Trả lại tiền lừa đảo trước khi bị tố cáo phải chịu trách nhiệm hình sự thế nào?

Ba bị cáo lập 9 chứng từ khống, giả chữ ký chủ tài khoản và kế toán trưởng để chuyển 882 triệu đồng từ tài khoản của Công ty sang tài khoản cá nhân. Sau đó ba bị cáo hoàn trả lại đủ số tiền đã chiếm đoạt trước khi bị tố cáo và khởi tố. Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt mỗi bị cáo 3 năm tù và đều cho hưởng án treo. Bản án bị kháng nghị.

Trong thời gian từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2013, các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Y đã cùng nhau lập 9 chứng từ khống, giả chữ ký chủ tài khoản và kế toán trưởng để chuyển 882 triệu đồng từ tài khoản của Công ty Thái Hòa tại Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Quốc tế sang tài khoản cá nhân rồi chia nhau. Khi Công ty Thái Hòa phát hiện, D, T, Y đã nộp lại 376 triệu đồng vào tài khoản của Công ty trước khi Công ty có đơn tố cáo với Cơ quan điều tra. Sau đó, D,T,Y lại nộp tiếp 446 triệu còn lại, trước khi khởi tố vụ án hình sự.

Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt mỗi bị cáo 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa án cấp phúc thẩm (Bản án hình sự phúc thẩm số 70/2017/HS-PT ngày 29/3/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng) chỉ áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt mỗi bị cáo 3 năm tù và đều cho hưởng án treo.

Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm, đề nghị hủy phần áp dụng pháp luật và hình phạt của bản án phúc thẩm để xét xử lại vì cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm đã áp dụng sai khung hình phạt, áp dụng sai tình tiết giảm nhẹ, ấn định mức hình phạt đối với các bị cáo không nghiêm.

Tại phiên họp ngày 21/3/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC. Trong nhận định của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề cần lưu ý là:

Các bị cáo đã chiếm đoạt được tài sản ở thời điểm chuyển được tiền sang tài khoản cá nhân. Ở thời điểm này, tội phạm đã hoàn thành. Do vậy, số lượng tài sản chiếm đoạt để xác định khung hình phạt phải là số tiền những người phạm tội đã chuyển được từ tài khoản của Công ty sang tài khoản cá nhân. Thực tế các bị cáo đã rút được tiền ra chia nhau. Do vậy, xác định các bị cáo phạm vào khoản 4 Điều 139 (Trường hợp chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên) như bản án sơ thẩm là đúng. Bản án phúc thẩm không coi số tiền các bị cáo đã nộp lại trước khi bị tố cáo là tiền lừa đảo chiếm đoạt được nên chỉ áp dụng khoản 3 Điều 139 (Trường hợp chiếm đoạt dưới 500 triệu đồng) là không đúng.

Việc các bị cáo đã nộp lại toàn bộ tiền chiếm đoạt trước khi bị khởi tố chỉ là việc tự nguyện khắc phục hậu quả nên bản án sơ thẩm đã xác định các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 là đúng; bản án phúc thẩm lại áp dụng thêm điểm g (chưa gây hậu quả) là không đúng.

Như vậy, dù đã trả lại tiền lừa đảo từ trước khi bị tố cáo thì người phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt được. Họ chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ là đã tích cực khắc phục hậu quả.

CHU MINH