Tội phạm về ma túy- Những quy định mới trong Điều 259 BLHS 2015

BLHS năm 2015 có nhiều quy định mới về tội phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần.

 1.Những điểm mới của Điều 259 Bộ luật Hình sự năm 2015

Điều 259 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định:

1. Người nào có trách nhiệm trong quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XX của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

a) Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần; 

b) Vi phạm quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần; 

c) Vi phạm quy định về giao nhận, vận chuyển chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần; 

d) Vi phạm quy định về phân phối, mua bán, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;

đ) Vi phạm quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới, trên biển; 

e) Vi phạm quy định về cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm. 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Như vậy, so với quy định tại Điều 201 BLHS 1999 thì quy định tại Điều 259 BLHS 2015 có những sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất: Về tên gọi của điều luật có bổ sung thêm hai đối tượng được điều chỉnh trong điều luật là “tiền chất”“thuốc hướng thần”.

Thứ hai: Tại cấu thành cơ bản đã bổ sung thêm các tình tiết định tội là tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính” đối với các hành vi liệt kê từ điểm a đến điểm e của khoản 1 Điều này “hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XX của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS).

Theo đó, nếu người nào có trách nhiệm trong việc quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về một trong các hành vi sau mà vẫn vi phạm thì sẽ bị truy cứu TNHS đó là:

a) Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần; 

b) Vi phạm quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần; 

c) Vi phạm quy định về giao nhận, vận chuyển chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần; 

d) Vi phạm quy định về phân phối, mua bán, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;

đ) Vi phạm quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới, trên biển; 

e) Vi phạm quy định về cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.

Hoặc người nào có trách nhiệm trong việc quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XX của BLHS 2015 (Các tội phạm về ma túy), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu TNHS.

Tăng mức phạt tiền ở mức tối thiểu từ 5.000.000 đồng lên 10.000.000 đồng ở khung cơ bản.

Thứ ba: Về tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 259 BLHS 2015 có sửa đổi tình tiết “phạm tội nhiều lần” thành “phạm tội 02 lần trở lên” bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” và bổ sung tình tiết “tái phạm nguy hiểm”.

Thứ tư: So với Điều 201 BLHS 1999 có 04 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung và hình phạt cao nhất tới tù chung thân thì Điều 259 BLHS 2015 chỉ quy định 02 khung hình phạt chính với mức hình phạt cao nhất chỉ là 10 năm tù và 01 khung hình phạt bổ sung.

2.Dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần

Theo quy định tại Điều 259 BLHS 2015 thì dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần được thể hiện như sau:

2.1. Dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm

Khách thể: Hành vi phạm tội xâm phạm đến hoạt động đúng đắn trong quản lý và sử dụng chất ma túy của Nhà nước.

Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Mặt khách quan: Hành vi vi phạm có thể là không làm (không hành động) hoặc làm (hành động) không đúng với các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần (như không thực hiện đúng với giấy phép quy định về số lượng, chất lượng, chủng loại, sai với quy trình hoạt động hoặc phân phối hoặc cấp phát không đúng đối tượng. Ví dụ: Bán thuốc gây nghiện cho người khác mà không có đơn của thầy thuốc có thẩm quyền… hoặc thiếu trách nhiệm trong các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, nghiên cứu, giám định, mua bán, vận chuyển, bảo quản, phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác, để xảy ra mất mát, hư hỏng, sai số lượng, chất lượng, chủng loại…).

Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là người có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, quản lý, giám định sản xuất, xuất khẩu chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.

2.2. Đối tượng của hành vi phạm tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần

2.2.1. Về chất ma túy

Theo quy định tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất (sau đây viết là Nghị định 73) thì có 515 chất ma túy. Trong đó có:

– 46 chất ma túy được quy định tại danh mục I là các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất ma túy này trong phân tích kiểm nghiệm nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

– 398 chất ma túy được quy định trong danh mục II là các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

– 71 chất ma túy được quy định trong danh mục III là các chất ma túy dùng trong phân tích, kiểm nghiệm nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.Như vậy, có thể thấy, đối với tội danh này:

– Chủ thể của tội phạm rất đa dạng, có thể là những người có chức vụ, quyền hạn rất cao, cũng có thể là những người bán thuốc tại các hiệu thuốc.

– Về hành vi khách quan của tội phạm này rất đa dạng bao gồm các hành vi của người có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, giám định, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, mua bán, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, phân phối, cấp phát, cho phép sử dụng, xử lý, trao đổi thuốc gây nghiện và các chất ma túy khác đã không làm đúng quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng các chất đó (như không thực hiện đúng với giấy phép quy định về số lượng, chất lượng, chủng loại; sai với các quy trình hoạt động hoặc phân phối hoặc cấp phát không đúng đối tượng). Do vậy, khi định tội danh đối với tội phạm này, nếu không nghiên cứu chặt chẽ các quy định của pháp luật cũng như các hướng dẫn của các văn bản dưới luật sẽ dẫn đến định tội danh sai.

