Thời điểm cuối cùng đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 so với BLTTDS 2004 được sửa đổi năm 2011, có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về quyền của bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố và quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập. Tuy nhiên về thời điểm cuối cùng đưa ra yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập còn có nhận thức khác nhau.

Mặc dù BLTTDS 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 nhưng đến nay vẫn tồn tại các quan điểm khác nhau về thời điểm cuối cùng bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa ra yêu cầu độc lập.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Thời điểm cuối cùng bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa ra yêu cầu độc lập đã được quy định trong BLTTHS 2015. Khoản 3 Điều 200 quy định: 3. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.” và  khoản 2 Điều 201 quy định: 2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

– Quan điển thứ hai cho rằng: Mặc dù khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 đã quy định như trên nhưng khoản 2 Điều 210 cũng quy định khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây: “a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết…”. Do đó, có thể xác định thời điểm cuối cùng bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa ra yêu cầu độc lập là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất và không đồng tình với quan điểm thứ hai bởi các lẽ sau:

(1) Với quy định tại các khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 như trên là đã rõ ràng, đó là thời điểm cuối cùng bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa ra yêu cầu độc lập là trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Thời hạn thực hiện quyền phản tố, yêu cầu độc lập của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được rút ngắn so với BLTTDS 2004. Quy định này nhằm giúp cho việc giải quyết của Tòa án hợp lý hơn và chủ động hơn, đồng thời khắc phục tình trạng Tòa án đã tiến hành hòa giải xong đối với vụ án thì bị đơn mới đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đưa ra yêu cầu độc lập của BLTTDS 2004. Khi đó, Tòa án lại phải tiến hành các thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ, sau đó mới tiến hành hòa giải riêng với yêu cầu phản tố của bị đơn và như vậy việc giải quyết vụ án sẽ bị kéo dài, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng và của các đương sự.

(2) Quy định tại khoản 2 Điều 210 là quy định về việc Thẩm phán hỏi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về yêu cầu và phạm vi, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập chứ không phải là hỏi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập hay không. Do đó, cách hiểu theo quan điểm thứ hai là không đúng với tinh thần quy định của Luật.

Như vậy, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Do đó, tại hoặc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thì không chấp nhận.

Yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, về bản chất, cũng là yêu cầu khởi kiện nên yêu cầu này có thể được khởi kiện bằng vụ án độc lập. Do đó, khi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thực hiện quyền yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của mình trong thời hạn luật định (trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải) thì họ có thể khởi kiện bằng vụ án khác. Trường hợp cần thiết phải giải quyết yêu cầu trong cùng vụ án thì Tòa án có thể tiến hành nhập vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 42 BLTTDS 2015.

Tuy nhiên, do còn có các quan điểm khác nhau như trên, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết các vụ án dân sự, vấn đề này cần sớm có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

NGA PHẠM