Thực tiễn thực hiện phương thức tống đạt văn bản tố tụng Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Trong phạm vi bài viết, người viết phân tích các quy định pháp luật, thực tiễn áp dụng quy định pháp luật trong thực hiện công tác tống đạt bằng phương thức “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” để nêu lên một số vấn đề còn chưa thống nhất trong cách hiểu, cách thực hiện phương thức tống đạt này.

Trong thực tiễn xét xử những năm gần đây, các vụ án dân sự có bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ được Tòa án thụ lý, giải quyết theo tinh thần của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có số lượng tăng nhanh. Nghị quyết quy định Tòa án phải tiếp tục giải quyết những vụ án này theo thủ tục chung, đây là một quy định mới mang tính chất tiến bộ nhằm bảo vệ quyền lợi của bên có quyền đối với bên vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự. Khi thụ lý, giải quyết những vụ án này, đa phần các Tòa án gặp không ít khó khăn trong công tác cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.

Phương thức “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” được quy định tại Điều 180 BLTTDS năm 2015 dần trở nên phổ biến, vì khi giải quyết những vụ án này các Tòa án nhận thấy các phương thức cấp, tống đạt, thông báo khác không có hiệu quả.

1.Về điều kiện áp dụng

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) quy định nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng là nghĩa vụ Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án [1]. Theo quy định, các chủ thể có nghĩa vụ phải áp dụng một trong các phương thức luật định để thực hiện việc giao, thông báo các văn bản tố tụng đến các chủ thể có quyền nhận văn bản tố tụng theo quy định. Tại Điều 173 BLTTDS quy định 05 phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, gồm: (1) Phương thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền; (2) Bằng phương tiện điện tử; (3) Niêm yết công khai; (4) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; (5) Phương thức khác theo quy định tại Chương XXXVIII của BLTTDS.

Trong thực tế khi giải quyết các vụ án dân sự không có yếu tố nước ngoài, các Tòa án thường áp dụng ba nhóm phương thức tống đạt phổ biến là: Phương thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền; Niêm yết công khai; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp những vụ án dân sự có bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ, nguyên đơn chỉ căn cứ vào địa chỉ được ghi nhận trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản để cung cấp địa chỉ của các đương sự này cho Tòa án. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cũng chỉ có thể căn cứ vào địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp để thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo (gọi vắn tắt là tống đạt) các văn bản tố tụng cho những đương sự này. Khi có đủ căn cứ xác định người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng (gọi vắn tắt là người được tống đạt) không còn cư trú, làm việc hay không còn trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp; nguyên đơn không thể cung cấp địa chỉ mới; và cũng không yêu cầu Tòa án thu thập địa chỉ mới, hay nguyên đơn có yêu cầu nhưng Tòa án không thu thập được địa chỉ mới của những người được tống đạt, thì hầu hết các Tòa án đều chọn phương thức “Niêm yết công khai” hoặc “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” làm phương thức tống đạt văn bản tố tụng cho các đương sự vắng mặt. Tuy nhiên, để xác định khi nào thực hiện tống đạt văn bản tố tụng theo phương thức “Niêm yết công khai”, khi nào áp dụng phương thức “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” còn là một vấn đề phức tạp.

Tại khoản 1, 2 Điều 180 BLTTDS, phương thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được áp dụng khi thuộc một trong ba trường hợp sau: (a) khi pháp luật có quy định; (b) khi có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được tống đạt; (c) có thể được thực hiện khi có yêu cầu của đương sự khác. Trường hợp (a) và (c) pháp luật đã quy định khá rõ ràng. Tuy nhiên, đối với trường hợp (b), quy định còn chung chung, có sự chồng lấn trong quy định về điều kiện áp dụng với phương thức “Niêm yết công khai”. Cụ thể, theo quy định tại khoản 5 Điều 177 [2], và khoản 2 Điều 178 BLTTDS [3], người tiến hành tống đạt áp dụng phương thức “Niêm yết công khai” khi phát sinh một trong hai trường hợp sau: (i) Khi người được tống đạt vắng mặt, không rõ thời điểm trở về, có nghĩa là người đó vẫn có khả năng trở về, chỉ là không rõ thời điểm trở về; (ii) Khi người được tống đạt vắng mặt, không rõ nơi cư trú mới, nghĩa là họ đã thay đổi nơi cư trú và khả năng quay lại địa chỉ cư trú này là thấp và có khi bằng không. Nghĩa là người được tống đạt trong trường hợp này không thể nhận được thông tin về văn bản tố tụng mà Tòa án niêm yết công khai tại địa chỉ cư trú cũ, đây lại là điều kiện (ii) để áp dụng phương thức tống đạt “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” theo quy định tại khoản 1 Điều 180 BLTTDS.

Theo quan điểm người viết, nên định lượng hóa quy định về điều kiện áp dụng phương thức tống đạt văn bản tố tụng “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng”. Cụ thể là khi người được tống đạt vắng mặt trong một khoản thời gian nhất định và không rõ nơi cư trú mới thì sẽ áp dụng phương thức tống đạt này. Khoản thời gian nhất định này có thể quy định bằng với khoản thời gian là điều kiện để yêu cầu thông báo tìm kiếm một người vắng mặt nơi cư trú theo quy định tại Điều 64 BLDS năm 2015 [4].

2.Về cách thức và thủ tục thực hiện

Khoản 3 Điều 180 BLTTDS [5], có quy định rõ về thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc áp dụng quy định này có những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất:

Về nội dung được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng là một văn bản dạng thông báo với nội dung: “Tòa án X có thụ lý, giải quyết vụ án dân sự Y, giữa các đương sự là nguyên đơn A với bị đơn B. Yêu cầu của nguyên đơn A (tóm tắt yêu cầu khởi kiện). Nay ông (bà) B đang ở đâu, liên hệ đến Tòa án X để giải quyết vụ án Y.” Trong thông báo còn nêu rõ từng thời điểm tiến hành các bước tố tụng đã được Thẩm phán hoạch định trước. Có một số trường hợp, chỉ ghi nội dung lời nhắn nêu trên mà không ghi nhận về thời điểm cụ thể tiến hành các bước tố tụng. Theo quan điểm này, sau khi thụ lý vụ án thuộc trường hợp phải áp dụng phương thức tống đạt “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” thì chỉ cần đăng nội dung tin nhắn như trên theo thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 180 BLTTDS, mà không cần thực hiện thông báo tất cả các văn bản tố tụng phát sinh khi giải quyết vụ án trên phương tiện thông tin đại chúng, như vậy sẽ hạn chế được chi phí đăng thông báo khi thực hiện phương thức tống đạt này.

Về thời gian để xác định việc tống đạt hợp lệ là một khoảng thời gian được Tòa án tiến hành tống đạt ấn định theo nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng thời gian này là 4 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên (áp dụng tương tự thời hạn thông báo tìm kiếm người bị tuyên bố mất tích theo quy định tại khoản 2 Điều 388 BLTTDS [6]); Quan điểm khác lại xác định thời hạn thực hiện phương thức tống đạt “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” hợp lệ là thời hạn chuẩn bị xét xử tương ứng với từng loại vụ án dân sự nói chung quy định tại khoản 1 Điều 203 BLTTDS [7]; Hoặc ấn định là 15 ngày kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên (áp dụng tương tự thủ tục niêm yết công khai).

Quan điểm thứ hai:

“Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” là một phương thức tống đạt văn bản tố tụng, phải thực hiện theo đúng quy định về chủ thể, đối tượng, trình tự… theo quy định của BLTTDS, như vậy mới đảm bảo tính hợp lệ của công tác tống đạt. Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLTTDS quy định: “Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của Bộ luật này thì được coi là hợp lệ”.

