Tòa án đã có nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử
Theo Chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, ngày 13/11, Quốc hội đã các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Sau đó Quốc hội thảo luận tại hội trường. Báo cáo của Chánh án TANDTC được các đại biểu quan tâm, thảo luận với nhiều ý kiến sâu sắc.
Tòa án tiếp tục có những chuyển biến tích cực
Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2018, hệ thống Tòa án đã có nhiều đổi mới, tích cực thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và thu được kết quả tích cực. Mặc dù số lượng các vụ việc tăng nhiều nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn luật định; chất lượng xét xử cao hơn. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cũng có nhiều tiến bộ, đã chú trọng việc tổ chức đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính và hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự. Các Tòa án đã chủ động phối hợp với các Trung tâm quản lý người nghiện tổ chức đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự của các địa phương.
Trong năm qua, lãnh đạo TANDTC cũng đã chỉ đạo sửa đổi quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết; tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra đối với công tác này; tiếp tục ăng cường cán bộ, Thẩm phán cho các TANDCC và các đơn vị nghiệp vụ của TANDTC.
Về sắp xếp, kiện toàn bộ máy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngành Tòa án đã tổ chức Hội nghị toàn quốc bàn về công tác tổ chức cán bộ của TAND và thông qua 14 giải pháp về công tác tổ chức cán bộ theo Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Đã sắp xếp các Tòa chuyên trách trong toàn quốc tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế; hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức, cán bộ của hệ thống Tòa án; đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu.
Trong năm 2018 các hoạt động của Tòa án được đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ như xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng về hệ thống truyền hình trực tuyến phục vụ các hội nghị; công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử; ứng dụng gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua mạng và bằng phương tiện điện tử…
Nhận xét chung về công tác của ngành, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, mặc dù năm 2018 nhiệm vụ đặt ra cho các Tòa án rất nặng nề nhưng với việc thực hiện nhiều giải pháp đột phá, sát thực tế, nên hoạt động của Tòa án tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, hoàn thành cơ bản chỉ tiêu Quốc hội giao. Chất lượng công tác xét xử được nâng lên, tạo tiền đề quan trọng cho chuyển biến tốt hơn trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ ra những hạn chế thiếu sót trong hoạt động của ngành Tòa án năm 2018, cụ thể: tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt yêu cầu; còn có trường hợp áp dụng pháp luật không đúng, tiến độ giải quyết chậm, thời gian còn kéo dài; Tổ chức bộ máy của các Tòa án còn có nhữn bất cập, chưa hợp lý; vẫn còn để xảy ra một số trường hợp cán bộ, công chức Tòa án có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật.
Chia sẻ khó khăn
Thảo luận các nội dung liên quan đến Tòa án, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, hạn chế mà TANDTC, VKSNDTC đã nêu trong báo cáo. Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TANDTC và VKSNDTC ngày càng nhiều, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, số lượng các đơn đề nghị kiểm tra xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và đề nghị kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm tăng cao, kể cả khi đã có kết luận vụ việc được giải quyết đúng pháp luật hoặc không có cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì đương sự vẫn không đồng ý… Đại biểu đề nghị các ngành cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi và tích cực hơn nữa nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng ngành nhất là nâng cao chất lượng giải quyết các loại án từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giảm thiểu số lượng án bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm trong thời gian tới. Đề nghị ngành tòa án nhân dân, ngành kiểm sát nhân dân đặc biệt chú ý về giải pháp công tác cán bộ và giải pháp để thực hiện sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các cơ quan tư pháp trong việc thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và đơn đề nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) nhận xét: Có tới 2.343 vụ án Tòa án nhân dân trả hồ sơ và Viện kiểm sát nhân dân chấp nhận điều tra bổ sung lại 1.590 vụ, trong đó có 105 vụ tòa trả hồ sơ vì lý do giai đoạn điều tra, truy tố, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Ủy ban Tư pháp kết luận điều này cho thấy số lượng nhiều gấp hai lần số vụ Viện kiểm sát nhân dân trả hồ sơ cho cơ quan điều tra. Cho thấy chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm soát điều tra của Viện kiểm sát nhân dân đối với một số vụ án còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nói: Trong công tác giải quyết, xét xử các loại án, tuy Tòa án nhân dân ở các cấp đã có nhiều cố gắng và cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tỷ lệ kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát nhân dân với các vụ án dân sự được Tòa án chấp nhận vẫn tăng 3,9%, tình trạng số thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm với chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết án, tuyên bản án không đúng pháp luật mà Ủy ban Tư pháp đã nhiều năm kiến nghị trong báo cáo thẩm tra nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Tỷ lệ ra quyết định thi hành án hình sự chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết 37 của Quốc hội, công tác thi hành án hình sự còn một số hạn chế đã được nêu nhiều năm nhưng vẫn chưa được ngành đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục, trong đó có việc áp giải thi hành án. Cụ thể, số người bị kết án phạt tù vẫn chưa áp giải thi hành án đang ở ngoài xã hội tăng nhiều so với năm 2017, tăng đến 225 người với 11.493 người bị kết án tù chưa đi chấp hành án, trong đó có 5279 người ở ngoài xã hội.
“Về công tác Tòa án, tôi thống nhất với những kết quả đạt được của hệ thống Tòa án trong thời gian vừa qua” – Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói. Phải nói rằng, chất lượng của công tác xét xử, giải quyết các loại án được nâng lên, tính công khai minh bạch trong hoạt động của Tòa án từng bước được đề cao. Những hạn chế trước đây nay dần được khắc phục, có mặt đi vào nền nếp như việc áp dụng chế định án treo, tỷ lệ hủy, cải sửa án giảm dần. Bên cạnh đó, không ít khó khăn, hạn chế bất cập, trong đó có mặt đáng quan ngại tác động tiêu cực đến chất lượng của công tác xét xử về lâu dài đó là tổ chức cán bộ hệ thống của Tòa án. Cơ bản tôi cho rằng bằng nhiều cơ chế chính sách khác nhau của nhà nước thời gian qua đã thu hút một lực lượng cán bộ, công chức có năng lực, trình độ công tác trong hệ thống tòa án. Chất lượng đội ngũ thư ký, thẩm phán dần được nâng lên.
Đại biểu nhận xét: Hiện nay nổi lên tình trạng áp lực công việc của công chức Tòa án. Theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, tỷ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm tái thẩm chỉ đạt tỷ lệ 39,8% trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn do Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao thiếu nguồn nhân lực. Qua làm việc trao đổi với thẩm phán, công chức đang công tác tại một số tòa án ở địa phương, câu chuyện áp lực công việc cả về số lượng và tính chất đang tác động lớn đến tâm tư, tình cảm và động lực làm việc của họ. Nhiều trường hợp không chịu được áp lực phải xin nghỉ việc. Các Thẩm phán nhận thức rõ trọng trách của họ rất nặng nề, sứ mệnh cao quý được nêu trong bộ quy tắc ứng xử của Thẩm phán. Nhưng thông tin có nhiều Thẩm phán nghỉ việc vì áp lực công việc quá lớn. Đây là điều quan tâm, có người nói rằng nhiệm vụ Thẩm phán hiện nay không chỉ rất nặng nề mà còn nhiều nỗi lo và trăn trở trong cuộc sống.
Như các đại biểu đã biết, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội lần này, kiến nghị giải pháp tăng số lượng thẩm phán trong tổng số biên chế của Tòa án không thay đổi mà Chánh án Tòa án nhân dân đưa ra có gì đó chưa thật sự an tâm. Bởi vì lúc đó áp lực công việc của Tòa án lại tăng lên ở các chức danh khác như thư ký, thẩm tra viên và các công việc khác. “Trong điều kiện Tòa án được giao thêm nhiều thẩm quyền mới, chẳng hạn như thẩm quyền về xem xét quy định đối với tài sản không rõ nguồn gốc theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, nếu Quốc hội kỳ này thông qua, tôi nghĩ rằng Chính phủ, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao cần xem lại có giải pháp căn cơ, bài bản hơn để giải quyết vấn đề này. Trong điều kiện hiện nay số lượng vụ việc phải giải quyết tại Tòa án các cấp ngày càng tăng, chỉ còn lại giải pháp tăng cường nguồn lực, phương pháp cách thức tiến hành các công việc Tòa án” Đại biểu Nguyễn Tạo lưu ý.
Đại biểu cũng bày tỏ sự thống nhất đánh giá về việc gần đây của Tòa án như tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, thí điểm thành lập các trung tâm hòa giải ở Tòa án, công khai minh bạch hoạt động xét xử, ban hành án lệ. Tôi cho rằng việc tăng số lượng Thẩm phán là cần thiết nhưng đề nghị quan tâm bố trí việc làm, tổ chức biên chế phù hợp, bảo đảm bình quân số lượng vụ việc phải giải quyết đối với từng Thẩm phán, Thư ký và các chức danh khác một cách phù hợp trong điều kiện tinh giản biên chế, tăng cường hiệu lực hiệu quả bộ máy nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng. Đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội quan tâm phân bổ ngân sách để Tòa án đủ sức trang thiết bị làm việc, hội trường xét xử bảo đảm tính tổ chức các phiên tòa trang nghiêm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng nhận xét nhìn chung ngành Tòa án thực hiện tốt công tác của mình. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cử tri còn lưu tâm, không đồng thuận. Đại biểu nêu một số nội dung như: Về áp dụng thống nhất pháp luật dân sự, nhiều vụ án giống nhau nhưng ngay bản thân trong một tòa đã có những phán quyết khác nhau; thực hiện pháp luật về tố tụng dân sự, vấn đề tách nhập vụ án cũng xảy ra tình trạng lách luật; về yêu cầu giám đốc thẩm đối với những dự án oan mà mức hình phạt không phải là chung thân hay tử hình thì hiện nay chưa thực sự được quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (TP Cần Thơ) nhận xét khái quát. Ông cho rằng các ngành tư pháp cần quan tâm củng cố về mọi mặt đối với các cơ quan tư pháp cấp huyện, bây giờ đã giao cho Tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án, đặc biệt về hình sự xét xử đến mức án 15 năm tù. Do vậy, trong thời gian tới, các ngành cần củng cố lực lượng của các cơ quan cấp huyện. Thời gian qua đã làm rồi nhưng phải làm quyết liệt hơn nữa, đây là khâu chốt của cải cách tư pháp để đưa hoạt động tư pháp có chất lượng hơn. Nếu cấp sơ thẩm làm tốt thì phúc thẩm sẽ làm tốt.
Công tác xét xử tiếp tục có những chuyển biến tích cực
Kết thúc một ngày thảo luận tại hội trường Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá các ý kiến thảo luận và tranh luận của các đại biểu sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn, dân chủ và trách nhiệm cao.
Về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đa số ý kiến cho rằng năm 2018 công tác xét xử của Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nguyên tắc công khai trong xét xử và tranh tụng được thực hiện tốt hơn. Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý và giải quyết tăng nhiều so với năm 2017 nhưng tỷ lệ giải quyết án bảo đảm trong thời hạn luật định. Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử của các tòa án.
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết áp dụng thống nhất pháp luật, áp dụng án lệ, áp dụng công nghệ thông tin trong công khai bản án, tiếp nhận giải quyết đơn thư, v.v… Năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt tòa án nhân dân các cấp áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan tiếp tục giảm và đạt chỉ tiêu yêu cầu theo Nghị quyết 111 của Quốc hội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc thực hiện chủ trương tăng cường áp dụng các hình phạt ngoài tù như cải tạo không giam giữ, phạt tiền chưa được quán triệt, thực hiện đầy đủ theo tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Một số trường hợp Tòa án tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Còn một số trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định, phải sửa án, việc tuyên bản án không rõ đã giảm mạnh so với năm 2017 xong vẫn còn 81 bản án tuyên không rõ, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù đã được quan tâm giải quyết xong số tồn đọng chưa được xem xét giải quyết còn nhiều, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục quan tâm, khắc phục tình trạng này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận