Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích thực tiễn giải quyết tranh chấp về giải quyết thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, dưới góc độ thực tiễn xét xử; từ đó đưa ra những phân tích, đánh giá và kiến nghị nhằm hoàn thiện vấn đề này.

Đặt vấn đề

Thực tiễn xét xử cho thấy, các tranh chấp liên quan đến thừa kế là một dạng tranh chấp diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội, dường như ở các Tòa án các cấp đều phát sinh các vụ án liên quan đến các tranh chấp này. Các tranh chấp liên quan đến thừa kế được giải quyết tại Tòa án thường rất đa dạng, trong đó có không ít các tranh chấp liên quan đến thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại hoặc quan hệ tranh chấp thực hiện nghĩa vụ người chết để lại song song với quan hệ tranh chấp về quyền thừa kế khác. BLDS năm 2015 đã quy định thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tại khoản 1 Điều 615 BLDS. Do đó, để nắm rõ các quy phạm của pháp luật, cũng như áp dụng quy định này vào thực tiễn xét xử các tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại là vấn đề hết sức cần thiết. Qua nghiên cứu quy định tại Điều 615 BLDS, có thể nhận thấy chủ thể là những người hưởng thừa kế phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản thay cho người chết và việc thực hiện nghĩa vụ này chỉ nằm trong phạm vi phần di sản do người chết để lại[1]. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy đường lối giải quyết đối với dạng tranh chấp này, các Tòa án vẫn còn lúng túng, cụ thể qua các ví dụ như sau:

1. Tòa án có cần định giá tài sản trong hợp đồng thế chấp để làm căn cứ  xác định phần nghĩa vụ tài sản của người chết để lại hay không?

Ông M khi còn sống có ký kết hợp đồng tín dụng đối với Ngân hàng N vay số tiền 700 triệu đồng, để bảo đảm cho khoản vay ông M ký hợp đồng thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 300m2 (do ông M đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) với Ngân hàng NTrong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng với Ngân hàng N thì ông M đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ theo hợp đồng, sau đó ông M chết.

Theo kết quả xác minh thì tại thời điểm ông M chết chỉ có tài sản duy nhất là diện tích 300m2 đã thế chấp cho Ngân hàng N (ông M không để di chúc, hàng thừa kế thứ nhất của ông M là các con gồm ông K, T, L). Sau đó, Ngân hàng khởi kiện K, T, L (con của ông M) để yêu cầu thanh toán khoản nợ gốc và lãi của ông M là 800 triệu đồng.

  Trong tình huống trên K, T, L phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thay cho M trong phạm vi giá trị của di sản là quyền sử dụng đất 300m2. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Tòa án có cần phải định giá tài sản đối với 300m2, để làm căn cứ xác định phần nghĩa vụ tài sản của người chết để lại tương ứng với giá trị di sản đã được định giá hay chỉ cần xác định việc thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản của người chết để lại? Và thời điểm nào thì định giá tài sản này? Thực tiễn xét xử đối với tình huống trên có một số quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong quá trình giải quyết vụ án nêu trên, Tòa án cần phải tiến hành thủ tục định giá tài sản, nhằm xác định cụ thể giá trị đối với di sản là 300m2 của ông M chết để lại, nhằm mục đích làm cơ sở buộc các con của ông M thực hiện nghĩa vụ tài sản của ông M đối với Ngân hàng trong phạm vi giá trị di sản mà ông M để lại.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Việc định giá nhằm xác định giá trị phần di sản là 300m2 của ông M trong trường hợp này là không cần thiết, vì đường lối xét xử chỉ cần tuyên tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp tài sản để đảm bảo cho việc thi hành án và Tòa án chỉ cần buộc các con của ông M là K, T, L có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cho Ngân hàng N số tiền lãi trong hạn và số tiền lãi quá hạn. Bởi lẽ như sau:

- Trường hợp nếu giá trị di sản của M là 300m2 được định giá tài sản là 750 triệu đồng tại thời điểm xét xử thì bản án sẽ buộc các con của ông M là K, T, L phải có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài sản ông M trả cho Ngân hàng N số tiền 750 triệu đồng (Bằng giá trị di sản do ông M để lại) và duy trì tài sản thế chấp để đảm bảo việc thi hành án cho Ngân hàng N. Tuy nhiên, khi giai đoạn thi hành án thì Cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục tiến hành đấu giá tài sản thế chấp 300m2 để thi hành án (Tại thời điểm này giả sử tài sản được bán đấu giá là 950 triệu đồng thì việc thi hành án cũng chỉ được thi hành cho Ngân hàng N số tiền 750 triệu đồng (Trong phạm vi xét xử tại bản án đã tuyên), đối với phần chênh lệch giá 200 triệu đồng sẽ là di sản thừa kế tiếp tục được chia theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc chênh lệnh giá đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của Ngân hàng N (Vì Ngân hàng N khởi kiện yêu cầu K, T, L phải thực hiện nghĩa vụ là 800 triệu nhưng theo bản án chỉ tuyên nghĩa vụ của K, T, L là 750 triệu đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng 50 triệu đồng).

- Trường hợp nếu tại thời điểm xét xử, Tòa án không tiến hành định giá di sản của ông M thì việc bản án chỉ cần buộc các con của ông M là K, T, L phải có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài sản ông M trả cho Ngân hàng N số tiền 800 triệu đồng. Đến giai đoạn thi hành án thì di sản 300m2 của ông M để lại được bán đấu giá bao nhiêu thì các con của ông M là K, T, L sẽ thực hiện nghĩa vụ tài sản của ông M trong phạm vi giá bán đấu giá tại giai đoạn thi hành án thì sẽ phù hợp. Bởi vì thời điểm thi hành án, cho dù giá bán đấu giá cao hay thấp thì cũng thực hiện trong phạm vi đó (Sẽ không bị hạn chế việc thi hành nghĩa vụ theo bản án).

Từ phân tích nêu trên, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai; bởi lẽ nếu hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà K, T, L không thực hiện thì Ngân hàng N được quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật, để thanh toán cho Ngân hàng N. Đồng thời, khi Cơ quan thi hành án thực hiện việc bán đấu giá tài sản thì giá trị tài sản bán đấu giá lúc này mới là cơ sở để xác định giá trị của tài sản thế chấp. Mặc khác, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) cũng quy định trong trường hợp xử lý tài sản thế chấp thì số tiền thu được từ việc bán tài sản thế chấp bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng N sau khi trừ án phí của bản án, chi phí cưỡng chế[2].

2. Tòa án tuyên buộc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại vượt quá phần di sản

Từ ngày 10/02/2019 đến ngày 30/5/2019, ông B cho ông S vay số tiền là 320 triệu đồng. Ngày 08/8/2019, ông S chết. Ông B cho rằng, ông S chết không để lại di chúc, ông S có để lại tài sản và đang do bà L, anh H (Vợ, con ông S) quản lý, sử dụng. Do đó, ông B khởi kiện yêu cầu bà L, anh H thực hiện nghĩa vụ về tài sản do ông S chết để lại, thanh toán trả cho ông B là 320 triệu đồng.

Đồng thời, Tòa án đã thực hiện việc xác minh làm rõ tài sản của ông S để lại là diện tích 400m2 đất ông S đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Do ông S được hưởng thừa kế của bố mẹ). Tòa án đã tiến hành thủ tục định giá tài sản, xác định diện tích 400m2 có giá trị là 150 triệu đồng; các công trình xây dựng trên đất (Tài sản chung của ông S với bà L) có giá trị 100 triệu đồng; chia đôi tài sản trên đất phần của ông S là 50 triệu đồng. Tổng cộng, giá trị di sản của ông S là 200 triệu đồng.

Hàng thừa kế thứ nhất của ông S gồm có bà L, anh H. Ông S chết không để lại di chúc. Tài sản là di sản của ông S diện tích 400m2 chưa được phân chia, hiện do bà L, anh H đang trực tiếp quản lý, sử dụng. Số tiền ông S nợ ông B là 320 triệu đồng là nhiều hơn giá trị di sản ông S để lại. 

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 615 BLDS quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì bà L, anh H là những người được hưởng di sản thừa kế của ông S có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do ông S để lại là 200 triệu đồng. Bà L, anh H phải có nghĩa vụ thanh toán trả cho ông B số tiền là 200 triệu đồng.

Tại phần nhận định của bản án, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định là bà L, anh H chỉ phải thanh toán trả tiền nợ của ông S trong phạm di sản do ông S để lại. Nhưng lại xử buộc bà L, anh H cùng có nghĩa vụ trả nợ cho ông B với số tiền là 320 triệu đồng và chỉ phải trả nợ trong phạm vi di sản do ông S để lại.

Không đồng tình với nội dung giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm đã kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, xử buộc bà L, anh H phải thực hiện nghĩa vụ do ông S để lại, thanh toán trả cho ông B số tiền là 200 triệu đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm buộc bà L, anh H phải thanh toán trả ông B 200 triệu đồng[3].

Từ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án nêu trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành định giá tài sản là di sản của ông S, cụ thể là diện tích 400m2 đất làm căn cứ xác định giá trị di sản để giải quyết vụ án là chưa phù hợp với bản chất vụ án, giá trị tài sản và thời điểm định giá tài sản, bởi lẽ như sau:

Một là, về mặt bản chất việc ông B cho ông S vay là tranh chấp hợp đồng vay tài sản, ông S thiếu ông B số tiền là 320 triệu đồng; chứ ông S không tiến hành giao dịch với ông B liên quan đến diện tích 400m2 đất mà ông S đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Do ông S được hưởng thừa kế của bố mẹ). Do đó, việc Tòa án tiến hành định giá đối với di sản diện tích 400m2 đất này, rồi làm cơ sở xác định nghĩa vụ là chưa phù hợp.

Hai là, tại thời điểm xét xử vụ án, Tòa án tiến hành định giá tài sản (Di sản ) 200 triệu đồng, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định nghĩa vụ tài sản mà ông S chết để lại là 200 triệu đồng và đồng thời Tòa án cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận 200 triệu đồng là chưa phù hợp và gây thiệt hại cho người cho vay tiền là ông B. Bởi lẽ, việc ông B cho ông S vay số tiền 320 triệu đồng là có thật, đã được các bên đưa ra các tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Tuy nhiên, có cần thiết phải tiến hành định giá và lấy giá trị để tuyên buộc bà L, anh H phải có nghĩa vụ trả cho ông B số tiền 200 triệu đồng hay không? Nếu định giá di sản là diện tích 400m2 đất và tuyên theo giá trị di sản sẽ xảy ra một số trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Nếu giá trị di sản mà Tòa án định giá cao hơn nghĩa vụ mà ông S phải trả cho ông B, chẳng hạn như định giá là 400 triệu đồng (Cao hơn 80 triệu đồng mà ông S thiếu nợ ông B). Trường hợp này, quyền lợi của ông B được đảm bảo, có nghĩa là thậm chí ở giai đoạn thi hành án bà L, ông H không trả cho ông B số tiền 320 triệu đồng thì Cơ quan thi hành án có quyền bán đấu giá di sản của ông S để thu hồi số tiền 320 triệu đồng trả cho ông B. Đối với phần chênh lệch giá 80 triệu đồng từ việc bán đấu giá sẽ là di sản thừa kế tiếp tục được chia theo quy định của pháp luật, sau khi trừ án phí của bản án, chi phí cưỡng chế[4]. Như vậy, việc chênh lệnh giá không làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của ông B.

Trường hợp 2: Nếu giá trị tài sản mà Tòa án định giá thấp hơn nghĩa vụ mà ông S phải trả cho ông B, chẳng hạn như định giá là 200 triệu đồng (Như nội dung vụ án nêu trên). Trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc bà L, ông H phải trả cho ông B số tiền 200 triệu đồng theo giá trị di sản đã được định giá trong quá trình giải quyết vụ án. Lúc này, quyền và lợi ích hợp pháp của ông B sẽ không được đảm bảo và bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, kể từ khi Tòa án định giá di sản làm căn cứ giải quyết vụ án đến khi thi hành án, sẽ có một khoảng thời gian dài. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp giá thị thị trường đất có xu hướng tăng và giả sử di sản được định giá có thể tăng gấp đôi lên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, do bản án đã tuyên bà L, ông H chỉ phải trả 200 triệu đồng, nên nghĩa vụ bà L, ông H chỉ phải trả 200 triệu đồng. Như vậy, trong tình huống này ông B là người bị thiệt hại 120 triệu đồng (Vì ông S nợ ông B số tiền 320 triệu đồng nhưng ông B chỉ nhận được số tiền 200 triệu đồng theo bản án đã tuyên).

Giả sử trong tình huống này mà ông B cho ông S vay số tiền lớn, chẳng hạn như 2 tỷ đồng. Tòa án định giá di sản của ông S là 200 triệu đồng và tuyên buộc bà L, anh H phải thực hiện nghĩa vụ do ông S chết để lại là 200 triệu đồng. Như vậy, quyền lợi của ông B bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, ngoài phân tích giá trị đất tăng lên trong quá trình thi hành án nêu trên, còn có trường hợp ông S được thừa kế một tài sản khác, hoặc có một khoản tiền tiết kiệm khác… mà cả ông B, bà L, anh H đều không biết được trong quá trình giải quyết vụ án. Trường hợp này nếu Tòa án chỉ tuyên buộc bà L, anh H phải thực hiện nghĩa vụ do ông S để lại thấp hơn số tiền mà ông B cho ông S vay thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của ông B.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy việc Tòa án tiến hành định giá đối với di sản mà ông S để lại, trong khi di sản này không liên quan đến số tiền ông B cho vay là không cần thiết. Thiết nghĩ, trong trường hợp này, Tòa án chỉ cần tuyên nghĩa vụ do ông S để lại là buộc bà L, anh H phải số tiền 320 triệu đồng và xác định di sản của ông S là thửa đất diện tích 400m2. Đáng lẽ ra, trong trường hợp này, nếu có cơ sở để xác định di sản của ông S chết để lại, Tòa án cần hướng dẫn cho ông B làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm theo quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” trong Bộ luật Tố tụng dân sự, để đảm bảo cho việc thi hành án sau này. Đồng thời, Tòa án cần tiến hành các thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ để xác định trên đất có người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác (Ngoài bà L, ông H hay không), mô tả hiện trạng, tài sản trên đất để đánh giá khách quan di sản mà ông S để lại trong bản án. Trong trường hợp ở giai đoạn thi hành án, trường hợp bà L, anh H không thực hiện nghĩa vụ thì Cơ quan thi hành án sẽ tiến hành bán đấu giá tài sản. Lúc này, giá trị tài sản sẽ đúng với thực tế hơn.

Kết luận

Từ những phân tích, đánh giá nêu trên có thể thấy được thực tế xét xử đối với các vụ án tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại còn quan điểm khác nhau về đường lối giải quyết xét xử chưa được thống nhất. Do đó, để bảo đảm đường lối giải quyết với dạng tranh chấp này, thiết nghĩ Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn đối với các vụ án tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại thì có cần phải tiến hành định giá phần di sản (tài sản) do người chết để lại, để xem xét phần nghĩa vụ về tài sản hay không.

 
 

BÙI AI GIÔN (TAND huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

3. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2022).

5. Nguyễn Thị Tuyết, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm do Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết yêu cầu thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại không đúng quy định của pháp luật, https://vksbacgiang.gov.vn/baiviet/70/10509.


[1] Điều 615, 658 BLDS 2015.

[2] Điều 47 Luật Thi hành án dân sự  năm 2008 (sửa đổi, bổ sung 2022) quy định về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án.

[3] Nguyễn Thị Tuyết, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm do Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết yêu cầu thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại không đúng quy định của pháp luật, https://vksbacgiang.gov.vn/baiviet/70/10509, truy cập ngày 06/01/2024.

[4] Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung 2022) quy định về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án.

VKSND huyện Bình Giang (Hải Dương) vừa phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm mở rộng đối với vụ án dân sự sơ thẩm tranh chấp chia di sản thừa kế - Ảnh: Ngọc Chi.