Tình hình xâm hại trẻ em tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp

Từ năm 2015 đến 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em với 7.767 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước và thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đông dân nhất cả nước thì tình hình xâm hại trẻ em tại hai thành phố này diễn biến phức tạp.

Nhằm triển khai kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, chiều 19/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu -Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn công tác số 01 đã nghe đại diện các cơ quan liên quan báo cáo về tình hình địa phương nơi đoàn đến giám sát, thống nhất chương trình, nội dung, phương pháp làm việc, phân công công việc.

Tham gia phiên họp còn có các thành viên Đoàn giám sát, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, TANDTC,VKSNDTC, Bộ Công an. Tại phiên họp, các thành viên Đoàn công tác số 01 của Đoàn giám sát đã nghe đại diện các cơ quan liên quan đến nội dung giám sát báo cáo một số vấn đề về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em tại Hà Nội và Hòa Bình; nghe báo cáo về một số vụ việc nổi cộm trong thời gian từ 2015 đến nay trên địa bàn Hà Nội và Hòa Bình; đồng thời nghe đại diện Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC báo cáo bổ sung các nội dung liên quan. Đoàn công tác cũng thảo luận về dự kiến phân công nhiệm vụ của từng thành viên trong Đoàn.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, BLĐ-TB-XH Vũ Kim Hoa

Báo cáo trước Đoàn công tác số 01 của Đoàn giám sát, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, BLĐ-TB-XH Vũ Kim Hoa cho biết, từ năm 2015 đến 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em với 7.767 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước và thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đông dân nhất cả nước thì tình hình xâm hại trẻ em tại hai thành phố này diễn biến phức tạp.

Về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em của Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Vũ Kim Hoa cho hay, từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 123 vụ xâm hại trẻ em với 125 em bị xâm hại. Tại Hà Nội, từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2019 có 365 vụ xâm hại trẻ em với 313 trẻ em bị xâm hại. Từ năm 2015 đến 2018 xâm hại trẻ em có xu hướng tăng.

Đại diện BLĐ-TB-XH cho biết, sau khi Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đặc biệt là Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức, kiến thức của người dân và trẻ em về phòng, chống xâm hại trẻ em đang dần được nâng cao. Số vụ việc được phát hiện, lên tiếng, số lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em có xu hướng tăng lên. Xâm hại trẻ em trở thành vấn đề bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương có sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em, từng bước củng cố niềm tin của người dân, đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Công tác hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em là nan nhân của xâm hại từng bước được tuân thủ chặt chẽ. Nhiều địa phương ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù phù hợp để giải quyết các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên nhiều quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện. Các quy định pháp lý về một quy trình tố tụng thâm thiện, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em từ điều tra, giám định pháp ý cho đến truy tố, xét xử, phục hồi, hòa nhập đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại chưa cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em mà bao che, tự tìm cách xử lý vụ việc.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao cách thức triển khai công việc của các Đoàn công tác của Đoàn giám sát đã chủ động tổ chức phiên họp nghe báo cáo, nắm tình hình trước khi xuống địa phương, cơ sở tiến hành giám sát, phân công công việc cụ thể đối với các thành viên. Đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị của tổ giúp việc, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan chủ động yêu cầu địa phương, cơ sở sở cung cấp thông tin ban đầu để Đoàn công tác có cơ sở giám sát.

Qua xem xét báo cáo bước đầu cho thấy cơ bản báo cáo phản ánh được tình hình tại địa phương và các vụ việc nổi cộm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng khi làm việc với địa phương, cơ sở cần đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề như đánh giá tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn tăng hay giảm, nguyên nhân, đánh giá hiệu quả của các chính sách của địa phương, tổ chức hoạt động của các ban ngành tại địa phương trong phòng, chống xâm hại trẻ em; đánh giá được đặc điểm kinh tế – xã hội, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến tình hình tội phạm, ảnh hưởng đến việc triển khai chính sách; những khó khăn vướng mắc nổi bật nhất, cản trở giải quyết các vụ việc ở địa phương… Đồng thời qua nghiên cứu tình hình, Đoàn giám sát nên đưa ra khuyến cáo với địa phương trong tăng cường phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là tăng biện pháp phòng ngừa.

KIM DUNG