Ví dụ: Có hành vi được phép mua bán chất ma túy, nhưng hành vi này vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền thì truy cứu TNHS về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 251 hay Điều 259 BLHS 2015 hoặc một người nào đó được phép sử dụng một khối lượng ma túy nào đó để nghiên cứu trong lĩnh vực y học, nhưng người đó đã bớt lại một khối lượng nhất định để bán ra ngoài thì truy cứu trách nhiệm về tội danh nào? Tàng trữ, mua bán hay chiếm đoạt chất ma túy? Vấn đề này hiện cũng có nhiều quan điểm khác nhau, nếu truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 259 thì lại quá nhẹ mà theo các điều 249, 251 hay 252 BLHS 2015 thì lại quá nặng.

2.2.2. Về tiền chất

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 73 thì có 44 tiền chất được coi là những tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy. Trong khi đó, Điều 3 Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐCP ngày 08/5/2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt (sau đây gọi tắt là Thông tư 20/2017) quy định:

“… Thuốc tiền chất bao gồm các loại thuốc sau đây:

a) Chứa một hoặc nhiều tiền chất dùng làm thuốc quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này;

b) Chứa tiền chất dùng làm thuốc (có hoặc không có dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần) phối hợp với dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng tiền chất dùng làm thuốc lớn hơn nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này, nồng độ, hàm lượng dược chất gây nghiện (nếu có) nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này, nồng độ, hàm lượng dược chất hướng thần (nếu có) nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư này.

Thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện bao gồm các thuốc đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Chứa dược chất gây nghiện; hoặc dược chất gây nghiện phối hợp với dược chất hướng thần có hoặc không có tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng của dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc đều nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV, V và VI kèm theo Thông tư này;

b) Chứa các dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc.

Thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần bao gồm các thuốc đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Chứa dược chất hướng thần hoặc dược chất hướng thần phối hợp với tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc đều nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục V và VI kèm theo Thông tư này;

b) Chứa các dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc.

Thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất bao gồm các thuốc đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Chứa tiền chất dùng làm thuốc, trong đó nồng độ, hàm lượng tiền chất dùng làm thuốc nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này;

b) Chứa các dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc”.

Đồng thời, Thông tư 20 cũng quy định có 14 tiền chất dùng làm thuốc, trong đó có: 08 tiền chất dùng làm thuốc quy định tại Phụ lục III của Thông tư 20; 06 tiền chất dùng làm thuốc quy định tại Phụ lục V và 06 loại hàm lượng tiền chất dùng làm thuốc dạng phối hợp quy định tại Phụ lục VI.

2.2.3. Về thuốc gây nghiện

Khoản 1 Điều 3 Thông tư 20 quy định:

“1. Thuốc gây nghiện bao gồm các loại sau đây:

a) Chứa một hoặc nhiều dược chất gây nghiện hoặc thuốc chứa dược chất gây nghiện phối hợp với dược chất hướng thần và có hoặc không có tiền chất dùng làm thuốc quy định tại Phụ lục I, II và III kèm theo Thông tư này.

b) Chứa dược chất gây nghiện (có hoặc không có dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc) phối hợp với dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng dược chất gây nghiện lớn hơn nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này”.

Thuốc gây nghiện được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 20 bao gồm 43 chất trong đó có những chất chứa những hoạt chất gây nghiện được quy định là ma túy như: COCAINE; CODEINE; ETHYL MORPHIN; METHADONE… Vấn đề đặt ra là khi tính khối lượng để truy cứu TNHS thì khối lượng là bao nhiêu, có phải tính giám định hoạt chất gây nghiện trong loại thuốc đó hay không?

2.2.4. Thuốc hướng thần

Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 20 quy định:

“2. Thuốc hướng thần bao gồm các loại sau đây:

a) Chứa một hoặc nhiều dược chất hướng thần hoặc thuốc có chứa dược chất hướng thần phối hợp với tiền chất dùng làm thuốc được quy định tại Phụ lục II và III kèm theo Thông tư này.

b) Chứa dược chất hướng thần (có hoặc không có dược chất gây nghiện, tiền chất dùng làm thuốc) phối hợp với dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, trong đó nồng độ, hàm lượng dược chất hướng thần lớn hơn nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục V của Thông tư này, nồng độ, hàm lượng dược chất gây nghiện (nếu có) nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này”.

Thực tiễn, việc xét xử đối với loại tội phạm này không nhiều, song việc truy cứu TNHS đối với những hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 259 BLHS 2015 cũng không đơn giản, nhiều trường hợp khó có chế tài xử lý bởi chính từ quy định của pháp luật, cụ thể như: Tất cả các quy định tại Điều 259 BLHS 2015 đều không có mức định lượng tối thiểu để truy cứu TNHS đối với chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là bao nhiêu là rất khó khăn và lúng túng trong việc định tội danh.

 

 

 

 

TS. PHẠM MINH TUYÊN (Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh)