Phiên xử phúc thẩm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị hoãn
Sáng ngày 25/3, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC và các đồng phạm trong vụ án "Thao túng chứng khoán", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
HĐXX gồm chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Võ Hồng Sơn và thẩm phán Nguyễn Hải Thanh, thẩm phán Hồ Sỹ Hưng. Có khoảng 40 luật sư tham gia phiên tòa. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài khoảng 4 ngày.
Có 25 bị cáo kháng cáo được đưa ra xét xử phúc thẩm và Tòa án triệu tập toàn bộ 50 bị cáo tới phiên tòa. Ngoài 25 bị cáo kháng cáo, có 135 bị hại và 384 người liên quan kháng cáo. Tại phiên Tòa sáng nay bị cáo Trịnh Văn Quyết tiếp tục vắng mặt.
Hội đồng xét xử vụ án - Ảnh: Mạnh Hùng
Trong phần khai mạc phiên tòa, chủ tọa Võ Hồng Sơn công bố xác nhận của Bệnh viện 198 về việc bị cáo Quyết đang điều trị nội trú bệnh lao, sức khỏe kém, không đủ điều kiện có mặt tại phiên tòa. Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng có đơn xin hoãn phiên tòa và xin xét xử vắng mặt.
Trình bày trước HĐXX về sự vắng mặt của bị cáo Trịnh Văn Quyết, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, thân chủ bị bệnh nguy kịch đang phải điều trị. Ngoài lý do về sức khỏe, luật sư Nghĩa cho hay thân chủ và gia đình ông Quyết có đơn gửi tòa, xin hoãn xét xử phúc thẩm để có điều kiện khắc phục hoàn toàn hậu quả vụ án.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, tối qua, vợ ông Quyết đã có đơn gửi HĐXX xin đảm bảo nộp thêm 100-200 tỷ đồng trong tuần này. Gia đình ông Quyết xin cam kết "trong tháng 5 sẽ hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ dân sự".
Theo các chứng từ và các khoản được tòa công bố, ba anh em ông Quyết đã nộp khoảng 1.000 tỷ đồng, trong tổng 2.400 tỷ đồng phải khắc phục.
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: Mạnh Hùng
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng xin tòa xem xét yếu tố hai em gái ông Quyết đã hoàn thành nghĩa vụ dân sự, mong tòa giải tỏa kê biên, gỡ phong tỏa các tài sản của hai bị cáo này, nhằm giúp có thêm điều kiện khắc phục hậu quả vụ án, chung quan điểm xin hoãn phiên tòa.
Nhiều luật sư của các bị cáo có kháng cáo đều có ý kiến tương tự. Theo họ, nếu phía ông Quyết thực hiện được cam kết về khắc phục hậu quả "sẽ có tác động đến bản án của thân chủ", hơn nữa từ nay đến tháng 5 cũng không còn quá lâu.
Chủ tọa Võ Hồng Sơn cho rằng các luật sư cần "cân nhắc hơn" trong việc sử dụng ngôn từ, "nộp hết tiền không có nghĩa đương nhiên sẽ được giảm nhẹ", vì còn cân nhắc nhiều yếu tố khác.
Các bị cáo hôm nay bị xét xử không phải vì gây thiệt hại nhiều hay ít tiền mà do vi phạm pháp luật, "việc bồi thường hết nghĩa vụ dân sự chỉ là một căn cứ để HĐXX xem xét".
Trước các đề nghị trên, đại diện VKS cho rằng trong vụ án này bị cáo Trịnh Văn Quyết có vị trí, vai trò đứng đầu. Hiện, tình trạng sức khỏe của bị cáo xấu, hơn nữa bị cáo và gia đình bị cáo đều có đơn cam kết trong tuần này khắc phục tiếp 100-200 tỷ đồng và trước ngày 29/5/2025 sẽ khắc phục toàn bộ số tiền bản án sơ thẩm quyết định.
Theo VKS, việc này cho thấy sự cố gắng của bị cáo và gia đình. Để đảm bảo quyền lợi của bị cáo, việc khắc phục có lợi cho bị cáo, bị hại, người liên quan, phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước, cố gắng thu hồi tài sản, VKS đề nghị hoãn phiên tòa một lần cuối cùng.
Các bị cáo, bị hại và người được triệu tập đến phiên tòa sáng nay - Ảnh: Mạnh Hùng
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và các bị cáo liên quan trong vụ án Thao túng chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo HĐXX, căn cứ vào sự vắng mặt của một số bị cáo, các ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các luật sư và đại diện VKS..., HĐXX đã thảo luận, và nhận thấy việc hoãn phiên tòa là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, bị hại, người liên quan và đồng thời để xem xét việc các bị cáo khắc phục hậu quả của vụ án nên đã quyết định hoãn phiên tòa.
Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào tháng 6/2025 tới đây.
Trước đó, tháng 8/2024, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 21 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán.
Cùng bị kết án về 2 tội danh này, hai em gái ông Trịnh Văn Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga lần lượt bị tuyên phạt 14 năm tù và 8 năm tù.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.
Các bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, 22 bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản…
Bên cạnh đó, 135 bị hại và 384 người liên quan kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường và xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.
Tháng 12/2024, TANDCC tại Hà Nội từng mở phiên tòa phúc thẩm nhưng sau đó HĐXX đã ra quyết định hoãn phiên tòa do bị cáo Trịnh Văn Quyết đang điều trị nhiều bệnh, không thể có mặt tại phiên tòa. Nhiều luật sư và bị hại cũng xin hoãn tòa.
Đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trịnh Văn Quyết nêu 3 lý do, thứ nhất là tình trạng sức khỏe của bị cáo rất xấu, phải điều trị bệnh lao ác tính và do dị ứng thuốc nên bị ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày và suy thận cấp. Toàn bộ hồ sơ bệnh án của ông Trịnh Văn Quyết được gửi kèm theo đơn xin hoãn phiên toà.
Thứ hai, các luật sư của ông Quyết ở cấp phúc thẩm có đơn xin hoãn phiên toà với lý do không có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án. Đây là các luật sư mà gia đình mới mời tham gia bào chữa ở giai đoạn phúc thẩm nên chưa nắm được hết tất cả nội dung hồ sơ vụ án từ cấp sơ thẩm. Trong số đó, có cả luật sư bận đi công tác nước ngoài.
Thứ ba, theo trình bày trong đơn, ông Trịnh Văn Quyết đã cố gắng, quyết tâm khắc phục bằng được toàn bộ hậu quả trong thời gian sớm nhất có thể. Do đó, ông Quyết đề nghị cho HĐXX phúc thẩm cho thêm thời gian để khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết đề nghị Tòa án xem xét và căn cứ Nghị quyết số 164/2024/QH15 (có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2025) về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự để ra quyết định cho áp dụng biện pháp mua bán, chuyển nhượng toàn bộ các tài sản để có tiền khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng cam kết trong đơn sẽ tự nguyện dùng toàn bộ khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản trên để khắc phục hậu quả vụ án.
“Ngoài những tài sản đang bị kê biên trên, tôi còn có các tài sản hợp pháp khác của gia đình, người thân đang trong quá trình bán và chuyển nhượng cũng sẽ được sử dụng để khắc phục cho tôi”, bị cáo Quyết trình bày trong đơn.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác gian dối, tăng khối vốn góp chủ sở hữu rồi niêm yết bán cổ phần, chiếm đoạt 3.621 tỉ đồng của các nhà đầu tư.
Ông Trịnh Văn Quyết còn chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế sử dụng nhiều tài khoản thao túng giá 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART; thu lợi bất chính số tiền 723 tỷ đồng.
Bài liên quan
-
Người vay dùng tiền lừa đảo để trả nợ, người cho vay có trách nhiệm trả lại không?
-
Hội đồng xét xử dự tính chủ chung cư mini phải bồi thường hơn 25 tỷ đồng
-
Biện pháp tạm giam đối với người dưới 18 tuổi trong giai đoạn chuẩn bị xét xử - Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạp chí Tòa án nhân dân nhận thêm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học xét xử
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Người vay dùng tiền lừa đảo để trả nợ, người cho vay có trách nhiệm trả lại không?
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Một số vấn đề về dấu hiệu định tội của tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015
Bình luận