Tội dâm ô người dưới 16 tuổi – lý luận và thực tiễn

Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích những vấn đề cơ bản của tội dâm ô trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) trên cơ sở đó nêu bật lên thực trạng về hành vi dâm ô xảy ra ở nước ta trong thời gian vừa qua, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế tối đa tội phạm này.

Đặt vấn đề

Tội phạm hình sự nói chung, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đang là một trong những vấn đề báo động ở nước ta trong thời gian vừa qua và đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em. Hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tính thần đối với trẻ em- thế hệ tương lai của đất nước. Nhà nước và các ban ngành chức năng, truyền thông báo chí cũng đã có những hành động, chương trình cụ thể để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng này. Tuy nhiên đến nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn có những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng; công tác bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng xâm hại tình dục vẫn gặp phải nhiều khó khăn, rào cản.

Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia phòng chống bạo hành trẻ em (NSPCC) độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại từ 9 tuổi và cứ 4 bé gái thì có một bé gái bị xâm hại tình dục, trong đó trên 93% nạn nhân và gia đình có quen biết kẻ xâm hại mình, hơn 47% kẻ xâm hại là những người thân, họ hàng, hàng xóm xung quanh gia đình nạn nhân.

Cũng theo thống kê của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì mỗi năm có hàng nghìn vụ xâm hại tình dục trẻ em (đây là trên số liệu báo cáo) thực tế thì số vụ xâm hại trẻ em còn nhiều hơn. Có nhiều trường hợp vụ việc xảy ra đến 2, 3 năm mới trình báo với cơ quan công an, lúc đó nhiều gia đình đã không đưa ra được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của người phạm tội do thời gian quá lâu, từ đó dẫn tới việc bỏ lọt tội phạm.

Thực tế, trẻ em có thể gặp phải nguy cơ bị xâm hại tình dục ở bất cứ đâu, trên sân chơi, ở trường học hay thậm chí ở trong chính ngôi nhà của mình. Nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là dưới 16 tuổi. Nhiều em còn chưa đến tuổi đi học, thậm chí có em mười mấy tháng tuổi đã trở thành nạn nhân của những kẻ đi xâm hại. Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng có nhiều dạng: Có kẻ mới 14-15 tuổi nhưng có kẻ đã ngoài 70 tuổi. Thậm chí trong gia đình trẻ bị xâm hại tình dục bởi bố đẻ và ông nội trong nhiều năm, nhiều vụ việc gây chấn động dư luận trong thời gian qua bị phát giác. Kẻ xâm hại tình dục cũng có khi chính là thầy giáo của trẻ – người mà hầu như cha mẹ gửi gắm hoàn toàn sự tôn kính và tin tưởng tuyệt đối, như sự việc tại một trường tiểu học đã được báo chí phát giác.

Vì vậy, pháp luật hình sự là một trong những công cụ vô cùng sắc bén và hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em, góp phần duy trì trật tự xã hội, mọi người được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao.

1. Những vấn đề lý luận chung của tội dâm ô với người dưới 16 tuổi

Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.
Chủ thể của tội phạm này có thể là nam hoặc nữ, nhưng chủ yếu là nam và là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Hành vi dâm ô được thể hiện dưới dạng như sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân, dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng của người phạm tội nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Trong trường hợp mà người phạm tội có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng không giao cấu được thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em.

Đối với người bị hại, thì nạn nhân của tội này là người dưới 16 tuổi, có thể là nữ hoặc nam, nhưng chủ yếu là trẻ em nữ. Nạn nhân có thể bị người phạm tội cưỡng ép buộc phải thực hiện hành vi dâm ô hoặc tự nguyện thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội.

* Các yếu tố cấu thành của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Điều 146 BLHS năm 2015 quy định rất cụ thể về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi, tuy nhiên ở đây tác giả không liệt kê lại nội dung điều luật mà đi vào phân tích luôn các yếu tố cấu thành của tội dâm ô như sau:
Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm.

Mặt khách quan của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thể hiện qua các dấu hiệu sau: Đó là hành vi tình dục nhưng không phải là hành vi giao cấu. Những hành vi đó có đặc điểm thoả mãn hoặc khiêu gợi, kích thích nhu cầu tình dục; hành vi này được thể hiện đa dạng như: Có hành vi kích dục đối với trẻ em như sờ, bóp hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục cọ sát vào cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của trẻ em; có hành vi buộc trẻ em sờ, bóp, cọ sát … vào những bộ phận kích thích tình dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác.

Các hành vi của người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi phải là chưa hoặc không có mục đích giao cấu. Nếu có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân nhưng không giao cấu hoặc không thực hiện hành vi đó được thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ 13 đến dưới 16 tuổi hoặc tội giao cấu với người dưới 16 tuổi. Trẻ em bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc bị cưỡng éo thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội. Việc tự nguyện của nạn nhân không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội bởi vì độ tuổi và nhận thức của nạn nhân rất non nớt, chưa được xem là trưởng thành để đủ chín chắn nhìn nhận được việc bản thân đang bị xâm hại. Bởi vậy việc xử lý hành vi dâm ô không xem xét về yếu tố tự nguyện của nạn nhân mà điều quan trọng nhất là độ tuổi của nạn nhân.

Đối tượng của hành vi dâm ô ở tội này là trẻ em. Trẻ em có thể bị hành vi dâm ô tác động đến thân thể nhưng cũng có thể chỉ bị chứng kiến những hành vi dâm ô.

Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là tội có cấu thành hình thức, nghĩa là không căn cứ vào hậu quả và những tổn hại của nạn nhân từ hành vi dâm ô gây ra mà chỉ xét về hành vi vi phạm của người thực hiện tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự. Trường hợp người có ý định dâm ô nhưng chưa có hành vi cụ thể nào thể hiện ý định dâm ô thì không cấu thành tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Tuy nhiên, ở đây ta cũng cần lưu ý rằng, tội dâm ô với người dưới 16 tuổi khác với các tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi ở chỗ đó là: Trong tội dâm ô với người dưới 16 tuổi thì người phạm tội không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân. Hành vi dâm ô chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu nạn nhân là người dưới 16 tuổi, trường hợp nạn nhân là người trên 16 tuổi trở lên thì hành vi dâm ô không cấu thành tội phạm.

Thứ hai, mặt khách thể của tội phạm. Hành vi nêu trên đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em.

Thứ ba, mặt chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào (có thể là nam giới hoặc nữ giới) từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Thứ tư, về hình phạt. Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành ba khung, cụ thể: (1) Khung một (khoản 1), có mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Được áp dụng đối với trường hợp tội phạm có đủ yếu tố cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan; (2) Khung hai (khoản 2), có mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây: (i) Phạm tội có tổ chức; (ii) Phạm tội 02 lần trở lên; (iii) Đối với 02 người trở lên; (iv) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; (v) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 30% đến 60%; (vi) Tái phạm nguy hiểm; (3) Khung ba (khoản 3), có mức phạt tù từ 07 năm đến 12 năm đối với trường hợp sau: (i) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (ii) Làm nạn nhân tự sát; (4) Hình phạt bổ sung (khoản 4), ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Thực trạng những vụ án điển hình về dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Trên thực tế, đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em phần lớn các nước trên thế giới đều có chế tài và biện pháp xử lý rất nghiêm khắc. Tại Ấn Độ mức án dành cho kẻ cưỡng hiếp trẻ dưới 16 tuổi có thể lên đến tử hình. Tại Australia (Ôxtrâylia), bên cạnh mức án tương tự, một số nước như Ba Lan, Nga, Argentina, New Zealand…quy định “thiến hóa học” bắt buộc đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, chính phủ nước này còn dành 7,8 triệu đôla Australia (AUD) để xây dựng hệ thống lưu trữ công khai tội phạm xâm hại tình dục trẻ em quốc gia. Thông qua hệ thống lưu trữ này, người dân có thể tìm tên, tuổi, ngoại hình,… của các tội phạm ấu dâm. Ở Mỹ, đã có chín bang áp dụng thiến hóa học đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gồm: California, Florida, Georgia, Iowa, Lousiana, Texas, Montana, Oregon, Wisconsin.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn một số lỗ hổng và thiếu quy định rõ ràng về hành vi dâm ô trẻ em, khiêu dâm trẻ em. Điều 146 BLHS năm 2015 đã có quy định khung hình phạt đối với tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” nhưng không đưa ra quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô. Tương tự, nội dung này cũng chưa được làm rõ trong Luật Trẻ em năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018. Theo đó, tại khoản 8, Điều 4 quy định: “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng phạm tội lợi dụng để “lách luật”, vì không phải mọi trường hợp phạm tội đều có những biểu hiện kể trên. Thực tế vẫn có một số hình thức xâm hại trẻ em khác không có sự tiếp xúc trực tiếp cơ thể giữa kẻ phạm tội và trẻ em, chưa được quy định trong BLHS năm 2015 nên chưa có chế tài xử phạt như: gạ gẫm, dụ dỗ, tán tỉnh trẻ thông qua mạng intenet. Đồng thời, các hành vi dâm ô cũng ít để lại bằng chứng gây khó khăn trong công tác điều tra. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải xác định xâm hại tình dục trẻ em là tất cả các hành vi dụ dỗ, xúi bẩy, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện một số hành vi mang tính chất kích dục không phù hợp với lứa tuổi của các em. Bên cạnh lỗ hổng về mặt luật pháp, rào cản văn hóa cũng đang là một trong những yếu tố khiến xâm hại tình dục trẻ em chưa được nhìn nhận đúng mức. Vẫn còn không ít nạn nhân vì ngại ngùng, xấu hổ mà không dám lên tiếng. Vẫn còn có gia đình dù phát hiện sự việc nhưng thay vì đưa ra ánh sáng lại đã bỏ qua vì sợ điều tiếng, sợ ảnh hưởng đến tương lai của con mình. Thậm chí, có bậc phụ huynh còn quở trách con em mình nặng nề khiến vết thương tâm lý càng hằn sâu. Chưa kể, sự kỳ thị ác ý của những người chung quanh đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục cũng là áp lực không nhỏ, khiến nhiều em, nhiều gia đình chọn cách im lặng thay vì lên tiếng…

Có một số vụ án cụ thể khá điển hình đã được báo chí phản ánh kỹ nói lên những vấn đề nhức nhối của nạn dâm ô xảy ra đối với người dưới 16 tuổi ở nước ta trong thời gian vừa qua nhưng xử lý rất khó khăn như vụ: Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi) ở chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) xâm hại tình dục cháu N; vụ Cao Mạnh Hùng (Đông Hưng, Thái Bình), từng là cán bộ ngân hàng xâm hại tình dục bé gái 8 tuổi ở phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội; vụ Nguyễn Văn Ba ở huyện Tam Bình dâm ô với chính con gái ruột; vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái 8 tuổi trong thang máy tại chung cư Galaxy 9, đường Nguyễn Khoái, P.1, Quận 4. TPHCM.

3. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên

Một là, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa hiệu quả. Trẻ chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ thì ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội. Việc cha mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái ở một số gia đình cũng khiến cũng là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Chưa kể, sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm cũng góp phần dẫn đến nguy cơ trẻ bị xâm hại.

Hai là, do sự phân hóa giầu nghèo với những chênh lệch về điều kiện sống trong thời kỳ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, những rạn vỡ trong gia đình và sự xói mòn những giá trị truyền thống đã dẫn tới con số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng. Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra nhiều ở phường có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực có đông người lao động nghèo và địa bàn vắng, hay gần đây là gia tăng đối với vùng nông thôn, bên cạnh thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Số vụ xâm hại trẻ em được báo cáo đến cơ quan chức năng điều tra thường được phát hiện chậm dẫn đến thu thập chứng cứ khó khăn, đối tượng không nhận tội hoặc bỏ trốn.

Ba là, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện được nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; các sản phẩm truyền thông sản xuất với số lượng ít, chưa đến tay các gia đình… dẫn đến nhận thức, trách nhiệm, năng lực Bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ chưa được rộng rãi, thường xuyên.

Bốn là, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tuy có nhiệt tình nhưng chế độ tiền lương của Nhà nước trả cho họ hiện tại vẫn chưa hợp lý. Việc giải quyết đối với cán bộ không chuyên trách ở mức tương đương bậc 1 hệ trung cấp và không tăng lương theo niên hạn, đây là rào cản rất lớn cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Nhiều cán bộ đã bỏ ngành ra làm kinh tế riêng vì đồng lương đã không đủ nuôi sống gia đình họ. Điều này làm cho lực lượng cán bộ không ổn định, yếu chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra đã không xử lý được do thiếu kinh nghiệm giải quyết.

Năm là, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự du nhập của lối sống thực dụng, sa đọa từ các nước phương Tây; quá coi trọng giá trị đồng tiền, tác động của phim ảnh bạo lực khiêu dâm, tình trạng ly hôn, ly thân… cũng dẫn đến các sang chấn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn. Trẻ có nguy cơ cao bị bỏ rơi, đi lang thang kiếm sống, vi phạm pháp luật và bị bạo lực, xâm hại. Các dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của xã hội…

Sáu là, nguyên nhân quan trọng nữa là tâm lý của người Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng thường kín đáo, không muốn nhiều người biết chuyện đời tư nên các vụ hiếp dâm, dâm ô, cũng như xâm hại tình dục trẻ em ít bị gia đình tố cáo. Vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của các em. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều kẻ phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Có một số trường hợp, khi bị hiếp dâm, do xấu hổ nên nạn nhân không tố cáo ngay. Sau khoảng thời gian dài, nạn nhân mới dần trở lại trạng thái tĩnh tâm và làm đơn tố cáo nên việc điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra cũng như việc xử lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Bảy là, đối với xã hội, hiện tượng xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục nói riêng không phải là điều mới mẻ mà có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc và hầu như ai trong số người lớn chúng ta, chủ quan hay khách quan đều biết nhưng thờ ơ hoặc không quan tâm tới vấn đề này. Hoặc công tác truyền thông về xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là vấn đè gaiso dục giưới tính cũng như giáo dục các em biết cách tự bảo vệ mình còn bị coi nhẹ, chưa chú trọng ngay khi các em đang học mẫu giáo hay tiểu học. Các trường mẫu giáo, tiểu học cũng như các bậc phụ huynh chưa chú tọng giáo dục con biết cách tự bảo vệ mình. Các nhà trường hiện nay chủ yếu chú trọng việc dạy chữ hơn dạy người, do đó trẻ rất yêú kém trong các kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại tình dục của người khácề bảo vệ, chăm óc, giáo dục trẻ em mới chỉ tập trung vào điều chỉnh một số hình thức xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm, buôn bán trẻ em để sử dụng vào mục đích bóc lột tình dục…mà chưa chú tọng điều chỉnh những hình thức xâm hại tình dục trẻ em ít nghiêm trọng hơn như: quấy rối tình dục, dâm ô trẻ em…Thêm vào đó về cơ bản, pháp luật mới chỉ chú ý phòng ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong môi trường gia đình chứ chưa chú ý đến phòng ngừa tình trạng này xảy ra ở các môi trường khác như ở nhà trường, ở nơi chăm sóc thay thế, nơi làm việc và trong môi trường tố tụng.

4. Giải pháp nhằm hạn chế tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nói chung và dâm ô trẻ em nói riêng ở nước ta trong thời gian tới.

Thứ nhất, giáo dục trẻ em, đặc biệt các bé gái phải nhận diện, cảnh giác đối với những hành vi bị xâm hại. Phải phòng tránh các hành vi, tình huống có thể xảy ra: như ở một mình với người lạ, tiếp xúc với người không tốt, có hành vi để ý, sờ soạng…Nếu họ có hành vi đó nên tâm sự, kể cho những ai. Bên cạnh đó, gia đình phải có trách nhiệm chăm nom, quan tâm, quản lý để ý đến các cháu. Đừng vì quá mải mê với công việc mà quên đi vai trò, trách nhiệm đối với con, cháu mình. Đối với các bé gái, sau khi sự việc xảy ra nên có thái độ quan tâm, nhẹ nhàng, động viên để trẻ vượt qua mặc cảm. Xã hội có cái nhìn khách quan hơn và tiến bộ hơn, thay vì bàn tán, trêu trọc, khắt khe đánh giá thì phải lên án chính đối tượng phạm tội.

Bên cạnh đó, để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bi cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Vì trẻ em hiện nay dậy thì sớm và yêu sớm. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con, phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con. Cha mẹ luôn cố lắng nghe con nói, hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi, trẻ em càng nhỏ càng khó giải thích nỗi đau. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác.

Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật này phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp… cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư…

Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Tập trung hoạt động truyền thông – giáo dục vào những phường, xã trọng điểm, có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra giám sát việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở, qua đó góp phần giảm tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Có thể nói thực trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã và đang diễn biến hết sức phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thế hệ trẻ – Những người làm chủ đất nước sau này. Chính vì vậy, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là một yêu cầu bức thiết hiện nay.
Thứ ba, chủ động xác minh, nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và quản lý chặt chẽ số lượng thanh thiếu niên chậm tiến, có tiền án, tiền sự, các băng nhóm trên địa bàn là những đối tượng có nguy cơ phạm tội xâm hại tình dục.

Đối với các nhà trường cần tổ chức nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh thường xuyên. Thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn. Thầy cô cần sẵn sàng nói chuyện, trao đổi riêng về tình bạn, tình yêu với học sinh… Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đối với người phạm tội cần xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm. Tổ chức tốt các phiên tòa lưu động đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nhưng phải đảm bảo thuần phong mỹ tục.

Thứ tư, các cơ quan có thẩm quyền tổ chức rà soát, phân loại số trẻ em lang thang có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục để phối hợp với các lực lượng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và hội phụ nữ để đưa trẻ em về đoàn tụ với gia đình và phân công các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giúp đỡ, tư vấn pháp lý, tâm lý, vận động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, những người hảo tâm… hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với các gia đình có trẻ em gái bị xâm phạm tình dục thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Thứ năm, lực lượng công an tại các địa phương cần tăng cường rà soát, lên danh sách những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ phạm tội xâm hại trẻ em, chủ yếu tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và những đối tượng thường rủ rê, lôi kéo, cưỡng ép, mua chuộc các em vào con đường phạm tội. Lên danh sách các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em sống xa cha mẹ, có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực gia đình… Ðồng thời, có kế hoạch cụ thể trong việc phân công giúp đỡ quản lý trợ giúp tại gia đình, cộng đồng. Chủ động mở các đợt cao điểm tiến công tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội trên phạm vi toàn quốc, mở các kế hoạch chuyên đề theo từng thời gian, vùng miền để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, tội phạm liên quan bạo lực gia đình, mua bán người.

Thứ sáu, đẩy mạnh việc phát triển và giữ vững sự phát triển ổn định của nền kinh tế quốc gia, ở mỗi vùng và mỗi địa phương, trên cơ sở đó tăng cường đầu tư vào các chế độ, phúc lợi xã hội dành cho trẻ em, phụ nữ, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện các biện pháp trợ giúp xã hội đối với các gia đình và trẻ em, phụ nữ gặp nhiều khó khăn về kinh tế tại cộng đồng, như hướng dẫn hoặc giải quyết tìm việc làm, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình, hạn chế số trẻ em vì khó khăn mà phải bỏ học hoặc bỏ nhà đi lang thang kiếm sống.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xem, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
2. Xem, TS. Nguyễn Đức Mai “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự hiện hành, sửa đổi, bổ sung năm 2017”, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội – 2018.
3. Xem, http: //tapchitoaan.vn
4. Xem, http: //vietnamnet.vn
5. Xem, http://csnd.vn/Home/Nghien-cuu-Trao-doi/4249/Dac-diem-Nguyen-Nhan-va-Giai-phap-phong-ngua-xam-hai-tinh-duc-tre-em-o-nuoc-ta-hien-nay

ĐOÀN THỊ NGỌC HẢI ( Sở Tư pháp Ninh Bình)