Tòa án hai nước Việt Nam – Lào đẩy  mạnh hợp tác toàn diện

Năm 2017 được hai nước Việt Nam - Lào chọn là Năm Đoàn kết hữu nghị, kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào. Đây là mốc son sáng chói, khắc sâu tình đoàn kết đặc biệt, hữu nghị và truyền thống giữa hai nước. Trong 55 năm qua, kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước đang ngày càng được củng cố và phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tư pháp và hợp tác giữa Tòa án hai nước. Bài viết sau đây sẽ đánh giá về kết quả hợp tác giữa Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam và Tòa án nhân dân tối cao Lào trong thời gian vừa qua và cơ hội đẩy mạnh hợp tác giữa hai hệ thống Tòa án trong thời gian tới.

      Quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước

       Quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam – Lào đã sớm được gây dựng, gìn giữ và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Tình hữu nghị và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản trực tiếp đặt nền móng và tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trải qua bao biến cố lịch sử, vượt lên mọi chông gai, thử thách, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có.

       Cách đây 55 năm, ngày 5/9/1962, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ðây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

       Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, quan hệ Việt Nam – Lào phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977, trên cơ sở nhận thức sâu sắc mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, tình đồng chí vĩ đại giữa Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào. Bốn mươi năm qua, Hiệp ước đó đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

       Năm 2017 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân hai nước Việt Nam và Lào. Để thiết thực kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2017), hai nước đã phối hợp chặt chẽ tổ chức hàng trăm hoạt động phong phú, sinh động trong “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2017”,[1] trong đó trao đổi gần 300 đoàn các cấp; phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt Thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, các tuyên bố chung Việt Nam – Lào, các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ, các chương trình, kế hoạch hợp tác của hai bên… góp phần đưa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào phát triển lên tầm cao mới.

       Tại buổi họp báo tuyên bố bế mạc Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith, từ ngày 19/12 – 21/12/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Cả năm 2017 trở thành ngày hội chung của nhân dân hai nước – “Ngày hội của Tình Đoàn kết Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam” và đã thành công tốt đẹp, thực sự là năm đầy ấn tượng và có ý nghĩa hết sức sâu sắc trong đời sống chính trị – xã hội và là mốc son quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Lào. Những hoạt động kỷ niệm đã tạo thành phong trào thi đua, có sức lan tỏa mạnh mẽ, là dịp để tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các địa phương và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của truyền thống liên minh chiến đấu đặc biệt, sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển ở mỗi nước ngày nay”.[2]

       Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã và đang làm hết sức mình để tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam như đã nêu ở trên, mối quan hệ hợp tác hữu nghị của hệ thống Tòa án nhân dân hai nước ngày càng phát triển. Trong từng giai đoạn khác nhau, Tòa án nhân dân hai nước đã có những kế hoạch và hành động nhằm giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đem lại những lợi ích thiết thực cho cả Tòa án nhân dân hai nước. Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác của Tòa án nhân dân hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới kể từ khi Tòa án nhân dân tối cao hai nước ký Biên bản ghi nhớ đầu tiên vào ngày 09/8/2003. Sau đó, ngày 13/8/2008, Tòa án nhân dân tối cao hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác nhằm xác định những mục tiêu, nguyên tắc chung làm cơ sở cho việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các bên trong tình hình mới. Việc ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác nói trên là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để Tòa án hai nước triển khai các hoạt động hợp tác. Trên thực tế, kể từ khi Tòa án nhân dân tối cao hai nước ký Thỏa thuận hợp tác, mối quan hệ của Tòa án hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

       Cụ thể hóa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai hệ thống Tòa án bằng các hoạt động cụ thể

 

 Lãnh đạo TANDTC hai nước ôn lại quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt 

       Trong những năm vừa qua, đặc biệt kể từ khi Tòa án nhân dân tối cao hai nước ký Biên bản ghi nhớ đầu tiên vào ngày 9/8/2003, quan hệ hợp tác giữa hai hệ thống Tòa án phát triển trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Tòa án nhân dân hai nước đã tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực (i) trao đổi các đoàn công tác ở cấp Trung ương và địa phương; (ii) bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kỹ năng xét xử cho Thẩm phán và cán bộ Tòa án nhân dân Lào; (iii) thực hiện thành công Dự án nâng cao năng lực cho Tòa án nhân dân Lào vào năm 2010; (iv) phối hợp chặt chẽ để tổ chức các Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới của ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào.

       Trao đổi đoàn công tác ở cấp Trung ương và địa phương

       Nhằm không ngừng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm xét xử và quản lý Toà án, trong thời gian qua, nhiều đoàn đại biểu cấp cao của Toà án nhân dân tối cao Việt Nam đã sang thăm và làm việc tại Lào và nhiều đoàn đại biểu cấp cao của Lào cũng đã sang thăm và làm việc với hệ thống Toà án Việt Nam.

       Ở cấp Trung ương, từ năm 2008 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao hai nước duy trì đều đặn việc trao đổi đoàn cao cấp hằng năm. Nổi bật như chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam do đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC Việt Nam dẫn đầu thăm Lào vào các năm 2008, 2010, 2013, 2014; Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Lào do đồng chí Chánh án dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào các năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2014.

       Trong năm 2017, Đoàn đại biểu TANDTC Lào do đồng chí Khăm Pha Seng Đa Ra, Phó Chánh án TAND tối cao dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Mục đích chuyến thăm là tìm hiểu về kinh nghiệm thành lập Tòa hành chính trong hệ thống Tòa án Việt Nam và Luật tổ chức Tòa án nhân dân Việt Nam. Về phía Việt Nam, từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 01 tháng 11 năm 2017, Đoàn đại biểu cấp cao của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam do đồng chí Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền làm Trưởng đoàn, đã thăm và làm việc tại Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

       Gần đây nhất, từ ngày 04-06/01/2018, Đoàn cán bộ cấp cao TAND tối cao Lào do đồng chí Khăm Phăn Xít Thị Đăm Pha, Chánh án TAND tối cao Lào dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam để tổng kết các hoạt động hợp tác trong thời gian qua và đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới và nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước Việt Nam cho các tập thể và cá nhân TANDTC Lào vì đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác, tình hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào.[3]

       Ở cấp địa phương, Tòa án cấp tỉnh của hai nước, đặc biệt là Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới, đã duy trì các hoạt động trao đổi các đoàn công tác, các cuộc tọa đàm hai bên nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm xét xử, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị song phương. Nhiều Toà án địa phương hai nước đã ký bản ghi nhớ đã trao đổi các đoàn công tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm xét xử và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác, như Bản ghi nhớ giữa Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tòa án nhân dân thủ đô Viêng Chăn nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Bản ghi nhớ giữa Tòa án nhân dân tỉnh Luông-pra-băng, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

       Đào tạo cán bộ cho Tòa án nhân dân Lào

       Cùng với việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, hợp tác giữa hai hệ thống Tòa án thông qua việc đào tạo cán bộ cho TAND Lào được đẩy mạnh. Nhiều thế hệ Thẩm phán và cán bộ Toà án nhân dân Lào đã từng học tập và đào tạo tại Việt Nam. Trong năm 2005, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã đào tạo cho 15 cán bộ ngành TAND Lào trong thời gian 3 tháng. Trong các năm 2006 và 2007, thông qua Trường cán bộ Toà án (nay là Học viện Tòa án) và Toà án quân sự Trung ương, Toà án nhân dân tối cao Việt Nam đã bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kỹ năng xét xử cho nhiều Thẩm phán và cán bộ ngành Toà án Lào trong thời gian từ một đến hai tháng. Các khoá đào tạo được đánh giá là có hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực cho một số Thẩm phán và cán bộ ngành Toà án nhân dân Lào.

       Năm 2009, TANDTC Việt Nam đã đón Đoàn Thẩm phán và cán bộ TAND Lào, gồm 22 đồng chí trong thời gian 2 tháng sang tham dự khóa đào tạo tại Việt Nam. TANDTC Việt Nam cũng đã đón Đoàn Thẩm phán và cán bộ ngành TAND và Tòa án quân sự Lào, bao gồm 30 Đồng chí sang tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trong vòng 01 tháng, vào tháng 6 năm 2010 tại Hà Nội. Đây là cơ hội tốt để các Thẩm phán và cán bộ ngành TAND Lào chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng xét xử với các đồng nghiệp Việt Nam.

       Năm 2012, TANDTC Việt Nam đã đón Đoàn Thẩm phán và cán bộ TAND Lào, gồm 20 đồng chí sang tham dự khóa bồi dưỡng ngắn hạn 01 tháng từ 14/7 đến 13/8/2012. Năm 2013, TANDTC Việt Nam đã đón Đoàn Thẩm phán và cán bộ TAND Lào, gồm 30 đồng chí sang tham dự khóa bồi dưỡng ngắn hạn 01 tháng.

       Các khóa đào tạo nói trên không những giúp tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ Tòa án nhân dân Lào mà còn góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam –  Lào, Lào – Việt Nam.

