Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoàn thuế trái pháp luật?

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Đạo Luật này đã kế thừa và phát huy những thành tựu của Luật TNBTCNN năm 2009, đồng thời có sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới tiến bộ hơn, cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu hơn. Tuy vậy, vẫn còn có những nội dung chưa thực sự phù hợp, tiên lượng sẽ gặp khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Bài viết này, tác giả xin bàn về quy định tại Điều 17 Luật TNBTCNN về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoàn thuế trái pháp luật.

Điều 17 Luật TNBTCNN  năm 2017 có tổng số 14 khoản, tăng thêm 2 khoản so với Điều 13 Luật TNBTCNN năm 2009,  đồng thời có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung sau đây:

Thứ nhất: Đối với trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính, bổ sung thêm 02 trường hợp bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật: (1) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm (Điểm b khoản 3 Điều 17); (2) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng (Điểm c khoản 3 Điều 17). Việc bổ sung thêm hai trường hợp mới này nhằm bảo đảm phù hợp với Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đồng thời tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

– Thứ hai:  Đối với trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trái pháp luật, bổ sung 01 trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trái pháp luật: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điểm a khoản 5 Điều 17). Việc bổ sung trường hợp này là nhằm phù hợp với Điều 89 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

– Thứ ba: Bổ sung các trường hợp được bồi thường, đó là: “Không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật tố cáo các biện pháp bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu” (khoản 6 Điều 17). Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 35 của Luật Tố cáo năm 2011, đồng thời quy định cụ thể hơn từng trường hợp được bồi thường để bảo đảm tính khả thi.

– Thứ tư:  Bổ sung trường hợp được bồi thường do “Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin” (khoản 7 Điều 17). Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm thống nhất với khoản 2 Điều 15 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; đồng thời, giới hạn chỉ bồi thường trong một trường hợp cụ thể gắn với lỗi cố ý của người thi hành công vụ.

– Thứ năm:  Bổ sung trường hợp được bồi thường do “hoàn thuế” trái pháp luật (khoản 9 Điều 17).

– Thứ sáu:  Bổ sung trường hợp được bồi thường do “Ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống” (khoản 14 Điều 17). Việc bổ sung quy định này là cần thiết, bởi lẽ, Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (nay là Luật Tố tụng hành chính năm 2015) đã mở rộng phạm vi khiếu nại và phạm vi khởi kiện vụ án hành chính, trong đó, bao gồm cả “quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật” (khoản 2 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015).

Có thể thấy, về cơ bản các nội dung được bổ sung thêm vào Điều 17 nói trên là tiến bộ và phù hợp. Tuy nhiên, khoản 9 của điều luật quy định: “Áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; truy thu thuế, hoàn thuế trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật” tác giả cho rằng cần phải xem xét lại.

Hoàn thuế là việc nhà nước trả lại số thuế mà đối tượng nộp thuế đã nộp cho ngân sách nhà nước trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể hơn hoàn thuế là việc ngân sách nhà nước trả lại cho cơ sở kinh doanh hoặc tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ số tiền thuế đầu vào đã trả khi  mua hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh còn chưa được khấu trừ trong kỳ tính thuế hoặc hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tiêu dùng của tổ chức, cá nhân đó không thuộc diện chịu thuế.

Khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 giải thích: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”.

Điều 10 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc việt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các thông tư về thuế có quy định rất cụ thể các trường hợp được hoàn thuế, các điều kiện để được hoàn thuế. Như vậy, việc hoàn thuế không đảm bảo các điều kiện và không thuộc các trường hợp nêu trên thì đều bị coi là hoàn thuế trái pháp luật. Trong trường hợp hoàn thuế trái pháp luật thì đối tượng bị thiệt hại chính là Nhà nước còn đối tượng hưởng lợi trực tiếp là các doanh nghiệp được hoàn thuế trái pháp luật

Theo quy định tại Điều 2 Luật TNBTCNN thì đối tượng được bồi thường là: “Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này.”

Các khoản 1, 3 và 7 Điều 3 Luật TNBTCNN có nội dung quy định như sau:  “1. Người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này…

Người yêu cầu bồi thường là người có văn bản yêu cầu bồi thường thuộc một trong các trường hợp: người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại.

Cơ quan giải quyết bồi thườnglà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng.”

Điều 5 Luật TNBTCNN quy định về các đối tượng có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường gồm: “1. Người bị thiệt hại; Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự; Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.”

Căn cứ vào nội dung các điều luật vừa trích dẫn ở trên thì trong trường hợp hoàn thuế trái pháp luật, người bị thiệt hại được xác định là ai? Tác giả xin nêu một ví dụ để minh họa cụ thể như sau:

Ví dụ: Công ty A làm hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng trái với các quy định của pháp luật về thuế, Cục trưởng Cục Thuế có thẩm quyền đã ký văn bản chỉ đạo các bộ phận chức năng thuộc Cục thực hiện hoàn thuế trái pháp luật cho Công ty A nguồn tiền từ ngân sách nhà nước. Trong trường hợp này, rõ ràng Công ty A là người được hưởng lợi trái pháp luật, đối tượng bị thiệt hại ở đây chính là Nhà nước. Vậy người bị thiệt hại trong trường hợp này thuộc đối tượng có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN hay không và trong trường hợp này là ai, không thể có Nhà nước yêu cầu Nhà nước bồi thường cho mình do hành vi trái pháp luật của một cơ quan Nhà nước gây ra. Thực tiễn cho thấy, đối với trường hợp hoàn thuế trái pháp luật đã được các văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh như: Các luật về thuế, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự… trong từng trường hợp cụ thể.

Do đó, để có thể hiểu một cách rõ ràng và dễ áp dụng trong thực tiễn, chúng tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung mới được bổ sung vào khoản 9 Điều 17 Luật TNBTCNN năm 2017.

NGA PHẠM