Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại 
Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện

Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết lại, đồng thời đánh giá dưới góc độ thực tiễn những vướng mắc gặp phải và kiến nghị hoàn thiện.

1.Đặt vấn đề

Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 372 BLDS năm 2015 thì nghĩa vụ dân sự chấm dứt trong trường hợp bên có nghĩa vụ là cá nhân chết, mà nghĩa vụ đó phải do chính cá nhân thực hiện. Tức là đối với loại nghĩa vụ này, thỏa thuận giữa hai bên chỉ phát sinh và có trách nhiệm với duy nhất một người thực hiện, nếu người đó chết mà nghĩa vụ đó chưa hoàn thành cũng sẽ bị chấm dứt nghĩa vụ vì không thể phát sinh ra người thứ hai thực hiện theo thỏa thuận từ trước.

Nếu không phải là những nghĩa vụ thuộc loại nghĩa vụ nói trên thì nghĩa vụ này không chấm dứt khi người có nghĩa vụ chết. Theo quy định của BLDS năm 2015 thì người thừa kế là người phát sinh nghĩa vụ và trách nhiệm với số tài sản do người chết để lại. Thời điểm để hưởng thừa kế và thực hiện nghĩa vụ đối với người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Đối với trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế được quy định cụ thể tại Điều 613 của BLDS năm 2015. Như vậy, thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được hiểu là việc của người được thừa hưởng tài sản do người chết để lại có trách nhiệm thực hiện đối với tài sản đó trong phạm vi của di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2.Quy định của pháp luật

Nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại thì người thừa kế phải có nghĩa vụ thực hiện bao gồm người thừa kế theo di chúc và người thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp có di chúc nhưng không hợp pháp thì người phải thực hiện nghĩa vụ không phải là người thừa kế theo di chúc mà là người thừa kế theo pháp luật[1]. Người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại nếu họ được hưởng di sản vì họ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ “trong phạm vi di sản”[2].

Vậy, trường hợp người chết không có di sản nhưng có nghĩa vụ và có người thừa kế thì người thừa kế có phải thừa kế nghĩa vụ hay không? Vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài sản sẽ không phát sinh vì họ không hưởng di sản và cũng không có di sản để thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại.

Điều 614 BLDS năm 2015 quy định về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế như sau: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”.

Điều 615 BLDS 2015 có quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:

- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 658 BLDS năm 2015, nghĩa vụ tài sản và thứ tự thanh toán như sau: (1) Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;  (2) Tiền cấp dưỡng còn thiếu; (3) Chi phí cho việc bảo quản di sản; (4) Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; (5) Tiền công lao động; (6) Tiền bồi thường thiệt hại; (7) Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; (8) Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân; (9) Tiền phạt; (10) Các chi phí khác.

Như vậy, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo quy định tại Điều 620 của BLDS 2015 thì người thừa kế không được quyền từ chối nhận di sản trong trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

3.Bất cập và hướng hoàn thiện

Theo quy định tại Điều 615 BLDS 2015 quy định “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại…”. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật không quy định rõ trường hợp đương sự không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh người có nghĩa vụ đã chết (trích lục khai tử hoặc giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn); tài liệu, chứng cứ chứng minh hàng thừa kế thứ nhất của người có nghĩa vụ (Tờ khai tông chi, giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc xác nhận hàng thừa kế thứ nhất); tài liệu, chứng cứ chứng minh di sản thừa kế của người chết để lại (xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn hoặc của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai về việc xác nhận thông tin quyền sử dụng đất của người chết) thì xử lý như thế nào.

Vấn đề này hiện nay tồn tại hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì không đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại Điều 192 BLTTDS năm 2015. Quan điểm thứ hai cho rằng, theo khoản 2 Điều 6 của BLTTDS 2015 có quy định: “Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ…”. Trường hợp đương sự không cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ, Thẩm phán được phân công giải quyết đơn khởi kiện không trả lại đơn khởi kiện của đương sự mà vẫn thụ lý với các tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp. Trong quá trình giải quyết vụ án nếu có các tài liệu, chứng cứ chứng minh điều kiện khởi kiện của người khởi kiện thì tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật; ngược lại Tòa án có quyền đình chỉ giải quyết vụ án theo định tại điểm g khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 nếu không đủ điều kiện khởi kiện.

Các tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ những thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người chết các cơ quan có thẩm quyền chỉ xác nhận hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ của Tòa án theo quy định tại Điều 38 của BLDS 2015.  Do đó, các giả kiến nghị TANDTC cần có văn bản hướng dẫn về việc thụ lý giải quyết tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, tránh tình trạng cứng nhắc trả lại đơn khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người thứ ba sau khi người có nghĩa tài sản với họ chết.

Pháp luật theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba khi người phải thực hiện nghĩa vụ với mình đã chết. Theo quy định tại khoản 2 Điều 615 BLDS 2015 quy định “Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. Tuy nhiên, nếu nhiều người được hưởng di sản thừa kế và di sản chưa được phân chia thì người thứ ba có được yêu cầu tất cả những người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ hay không, hay chỉ được yêu cầu người trực tiếp quản lý di sản thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp, những người thừa kế tự thỏa thuận với nhau, cử một người đại diện để thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại thì họ có phải thông báo cho người thứ ba là người có quyền biết để họ có thể thực hiện yêu cầu của mình hay không?

Vấn đề này hiện nay có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu xác định được người trực tiếp quản lý di sản thì cần buộc người này thực hiện nghĩa vụ tài sản của chết để lại với bên thứ ba. Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của các tác giả, trường hợp di sản chưa được phân chia thì phải buộc tất cả những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để đối với bên thứ ba.

BLDS năm 2015 chưa quy định rõ nhằm ràng buộc trách nhiệm của những chủ thể có nghĩa vụ tài sản do người chết để lại nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người thứ ba sau khi người để lại di sản chết. Theo quan điểm của các tác giả, để bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba, pháp luật dân sự nên theo hướng bổ sung quy định về xác định chủ thể thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại là những người thừa kế hưởng di sản, họ có nghĩa vụ thông báo cho người thứ ba biết. Trong trường hợp không thông báo, người có quyền được yêu cầu bất kỳ người thừa kế nào phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ với mình.

 

ThS. NGUYỄN BÍCH NHƯ, ThS. PHẠM HỒNG XUYÊN (TAND Tp Cà Mau, tỉnh Cà Mau)

[1] Đỗ Văn Đại (2016), Luật Thừa kế Việt Nam- Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam.

[2]  Khoản 1, Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.