       Thực hiện Dự án nâng cao năng lực cho Tòa án nhân dân Lào

       Năm 2008, TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào đã hoàn thành việc thực hiện dự án nâng cao năng lực cho ngành TAND Lào. Bằng ngân sách của Dự án là hai (2) tỷ đồng Việt Nam, TANDTC đã mua được 59 bộ máy vi tính (bao gồm cả máy in đa chức năng, thiết bị lưu trữ di động USB, thiết bị lưu trữ điện, phần mềm diệt vi rút có bản quyền), 4 máy phô tô và 54 máy đánh chữ Lào, 03 ti vi LCD và 03 bộ máy tính xách tay.

       Mặc dù nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho TAND Lào còn khiêm tốn so với nhu cầu cần được hỗ trợ của TAND Lào và chưa tương xứng với mối quan hệ hợp tác giữa hai Toà án nhưng đây là dự án hợp tác đầu tiên có tính quy mô, đặt nền móng cho việc xây dựng những dự án tiếp theo, nhằm không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai hệ thống Toà án.

       Hợp tác thông qua Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào

       Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào xuất phát từ sáng kiến của Việt Nam, được tổ chức lần đầu vào năm 2010 và từ đó tiến hành luân phiên giữa ba nước, định kỳ 2 năm/lần.

       Gần đây nhất, Hội nghị lần thứ 4 đã được tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa từ ngày 21-22/12/2016. Hội nghị lần thứ tư đã tập trung thảo luận ba chủ đề chính, đó là: (i) tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Thông cáo chung của Hội nghị từ năm 2014, cơ chế hợp tác đa phương và song phương trong thời gian tới; (ii) thảo luận về việc nâng cao hiệu quả hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xét xử các vụ án hình sự, đặc biệt là công tác xét xử các vụ án buôn bán ma túy; mua bán động vật hoang dã, buôn lậu, buôn bán người, buôn bán vũ khí, rửa tiền, bán người đánh bạc; (iii) bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.

 Ký kết biên bản Hội đàm song phương 

       Trong khuôn khổ hợp tác thông qua cơ chế Hội nghị 3 nước, TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào đã tích cực hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tổ chức các Hội nghị. Đặc biệt là TANDTC Việt Nam giúp Tòa án Lào tổ chức Hội nghị lần thứ 3, từ ngày 24 đến 28/12/2014, tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị đã được hai nước triển khai đồng bộ, đặc biệt là hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.

       Đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hệ thống Tòa án hai nước trong thời gian tới

     Tại buổi tiếp Chánh án TANDTC Lào Khăm Phăn Xít Thị Đăm Pha và Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Lào ngày 04/01/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh: Trong bối cảnh Việt Nam và Lào đang triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội lần thứ X Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, TANDTC của hai nước tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác nhằm mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực cho cả hai hệ thống TAND.

       Tại buổi Hội đàm giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào ngày 04/01/2018, hai bên đã thống nhất đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt là tiếp tục trao đổi đoàn và trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn song song với việc đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó là thúc đẩy quan hệ giữa các tòa án chuyên trách và các tòa án địa phương giữa hai nước. Trong đó, hoạt động hợp tác quan trọng giữa hai Tòa án trong thời gian tới là đề xuất Chính phủ hai nước thông qua và đưa Dự án “hỗ trợ TANDTC Lào thành lập Tòa hành chính trong hệ thống Tòa án nhân dân”, giai đoạn 2018-2020 với nguồn kinh phí dự kiến là 10 tỷ đồng. Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ đào tạo 10 cử nhân luật tại Học viện Tòa án kể từ năm 2018 trên cơ sở tuyển chọn của nước bạn Lào.

       Những hoạt động hợp tác toàn diện nêu trên sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Tòa án mỗi nước cũng như thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước./.

[1] Lễ phát động Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2017 được tổ chức sáng 26/4/2017, tại thủ đô Vientiane, trong chuyến thăm chính thức CHDCND Lào của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

[2] Xem thêm: Bế mạc Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2017, Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam tại địa chỉ: < http://vtv.vn/trong-nuoc/be-mac-nam-doan-ket-huu-nghi-viet-nam-lao-lao-viet-nam-2017-20171220153922923.htm>.

[3] Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Việt Nam đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất của nước CHXHCN Việt Nam cho tập thể TANDTC Lào; tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho đồng chí Khăm Phăn Xít Thị Đăm Pha, Ủy viên Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Chánh án TANDTC Lào; tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho đồng chí Bun Nhông Đa Đông Xay, Phó Chánh án TANDTC Lào, Chánh án TAQS cấp cao Lào. Cũng dịp này, Chánh án TANDTC Việt Nam đã trao tặng Bằng khen cho Vụ Hợp tác quốc tế và Văn phòng TANDTC Lào.

ThS. TẠ ĐÌNH TUYÊN