Toà án nhân dân tối cao tập huấn Kỹ năng viết bản án

Sáng 15/2, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức TAND và TAQS các cấp với nội dung “Nâng cao kỹ năng viết bản án”. Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng dự chủ trì hội nghị.

Cùng dự tại điểm cầu TANDTC có ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án thường trực TANDTC; ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC. 

Tham dự hội nghị còn có các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo một số đơn vị, các Thẩm tra viên, Thư ký viên TANDTC. Về phía chuyên gia Nhật Bản có ông Kono Ryuzo, cố vấn trưởng Văn phòng Dự án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam và các chuyên gia.

Báo cáo viên tại hội nghị có các chuyên gia của Nhật Bản trình bày các nội dung tại điểm cầu Tokyo, Nhật Bản. Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về kỹ năng viết bản án hình sự, bản án dân sự và bản án hành chính.

Bản án là hình thức văn bản tố tụng đặc biệt do Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành, trong đó chứa đựng các phán quyết thể hiện thái độ của nhà nước trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Theo Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng, bản án là sản phẩm thể hiện kết quả của toàn bộ hoạt động tố tụng, bản án có ý nghĩa pháp lý, chính trị và xã hội sâu sắc. Chính vì vậy, các thông tin thể hiện trong bản án phải đảm bảo tính chính xác, các lập luận, kết luận và các quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án phải cụ thể, chặt chẽ, lô-gic, có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp luật. 

 

Ông Kono Ryuzo, cố vấn trưởng Văn phòng Dự án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam Phát biểu tại hội nghị

Bản án phải đảm bảo về mặt hình thức, bố cục và văn phong. Như Chánh án TANDTC  Nguyễn Hòa Bình đã nói: “Mỗi bản án phải là những án văn mẫu mực, thể hiện tập trung, rõ nét nhất về quyền tư pháp của Tòa án; là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của xã hội”.

 

Chuyên gia Nhật bản chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng viết bản án

Trong quá trình thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, TANDTC luôn đặc biệt quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng các bản án, thể hiện qua việc ban hành nhiều nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về các biểu mẫu trong tố tụng, trong đó có mẫu bản án về hình sự, dân sự, hành chính như Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự; Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính; Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/8/2018 ban hành một số biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự.

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng đề nghị hội nghị tập trung lắng nghe, trao đổi các nội dung mà chuyên gia Nhật Bản chia sẻ để có thể tham khảo, vận dụng phù hợp với thực tiễn xét xử của Việt Nam.

 

Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị

VŨ PHONG