Theo quan điểm này, đối tượng của công tác tống đạt dù là thực hiện theo phương thức nào, kể cả phương thức “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” vẫn là các văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 171 BLTTDS [8]. Khi thụ lý, giải quyết một vụ án dân sự bất kỳ đều phát sinh nhiều văn bản tố tụng phải được tống đạt theo quy định. Việc nhận văn bản tố tụng là quyền của người được tống đạt và việc tống đạt là nghĩa vụ của cơ quan hay người tiến hành tố tụng. Cho nên, các chủ thể tiến hành tống đạt theo phương thức này phải đăng tải bản gốc văn bản tố tụng cần tống đạt trên phương tiện thông tin đại chúng theo thủ tục được quy định tại khoản 3 Điều 180 BLTTDS.

Và thủ tục tống đạt bằng phương thức “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” được xem là hợp lệ nếu đáp ứng đủ các thủ tục được quy định tại khoản 3 Điều 180 BLTTDS, nghĩa là mỗi văn bản tố tụng nếu đã thực hiện đăng tải theo đúng quy định này thì xem như đã được tống đạt hợp lệ cho người được tống đạt và việc tống đạt hợp lệ sẽ là căn cứ tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.

Người viết thống nhất với lập luận của quan điểm thứ hai. Vì cách thức thực hiện phương thức tống đạt này theo quan điểm thứ hai đảm bảo đúng quy định pháp luật về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được quy định tại chương X của BLTTDS (Từ Điều 170 đến Điều 181). Cách thực hiện này đảm bảo bản chất của công tác tống đạt là giao, thông báo văn bản tố tụng cho người được tống đạt, chứ không phải thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú hay thông báo tìm kiếm người bị tuyên bố mất tích mà đăng một nội dung tin nhắn. Và việc xác định phương thức tống đạt cần áp dụng là khác nhau cho từng lần tống đạt, từng văn bản tố tụng cũng như từng chủ thể nhận văn bản tại các thời điểm khác nhau trong quá trình giải quyết vụ án. Không thể chỉ áp đặt một phương thức tống đạt cho một chủ thể nhận văn bản tố tụng trong suốt thời gian tố tụng, cũng như không thể không thực hiện nghĩa vụ tống đạt các văn bản tố tụng phát sinh trong suốt quá trình giải quyết vụ án với lý do đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo cách thực hiện thứ nhất sau khi thụ lý vụ án; đảm bảo về đối tượng được cấp, tống đạt, thông báo phải là văn bản tố tụng được nêu trong quy định của Điều 171 BLTTDS, chứ không phải là nội dung tin nhắn được đăng tải; Và quan điểm thứ hai về cách thực hiện đảm bảo phù hợp với thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 180 BLTTDS. Cụ thể là về việc xác định tính hợp lệ của công tác tống đạt là khi hoàn thành các thủ tục tại khoản 3 Điều 180 BLTTDS chứ không cần phải xác định theo một thời hạn ấn định là 4 tháng hay 2 tháng.

3.Về chi phí thực hiện tống đạt

Việc xác định chi phí thực hiện tống đạt theo phương thức “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” (gọi vắn tắt là chi phí tống đạt) có phải là chi phí tố tụng khác hay không và nghĩa vụ nộp tạm ứng hay chịu chi phí này cũng có những quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Cho rằng đây không phải là chi phí tố tụng khác vì theo quy định tại Mục 2, Chương IX, Phần thứ nhất của BLTTDS không có liệt kê chi phí này là chi phí tố tụng khác. Và cho rằng tống đạt là nghĩa vụ của Tòa án như vậy Tòa án phải chịu chi phí này.

Quan điểm thứ 2: Cho rằng chi phí tống đạt là chi phí tố tụng khác, và xác định trong trường hợp Tòa án phải thực hiện tống đạt văn bản tố tụng theo phương thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng đương sự không có yêu cầu thực hiện thì Tòa án sẽ yêu cầu nguyên đơn phải tạm ứng chi phí dự tính để thực hiện tống đạt tất cả các văn bản tố tụng trong vụ án cụ thể từ khâu thụ lý cho đến khi phát hành bản án. Sau đó, chi phí phát sinh thực tế sẽ được xử lý trong quyết định, bản án giải quyết vụ án và nghĩa vụ chịu chi phí tống đạt thuộc về chủ thể tạo ra hoàn cảnh là điều kiện phải thực hiện tống đạt bằng phương thức này, đây là hậu quả pháp lý mà các đương sự phải gánh chịu vì họ là người cố ý vắng mặt, không cung cấp địa chỉ mới theo nghĩa vụ luật định của mình.

Người viết tống nhất quan điểm thứ hai, vì theo quy định của BLTTDS, trong mục các chi phí tố tụng khác không có liệt kê cụ thể chi phí tống đạt là chi phí tố tụng khác, nhưng về bản chất chi phí tố tụng khác được hiểu là chi phí hợp lý cần phải thanh toán cho bên thứ ba độc lập trong quan hệ tố tụng để nhận sản phẩm, dịch vụ từ bên thứ ba nhằm phục vụ cho quá trình tố tụng trong quan hệ tố tụng, chi phí tống đạt cũng có bản chất như vậy; Việc Tòa án thụ lý giải quyết vụ án dân sự là căn cứ theo yêu cầu của các bên đương sự, Tòa án chỉ nhân danh Nhà nước giải quyết các tranh chấp về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, cho nên nghĩa vụ chịu các chi phí tố tụng nói chung, chi phí tống đạt nói riêng phải thuộc về các đương sự; Mặt khác, trong mục chi phí tố tụng khác của BLTTDS có liệt kê chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, trong đó có thể bao gồm chi phí tống đạt ra nước ngoài. Tống đạt ra nước ngoài theo quy định tại Chương XXXVIII của BLTTDS cũng là một phương thức tống đạt được quy định tại Điều 170 BLTTDS; Và BLTTDS xác định chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là chi phí tố tụng khác, từ đó có thể hiểu tương tự chi phí tống đạt là chi phí tố tụng khác. Do xác định chi phí tống đạt là chi phí tố tụng khác nên nghĩa vụ nộp tạm ứng hay chịu chi phí tống đạt được thực hiện theo quy định của BLTTDS và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trên thực tế công tác cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng là một hành vi tố tụng căn bản, được thực hiện một cách thường xuyên trong quá trình giải quyết bất kỳ vụ án dân sự nào. Trong bối cảnh hiện nay, phương thức tống đạt “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” dần trở nên phổ biến. Kết quả của việc thực hiện phương thức tống đạt này không chỉ thông báo đến những người được tống đạt mà mọi người đều có thể tiếp cận với nội dung thông báo được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, cho nên Cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các phương thức tống đạt nói chung và phương thức “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” nói riêng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để tránh sự bất nhất trong cách hiểu, áp dụng pháp luật nhằm góp phần phát huy tính tích cực của quy định pháp luật cũng như tránh những nhận định thiếu tích cực từ những chủ thể có thể tiếp cận với nội dung thông báo được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng đối với cách áp dụng pháp luật của hệ thống Tòa án.

Trên đây là quan điểm cá nhân của người viết, mong sự đóng góp của các bạn đọc để góp phần hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người đang thực hiện công tác áp dụng pháp luật trong thực tế./.

 

TANDCC tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án dân sự – Ảnh: Lê Vân Anh 

[1]. Điều 170 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

[2]. “…Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật này. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án”.

 [3]. “Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng hoặc vắng mặt thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 177 của Bộ luật này”.

[4]. “Khi một người biệt tích 06 tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự …”.

[5]. “3. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp”.

[6]. “…Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên”.

[7]. “1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

  1. a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
  2. b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án”.

[8]. “Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt, thông báo

  1. Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự.
  2. Bản án, quyết định của Tòa án.
  3. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát; các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự.
  4. Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định”.

HÀ THỊ MỸ XUÂN (TAND huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp)