Cư dân yêu cầu kiểm toán quỹ bảo trì chung cư với số tiền 70 tỷ đồng
Nhiều lần yêu cầu Ban quản trị chung cư Ruby Precinct ở quận Tân Phú, TP.HCM công khai, minh bạch việc thu, chi quỹ bảo trì chung nhưng không được đáp ứng nên cư dân đã yêu cầu kiểm toán độc lập và kiến nghị đến các cơ quan chức năng.
“Cầu cứu” chính quyền
Mới đây, nhiều cư dân đã mua căn hộ và sinh sống tại chung cư Ruby Precinct (thuộc phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM) vô cùng bức xúc về việc quỹ bảo trì của chung cư Ruby Precinct chưa được công khai, minh bạch.
Theo cư dân, gần một năm nay, mặc dù cư dân đã nhiều lần yêu cầu ban quản trị chung cư Ruby Precinct (BQT) công khai việc thu, chi số tiền hơn 70 tỷ đồng là quỹ bảo trì chung nói trên. Thế nhưng, đến nay không ai đứng ra giải quyết.
“Hiện nay, cư dân chúng tôi vô cùng hoang mang vì không rõ số tiền hơn 70 tỷ đồng là quỹ bảo trì của chung cư giờ ra sao? Số tiền này đã được dùng vào việc gì, hiện còn lại bao nhiêu?”, ông M.A (cư dân chung cư Ruby Precinct) bức xúc, đặt nghi vấn.
Còn bà T.H (cư dân chung cư Ruby Precinct) cho biết, kể từ khi thành lập tới nay chưa bao giờ BQT tiến hành kiểm toán để minh bạch về tài chính. Thậm chí, cư dân còn không nắm được các khoản thu chi, chi phí mà BQT thực hiện cụ thể ra sao. Đơn cử như vấn đề về sao kê ngân hàng hoặc về hợp đồng giữa BQT và đơn vị ban quản lý, cư dân không được cung cấp hết tất cả những chi tiết nội dung trong đó.
Do đó, bắt đầu từ Hội nghị nhà chung cư diễn ra vào năm 2023, cư dân chung cư Ruby Precinct đã nhiều lần yêu cầu BQT cung cấp các khoản gửi ngân hàng, lãi suất nhận được… cũng như cần thiết phải thực hiện kiểm toán quỹ bảo trì hơn 70 tỷ đồng để cư dân được rõ. Tuy nhiên, BQT luôn tìm cách tránh né với lý do những vấn đề này chỉ có chính quyền mới được biết.
Bất lực trong việc yêu cầu BQT phải minh bạch các khoản thu, chi từ quỹ bảo trì chung. Cư dân chung cư Ruby Precinct đã cùng làm đơn phản ánh, kiến nghị gửi đến nhiều cơ quan chức năng để “cầu cứu”.
Trước yêu cầu chính đáng của cư dân, ngày 26/12/2023, UBND phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú, TP.HCM) đã có công văn số 2682/UBND về việc phúc đáp đơn kiến nghị của cư dân. Cụ thể, UBND phường yêu cầu BQT chung cư Ruby Precinct tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thông tin cho cư dân biết về các khoản thu, chi và các nội dung kiến nghị trước ngày 5/1/2024. Thế nhưng, đến nay qua nhiều lần Hội nghị nhà chung cư được diễn ra, cư dân vẫn chưa được BQT thông tin chi tiết về các khoản thu, chi của quỹ bảo trì.
Cư dân yêu cầu kiểm toán quỹ bảo trì
Đáng nói, trong tháng 7/2024, có hai Hội nghị thường niên của chung cư được tổ chức vào ngày 14/7 và ngày 28/7. Tuy nhiên, cả hai Hội nghị này chỉ với mục đích chủ yếu là lấy ý kiến cư dân về các chi phí bảo trì cho năm mới. Còn liên quan đến chi phí bảo trì của năm cũ mà cư dân kiến nghị phải làm rõ thì vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ BQT.
Tại các Hội nghị chung cư mới đây, cư dân Ruby Precinct tiếp tục đề nghị thực hiện kiểm toán độc lập để minh bạch về tài chính.
“Hội nghị thường báo cáo rất là sơ sài, ví dụ như báo cáo về phòng cháy, chữa cháy thì ghi sơ sơ là 500 triệu, rồi máy bơm 200 triệu, rồi báo cáo này báo cáo kia chỉ ghi một con số thôi, không có vấn đề cụ thể. Khi cư dân ý kiến thì BQT phớt lờ, không trả lời”, bà N.H (cư dân Ruby Precinct) cho biết.
Cho rằng BQT chung cư cố ý mập mờ, nhiều cư dân đã tiếp tục đề nghị thực hiện kiểm toán quỹ bảo trì để minh bạch về tài chính. Cụ thể, cư dân đề nghị phải thuê đơn vị kiểm toán độc lập, thực hiện ký hợp đồng, ứng trước 50% để tiến hành kiểm toán. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao BQT đã từ chối và không đồng ý kiểm toán.
“Việc BQT từ chối một công ty kiểm toán độc lập vào kiểm toán và công bố kết quả kiểm toán càng khiến cư dân chúng tôi hoang mang, không rõ quỹ bảo trình chung cư hơn 70 tỷ đồng có còn hay không?”, ông M.A (cư dân chung cư Ruby Precinct) lo lắng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Lộc – Đoàn Luật sư TP.HCM, số tiền quỹ bảo trì chung cư 2% là tiền của cư dân, chủ đầu tư chỉ thu hộ sau đó bàn giao cho ban quản trị chung cư. Theo đó, quỹ bảo trì chung cư 2% không bắt buộc phải kiểm toán.
Tuy nhiên, trong trường hợp cư dân cho rằng việc thu chi, sử dụng quỹ bảo trì chung cư không được ban quản trị công khai, minh bạch và yêu cầu kiểm toán vào cuộc cũng hoàn toàn chính đáng.
Cụ thể, liên quan đến vấn đề sử dụng, quản lý phí bảo trì chung cư và trách nhiệm của người thuê, mua căn hộ, chủ đầu tư, chủ sở hữu toà nhà chung cư và ban quản trị chung cư tại Điều 108, 109 Luật Nhà ở 2014 quy định rõ: “Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đúng mục đích, đúng hạng mục cần bảo trì theo kế hoạch bảo trì đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua hằng năm. Việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung phải có hóa đơn tài chính, có thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính và phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư. Thành viên Ban quản trị nhà chung cư có quyết định sử dụng kinh phí không đúng quy định thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại”.
Được biết, chung cư Ruby Precinct là một phần khu căn hộ thuộc dự án Celadon City do Công ty Cổ phần Gamuda Land (Gamuda Land) làm chủ đầu tư. Hiện nay, phân khu này có 5 block A, B, C, D, E cao từ 11-12 tầng, có 1520 căn hộ, với tổng diện tích 4.2ha. Hiện các căn hộ được bàn giao từ năm 2013 đến 2018.
Bài liên quan
-
Đại học Luật TP.HCM tổ chức thành công cuộc thi Phiên tòa giả định năm 2024
-
Xác định phí dịch vụ chung cư theo quy định của UBND tỉnh khi đã có Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư
-
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015 tương thích với Luật Tổ chức TAND năm 2024 về việc thu thập tài liệu, chứng cứ
-
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan kiểm toán cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận