Thực tiễn công tác phát triển án lệ hiện nay và một số định hướng phát triển
Trong mấy năm qua, TANDTC đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ, tuy nhiên lượng án lệ được công bố chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới đây, TANDTC sẽ thực hiện một số giải pháp.
1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC
1.1. Về việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ
Ngay sau khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội thông qua, TANDTC đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ; hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện cần thiết cho công tác phát triển án lệ.
Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo đó, việc ban hành án lệ được tiến hành thông qua một quy trình hết sức chặt chẽ từ khâu rà soát, phát hiện, đề xuất án lệ đến khâu thẩm định, thông qua án lệ; đồng thời Nghị quyết này đã làm rõ khái niệm án lệ, các tiêu chí lựa chọn án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Ngày 30/5/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 04/2016/CT-CA về việc tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, năm 2018, TANDTC đã tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ, để đánh giá những kết quả đạt được cũng như nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong công tác này, từ đó đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển án lệ. Trên cơ sở kết quả sơ kết 3 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển án lệ, ngày 18/6/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thay thế cho Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP với nhiều nội dung đổi mới về quy trình lựa chọn, công bố, áp dụng án lệ cho phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn, trong đó phải kể đến việc bổ sung hướng dẫn về trình tự xem xét, thông qua án lệ theo thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, ngày 19/10/2016, Trang tin điện tử về án lệ của TANDTC đã được khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Trang tin điện tử về án lệ đã kịp thời đăng tải các tin tức, sự kiện liên quan đến án lệ; các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, các dự thảo án lệ; các án lệ đã được công bố; các nghiên cứu, đề xuất án lệ của các Thẩm phán, các chuyên gia, nhà khoa học…. Cho đến nay, đã có gần 1 triệu lượt truy cập vào Trang tin điện tử về án lệ của TANDTC.
1.2. Về công tác lựa chọn, công bố án lệ
Thực hiện quy trình lựa chọn, công bố án lệ, từ năm 2016 cho đến nay, TANDTC đã lựa chọn, công bố được 43 án lệ về các lĩnh vực hình sự (07 án lệ), dân sự (24 án lệ), kinh doanh thương mại (08 án lệ), hôn nhân và gia đình (01 án lệ), lao động (01 án lệ), hành chính (02 án lệ); trong đó có 05 án lệ được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua theo thủ tục rút gọn. Các án lệ được công bố đã phần nào đáp ứng được mong đợi của người dân đặc biệt là giới luật sư, nhà khoa học và những người làm công tác pháp luật. Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá cao về các án lệ được công bố, nội dung án lệ đã khắc phục được các khiếm khuyết của pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.
Trên cơ sở các án lệ được ban hành, TANDTC đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng được 03 cuốn sách “Án lệ và Bình luận - Quyển I”, “Án lệ và Bình luận - Quyển II” và “Án lệ và Bình luận - Quyển 3” với nội dung tập hợp các án lệ đã được ban hành và những bình luận của các Thẩm phán TANDTC, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn về nội dung của từng án lệ. Việc xuất bản các cuốn Án lệ và Bình luận đã góp phần tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng án lệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử của Tòa án; giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm tới hoạt động của Tòa án có thể dễ dàng tiếp cận với các án lệ đã được ban hành; tạo nguồn tham khảo cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
1.3. Về kết quả viện dẫn, áp dụng án lệ
Ngay sau khi án lệ được công bố, các Tòa án đã chủ động nghiên cứu để viện dẫn, áp dụng án lệ khi giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của mình; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau; qua đó bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tại các Tòa án. Theo số liệu thống kê đến ngày 30/9/2021, đã có gần 1200 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ. Đây là minh chứng cho thấy sau 5 năm triển khai thực hiện, án lệ đã thực sự đi vào đời sống pháp lý của đất nước, phát huy hiệu quả và được đón nhận tích cực; góp phần tạo bước ngoặt quan trọng trong cải cách tư pháp, trong thực hiện vai trò bảo vệ công lý, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân và trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
2. Một số định hướng về phát triển án lệ trong thời gian tới
Phát triển án lệ là nhiệm vụ mới của TANDTC theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các bộ luật, luật tố tụng năm 2015. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này được tiến hành trong bối cảnh chưa có thực tiễn để tham khảo mà chủ yếu dựa vào việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn hướng đi phù hợp nhất với tình hình thực tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành trước đó không nhằm mục đích để phát triển thành án lệ nên còn thiếu những lập luận, phân tích mang tính khái quát có giá trị áp dụng để giải quyết các vụ việc tương tự; cách thức viết bản án, quyết định còn có những bất cập, chưa phân tích, làm rõ những căn cứ pháp lý để Tòa án ra phán quyết; từ đó làm ảnh hưởng đến việc đề xuất, lựa chọn bản án, quyết định để phát triển thành án lệ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc số lượng án lệ được công bố trong thời gian qua chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới đây, TANDTC sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của Tòa án; bởi lẽ, chất lượng bản án tốt là yếu tố quan trọng hàng đầu để có được án lệ có chất lượng tốt. Theo đó, TANDTC sẽ tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng viết bản án, trong đó sẽ lồng ghép nội dung hướng dẫn về cách viết bản án, quyết định có chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng được tiêu chí lựa chọn án lệ, nhằm nâng cao chất lượng các án lệ được lựa chọn; hướng dẫn cách viện dẫn án lệ.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác đề xuất, lựa chọn và công bố án lệ để nâng cao số lượng và chất lượng các án lệ được ban hành; gắn việc lựa chọn và công bố án lệ với công tác tổng kết thực tiễn xét xử để từng bước hình thành hệ thống án lệ theo sát nhu cầu của đời sống xã hội, đời sống xây dựng pháp luật;
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, xây dựng các bình luận án lệ; khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Tòa án tham gia bình luận các án lệ đã được Chánh án TANDTC công bố;
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về án lệ trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như phát huy hiệu quả của Trang tin điện tử về án lệ; xây dựng Trang tin trở thành kênh thông tin quan trọng giới thiệu về án lệ Việt Nam, là diễn đàn trao đổi các kinh nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu về án lệ thu hút các chủ thể trong và ngoài hệ thống Tòa án cùng tham gia;
Thứ năm, đưa nội dung về đề xuất phát triển án lệ thành một nội dung thi đua trong toàn hệ thống Tòa án; kịp thời khen thưởng các Thẩm phán có bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ; khen thưởng xứng đáng đối với các tập thể, cá nhân trong và ngoài hệ thống Tòa án có nhiều đề xuất bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ.
Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để từng bước hoàn thiện chế định án lệ./.
Một phiên họp Hội đồng Thẩm phán TANDTC - Ảnh: PV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận