Tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung để xác minh, điều tra
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1223/QĐ-TTg ngày 11/8/2020 tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Quyết định nêu rõ, tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.
Cùng ngày, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Chung sinh ngày 3/8/1967 tại Hải Dương.
Chuyên môn nghiệp vụ: Đại học Cảnh sát (chuyên ngành điều tra tội phạm); Đại học Thương mại (ngành Quản trị kinh doanh). Học vị: Tiến sĩ Luật.
Ông Chung từng nhiều năm làm công tác điều tra hình sự, lần lượt giữ các chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Phó giám đốc Công an TP, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội.
Năm 2004, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Ông Chung được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an Hà Nội tháng 9/2012 và phong hàm Thiếu tướng tháng 7/2013.
Tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa 16 nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông được bầu làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ngày 4/12/2015, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung được bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Hiện nay, dư luận đang quan tâm đến vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Đây là vụ án được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng xác định là nghiêm trọng, phức tạp, nên đã đưa vào diện theo dõi chỉ đạo. Theo kế hoạch, vụ án sẽ kết thúc điều tra trong quý III/2020.
Trong vụ án này, Nguyễn Hoàng Trung, lái xe của ông Chung; Nguyễn Anh Ngọc, Phó trưởng Phòng thư ký – Văn phòng UBND Hà Nội; Phạm Quang Dũng, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (Bộ Công an) bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, ra lệnh tạm giam để điều tra tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo Điều 337 BLHS 2015.
Theo Bộ Công an, các bị can “có hành vi chiếm đoạt tài liệu mật” trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường được khởi tố từ giữa năm 2019. Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường, nghi can cầm đầu đường dây nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn, giấu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, đã bị khởi tố về bốn tội: Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Huy được xác định đã trốn ra nước ngoài, bị truy nã quốc tế nhưng chưa có kết quả.
28 người đã bị khởi tố do liên quan vụ án này, trong đó có ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy; bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư…
Ông Nguyễn Đức Chung – Ảnh: Báo Thanhnien
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn không”?
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thừa Thiên – Huế: Buôn lậu gỗ, cựu cán bộ kiểm lâm lĩnh án tù
Bình luận