Tọa đàm về kiểm soát và xử lý tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng

Chiều 12/10, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức buổi tọa đàm ra mắt chuyên đề "Kiểm soát và xử lý tài sản, thu thập trong phòng, chống tham nhũng" của Tạp chí Nội chính . Chuyên đề gồm 18 bài, dày 120 trang về những vấn đề rất thiết thực trong lý luận và thực tiễn góp phần vào công cuộc phòng và chống tham nhũng.

Tham dự buổi Tọa đàm có ông Cao Văn Thống – Ủy viên Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông TS Đinh Văn Minh – Viện trưởng viện chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, TS Nguyễn Thanh Hải – Ban Nội chính Trung ương và các chuyên gia, các tác giả, các đại biểu đến từ các cơ quan trong khối nội chính, lãnh đạo Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí Kiểm sát nhân dân…

Số chuyên đề của Tạp chí Nội chính

Buổi tọa đàm nhằm góp phần làm rõ thêm các vấn đề lý luận, thực tiễn công tác kiểm soát, thu hồi tài sản góp phần phòng chống tham nhũng ở nước ta; những cảm nhận, đánh giá về số chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm …

Đặc biệt là các đề xuất các kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng nói chung, trực tiếp phục vụ cho việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng trong phiên họp tháng 10 tới đây của Quốc hội.

Sau gần 2 tháng tập trung với tinh thần trách nhiệm cao, Tạp chí Nội chính với tư cách là đơn vị chủ trì đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài Ban Nội chính Trung ương cùng các cơ quan ban ngành hữu quan chính thức ra mắt số chuyên đề “Kiểm soát và xử lý tài sản, thu thập trong phòng, chống tham nhũng”.

Ông Đàm Văn Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Nội chủ trì buổi tọa đàm nhấn mạnh: Hiện nay, ở nước ta tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội, tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là cần tiếp tục ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng. Luật phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2005 (sửa đổi, bổ sung vào năm 2007, 2012) được coi là công cụ pháp lý quan trọng nhằm phòng ngừa tham nhũng. Đạo luật này đã quy định nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn, viên chức; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xẩy ra tham nhũng; minh bạch tài sản, thu thập; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, về việc nhận quà tặng và nộp lại quà tặng…

 

Ông Đàm Văn Lợi – Tổng biên tập Tạp chí Nội chính

Nhiều giải pháp đã được thực hiện nhưng chưa thực sự có hiệu quả trong kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung. Thực tế cho thấy các cá nhân có thu nhập chưa tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm phát hiện, xử lý vi phạm trong trường hợp không kê khai hoặc kê khai không trung thực…

Tạp chí Nội chính với chức năng là “cơ quan ngôn luận, diễn đàn quan trọng về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng; thông tin, tuyên truyền về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng”, những năm qua từng bước trở thành một tài liệu cần thiết phục vụ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Việc lựa chọn chủ đề “Kiểm soát và xử lý tài sản, thu thập trong phòng, chống tham nhũng” là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương và Tạp chí Nội chính, nhằm góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.

Chuyên đề “Kiểm soát và xử lý tài sản, thu thập trong phòng, chống tham nhũng” gồm 18 bài dày 120 trang, tập trung vào các nội dung: (1) Những vấn đề lý luận cơ bản về tài sản, thu nhập; kiểm soát và xử lý thu hồi tài sản, thu nhập góp phần phòng và chống tham nhũng ở Việt Nam; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát và xử lý thu hồi tài sản, thu nhập trong phòng chống tham nhũng; (2) Kết quả công tác kiểm soát và xử lý thu hồi tài sản, thu nhập ở Việt Nam trong thời gian qua; (3) Bài học kinh nghiệm trong công tác kê khai, kiểm soát và xử lý thu hồi tài sản, thu nhập, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng ở một số quốc gia trên thế giới.

Các bài viết trong chuyên đề này là những bài chuyên sâu về lý luận và thực tiễn. Các tác giả đã nêu những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới qua đó góp tiếng nói vào dự Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội diễn ra trong tháng 10.

 

Ông Cao Văn Thống – Ủy viên Ủy Ban Kiểm tra Trung ương

Tại buổi tọa đàm đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết của các chuyên gia và các đại biểu tham dự tọa đàm về chủ đề của chuyên đề cũng như công tác phòng và chống tham nhũng nói chung. Các chuyên gia, các đại biểu đều đánh giá cao nội dung và hình thức cũng như tính sát thực, giá trị truyền tải của chuyên đề “Kiểm soát và xử lý tài sản, thu thập trong phòng, chống tham nhũng”.

XUÂN BÁCH, HÙNG LAN