Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính - Vấn đề đổi mới căn bản

Bài viết nêu ra sự bất cập của việc tổ chức Tòa án theo đơn vị hành chính và cơ sở pháp lý, sự cần thiết phải tổ chức hệ thống Tòa án theo cấp xét xử, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị góp phần vào việc xây dựng Tòa án xứng đáng là biểu tượng của công lý, niềm tin và lẽ phải.

Trong bất cứ kiểu nhà nước nào, Tòa án đều phải độc lập để thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ sự tối thượng của pháp luật[1]. Sự độc lập của Tòa án không chỉ đòi hỏi ở sự độc lập với các cơ quan nhà nước còn lại, mà còn độc lập với các cơ quan trong chính hệ thống Tòa án, độc lập với các bên tranh chấp và độc lập với áp lực công luận, công chúng và số đông. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải tổ chức lại hệ thống Tòa án theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.

 1. Thực trạng và yêu cầu đặt ra đối với việc tiếp tục hoàn thiện về tổ chức hệ thống Tòa án ở Việt Nam

Hiện nay, thẩm quyền xét xử của các Tòa án được tổ chức vừa theo lãnh thổ, vừa theo tính chất các vụ việc và thủ tục giải quyết, xét xử các vụ án. Theo quy định của pháp luật tố tụng, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, các Tòa án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp hoặc vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm như của Tòa án cấp cao. Điều này thể hiện không chính xác với tính chất hoạt động, vai trò, vị trí của Tòa án mỗi cấp quy định trong hệ thống Tòa án. Mặc dù, thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện ngày càng được mở rộng, nhưng các Tòa án cấp tỉnh vẫn phải giải quyết số lượng không nhỏ các vụ án theo thủ tục sơ thẩm mà lẽ ra các vụ án này phải được xét xử, giải quyết ở Tòa án cấp huyện với tư cách là Tòa án sơ thẩm trong hệ thống Tòa án.

Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức dàn đều ở mỗi cấp huyện đều có một Tòa án dẫn đến tình trạng dàn trải về biên chế, cơ sở vật chất, tạo sự thừa, thiếu cục bộ. Trong khi đó, xu thế mở rộng thẩm quyền, tăng thêm nhiệm vụ cho Tòa án cũng góp phần dẫn tới thực trạng số lượng vụ, việc Tòa án phải giải quyết hằng năm tăng trung bình 08%[2] và trong bối cảnh Tòa án cấp huyện tập trung giải quyết trên 80% số lượng vụ, việc theo thủ tục sơ thẩm. Từ đó, dẫn tới tình trạng nhiều Tòa án quá tải công việc, Thẩm phán phải giải quyết khối lượng lớn các vụ, việc, tạo áp lực rất lớn và thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ sai sót về nghiệp vụ, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn. Ngược lại, nhiều Tòa án có số lượng án phải giải quyết ít, thậm chí có những Tòa án chỉ có 04 vụ, việc/năm[3] nhưng vẫn phải tổ chức bộ máy với đầy đủ các chức danh, bộ phận như Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, văn phòng, kế toán, bảo vệ,… để bảo đảm hoạt động theo quy định của pháp luật tố tụng. Cùng với đó, những Tòa án có số lượng án ít sẽ không đủ điều kiện để tổ chức các Tòa chuyên trách, từ đó dẫn đến thiếu tính chuyên sâu theo các lĩnh vực chuyên môn và gây khó khăn trong việc đào tạo chuyên gia nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao.

Cùng với việc, nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, quy mô dân số, quy mô nền kinh tế tăng nhanh đã kéo theo sự gia tăng các tội phạm, tranh chấp và khiếu kiện, nhất là các tội phạm phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia và các tranh chấp mới. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số vào hệ thống Tòa án, nên vấn đề địa giới hành chính và không gian của tư pháp cũng sẽ có sự thay đổi so với trước đây.

Do vậy, việc tổ chức Tòa án theo địa giới hành chính như hiện nay không còn phù hợp so với khối lượng công việc, khối lượng vụ án hình sự và khối lượng tranh chấp các loại án mà Tòa án phải xét xử, cũng như quy mô, độ phức tạp, mức nghiêm trọng của các vụ án rất khác biệt giữa các địa bàn, dẫn đến hiệu quả xét xử không cao, án tồn đọng nhiều, nhất là hiện tượng vi phạm nguyên tắc độc lập của Tòa án, vì có sự can thiệp của cấp chính quyền và của các cấp ủy địa phương,…[4] Do đó, việc nghiên cứu mô hình Tòa án theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính như hiện nay là cần thiết.

2. Cơ sở pháp lý và các quan điểm về đổi mới tổ chức hệ thống Tòa án ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 1946 đã xác định cơ quan tư pháp gồm: Tòa án tối cao, các Tòa án phúc thẩm, các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Từ Hiến pháp năm 1959 đến Hiến pháp các năm 1980 và 1992, mô hình Tòa án không có nhiều thay đổi, các Tòa án cấp huyện không còn tổ chức như Hiến pháp năm 1946 mà theo nguyên tắc đơn vị hành chính lãnh thổ.

Kể từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001), Đảng ta đã đề ra chủ trương “sắp xếp lại hệ thống TAND, phân định hợp lý thẩm quyền và tổ chức các Tòa án theo cấp xét xử”. Tiếp đó, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Theo đó, Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ “tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện”. Qua tổng kết 05 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2011. Theo đó, các Tòa án sẽ tổ chức theo 04 cấp gồm: TAND sơ thẩm khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao và TAND tối cao. Đối với TAND sơ thẩm khu vực sẽ được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã xác định TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; TAND gồm TAND tối cao và các Tòa án khác do luật định[5]. Có thể nhận thấy, đây là quy định mở nhằm tạo cơ sở cho việc xem xét tổ chức mô hình Tòa án phù hợp, trong đó bao gồm khả năng chuyển đổi từ mô hình tổ chức Tòa án theo các đơn vị hành chính lãnh thổ sang mô hình Tòa án theo cấp xét xử, không trùng khớp và có tính độc lập với các đơn vị hành chính lãnh thổ nhằm nâng cao tính độc lập của các Tòa án với các cơ quan nhà nước ở địa phương. Những sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013 đã phản ánh sự nổ lực thúc đẩy sự độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, mô hình tổ chức Tòa án theo cấp xét xử chưa được ấn định trong Hiến pháp năm 2013 mà sẽ được cân nhắc quy định trong luật.

Tiếp đến, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 về tổng kết kết quả 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu “tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức TAND, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) theo cấp xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”. Theo đó, Tòa án được tổ chức theo 04 cấp như Kết luận số 79-KL/TW, nhưng đối với Tòa án cấp sơ thẩm và VKSND tương ứng, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng hai phương án: Một là, tổ chức theo khu vực như Kết luận số 79-KL/TW; Hai là, tổ chức Tòa án sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện. Qua tổng kết thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020, trong đó yêu cầu “tiếp tục quán triệt và thực hiện các quan điểm, định hướng cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị”. Đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng đã đề ra nhiệm vụ mang tính bao trùm đối với Tòa án, đó là “tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND”[6].

Có thể nhận thấy, cách tổ chức Tòa án sơ thẩm không phụ thuộc vào đơn vị hành chính đã tồn tại ở nước ta từ năm 1946 đến 1959. Tuy nhiên, từ năm 1960 đến nay các Tòa án cấp huyện không còn tổ chức như trước đây mà theo nguyên tắc đơn vị hành chính lãnh thổ. Mặc dù, đã có nhiều quan điểm, chủ trương được hình thành từ năm 2001 nhưng chưa thực hiện được, thậm chí đến nay còn có ý kiến trái chiều.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần tổ chức Tòa án theo đơn vị hành chính lãnh thổ nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước và mối quan hệ hữu cơ với các cơ quan pháp luật khác. Theo đó, TAND cấp huyện là cấp xét xử sơ thẩm thấp nhất sẽ có ở tất cả đơn vị cấp huyện. Dần dần sẽ tăng thẩm quyền cho các Tòa án này để đủ năng lực, điều kiện xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án. Lúc đó, sẽ hình thành nên hệ thống Tòa án theo cấp xét xử: TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm; TAND cấp tỉnh xét xử phúc thẩm và TAND cấp huyện chỉ xét xử sơ thẩm.[7]

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần tổ chức Tòa án theo cấp xét xử gồm TAND tối cao, TAND phúc thẩm (lãnh thổ một hoặc nhiều tỉnh) và TAND sơ thẩm (quận, huyện hoặc liên quận, huyện). Cách tổ chức này sẽ đổi mới quan hệ các cơ quan nhà nước khác với Tòa án và điều quan trọng là phân bố hợp lý số lượng các vụ án xét xử để đỡ lãng phí và quan trọng hơn là đảm bảo cho các Tòa án độc lập trong xét xử. Tuy nhiên, theo phương án này cần tổ chức hai loại Tòa án sơ thẩm: TAND xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp và TAND xét xử các vụ án ít nghiêm trọng, đơn giản, rõ ràng. Tức là, tổ chức lại hệ thống Tòa án sơ thẩm 02 cấp, gồm: Cấp thấp nhất ở từng đơn vị cấp huyện hoặc liên huyện; hoặc mỗi quận, huyện có nhiều Tòa án; cấp cao hơn có thể ở từng tỉnh hoặc mỗi tỉnh có một số Tòa án.[8]

Quan điểm thứ ba cho rằng, cần thành lập các Tòa án dưới cấp huyện để giải quyết (xét xử) các vụ án dân sự, kinh tế không phức tạp, các vụ án hôn nhân và gia đình, các tranh chấp phát sinh trong nội bộ dân cư, các vụ án hình sự mà Bộ luật Hình sự quy định dưới 02 năm tù và các hình phạt khác nhẹ hơn, các vi phạm hành chính nhỏ. Cấp phúc thẩm của các Tòa án này là TAND cấp huyện.[9]

Quan điểm thứ tư cho rằng, về lâu dài Tòa án vẫn được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính như hiện nay. Tòa án vẫn sẽ bao gồm: TAND tối cao, các TAND cấp cao, các TAND cấp tỉnh và các TAND cấp sơ thẩm. Theo đó, TAND tối cao giữ quyền xét xử cao nhất về dân sự, hình sự, hành chính; thực hiện việc giám đốc cao nhất về xét xử của các Tòa án; TAND cấp cao xét xử theo trình tự phúc thẩm các bản án sơ thẩm của TAND cấp tỉnh theo phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; xét xử theo trình tự giám đốc thẩm các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, cấp huyện theo phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; TAND cấp tỉnh xét xử phúc thẩm và xét xử một số vụ án sơ thẩm theo phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ theo quy định của pháp luật tố tụng; TAND cấp sơ thẩm xét xử hầu hết các vụ án sơ thẩm và công nhận hoặc không công nhận các quyết định của trọng tài thương mại.[10]

Có thể nhận thấy, mỗi quan điểm nêu trên đều có yếu tố hợp lý riêng. Tuy nhiên, tác giả cho rằng việc đổi mới tổ chức TAND cấp huyện hiện nay cần theo định hướng cải cách tư pháp mà các văn kiện của Đảng đã đề ra. Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hệ thống TAND sau năm 2020 là thành lập các Tòa án sơ thẩm cấp huyện theo nguyên tắc thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính là phù hợp.

3. Một số mô hình tổ chức hệ thống Tòa án của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam

Đối với những quốc gia theo truyền thống luật dân sự thường có hai hoặc nhiều hệ thống Tòa án, mỗi hệ thống có thẩm quyền riêng, có cấu trúc và có thủ tục riêng. Còn ở những quốc gia theo truyền thống thông luật, chỉ có một hệ thống Tòa án duy nhất. Các quốc gia theo truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, trước hết mang đặc trưng của Tòa án theo truyền thống luật dân sự là chỉ được viện dẫn luật khi xét xử mà không được giải thích luật; thêm vào đó là phải bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, do đó, không áp dụng chế độ án lệ, nhưng sau khi Liên Xô giải thể thì hệ thống Tòa án cũng đã có những cải cách theo truyền thống luật dân sự.[11] Cách tổ chức truyền thống được nhiều quốc gia áp dụng là tổ chức Tòa án theo địa hạt hành chính. Tuy nhiên, ngày càng có những biến thể trong cách tổ chức các Tòa án, cụ thể như sau:[12]

- Một là, ở một số quốc gia quy định 02 cấp Tòa án (huyện, tỉnh, tối cao) và mặc dù quy định Tòa án xét xử độc lập nhưng dường như cơ quan Tòa án được coi là một trong những bộ phận cấu thành của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, Tòa án được đặt tại địa bàn cấp huyện, tỉnh nhưng độc lập với các cơ quan hành chính của địa phương.

- Hai là, ở một số quốc gia quy định 04 cấp Tòa án: Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp cao, Tòa án tối cao hoặc Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh/hạt, Tòa án phúc thẩm, Tòa án tối cao.

- Ba là, số đông quốc gia quy định 03 cấp Tòa án gồm: Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm và Tòa án tối cao. Mô hình 03 cấp Tòa án là khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Việc tổ chức thực hiện quyền tư pháp và các Tòa án quân sự/Tòa án binh cũng có nhiều điểm khác nhau và thường không được phổ biến rộng rãi.

Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính trên thế giới và các nước trong khu vực không lạ, nhưng để áp dụng vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam là một vấn đề hoàn toàn mới[13]. Chúng ta cũng không thể áp dụng một cách máy móc, rập khuôn mô hình tổ chức Tòa án của một số nước trên thế giới và khu vực vào mô hình tổ chức hệ thống Tòa án của Việt Nam. Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử được hiểu là tổ chức theo cấp xét xử và theo vụ việc xét xử mà không theo thẩm quyền về lãnh thổ. Do đó, trước hết chúng ta cần phải xác định Tòa án nào giải quyết, xét xử sơ thẩm những vụ, việc nào, Tòa án nào vừa giải quyết, xét xử sơ thẩm, vừa giải quyết, xét xử phúc thẩm, Tòa án tối cao có xét xử không, nếu có thì xét xử những vụ án nào,... Cùng với việc tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính lãnh thổ, thì các cơ quan tiến hành tố tụng khác như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng phải tổ chức lại cho phù hợp với hệ thống Tòa án theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2011 của Bộ Chính trị.

Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng, kinh nghiệm lịch sử, truyền thống pháp lý là điều kiện cần thiết để nghiên cứu tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Với việc xem xét vận dụng trở lại những kinh nghiệm lịch sử (cách tổ chức Tòa án cấp sơ thẩm không phụ thuộc vào đơn vị hành chính đã tồn tại ở nước ta từ năm 1946 - 1959) không phải là sự “phục cổ” mà chính là nhận thức đầy đủ về sự phát triển biện chứng của sự vật theo “hình xoáy ốc”, có tính kế thừa, tính lặp lại nhưng không quay trở lại và thể hiện ở mức độ cao hơn[14]. Tổ chức lại hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là một chỉ đạo đúng đắn và phù hợp với thực tiễn hiện nay, đồng thời đảm bảo sự độc lập trong xét xử của Tòa án và tạo khả năng tối đa cho việc thực hiện quyền tiếp cận công lý.

Căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của Việt Nam, tác giả kiến nghị phương án tổ chức Tòa án sơ thẩm như sau:

Tòa án sơ thẩm khu vực được coi là Tòa án cấp thứ nhất trong hệ thống Tòa án, có nhiệm vụ và thẩm quyền chung là xét xử, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh - thương mại, tuyên bố phá sản, lao động, hôn nhân - gia đình, hành chính theo quy định của pháp luật tố tụng. Bên cạnh thẩm quyền chung như nêu trên, thẩm quyền cụ thể của từng Tòa án sơ thẩm khu vực sẽ được xác định theo quản hạt tư pháp và theo tính chất của những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tòa án sơ thẩm khu vực là Tòa án chuyên xét xử, giải quyết các vụ việc theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án cấp tỉnh có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm là chủ yếu, nhưng vẫn có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm một số vụ án. Do vậy, vẫn cần phải có các quy định của pháp luật tố tụng về các loại vụ án thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh. Việc xác định thẩm quyền theo vụ việc đối với các Tòa án sơ thẩm khu vực cần phải có lộ trình hợp lý để vừa bảo đảm hoạt động bình thường của Tòa án sơ thẩm khu vực khi mới thành lập, vừa bảo đảm yêu cầu của cải cách tư pháp.

Việc xác định thành lập khoảng bao nhiêu Tòa án sơ thẩm khu vực trong một tỉnh cần dựa trên những tiêu chí nhất định, như: Số lượng các loại vụ án xảy ra trong địa bàn, quy mô về địa giới hành chính, số lượng dân cư, đặc điểm địa lý, quy hoạch tổng thể và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực dự kiến sẽ thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực. Trong đó, số lượng các vụ án và giới hạn địa bàn khu vực địa lý là những tiêu chí cơ bản cho việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực.

Theo đó, ở khu vực các huyện đồng bằng, có thể sáp nhập hai đơn vị Tòa án cấp huyện có số lượng giải quyết các vụ án hiện nay khoảng 300 vụ/năm để thành lập một TAND sơ thẩm khu vực với số lượng các vụ án phải giải quyết khoảng 500 vụ/năm, tương đương với số vụ án bình quân của một Tòa án cấp tỉnh cỡ nhỏ là hợp lý, phù hợp với quy mô dân số và giới hạn địa bàn hành chính cấp huyện ở khu vực này. Đối với các khu vực miền núi, có thể vẫn tổ chức Tòa án sơ thẩm khu vực ở một huyện hoặc nếu có điều kiện Tòa án sơ thẩm khu vực sẽ được thành lập trên cơ sở hợp nhất một số Tòa án cấp huyện, với số lượng các vụ án phải giải quyết một năm khoảng trên dưới 300 vụ, tương đương với số vụ án của một Tòa án cấp tỉnh miền núi cỡ nhỏ hiện nay; trụ sở Tòa án cấp huyện cũ vẫn được giữ lại làm trụ sở chi nhánh của TAND sơ thẩm khu vực. Theo đó, có thể hợp nhất 03 Tòa án cấp huyện ở miền núi thành một Tòa án sơ thẩm khu vực. Mỗi Tòa án sơ thẩm khu vực có một hoặc hai chi nhánh là địa điểm để thụ lý và xét xử, giải quyết các vụ án theo sự phân công của Chánh án Tòa án sơ thẩm khu vực và tạo thuận lợi cho người dân, các cơ quan, tổ chức khi có việc đến Tòa án. Ngoài ra, nên triển khai tổ chức các Tòa Giản lược để xét xử các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, xử phạt vi cảnh; có thể bố trí Tòa Giản lược ở các Chi nhánh Tòa án sơ thẩm khu vực.

Về sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Tòa án sơ thẩm: Theo quy định về Đảng thì Tòa án cấp huyện nào thì chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng huyện đó, tổ chức cơ sở Đảng ở Tòa án cấp huyện trực thuộc Đảng bộ cấp huyện; cấp ủy Đảng của huyện có trách nhiệm quản lý, cho ý kiến khi đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo và Thẩm phán Tòa án cấp huyện. Do tổ chức của Tòa án sơ thẩm khu vực theo hướng không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng vẫn trong đơn vị hành chính cấp tỉnh, nên có thể giao cho cấp ủy Đảng cấp tỉnh thực hiện việc lãnh đạo và chỉ đạo, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc giám sát đối với hoạt động của Tòa án cấp này. Tổ chức cơ sở Đảng của Tòa án sơ thẩm khu vực trực thuộc Đảng bộ Tòa án cấp tỉnh; còn Đảng bộ Tòa án cấp tỉnh trực thuộc tỉnh ủy hoặc thành ủy. Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Tòa án tối cao trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm lãnh đạo Tòa án sơ thẩm khu vực và Tòa án cấp tỉnh. Chánh án Tòa án sơ thẩm khu vực báo cáo công tác trước Tòa án cấp tỉnh; Chánh án Tòa án cấp tỉnh báo cáo công tác của Tòa án mình và Tòa án sơ thẩm khu vực trước Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

 

HĐXX TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đồng phạm  trong vụ án can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu - Ảnh: Mạnh Hùng/BCL

 


[1] Xem: John Fere John, Frances Rosenbluth, Charles Shipan: “Comparative Judicial Politics”, in Boix, Carles, Stokes, Susan Carol (eds): Oxford Handbooks of Political Science: Oxford University Press, 2007, p. 727.

[2] Nguyễn Hòa Bình (2021), Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 15, tr. 1.

[3] Nguyễn Hòa Bình (2021), Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 15, tr. 1.

[4] Nguyễn Đăng Dung - Chủ biên (2020), Hệ thống Tòa án Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 219.

[5] Khoản 1 và khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 177.

[7] Xem: Nguyễn Tất Viễn (2021), Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 15, tr. 25.

[8] Trần Văn Độ, Nguyên tắc hai cấp xét xử và việc áp dụng nguyên tắc đó vào việc tổ chức Tòa án các cấp, http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=ea126ac2-2540-431a-b804-8fad41bdd85d&groupId=13025, truy cập ngày 17/10/2021.

[9] Đào Trí Úc (2021), Sự cần thiết và một số định hướng nghiên cứu, xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 15, tr. 10.

[10] Nguyễn Văn Quyền và Nguyễn Tất Viễn - Đồng chủ biên (2018), Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Từ lý luận đến thực tiễn, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 197 - 199.

[11] Trương Hòa Bình, Ngô Cường (2014), Hệ thống Tòa án của một số nước trên thế giới (Kinh nghiệm cho Việt Nam), Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 26, 29, 33 và 34.

[12] Nguyễn Văn Quyền và Nguyễn Tất Viễn - Đồng chủ biên (2018), Quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Từ lý luận đến thực tiễn, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 25.

[13] Nguyễn Đăng Dung - Chủ biên (2020), Hệ thống Tòa án Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 220.

[14] Nguyễn Tất Viễn (2021), Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 15, tr. 24.

Ths. PHAN THÀNH NHÂN (Thẩm phán TAND huyện Lấp Vò, Đồng Tháp)