Tòa án xét xử kịp thời các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm
Tòa án kịp thời xét xử các tội phạm liên quan đến ĐVHD bằng các bản án nghiêm khắc; các cơ quan chức năng nỗ lực trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm … đang cho thấy những cố gắng của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý các đối tượng vi phạm liên quan đến ĐVHD.
Các bản án nghiêm khắc
Một số vụ án điển hình đã được xét xử trong tháng 3/2021:
- Ngày 3/3, Tòa án nhân dân huyện Tràng Định (Lạng Sơn) đã tuyên phạt một bị cáo 4 năm tù về hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép số lượng lớn cá ngựa khô. Trước đó, tháng 9/2020, đối tượng đang trên đường vận chuyển 129kg cá ngựa khô thì lực lượng chức năng địa phương phát hiện.
- Ngày 18/3, Tòa án nhân dân huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) vừa tuyên phạt đối tượng Sùng A Dơ (34 tuổi) 3 năm tù giam về hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép 2 cá thể gấu ngựa.
- Cũng trong ngày 18/3, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột tuyên án phạt bị cáo Hoàng Minh Triển (sinh năm 1961) 10 năm tù giam về hành vi nuôi, nhốt trái phép 127 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm.
- Ngày 11/3, Tòa án nhân dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã tuyên án bị cáo Nguyễn Đình Sỹ (sinh năm 1972) 5 năm tù giam về hành vi vi phạm bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Trước đó, Sỹ bị bắt giữ khi đang vận chuyển 6 cá thể tê tê từ Hà Tĩnh đi Nghệ An tiêu thụ, bị cáo khai số động vật trên được mua lại với giá 30 triệu đồng.
- Ngày 24/3, Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã tuyên phạt bị cáo Cao Xuân Việt 3 năm 6 tháng tù vì hành vi săn bắt ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Trước đó, bị cáo đã bị phát hiện săn bắt, giết hại trái phép 4 cá thể voọc gồm 1 cá thể voọc Hà Tĩnh và 3 cá thể voọc chà vá chân đỏ.
Các cá thể chim hoang dã được giải cứu
Ngày 06/04, cảnh sát môi trường tỉnh Tây Ninh phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu đã phát hiện và tịch thu 9 cá thể chim hoang dã (diều núi, diều đầu nâu, dại bàng đen, hù) tại nhà riêng của một đối tượng trên địa bàn. Các cá thể này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Theo ghi nhận của ENV, đối tượng này thường xuyên đăng tải rao bán các cá thể chim hoang dã lên mạng xã hội như Facebook, YouTube nhằm mục đích quảng cáo, rao bán phục vụ chơi cảnh. Hiện tại các cá thể đã được cơ quan chức năng cứu hộ và chăm sóc sức khỏe.
Tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã làm thú cảnh vẫn liên tục xuất hiện ở nhiều địa phương, đặc biệt tại nhà riêng, nhà hàng, quán cafe nhằm thu hút sự chú ý, phục vụ nhu cầu giải trí, làm thú cưng. Các vụ vi phạm liên quan tới nuôi nhốt trái phép khỉ, rùa, chim săn mồi liên tục được thông báo tới đường dây nóng của ENV. Chỉ trong tháng vừa qua, 21 cá thể khỉ đã được cơ quan chức năng cứu hộ khi chúng đang bị nuôi nhốt làm thú cảnh tại nhà riêng, chùa và các nhà hàng.
Các cá thể động vật hoang dã được cứu hộ
Trong tháng 03/2021, ENV ghi nhận số lượng lớn các thể động vật hoang dã được cứu hộ. Trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm như khỉ (21 cá thể), rùa (9 cá thể), cự đà (4 cá thể), rái cá (4 cá thể), tê tê (2 cá thể) và một số loài khác như kỳ đà, trăn miến điện, chim săn mồi, vượn, cu li, mèo rừng.
Các vi phạm trên Internet liên tục bị xử lý
Vô hiệu hóa 2 hội nhóm trên Facebook, khóa hơn 20 tài khoản Facebook và YouTube đồng thời gỡ bỏ nhiều bài viết, quảng cáo vi phạm trên các trang mạng xã hội.
Người dân có thể hỗ trợ bằng cách thông báo các hành vi tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD tới cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng bảo vệ ĐVHD miễn phí 1800-1522.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận