Thực thi pháp luật bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất ở

Trong trường hợp bị thu hồi đất ở, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất trực tiếp bị xâm hại. Họ không chỉ mất quyền sử dụng đất ở mà còn buộc phải di chuyển chỗ ở. Đời sống của họ bị ảnh hưởng rất lớn. Để giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định đời sống thì Nhà nước phải thực hiện việc bồi thường. Hơn nữa, xét về phương diện lý luận, thiệt hại về lợi ích của người sử dụng đất là hậu quả phát sinh trực tiếp từ hành vi thu hồi đất của Nhà nước gây ra. Vì vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho họ.

1. Cơ sở lý luận của việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở

Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người sử dụng đất[1]. Đặc điểm của bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất bao giờ cũng gắn với một sự kiện pháp lý là Nhà nước ra quyết định thu hồi đất. Hiến pháp quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý[2]. Trên tinh thần đó, Luật Đất đai năm 2013 đã cụ thể hóa chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, trong đó đặc biệt là quy định về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai[3]. Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Vì vậy, khi Nhà nước thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì Nhà nước lấy lại đất đã giao thông qua việc thu hồi đất. Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai[4].

Trong trường hợp bị thu hồi đất ở, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất trực tiếp bị xâm hại. Họ không chỉ mất quyền sử dụng đất ở mà còn buộc phải di chuyển chỗ ở. Đời sống của họ bị ảnh hưởng rất lớn. Để giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định đời sống thì Nhà nước phải thực hiện việc bồi thường. Hơn nữa, xét về phương diện lý luận, thiệt hại về lợi ích của người sử dụng đất là hậu quả phát sinh trực tiếp từ hành vi thu hồi đất của Nhà nước gây ra. Vì vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho họ.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt[5]. Do đó, khi Nhà nước thu hồi đất ở của người sử dụng đất để sử dụng vào bất kể mục đích gì mà làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì Nhà nước phải có bổn phận và nghĩa vụ bồi thường.

2. Quy định của pháp luật bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở

Theo quy định của pháp luật có thể thấy là có nhiều lý do dẫn tới việc Nhà nước thu hồi đất. Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai”6. Các điều 61, 62, 64, 65 Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ những trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; do vi phạm pháp luật đất đai; do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Mặc dù vậy, để tránh việc lạm dụng chính sách thu hồi đất, Nhà nước cũng có quy định hạn chế đối với hoạt động này. Tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 74, Điều 88 Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối với trình tự, thủ tục bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định theo hướng tăng cường hơn sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong việc đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trách nhiệm đối thoại và giải trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người dân chưa có ý kiến đồng thuận. Theo đó:

Bước 1. Thông báo thu hồi đất[7]: Trước khi có quyết định thu hồi đất ở, chậm nhất là 180 ngày, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Thông báo thu hồi đất phải được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Bước 2. Thu hồi đất[8]: Sau khi nhận được Thông báo thu hồi đất, nếu người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ra quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất và thực hiện các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà không cần chờ hết thời hạn thông báo.

Bước 3. Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất[9]: Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người sử dụng đất không phối hợp thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Bước 4. Lập phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư[10]: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng tổ chức, cá nhân, hộ gia định bị thu hồi đất, trên cơ sở tổng hợp số liệu kiểm kê, xử lý các thông tin liên quan của từng trường hợp; áp giá tính giá trị bồi thường về đất, tài sản trên đất. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.

Bước 5. Niêm yết công khai phương án, lấy ý kiến của nhân dân[11]: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất. Hình thức lấy ý kiến là: Tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.

Bước 6. Phê duyệt phương án chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện[12]: Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi. Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt.

Bước 7. Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở[13]: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc bồi thường về đất được thực hiện như sau: Bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư; bồi thường bằng tiền. Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở; giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 thì việc bồi thường được thực hiện bằng phương thức: Bồi thường bằng tiền; bồi thường bằng đất.

Bước 8. Bàn giao mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất[14]: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng. Sau khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, người bị thu hồi đất phải bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Trường hợp người có đất bị thu hồi không bàn giao mặt bằng thì bị cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại Điều 70, Điều 71 Luật Đất đai năm 2013.

Trên thực tế, thu hồi đất là hoạt động khó khăn, phức tạp và dễ phát sinh tham nhũng, tranh chấp, khiếu kiện, bởi hoạt động này trực tiếp đụng chạm đến lợi ích của nhiều chủ thể khác nhau: Nhà nước, người bị thu hồi đất ở và người được hưởng lợi từ việc Nhà nước thu hồi đất. Trong nhiều trường hợp, người bị thu hồi đất ở không đồng thuận với việc thu hồi và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Một số tồn tại, vướng mắc từ thực tiễn thực thi pháp luật bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở

Một là, căn cứ thu hồi đất ở để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong rất nhiều trường hợp đã bị lạm dụng.

Chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai được tiếp tục khẳng định tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 53). Trên tinh thần đó, Luật Đất đai năm 2013 đã cụ thể hóa chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, trong đó đặc biệt là quy định về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai. Với tư cách là người đại diện cho toàn dân, Nhà nước có quyền thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất.

Tuy nhiên, khi những khái niệm lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng còn hết sức mập mờ như hiện nay, căn cứ thu hồi đất trong rất nhiều trường hợp đã bị lạm dụng nhất là các loại dự án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận15, bao gồm: “Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”.

Có thể thấy, nhiều dự án khó chứng minh được là “vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”. Chẳng hạn: “Dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn” theo Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh vào ngày 12/12/2014. Theo đó, Dự án bao gồm 05 khu chính đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 03 khu, giai đoạn 2 tập trung làm khu công viên và đô thị du lịch biển. Phần đất của 28 hộ dân bị thu hồi nằm trọn vẹn trong khu đô thị du lịch biển. Ở đây, Tập đoàn FLC sẽ xây các khu thương mại, nhà biệt thự, liền kề để bán. Việc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa viện dẫn điểm d khoản 3 Điều 62 để thu hồi đất của 28 hộ dân trên với lý do “phát triển kinh tế – xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng” khiến nhiều người băn khoăn[16]. Hay Dự án khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội cũng là loại dự án được ưu tiên đầu tư, Nhà nước đứng ra thu hồi, bồi thường về đất sau đó giao cho doanh nghiệp. Cho đến nay, doanh nghiệp chỉ ưu tiên xây dựng hạng mục công trình để kinh doanh, mang lợi ích cho riêng họ còn những công trình cho mục đích công cộng thì chưa thấy đâu[17].

Hai là, điều kiện bố trí tái định cư

Theo quy định về điều kiện bố trí tái định cư thì hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chổ ở do bị thu hồi hết đất ở, hoặc thu chưa hết đất nhưng diện tích còn lại (kể cả đất vườn có đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng sang đất ở) không đủ để làm nhà ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà không có chỗ ở, đất ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi thì được bố trí đất tái định cư. Đồng thời, quy định khi thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và tổ chức thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư[18].

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong công tác tái định cư, tình trạng thiếu nhà ở, đất ở tái định cư hoặc thiếu nguồn vốn dành cho việc xây dựng các khu tái định cư. Chất lượng các khu tái định cư chưa bảo đảm, đặc biệt đối với các nhà ở tái định cư là chung cư. Tỉ lệ lấp đầy các chung cư còn thấp, nhà xây xong không có người ở, xây thô không hoàn thiện hoặc đất chia lô để đấy, không triển khai xây dựng. Điển hình như các dự án dọc đại lộ Thăng Long, đường 32 (Hà Nội); khu Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Đông Hải Phòng…, rất nhiều trường hợp hộ gia đình khi chuyển về nơi tái định cư không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, trong khi chính quyền địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến đời sống của họ[19]… Đó là một trong những nguyên nhân gây cản trở trong công tác thu hồi, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện đất đai kéo dài làm phức tạp tình hình chính trị địa phương.

Ba là, về giá đất bồi thường khi thu hồi đất ở cho người bị thu hồi đất

Những vấn đề quan trọng có tính nguyên tắc liên quan đến xác định giá đất, đã được quy định khá cụ thể tại Luật Đất đai năm 2013[20] và các văn bản hướng dẫn thi hành[21]. Luật Đất đai năm 2013 đã đề cập đến việc tư vấn xác định giá đất khi xây dựng, điều chỉnh khung giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có yêu cầu; giá đất do tư vấn xác định là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định giá đất[22]. Đặc biệt, việc xác định giá đất được thực hiện theo nguyên tắc “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường”. Tuy nhiên, với quy định Nhà nước vừa là người ra quyết định thu hồi đất vừa quyết định giá đất tính bồi thường nên chưa bảo đảm tính độc lập, khách quan trong việc ban hành giá đất và khó mang lại quyền lợi tối đa cho người sử dụng đất.

Trong thực tế, khung giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành thường thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất chuyển nhượng trên thị trường. Do vậy, nếu áp dụng theo giá khung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì người bị thu hồi đất có thể được bồi thường thấp hơn giá mà họ chuyển nhượng trên thị trường dẫn đến nhiều trường hợp ách tắc về bồi thường đất đai và phát sinh khiếu kiện.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở

Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở, theo tác giả cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:
Thứ nhất, cần quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền thu hồi đất, mục đích thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo hướng kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực này. Đồng thời, có sự tham vấn ý kiến của các cơ quan chức năng, của người chịu ảnh hưởng trực tiếp về mục đích thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội xem có thực sự “vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” hay không trước khi quyết định thu hồi đất.

Thứ hai, chuẩn bị tốt phương án đền bù, trên cơ sở tính toán đầy đủ lợi ích của Nhà nước, người bị thu hồi đất và người được hưởng lợi từ việc Nhà nước thu hồi đất. Những người bị di dời phải được tham vấn rõ ràng và được tham gia vào các chương trình lập kế hoạch và thực hiện dự án. Đảm bảo cho những người bị thu hồi đất có thể khôi phục lại hoặc cải thiện mức sống so với trước khi bị thu hồi đất.

Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm của một số nước về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cho thấy, trường hợp người bị thu hồi đất không tán thành với phương án bồi thường thiệt hại do Nhà nước xác định, họ có quyền thuê một tổ chức định giá tư nhân để tiến hành định giá lại các chi phí thiệt hại. Nhà nước trả tiền thuê định giá lại. Việc xác định mức bồi thường được xác định là giá trị bất động sản do người bị thu hồi đất đầu tư, không phải là giá trị thực tế của bất động sản. Phần giá trị tăng thêm do sự đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước được bóc tách khỏi giá trị bồi thường. Điều này có nghĩa là, Nhà nước không bồi thường theo giá bất động sản hiện tại mà bồi thường theo giá thấp hơn do trừ đi phần giá trị bất động sản tăng thêm từ sự đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước[23]. Do vậy, theo tác giả, khoản 4 Điều 115 Luật Đất đai năm 2013 nên sửa đổi theo hướng “giá đất do tư vấn xác định là căn cứ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định giá đất”.

Thứ tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong quản lý đất đai và trong quá trình thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở.

Thứ năm, tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật đất đai nói chung, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng.

Theo TC Dân chủ – Pháp luật

Tài liệu tham khảo:
[1]. Khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013.
[2]. Điều 53 Hiến pháp năm 2013.
[3]. Xem Điều 4 Luật Đất đai năm 2013.
[4]. Khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013.
[5]. Xem Điều 105, Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
[6]. Khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013.
[7]. Xem khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai năm 2013.
[8]. Xem các khoản 2, 3, 4 Điều 67 Luật Đất đai năm 2013.
[9]. Xem khoản 1 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013.
[10]. Xem khoản 2 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013.
[11]. Xem điểm a khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013.
[12]. Xem khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013.
[13]. Xem Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.
[14]. Xem khoản 4 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013.
[15]. Xem điểm d khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013.
[16]. https://laodong.vn/xa-hoi/di-doi-nha-dan-danh-dat-cho-doanh-nghiep-lam-biet-thu-thanh-hoa-thu-hoi-dat-co-dung-luat-533421.bld, 26/3/2016.
[17]. http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/tinh-hoa-viet/de-bao-khong-noi-len-tu-dat-373891, 21/07/2017.
[18]. Xem Điều 85, Điều 86 Luật Đất đai năm 2013; Điều 26, Điều 27 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
[19]. Xem thêm: https://cafeland.vn/tin-tuc/quan-ly-nha-tai-dinh-cu-tai-ha-noi-can-sat-thuc-te-70105.html, 27/11/2017.
[20]. Xem Điều 112 Luật Đất đai năm 2013.
[21]. Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất; Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất; Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất; Thông tư số 20/2015/TT-BTNMT ngày 20/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật để lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ công tác định giá đất.
[22]. Điểm a khoản 1, khoản 4 Điều 115 Luật Đất đai năm 2013.
[23]. Nguyễn Quang Tuyến, Kinh nghiệm của một số nước về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, http://vnclp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/kinhnghiemqt/View_Detail.aspx?ItemID=115, 15/4/2013.

TS. CAO ĐÌNH LÀNH (Đại học Luật, Đại học Huế)