Thủ tướng nói: “Phải tạo điều kiện cho thanh niên có môi trường phát triển tốt nhất”

Sáng 12/12, trong phiên làm việc thứ 4 của Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với đại diện ưu tú của thanh niên Việt Nam.

Buổi đối thoại của Thủ tướng với 1.000 đại biểu đại diện cho hơn 9,9 triệu hội viên thanh niên cả nước có chủ đề “Khát vọng thanh niên Việt Nam – vì Tổ quốc giàu mạnh và văn minh”. Đây là dịp để các đại biểu bày tỏ nguyện vọng, hiến kế và thể hiện quyết tâm của thanh niên Việt Nam cùng Chính phủ nỗ lực phấn đấu, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Mở đầu cuộc đối thoại, trả lời các câu hỏi đầu tiên từ thanh niên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, người ta thường nói thanh niên phải làm gì cho Tổ quốc chứ không phải Tổ quốc làm gì cho thanh niên. “Chúng tôi đến Đại hội để nói rằng các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp phải tạo điều kiện cho thanh niên có môi trường phát triển tốt nhất”, Thủ tướng lấy ví dụ về chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam, “chúng ta thắng được là do ý chí của đội bóng, của từng vận động viên, tài năng của huấn luyện viên. Đằng sau bóng đá là ý chí dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng của hàng triệu người Việt Nam đã hun đúc lên, tạo điều kiện tốt nhất cho đội bóng thành công”.

“Trung ngôn nghịch nhĩ” (nói thật mất lòng), Thủ tướng cho rằng, các câu hỏi của thanh niên “cẩn thận quá, có điều gì các bạn cần nói thì các bạn nói để tạo không khí cởi mở hơn, đừng khuôn mẫu quá, lo lắng quá”.

Trả lời cho câu hỏi đầu tiên của cuộc đối thoại, do Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên Ngô Thế Hoàn đặt ra về việc Chính phủ có những giải pháp nào để “tiếp sức” cho Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và hỗ trợ cho thanh niên, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các bộ, ngành điều kiện cho thanh niên như đề án về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai các văn bản này còn nhiều tồn tại, bất cập, trong thời gian đến, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, hai bên đều phải chủ động vì sự phát triển đổi mới của đất nước. “Thời đại hiện nay, yêu cầu về sự nhanh nhạy, kịp thời đặt ra rất lớn”. Thủ tướng đã chỉ đạo tổng kết Chiến lược thanh niên giai đoạn 2011 -2020 và xây dựng Chiến lược thanh niên giai đoạn 2021 – 2030. Sau khi Đại hội này kết thúc, Thủ tướng đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ để có đề án mới kịp thời hơn, tốt hơn, mang hàm lượng trí tuệ, khoa học, tạo điều kiện cho thanh niên phấn đấu, đóng góp xây dựng đất nước.

Thủ tướng và các vị lãnh đạo đối thoại với thanh niên – Ảnh VGP

Thủ tướng mong rằng, việc tiếp sức của cơ quan Nhà nước là cần thiết nhưng chúng ta phải tiếp tục xây dựng khát vọng, hoài bão, có quyết tâm để xây dựng đất nước. “Chính các bạn quyết định”, nội lực mang yếu tố quyết định còn ngoại lực thì “chúng tôi sẽ phối hợp với các bạn tốt nhất”.

Cho rằng nhiều thanh niên gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vươn lên trong cuộc sống, Thủ tướng nhắc lại hình ảnh các nữ cầu thủ đội bóng Việt Nam tại SEA Games 30 đã đá trên 100% sức lực của mình, “nhiều em mang thương tích, có em phải nhập viện”.

Trước hết là cố gắng của thanh niên, “Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn bên cạnh các bạn, tạo điều kiện cho các bạn tốt hơn để phấn đấu trong thời gian tới bằng đề án, chiến lược mới mà chúng tôi chuẩn bị, sắp ban hành”, Thủ tướng nói và mong muốn thanh niên đặt các câu hỏi “trái tai”, không chuẩn bị sẵn, như vậy mới thấm thía.

Chị Trần Thị Lệ Chi, đại biểu Đoàn TP.Đà Nẵng, đặt câu hỏi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề thay vì khởi nghiệp trực tiếp nhưng nhiều rủi ro thì cần phải khuyến khích khởi nghiệp gián tiếp để chuẩn bị cho các bạn trẻ kinh nghiệm, năng lực bản thân nhằm giảm thiểu rủi ro các dự án khởi nghiệp cũng như kinh tế đất nước.

Trong khi đó, anh Lý A Tàng, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), thì cho biết, ở khu vực nông thôn, khởi nghiệp sáng tạo rất ít mà chủ yếu là thanh niên lập nghiệp. Từ đó, anh Tài đề nghị Thủ tướng có thể xem xét nâng mức vốn cho vay với các mô hình lập nghiệp của thanh niên lên 100 – 200 triệu đồng để khuyến khích thanh niên khu vực nông thôn lập nghiệp.

Nhiều câu hỏi thẳng thắn được thanh niên gửi đến Thủ tướng – Ảnh VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khởi nghiệp rất quan trọng đối với thanh niên. Nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã rất thành công phát động thanh niên khởi nghiệp. Đây là vấn đề rất cần thiết ở một nước đang phát triển như ở ta. Thủ tướng khẳng định ông sẽ trả lời vấn đề này, tuy nhiên trước đó, ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, 5 năm qua, Bộ Khoa học – Công nghệ đã phối hợp rất tốt với T.Ư Đoàn trong việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, sinh viên. Ông Chu Ngọc Anh chia sẻ, anh em chúng tôi bây giờ được giao nhiệm vụ đứng đầu ngành, tin thần hiện nay ngoài dám làm, còn có thêm cái vế nữa là dám chịu trách nhiệm. Các bạn với khát vọng vươn lên, không chỉ dám chịu trách nhiệm với bản thân mà còn dám chịu thất bại.

Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay, xuất hiện khái niệm: Đô hộ số và đô hộ trên không gian số. bởi các dữ liệu người Việt bị các công ty nước ngoài thu thập và quản lý. Được biết, Bộ trưởng rất quan tâm ngăn chặn dòng thông tin, dữ liệu người Việt bị các công ty nước ngoài quản lý, với sự ra đời của mạng xã hội người Việt: Gapo, Lotus. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, thời gian tới có chính sách gì quyêt liệt hơn gia tăng bảo vệ thông tin người Việt, và tăng startup người Việt về công nghệ thông tin để Chính phủ, Nhà nước ứng dụng trong quản lý nhà nước?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Nói về chuyển đổi số thì tài sản, tài nguyên chính của chúng ta là dữ liệu, trong đó có cả dữ liệu cá nhân. Việc lạm dụng dữ liệu, đặc biệt dữ liệu cá nhân là mang tính toàn cầu. Lời giải đầu tiên là phải có một thể chế, quy định về dữ liệu cá nhân, lớn hơn là chiến lược quản trị dữ liệu nói chung và dữ liệu cá nhân. Cái này Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, sẽ là câu chuyện chính của năm 2020. Bây giờ xuất hiện các doanh nghiệp nền tảng, ví dụ như mạng xã hội, như các doanh nghiệp công nghệ, kiểu gì họ cũng thu thập dữ liệu, vì là tài sản để kinh doanh. Nếu các nền tảng người Việt đang sử dụng nhiều mà không có doanh nghiệp của người Việt Nam thì dữ liệu đều nằm ở nước ngoài. Vì thế phát triển doanh nghiệp nền tảng Việt Nam đề phòng rủi ro. Bây giờ, các doanh nghiệp, mạng xã hội nước ngoài ở Việt Nam có khoảng 90 triệu người sử dụng. Số lượng người dùng sử dụng mạng xã hội của Việt Nam có khoảng 50 triệu và đã tăng thêm 30% trong mấy năm vừa qua.

Mạng xã hội Việt Nam thì có mấy cái như Zalo, mấy mạng mới ra đời như Lotus, Gapo… có cách tiếp cận mới nhân văn hơn, chia sẻ hơn. Thường các mạng xã hội, ứng dụng có thời gian sống 15 – 20 năm thì lại có cách tiếp cận mới. Nếu duy trì được tăng trưởng 30%, thì đến năm 2020, mạng xã hội nước ngoài và trong nước có số người dùng ngang nhau, khá an toàn. Vậy, chính sách nhà nước thế nào. Thực ra thời gian qua là gần như bảo hộ ngược. Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động như ngoài vòng pháp luật, các mạng xã hội trong nước thì tuân thủ pháp luật. Đến năm 2020 thì gần như không còn chuyện này nữa, vì cùng phải tuân thủ một thể chế pháp luật. Thanh niên thì tìm cái mới, thích cái mới. Chúng tôi mong thanh niên ủng hộ nền tảng Việt Nam, mạng xã hội Việt Nam để dữ liệu ở lại Việt Nam, giảm thiểu rủi ro trong dài hạn.

Cũng trong phiên bế mạc sáng 12/12, Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2019-2024, sẽ ra mắt. Đại hội cũng sẽ thông qua nghị quyết chung của Đại hội khóa VIII lần này.

THÁI VŨ