Tội phạm được xác định như thế nào khi áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Một người thực hiện hành vi phạm tội sau một thời gian nhất định tùy thuộc và tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, Nhà nước thấy không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ, vì việc xử lý bằng biện pháp hình sự là không cần thiết.

1. Quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 27 BLHS, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

2. Nhiều quan điểm khác nhau

Việc xác định loại tội phạm để áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ cần căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 9 BLHS. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến chế định này. Cụ thể như sau:

a) Quá trình điều tra, truy tố, xét xử có được tính vào thời hạn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Về vấn đề này hiện nay còn đang tồn tại hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử không được tính vào thời hạn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự áp dụng đối với người phạm tội nên sau khi có quyết định khởi tố bị can, vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì xác định là đang trong quá trình hoạt động tố tụng đối với vụ án và không được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (bao gồm cả trường hợp vụ án bị hủy đi hủy lại nhiều lần để xét xử lại hoặc để điều tra lại hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần...).[1]

Quan điểm thứ hai: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử được tính vào thời hạn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được hiểu là một người thực hiện hành vi phạm tội sau một thời gian nhất định thì tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà nhận thấy việc xử lý hình sự đối với họ sẽ không cần thiết nữa. Có nghĩa là sau thời hạn này người này không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình.

Ví dụ: Theo phân tích ở trên thì đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì sau thời gian 05 năm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tức là, nếu quá trình điều tra, truy tố, xét xử vượt quá thời hạn 05 năm này thì việc xử lý hình sự với tội phạm này sẽ không còn cần thiết nữa. Tương tự như vậy đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

b) Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự áp dụng như thế nào trong vụ án có đồng phạm bỏ trốn?

Trên thực tế có nhiều vụ án có nhiều người tham gia, trong đó có một số người bị bắt ngay, có một số người bỏ trốn cơ quan điều tra phải ra lệnh truy nã, hơn nữa hành vi phạm tội của những người này không thể tách ra để xử lý riêng nên phải tạm đình chỉ điều tra vụ án để đợi bắt người bỏ trốn. Vậy trong trường hợp này, những người không bỏ trốn có được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong thời gian người kia bỏ trốn hay không?

Hiện nay vấn đề này đang còn tồn tại hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Những bị can bị bắt phải chịu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo bị can bỏ trốn.

Theo quan điểm này thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của những bị can bị bắt phải căn cứ vào thời hiệu của bị can đang bị truy nã. Tức là thời hiệu truy cứu những bị can này sẽ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 27 BLHS: “Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã ra quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”.

Quan điểm thứ hai: Những bị can bị bắt được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cá nhân của mình.

Tuy đây là vụ án có đồng phạm nhưng pháp luật hình sự ở nước ta có nguyên tắc cơ bản là cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, trong vụ án có đồng phạm thì nguyên tắc này càng được thể hiện rõ hơn. Trong một vụ án có nhiều người tham gia thì trách nhiệm hình sự bao giờ cũng là trách nhiệm của cá nhân. Trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người không trốn tránh và không có lệnh truy nã thì hết thời hiệu đó không được truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ nữa.

c) Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định theo tội danh của Cơ quan Điều tra khởi tố hay tội danh của Tòa án tuyên?

Một người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà mình thực hiện. Pháp luật nước ta quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Như vậy, một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Từ đó, có thế hiểu tội phạm được áp dụng để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là tội phạm mà Tòa án tuyên trong bản án có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn quan điểm cho rằng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định theo tội danh mà Cơ quan Điều tra hình sự khởi tố.

Trên đây là nội dung trao đổi của tác giả về các vấn đề liên quan đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Mong quý bạn đọc cùng thảo luận!

 


[1] Mục Hỏi đáp pháp luật, Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

LÊ NGỌC NAM (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)