, tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế xã hội. Còn vi phạm về môi trường thì có cảnh sát môi trường, còn huyện muốn chúng tôi cắt điện để giải quyết vấn đề môi trường thì rất khó cho chúng tôi. Các xưởng giặt rửa bao bì đang sản xuất lâu nay, còn đất hợp lệ hay không hợp lệ thì người ta chuyển đổi cho thuê, chuyển đổi sang sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế, quan điểm ngành điện chúng tôi rất là mở.
Ông Lê Văn Tuấn – Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn cho hay: Quan điểm của huyện là sai phạm thì phải xử lý, chúng tôi cũng yêu cầu bên Ủy ban xử lý, cũng chỉ đạo cắt điện mấy lần rồi. Bây giờ phát hiện sai thì chúng tôi sẽ kiểm tra, có ý kiến với điện lực vì nhiệm vụ chính trị của huyện. Không thể thấy sai mà hợp thức cái sai được.
Người dân địa phương đang mong mỏi UBND huyện Triệu Sơn có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở các cơ sở tái chế, giặt rửa bao bì xi măng ở xã Thái Hòa.
Nước thải từ việc giặt rửa bao bì của các hộ dân thôn Thái Yên chảy tran lan ra môi trường
Bài liên quan
-
Huyện Krông Búk, Đắk Lắk: Dự án điện gió đang vi phạm đất rừng, dân lo lắng ô nhiễm môi trường?
-
Kỷ luật một Phó Chủ tịch UBND huyện ở Thanh Hóa do tuyển sinh sai đối tượng
-
Sau sáp nhập, TP Thanh Hoá sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228 km2, dân số hơn 615 ngàn người
-
Xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá: Hô biến nhiều hecta đất lâm nghiệp thành nơi khai thác khoáng sản trái phép?
Kỳ 3: Sai phạm nối tiếp sai phạm tại sao không xử lý triệt để?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận