Về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài trong BLTTDS 2015
Ngày 25-11-2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII đã thông qua BLTTDS 2015. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến những nội dung mới trong thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
I.Những nội dung mới trong thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện cam kết quốc tế về hoàn thiện thủ tục giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, BLTTDS 2015 đã có nhiều quy định về thủ tục giải quyết các yêu cầu, tranh chấp có yếu tố nước ngoài như sau:
Các quy định về giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm khắc phục những bất cập hiện nay về trình tự, thủ tục giải quyết đơn yêu cầu; về chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu; về thời hạn yêu cầu… Theo đó, bên cạnh việc có quyền nộp đơn yêu cầu yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, người có quyền, lợi ích liên quan còn có quyền nộp đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam và yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
Đồng thời, thời hiệu nộp đơn yêu cầu cũng có những sửa đổi cơ bản theo hướng thời hiệu yêu cầu được quy định dài hơn là 03 năm đối với yêu cầu không công nhận, yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài; Thời hiệu yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam là 06 tháng, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ tố tụng, năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Nhà nước nước ngoài.
Để kịp thời khắc phục tình trạng có sai sót trong các bản án, quyết định của Tòa án khi xem xét, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành hay không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài và phán quyết của Trọng tài nước ngoài, BLTTDS 2015 bổ sung quy định về việc cho phép xem lại các quyết định đó của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Sửa đổi quy định về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài theo hướng quy định đầy đủ, cụ thể hơn, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu hội nhập của đất nước, phù hợp với cam kết của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Thay đổi căn bản thủ tục thông báo, tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài nhằm đa dạng hóa các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu quả và rút ngắn thời gian của việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài. Theo đó bên cạnh phương thức tống đạt, thông báo truyền thống được quy định tại điều ước quốc tế và thông qua con đường ngoại giao trước đây, BLTTDS 2015 bổ sung thêm các phương thức tống đạt mới như: Tống đạt theo đường dịch vụ bưu chính, tống đạt qua văn phòng đại diện, chi nhánh của họ tại Việt Nam, trường hợp thực hiện các phương thức tống đạt không có kết quả thì Tòa án tiến hành niêm yết công khai và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Bổ sung quy định mới về việc người khởi kiện, người yêu cầu có quyền yêu cầu Tòa án đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của đương sự trong trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài thì có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, tuyên bố đương sự mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bổ sung quy định về thu thập chứng cứ ở nước ngoài.
Quy định mới, đặc thù về thủ tục thông báo về việc thụ lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa, thời hạn mở phiên tòa, phiên họp hòa giải đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài; về thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài; về xử lý kết quả tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài và kết quả yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập chứng cứ; về tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và xử lý kết quả tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cấp phúc thẩm cho đương sự ở nước ngoài; về xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài để Tòa án áp dụng trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
Trên tinh thần kế thừa các quy định của BLTTDS 2004, bảo đảm phù hợp với quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các Luật khác có liên quan, đặc biệt là Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, Luật Trọng tài thương mại, đồng thời khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 còn sửa đổi, bổ sung các nội dung sau đây: Thay thế thuật ngữ “quyết định của Trọng tài” bằng thuật ngữ “phán quyết của Trọng tài” để thống nhất với quy định của Luật Trọng tài thương mại. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài có thể ban hành rất nhiều quyết định. Các quyết định này có thể liên quan đến nội dung tranh chấp, có thể chỉ là các quyết định liên quan đến phần thủ tục; sửa đổi cụm từ “đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế” thành “là thành viên điều ước quốc tế” để thống nhất với quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
II.Quy định chung về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Chương XXXV)
1.Quy định cụ thể những bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam (Điều 423, Điều 431)
Thay vì định nghĩa bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trong BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 quy định cụ thể bản án, quyết định của Tòa án được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam, bao gồm: Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại; bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.
Bên cạnh đó, BLTTDS 2015 cũng bổ sung thêm Quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài (không phải là Tòa án) cũng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Quy định bổ sung này là phù hợp với thực tiễn vì hiện nay ở một số quốc gia trên thế giới, một số quan hệ nhân thân, hôn nhân và gia đình không do Tòa án giải quyết.
Đồng thời, nhằm bảo đảm sự tương thích, thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, BLTTDS 2015 cũng quy định bổ sung một cách cụ thể những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam (Điều 431), bao gồm: Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam.
2.Quy định cụ thể Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam (Điều 424) bao gồm:
BLTTDS 2015 cũng không định nghĩa phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà quy định cụ thể phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam gồm: (a) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài; (b) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này (nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài) trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;
BLTTDS 2015 quy định điều kiện phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phải là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành; quy định Trọng tài nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xác định theo quy định của Luật Trọng tài thương mại của Việt Nam.
3.Quy định cụ thể quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 425)
BLTTDS 2015 quy định quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, theo đó: Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.
So với BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 bổ sung thêm chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đó là: Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.
Đương sự, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
4.Quy định về bảo đảm quyền kháng cáo, kháng nghị (Điều 426) và bảo đảm hiệu lực quyết định của Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 427)
Đương sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp tỉnh, VKSND cấp cao có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài để yêu cầu Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao xét lại theo thủ tục phúc thẩm.
Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận thì không có hiệu lực pháp luật tại Việt Nam, trừ trường hợp đương nhiên được công nhận quy định tại Điều 431(Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam.)
Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như quyết định của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi quyết định của Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đó có hiệu lực pháp luật.
5.Quy định về việc gửi quyết định của Tòa án về công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 428)
Theo quy định này, Tòa án có trách nhiệm chuyển giao trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc thông qua Bộ Tư pháp quyết định của Tòa án cho người được thi hành, người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài hoặc người đại diện hợp pháp của họ, VKS cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Bộ luật này.
6.Quy định về việc bảo đảm quyền chuyển tiền, tài sản thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 429)
Nhà nước Việt Nam bảo đảm việc chuyển tiền, tài sản thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành từ Việt Nam ra nước ngoài. Việc chuyển tiền, tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
7.Quy định về Lệ phí, chi phí xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 430)
Nhằm bảo đảm sự tương thích giữa BLTTDS và Luật tương trợ tư pháp thì ngoài việc quy định người yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam, BLTTDS 2015 còn bổ sung thêm quy định mới về chi phí tống đạt ra nước ngoài. Theo đó, người yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài phải chịu chi phí tống đạt ra nước ngoài văn bản tố tụng của Tòa án Việt Nam liên quan đến yêu cầu của họ.
III. Thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Chương XXXVII)
1.Quy định cụ thể về thời hạn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 451)
Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được quy định là việc dân sự. Theo quy định tại Điều 364 BLTTDS 2004 thì không có quy định về thời hạn nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 159 của Bộ luật này, trong trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu. Vì vậy, dẫn đến tình trạng các Tòa án chưa có nhận thức thống nhất về việc có áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 159 của BLTTDS 2004 để xem xét về thời hạn nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài hay không? Nhằm tháo gỡ những vướng mắc này trong thực tiễn và nâng cao trách nhiệm của bên được thi hành, BLTTDS 2015 đã quy định cụ thể thời hạn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Theo đó, trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của BLTTDS trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết đó. Trường hợp người làm đơn chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn.
2.Quy định đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài và giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu (Điều 452 và Điều 453)
Theo quy định tại điều 364 BLTTDS 2004 thì đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phải được gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam. Quy định này đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho đương sự trong việc nộp đơn yêu cầu. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự, BLTTDS 2015 sửa đổi, bổ sung quy định mới, theo đó đương sự có thể lựa chọn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài thông qua Bộ Tư pháp hoặc gửi trực tiếp đến Tòa án Việt Nam có thẩm quyền.
Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phải có các nội dung chính sau đây:
– Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp tại Việt Nam của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;
– Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam;
– Yêu cầu của người được thi hành.
Trường hợp đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài thì phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Nhằm bảo đảm sự tương thích với Điều 4 Công ước New York 1958, BLTTDS 2015 cũng quy định giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu (Điều 453). Trong đó, quy định cụ thể gửi kèm theo đơn yêu cầu là giấy tờ, tài liệu quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định thì kèm theo đơn yêu cầu phải có giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực thỏa thuận trọng tài giữa các bên.
Trường hợp giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài thì phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.
3.Quy định việc chuyển hồ sơ cho Tòa án trong trường hợp người yêu cầu gửi đơn qua Bộ Tư pháp Việt Nam (Điều 454)
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn quy định thì Bộ Tư pháp phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền. Trường hợp Bộ Tư pháp đã chuyển hồ sơ cho Tòa án mà sau đó Bộ Tư pháp lại nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho biết đang xem xét hoặc đã hủy bỏ, đình chỉ thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài thì Bộ Tư pháp phải thông báo ngay bằng văn bản cho Tòa án biết.
4.Quy định về thụ lý hồ sơ (Điều 455)
Yêu cầu công nhận và cho thi hành Phán quyết của Trọng tài nước ngoài là việc dân sự. Vì vậy BLTTDS 2015 quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến hoặc nhận được đơn và giấy tờ, tài liệu kèm theo do người có đơn yêu cầu gửi đến, Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào các điều 363 (thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu), 364 (trả lại đơn yêu cầu) và 365 (thông báo thụ lý đơn yêu cầu) của Bộ luật để xem xét, thụ lý và thông báo bằng văn bản cho người được thi hành, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam, VKS cùng cấp và Bộ Tư pháp.
5.Quy định chuyển hồ sơ cho Tòa án khác, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền (Điều 456)
BLTTDS 2015 bổ sung quy định cụ thể việc chuyển hồ sơ cho Tòa án khác, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền. Theo đó, trường hợp sau khi thụ lý mà Tòa án xét thấy việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam thì Tòa án đã thụ lý ra quyết định chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên yêu cầu đó trong sổ thụ lý. Quyết định này phải được gửi ngay cho VKS cùng cấp và đương sự.
Đương sự có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị đối với quyết định này trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, kiến nghị, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Điều 41 BLTTDS 2015.
6.Quy định về chuẩn bị xét đơn yêu cầu (Điều 457)
Mặc dù là việc dân sự nhưng do có yếu tố nước ngoài nên BLTTDS 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu của loại việc dân sự có tính chất đặc thù này là 2 tháng.
Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý, tuỳ từng trường hợp mà Tòa án ra một trong các quyết định sau đây:
- a) Tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu;
- b) Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu;
- c) Mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định Tòa án có quyền yêu cầu giải thích những điểm chưa rõ trong đơn nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành BLTTDS 2004. Theo đó, trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án có quyền yêu cầu người được thi hành giải thích những điểm chưa rõ trong đơn. Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 02 tháng.
Tòa án phải mở phiên họp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Tòa án chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn 15 ngày trước ngày mở phiên họp (BLTTDS 2004 quy định 10 ngày); hết thời hạn này, VKS phải gửi trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
BLTTDS 2015 sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể căn cứ tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 457, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu khi có một trong các căn cứ: (1) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài đang được cơ quan có thẩm quyền của nước nơi Trọng tài ra phán quyết xem xét lại; (2) người phải thi hành là cá nhân chết hoặc người phải thi hành là cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; (3) người phải thi hành là cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật.
Nhằm khắc phục những bất cập của BLTTDS 2004 và để việc xét đơn yêu cầu được tiếp tục giải quyết trong thời gian ngắn nhất, BLTTDS 2015 quy định trong thời gian tạm đình chỉ, Thẩm phán được phân công giải quyết vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết đơn yêu cầu. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu, Thẩm phán có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục những lý do dẫn tới việc tạm đình chỉ trong thời gian ngắn nhất để kịp thời tiếp tục giải quyết đơn yêu cầu. Khi lý do tạm đình chỉ không còn thì Thẩm phán phải ra quyết định tiếp tục giải quyết đơn yêu cầu.
BLTTDS 2015 sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể căn cứ đình chỉ việc xét đơn yêu cầu. Theo quy định tại khoản 3 Điều 457, Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu khi có một trong các căn cứ sau: (1) Người được thi hành rút đơn yêu cầu hoặc người phải thi hành đã tự nguyện thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài; (2) Người phải thi hành là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó không được thừa kế; (3) Người phải thi hành là cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó đã được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam; (4) Người phải thi hành là cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó; (5) Tòa án không xác định được địa điểm nơi có tài sản tại Việt Nam của người phải thi hành theo yêu cầu của người được thi hành phán quyết trọng tài.
7.Quy định về phiên họp xét đơn yêu cầu (Điều 458)
Việc xét đơn yêu cầu được tiến hành tại phiên họp do Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba Thẩm phán thực hiện, trong đó một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
Nhằm tăng cường trách nhiệm đối với cơ quan Kiểm sát trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ kiểm sát, BLTTDS 2015 quy định Kiểm sát viên VKS cùng cấp phải tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chủ động giải quyết công việc của Tòa án, Bộ luật này cũng bổ sung quy định mới, đó là trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.
Phiên họp được tiến hành với sự có mặt của người được thi hành, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ, nếu một trong những người này vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên họp; Việc xét đơn yêu cầu vẫn được tiến hành nếu người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ yêu cầu Tòa án xét đơn vắng mặt họ hoặc người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.
Hội đồng xét đơn ra quyết định đình chỉ việc giải quyết đơn nếu người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt hoặc khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 457 BLTTDS 2015.
Khi xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành, Hội đồng không được xét xử lại tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài ra phán quyết. Tòa án chỉ được kiểm tra, đối chiếu phán quyết của Trọng tài nước ngoài, giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu với các quy định tại Chương XXXV và Chương XXXVII của BLTTDS 2015, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để làm cơ sở cho việc ra quyết định công nhận hoặc không công nhận phán quyết đó.
Sau khi xem xét đơn yêu cầu, giấy tờ, tài liệu kèm theo, nghe ý kiến của người được triệu tập, của Kiểm sát viên, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số. Hội đồng có quyền ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài hoặc quyết định không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài là việc dân sự. Do đó, việc phát biểu ý kiến của VKS tại phiên họp xét đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định chung đối với việc dân sự tại Điều 369, theo đó Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết việc dân sự và gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ việc dân sự ngay sau khi kết thúc phiên họp.
(Còn nữa)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận