Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Huỳnh Quốc Thắng, đăng ngày 17/9/2024, bàn về vấn đề nguyên đơn khởi kiện lại sau khi Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai.
Điều 227 BLTTDS quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo đó, nếu được Tòa án triệu tập lần thứ nhất mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải ra quyết định hoãn phiên tòa, trừ trường hợp có đơn xin xét xử vắng mặt. Nếu được triệu tập lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Tòa án xử lý như sau:
“Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật”.
Đối chiếu với vụ án mà tác giả đưa ra, bà A vắng mặt lần 1 thì HĐXX đã ra quyết định hoãn phiên tòa, bà A tiếp tục vắng mặt lần 2 dù được triệu tập hợp lệ và không có người đại diện tham gia nên HĐXX ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngay trong ngày 23/8/2024, bà A nộp lại đơn khởi kiện vụ án với nội dung như vụ án đã bị đình chỉ. Vậy Tòa án có thụ lý lại ngay thời điểm bà A nộp đơn khởi kiện lại không?
Mặc dù theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS quy định “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” và theo điểm c khoản 1 Điều 217 “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”, có nghĩa rằng pháp luật đã cho họ thêm cơ hội để được khởi kiện lại, để bảo vệ quyền lợi của mình dù có vắng mặt trong các phiên tòa của lần khởi kiện trước không có lý do và vụ án đã có Quyết định đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 273, khoản 2 Điều 280 BLTTDS thì quyết định đình chỉ vụ án này vẫn chưa có hiệu lực pháp luật và có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, tức là nó có thể bị hủy và Tòa sơ thẩm phải giải quyết lại quan hệ tranh chấp này. Nếu Tòa án vẫn tiếp tục thụ lý đơn khởi kiện lại của bà A và Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trước bị hủy thì sẽ dẫn đến hiện tượng một quan hệ tranh chấp được giải quyết trong hai vụ án khác nhau, điều này là không hợp lý.
Để được trả lại đơn khởi kiện thì Tòa án phải căn cứ vào Điều 192 BLTTDS nhưng điều luật này không có quy định nào về vấn đề này, gây khó khăn rất lớn cho Tòa án. Tòa án có thể hướng dẫn đương sự nộp lại đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ vụ án trước có hiệu lực để tránh hiện tượng chồng chéo.
Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý đồng nghiệp và bạn đọc.
Toà án nhân dân thị xã Kinh Môn, Hải Dương xét xử vụ án dân sự- Ảnh: Thúy Diệp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận