Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm trong đảm bảo chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm
Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích một số khía cạnh của thực trạng đảm bảo chấp hành pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm trên địa bàn tỉnh Hải Dương và từ đó đưa ra một số giải pháp cấp bách nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm đối với hoạt động này.
Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã trên thế giớiđồng thời là một mắt xích quan trọng trong việc trung chuyển, buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) xuyên biên giới, xuyên quốc gia (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2018). Nhu cầu sử dụng ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD tăng cao dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán trái phép ĐVHD Điều này dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài động vật rừng hoang dãquý hiếm, gây suy giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng.
Nhiều năm trở lại đây, việc bảo vệ ĐVHD đã được các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức của chính phủ, các tổ chức phi chính chủ và cộng đồng đặt mối quan tâm lớn để chung tay bảo vệ. Từ hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước có nhiều thay đổi tích cực cho đến nhận thức của cộng đồng và hoạt động triển khai thực hiện bảo vệ ĐVHD của các cơ quan quản lý Nhà nước đã đạt được hiệu quả rõ rệt.
Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới thực thi pháp luật bảo vệ động thực vật hoang dã (ASEAN-WEN). Việc tham gia vào mạng lưới này tạo điều kiện cho sự phối hợp có hiệu quả, xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chuyên môn giữa các quốc gia trong khu vực; phối hợp đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép xuyên quốc gia các loài ĐVHD. Gần đây nhất, ngày 21-22/3/2019, phái đoàn của Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tham dự cuộc họp cấp Bộ trưởng ASEAN về chống buôn bán động vật, thực vật hoang dã tổ chức tại Chiangmai – Thái Lan.
Đối với hoạt động phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép trong nước, mạng lưới thực thi pháp luật về động thực vật hoang dã Việt Nam (Viet Nam WEN) đã được thành lập , một cơ chế của Chính phủ Việt Nam bao gồm 13 cơ quan thực thi pháp luật là thành viên. Viet Nam WEN với nhiệm vụ chính là tăng cường các hoạt động hỗ trợ, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước với các nước trong khu vực và quốc tế nhằm mục đích đấu tranh, ngăn chặn các tội phạm săn bắn, buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép và các hoạt động trái pháp luật khác để bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã. . Trong mạng lưới Viet Nam WEN, kiểm lâm là một trong những lực lượng tuyến đầu nòng cốt trong công tác đấu tranh chống buôn bán trái phép ĐVHD.
Lực lượng Kiểm lâm thuộc cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học rừng. Với nhiệm vụ cụ thể là kiểm tra, xác minh, xác nhận nguồn gốc lâm sản; kiểm tra việc khai thác, vận chuyển, chế biến, mua bán, gây nuôi, trồng cấy các loài động vật rừng, thực vật rừng theo quy định của pháp luật.
1. Thực trạng đảm bảo chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD quý hiếm của cơ quan kiểm lâm
Trong những năm qua, lực lượng Kiểm lâm từ cấp trung ương đến các địa phương đã tích cực tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm đối với hoạt động buôn bán, săn bắt, nuôi cấy nhân tạo trái phép ĐVHD. Đã cứu hộ thành công và chuyển giao bảo tồn hàng nghìn cá thể động vật hoang dã như: khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, tê tê Java, rắn hổ mang chúa, rùa núi vàng… Tính từ 1/1/2018 – 31/5/2019, lực lượng kiểm lâm toàn quốc bắt giữ và xử lý 560 vụ vi phạm chế độ quản lý, bảo vệ động vật rừng. Trong đó, lập hồ sơ xử lý hình sự 41 vụ với vật chứng tịch thu 945 cá thể và 15.761,92 kg động vật rừng các loại. Lập hồ sơ xử lý hành chính 519 vụ; tịch thu 6.151 cá thể và 11.196,92 kg động vật rừng các loại. Tổng số tiền tịch phạt hành chính hơn 4,2 tỷ đồng (nguồn: Cục Kiểm lâm).
Bên cạnh đó, trong quá trình đảm bảo chấp hành pháp luật về bảo vệ ĐVHD, lực lượng kiểm lâm phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Chi cục Kiểm lâm Hải Dương tịch thu tang vật là ĐVHD (Ảnh Lê Khả Quyết )
1.1. Những khó khăn liên quan đến chức năng, quyền hạn, năng lực thực hiện đảm bảo chấp hành pháp luật của kiểm lâm
Do lợi nhuận lớn từ việc buôn bán động vật hoang dã mang lại nên các đối tượng hoạt động vô cùng tinh vi, manh động, sẵn sàng chống người thi hành công vụ để tẩu thoát khi bị phát hiện, tổ chức ngăn chặn, xử lý. Trên thực tế, trong một số vụ việc trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, khi cơ quan kiểm lâm nhận được nguồn tin báo, xây dựng và triển khai phương án chốt chặn để bắt giữ các đối tượng vận chuyển động vật hoang dã; một số đối tượng đã đâm thẳng vào các phương tiện của lực lượng chức năng để tẩu thoát, rất may những trường hợp này chỉ gây thiệt hại về phương tiện mà không có thiệt hại về người.
Các đối tượng thường sử dụng phương tiện: xe biển số giả, xe có thiết kế ngăn, đáy bí mật để cất giấu động vật hoang dã, xe không có giấy tờ, hết hạn sử dụng, xe nhập lậu để vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã. Khi bị bắt giữ, cơ quan chức năng không thể truy xuất được nguồn gốc phương tiện vi phạm. Phương thức vận chuyển hết sức tinh vi, có sự liên kết chặt chẽ để khớp kín hành vi vi phạm: dò đường, giám sát lại hoạt động của các cơ quan chức năng.
Mặt khác, lực lượng kiểm lâm hiện nay chưa được trang bị đầy đủ các loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và bị hạn chế về hành lang pháp lý trong việc sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ này trong khi thi hành nhiệm vụ. Do vậy, trong quá trình đảm bảo thực thi pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, lực lượng Kiểm lâm gặp phải nhiều nguy hiểm, khó chủ động ứng phó với các đối tượng luôn luôn sẵn sàng chống người thi hành công vụ để tẩu thoát.
Công chức kiểm lâm trực tiếp thi hành nhiệm vụ hầu hết tốt nghiệp các chuyên ngành về lâm nghiệp mà chưa qua các khóa đào tạo, huấn luyện bài bản về thực thi pháp luật; kiến thức, kỹ năng để nhận diện, phân loại định danh các loài ĐVHD bị buôn bán còn hạn chế; kỹ năng thu thập thông tin và điều tra còn yếu. Do vậy, trong quá trình đảm bảo thực thi pháp luật gặp khó khăn. Ví dụ: việc điều tra, xác minh, thu thập thông tin vụ việc chưa bài bản dẫn đến hồ sơ vụ việc bị thiếu, chưa khép kín; khả năng nhận diện, định danh các loài ĐVHD hạn chế dẫn đến việc bị động khi phát hiện vi phạm và xử lý bước đầu…
1.2. Những bất cập về hành lang pháp lý trong việc xử phạt hành chính liên quan đến ĐVHD
Hiện nay, quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ động vật hoang dã có hình thức phạt bằng tiền cao nhất lên đến 400 triệu đồng căn cứ theo Khoản 14 Điều 21 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ, cụ thể như sau:
“Điều 21. Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng
14. Phạt tiền từ 360.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có tang vật là động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng 02 cá thể lớp thú hoặc từ 05 đến 06 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 06 đến 09 cá thể động vật lớp khác.
Ngoài ra, trong Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ còn quy định hình thức phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, dụng cụ, công cụ, phương tiện vi phạm hành chính và tước các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề của đối tượng vi phạm được quy định cụ thể tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 của Nghị định này.”
Tuy nhiên, trong thực tế quá trình đảm bảo chấp hành pháp luật của lực lượng Kiểm lâm cho thấy, các vụ vận chuyển, buôn bán ĐVHD quý hiếm, nguy cấp đều do các đối tượng được thuê vận chuyển. Khi lực lượng chức năng bắt giữ tang vật, phương tiện vi phạm hầu hết không tìm ra chủ hàng, do vậy không thể áp dụng các hình thức xử phạt với các đối tượng cầm đầu buôn bán ĐVHD. Từ năm 2015 đến năm 2018, Chi cục kiểm lâm tỉnh đã bắt giữ, xử lý 08 vụ mua bán, vận chuyển ĐVHD trái pháp luật các loài Tê tê Ja va, rắn Hổ mang thường, rùa, cầy vòi hương; tuy nhiên, chỉ hai trong số các vụ mua bán, vận chuyển ĐVHD nói trên xác định và xử phạt được chủ hàng buôn bán đvhd là người tại địa phương; đối với 06 vụ vi phạm còn lại không thể tìm ra chủ hàng. Cụ thể hơn khi được ghi lời khai, đối tượng điều khiển phương tiện vận chuyển động vật hoang dã sẽ thường khai rằng tình cờ gặp một người không quen biết thuê chở hàng đến địa điểm thỏa thuận và cho số điện thoại để liên lạc với người nhận hàng khi đến nơi. Tuy nhiên, số điện thoại do lái xe cung cấp không liên lạc được cũng như không có thông tin gì về người thuê lái xe vận chuyển số động vật hoang dã nói trên. Mặc dù tình tiết lời khai của lái xe bất hợp lý nhưng ngay cả trong các vụ việc cơ quan Kiểm lâm phối hợp cùng cơ quan điều tra (Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, Cục Cảnh sát môi trường, …) cũng không thể khai thác được thông tin về nguồn gốc cũng như chủ số động vật hoang dã từ phía lái xe.
Đối với trường hợp tịch thu phương tiện vận chuyển động vật hoang dã quy định tại Khoản 20 Điều 22 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, chủ sở hữu phương tiện cũng có nhiều phương pháp để lách luật, tránh tình trạng xe bị tịch thu. Điển hình như việc: chủ phương tiện cùng lái xe thống nhất khai báo lái xe mượn phương tiện của chủ xe đi công việc cá nhân hoặc hai bên làm hợp đồng thuê xe cho công việc không liên quan đến việc vận chuyển động vật hoang dã nhằm mục đích thể hiện việc phương tiện bị lái xe sử dụng trái phép; chủ phương tiện không biết đến phương tiện của mình sẽ được sử dụng vào việc vận chuyển hoang dã trái pháp luật. Sau quá trình điều tra xác minh, phương tiện phải được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp và lái xe buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá phương tiện quy định tại Khoản 1 Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13.
Khi đó, lái xe sẽ là người chịu trách nhiệm toàn bộ cho vụ việc và bị xử phạt với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật đồng thời phải nộp số tiền tương đương giá trị phương tiện bị sử dụng trái phép. Tuy nhiên hầu hết các đối tượng lái xe vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật có khung xử phạt cao đều không nộp phạt theo quyết định. Đối với các trường hợp này, cơ quan Kiểm lâm cũng chỉ có thể tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính về địa phương nơi lái xe cư trú đồng thời yêu cầu địa phương hỗ trợ đốc thúc việc nộp phạt của lái xe. Tuy nhiên, trong tất cả các vụ vi phạm về ĐVHD trên địa bàn tỉnh đã xử lý đều không thu được kết quả từ việc tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Chính vì vậy, chế tài xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền chưa thực sự phát huy hiệu quả răn đe đối với hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD.
Năm 2018 cơ quan Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 01 vụ vận chuyển trái phép ĐVHD là Tê tê Java. Sau quá trình điều tra, xác minh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền 450.000.000đ; tịch thu toàn bộ số động vật hoang dã và 01 xe ô tô hiệu Toyota Camry. Sau đó, cơ quan kiểm lâm đã tống đạt quyết định xử phạt hành chính đối với đối tượng vận chuyển trái phép số ĐVHD nói trên về địa phương xong không thu được hồi đáp. Như vậy, đối tượng vi phạm không thi hành hình thức xử phạt hành chính bằng tiền của cơ quan kiểm lâm; số tiền thu nộp ngân sách của vụ vi phạm là 380 triệu đồng từ tiền bán tang vật, phương tiện vi phạm.
Trên thực tế, lợi nhuận thu được từ việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trót lọt rất lớn. Chính vì thế, việc một số vụ vi phạm trong đường dây tr ung chuyển bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, tịch thu tang vật, phương tiện không đủ sức răn đe các đối tượng buôn bán động vật hoang dã.
2. Giải pháp cấp bách nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm
Những giải pháp cụ thể, thiết thực cần được thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm trong việc đảm bảo chấp hành pháp luật liên quan đến việc bảo vệ ĐVHD, quý, hiếm.
2.1. Nhóm giải pháp về chính sách, pháp lý
Năm 2019, Luật Lâm nghiệp mới có hiệu lực, cùng với đó là một loạt các Nghị định, thông tư mới trong lĩnh vực lâm nghiệp ra đời được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý hiệu quả hơn cho công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Cụ thể, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đã cụ thể hóa rất chi tiết các quy định để thực thi CITES tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Mặc dù chế tài xử phạt vi phạm hành chính về buôn bán ĐVHD đã được quy định khá chi tiết, cụ thể xong vẫn chưa thể khắc phục được hết những kẽ hở để các đối tượng vi phạm lách luật. Do vậy cần tiếp tục nâng cao chất lượng quá trình xây dựng, ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung; có sự tham vấn liên ngành giữa các lực lượng thực thi pháp luật; các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ việc bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam để xây dựng, hoàn thiện các chế tài xử phạt chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Liên quan đến hiệu quả của công tác tống đạt quyết định xử phạt hành chính, pháp luật cần có quy định cụ thể để cơ quan chức năng có thể giám sát, đôn đốc việc tống đạt quyết định đến đối tượng vi phạm; có như vậy mới có khả năng thu được kết quả từ việc tống đạt quyết định xử phạt.
2.2. Nhóm giải pháp về chuyên môn, nghiệp vụ
Cần có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan kiểm lâm với các lực lượng chức năng như công an, hải quan, quản lý thị trường … và quần chúng nhân dân để nắm bắt thông tin về các hoạt động buôn bán, nuôi nhốt, khai thác trái phép ĐVHD và xây dựng kế hoạch liên ngành về tuần tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Nỗ lực điều tra, xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép. Xử lý nghiêm việc săn bắt thú rừng trái phép, thu hồi các loại súng, dụng cụ săn bắt, bẫy động vật hoang dã.
Cục kiểm lâm cần đề xuất, phối hợp với các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ về bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam để tổ chức các đợt tập huấn về các kiến thức pháp lý, kỹ năng phối hợp thực hiện; các biện pháp thu thập thông tin, điều tra, xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm; định danh loài và sản phẩm bị buôn bán trái phép rộng khắp theo từng vùng, sao cho đối tượng được tham gia là các công chức kiểm lâm trực tiếp thi hành việc quản lý, bảo vệ ĐVHD tại các địa phương. Điều này quyết định việc xây dựng lực lượng thực thi pháp luật đủ năng lực, trình độ và trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD. Phối hợp với Cục, phòng cảnh sát QLHC về TTXH của Bộ Công an và các tỉnh tổ chức huấn luyện về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho công chức kiểm lâm; trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; nâng cao bản lĩnh chiến đấu trong công tác đấu tranh chống lại tội phạm về ĐVHD.
Lực lượng kiểm lâm thường chỉ bắt giữ được các đối tượng được thuê mướn vận chuyển ĐVHD và xử lý trong khung xử phạt hành chính mà không tìm ra và xử lý được đối tượng là chủ đích thực của hoạt động buôn bán ĐVHD. Chính vì vậy, rất cần sự thúc đẩy hiệu quả phối hợp của mạng lưới thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD trong nước cho đến các tổ chức quốc tế nhằm thu thập thông tin, điều tra và xử lý toàn diện hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD.
Triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các quy định mới tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp tại các địa phương
Cơ quan kiểm lâm sở tại theo dõi, kiểm tra sát sao nguồn gốc; hoạt động chế biến sản phẩm ĐVHD tại từng địa phương. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng khác quản lý các nhà hàng, tụ điểm kinh doanh; xử lý việc quảng cáo và bán các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trái quy định.
2.3. Công tác tuyên truyền
Tích cực thực hiện tuyên truyền về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm trên đài phát thanh, truyền hình các địa phương trên cả nước nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tố giác tội phạm săn bắt, buôn bán ĐVHD; đặc biệt lực lượng công chức kiểm lâm địa bàn các xã cắm bản, bám dân cần tiếp cận để tuyên truyền giúp thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân sống trong rừng về việc bảo vệ các loài ĐVHD; sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động giúp người trẻ nhận thức và từ bỏ thói quen sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận