Thu thuế nhà đất từ 700 triệu đồng trở lên
KIM DUNG - Bộ Tài chính đã đề xuất Luật thuế Tài sản, khởi điểm từ nhà đất trị giá 700 triệu đồng trở lên, với mức thu 0,4%/năm. Đề xuất này thu hút sự quan tâm của xã hội.
Cần bổ sung thuế
Đại diện Vụ Chính sách Thuế cho hay: Hiện có 174 trong số 193 nước, vùng lãnh thổ thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở Châu Á là khoảng 2%.
Đại diện của Bộ Tài chính lý giải, ở Việt Nam hiện tại thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản chỉ chiếm 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết với đất. Do vậy, cần bổ sung thu thuế đối với nhà và các tài sản khác.
Về xác định ngưỡng không chịu thuế đối với nhà có 2 cách, là xác định ngưỡng không chịu thuế theo giá trị hoặc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích. Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế 700 triệu đồng hoặc ngưỡng không chịu thuế 1 tỷ đồng.
Còn về các phương án thuế suất, Bộ Tài chính cũng chủ động đưa ra cách: thuế suất thuế tài sản được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%.
Với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng (đánh với phần vượt quá 700 triệu).
Ngoài tài sản nhà ở, đất , công trình xây dựng trên đất sẽ chịu thuế tài sản, Bộ Tài chính cũng đưa ra thêm hai đối tượng để đề xuất đánh thuế là máy bay, ô tô, du thuyền. Đối với tàu bay, ô tô, du thuyền cũng có 2 phương án. Phương án 1 là đánh thuế tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng. Phương án hai là không đánh thuế các đối tượng trên.
Vấn đề cần cẩn trọng
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cảnh báo, đây là vấn đề cần cẩn trọng vì thực tế thu nhập của người dân vẫn chưa cao. Ngoài ra, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở lên có thể không chuẩn xác. Ông lấy ví dụ về việc một gia đình có 4 người có thể ở trong căn hộ 400 m2, tức là bình quân mỗi người có 100 m2. Thế nhưng, cũng gia đình 4 người nhưng theo ông chỉ có 60m2 đất. Vì cuộc sống, 60m2 này gia đình chia làm 2 nhà, một nhà 30 m2 để ở, còn lại 1 căn nhà cho thuê. Như thế, theo ông, nếu đánh thuế cao với người có 2 căn nhà trong trường hợp này là không công bằng. Bởi thế, TS Thịnh cho rằng cần xem xét diện tích tối thiểu để không đánh thuế.
TS Đinh Trọng Thịnh lo lắng về việc khó xác định đúng chủ sở hữu tài sản, nhiều trường hợp tài sản người này nhưng đứng tên người khác nhưng cơ quan chức năng khó xác định khi cơ sở dữ liệu không đầy đủ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cũng cho rằng thực tế, dữ liệu của Việt Nam về nhà, đất muốn quản lý tốt phải có sự liên thông giữa các cơ quan quản lý như Sở Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính… nhưng thực tế ở Việt Nam “ngay cả dữ liệu của sở cũng chưa tốt.” Theo bà Cúc, ở các nước khác, đây là vấn đề được quản lý rất rõ ràng, có bản đồ địa chính chỉ ra từng chủ sở hữu của căn hộ, một người có nhà tại những đâu. Thế nhưng với Việt Nam, theo bà có tình trạng nhà cho thuê ngay trung tâm nhưng vẫn để sót bao nhiêu năm.
Kiến nghị của Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc xem xét không thu thuế này đối với một số trường hợp như: nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn; trước mắt là không thu thuế này đối với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, không thu thuế này đối với các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với tp Hồ Chí Minh là dưới mức bình quân 10m2/người) nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77m2. HoREA cũng cho rằng trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất bậc thang tùy theo số lượng và giá trị tài sản.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội nêu vấn đề, việc xây dựng Luật thuế tài sản theo các chuyên gia có thể cần thiết nhưng điều đáng lo là cơ quan chức năng có thể xác định được tài sản của từng người hay không khi người Việt vẫn có thói quen dùng tiền mặt và cơ sở dữ liệu nhà, đất nghèo nàn, thiếu liên thông?
Làm sao định giá nhà cho phù hợp để tính thuế, là câu hỏi đặt ra. Bộ Tài chính cho rằng sẽ căn cứ vào việc cấp quyền sử dụng đất và quyển sở hữu nhà để xác định giá trị nhà. Với trường hợp chưa được cấp các loại giấy tờ này thì căn cứ vào thực tế đang sử dụng. Thực tế, Luật Thuế Tài sản này nếu ban hành sẽ có liên quan, tác động khá rộng rãi trong xã hội, đòi hỏi nội dung phải tiếp tục hoàn chỉnh. Có nhiều vấn đề người dân còn quan tâm Bộ Tài chính cần nghiên cứu, tính toán.
Với những gia đình có căn nhà lớn ở chung nhiều đời không bán thì tính toán thế nào, cách tính thuế theo khung giá UBND địa phương quy định hợp lý chưa? Luật này có góp phần điều tiết hạn chế được tình trạng đầu cơ đất đai không như một số nước áp dụng không, góp phần chống tham nhũng thông qua quản lý tài sản bất minh không…? Dư luận quan tâm đến việc đánh thuế tài sản không nên chỉ giải quyết vấn đề ngân sách hay thuận tiện cho cơ quan quản lý mà còn phải bảo đảm công bằng và thực hiện được các mục tiêu khác về điều tiết và quản lý tài sản trong xã hội.
Một nhà báo kỳ cựu cho rằng: Kinh tế thị trường dạy rằng, đánh thuế tài sản là đánh vào khoản tích lũy của người dân sau khi chịu mọi thứ thuế, khoản tích lũy này được thể hiện bằng tài sản. Phần lớn khoản tích lũy này phục vụ cho đầu tư phát triển, đó là đầu tư tư nhân. Đánh thuế tài sản thực chất là chuyển một phần đầu tư tư nhân thành đầu tư nhà nước. Kinh tế thị trường còn dạy rằng, đầu tư tư nhân bao giờ cũng có hiệu quả hơn đầu tư nhà nước. Do vậy, khoản thuế thu được nếu được dùng cho đầu tư phát triển (chưa kể đến việc dùng vào mục đích khác hoặc chi tiêu lãng phí) thì tác dụng phục vụ cho phát triển sẽ thấp hơn nhiều so với việc không đánh thuế… Đó cũng là lý do, khi chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường, các bậc “tiền hiền” của công cuộc đổi mới không nghĩ đến việc đánh thuế tài sản. Các vị chỉ học những gì làm cho thị trường thông suốt, không học những gì cản trở thị trường.
Với một sắc thuế tác động lớn đến người dân như vậy, chắc chắn sẽ còn nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý và người dân đóng góp để đề xuất của Bộ Tài chính khoa học, chặt chẽ nhưng cao nhất là công bằng, không gây thêm khó khăn cho người dân.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
Bình luận