Trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong hoạt động dẫn độ

Bài viết tập trung phân tích về trách nhiệm của các cơ quan tư pháp khi thực hiện hoạt động dẫn độ theo quy định của dự thảo Luật Dẫn độ và các văn bản pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số đánh giá và kiến nghị hoàn thiện dự thảo về vấn đề này.

1. Đặt vấn đề

Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) được thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực từ 01/7/2008. Cùng với những văn bản pháp luật có liên quan khác, Luật TTTP đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động dẫn độ, góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam.

Luật TTTP đã phân định tương đối rõ về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan có liên quan trong một số hoạt động, một số thủ tục trong quá trình dẫn độ. Tuy vậy, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện, Luật TTTP đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, trong đó có các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong hoạt động dẫn độ. Cụ thể như sau:

Một là, Luật TTTP chưa quy định cụ thể về một số hoạt động phối hợp liên ngành trong quá trình dẫn độ như quy định về trách nhiệm đề nghị nước ngoài xem xét yêu cầu dẫn độ, trách nhiệm phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ, trách nhiệm thống kê số liệu.

Hai là, Luật TTTP không có quy định về cơ quan lập yêu cầu dẫn độ và quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan này. Việc này dẫn đến thực trạng là việc lập yêu cầu dẫn độ đối tượng phạm tội ở Việt Nam rồi bỏ trốn ra nước ngoài phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan đang thụ lý vụ án và nếu như cơ quan này không lập yêu cầu dẫn độ thì cũng không có cơ chế, chế tài nào để xử lý.

Ba là, Luật TTTP không quy định cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng nào có thẩm quyền từ chối dẫn độ; chưa quy định về thủ tục và thẩm quyền dẫn độ đơn giản, bắt khẩn cấp để dẫn độ; quy định về phân công, phối hợp và trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động dẫn độ chưa rõ ràng, cụ thể…

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về hoàn thiện pháp luật TTTP, về cải cách tư pháp, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW); Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới…

Đồng thời, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều Điều ước quốc tế liên quan đến dẫn độ. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam là thành viên của 22 điều ước quốc tế (ĐƯQT) đa phương, 10 hiệp định TTTP song phương có quy định về dẫn độ và 20 hiệp định song phương về dẫn độ[1]. Qua rà soát, một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong hoạt động dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007 chưa thực sự phù hợp với quy định trong các hiệp định này.

Chính vì vậy, việc ban hành Luật Dẫn độ là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hợp tác quốc tế trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

2. Khái quát về cơ quan tư pháp và hoạt động dẫn độ

2.1. Khái quát về cơ quan tư pháp

Hiện nay, các quy định của pháp luật không đưa ra khái niệm về cơ quan tư pháp, mà chỉ đề cập đến cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Mặc dù còn nhiều quan điểm khác nhau về cơ quan tư pháp tuỳ theo cách tiếp cận của người nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể khái quát về cơ quan tư pháp với hai cách tiếp cận theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp như sau:

Theo nghĩa hẹp, cơ quan tư pháp được hiểu là Tòa án. Khoản 2 Điều 102 Hiến pháp quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Với quy định này, quyền tư pháp được hiểu là quyền xét xử, và cơ quan thực hiện quyền tư pháp hay cơ quan tư pháp được xác định chỉ có duy nhất một cơ quan đó là Tòa án.

Theo nghĩa rộng, coi xét xử chỉ là mắt xích, là khâu trọng tâm của hoạt động tư pháp, là một bộ phận chứ không phải là toàn bộ quyền tư pháp. Theo đó, một số quyền tố tụng trước và sau xét xử và cả quyền bổ trợ tư pháp cũng được coi là quyền tư pháp. Các cơ quan được giao thực hiện các quyền này cũng được xác định là cơ quan tư pháp[2]. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị lần đầu tiên tiếp cận khái niệm công tác tư pháp có phạm vi rất rộng, từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Nghị quyết 49-NQ/TW tiếp tục chỉ ra hệ thống các cơ quan tư pháp mà trọng tâm là Tòa án thực hiện quyền xét xử, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ điều tra trong tố tụng hình sự và các cơ quan thi hành án. Như vậy, khái niệm cơ quan tư pháp không chỉ được dùng cho Tòa án, mà còn cả các cơ quan nhà nước khác thực hiện chức năng có liên quan đến xét xử. Trước hết đó là Viện kiểm sát, rồi đến các Cơ quan điều tra, thi hành án.

Ngoài ra, còn có các hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, trong nhận thức của nhiều người dân và cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan tư pháp còn bao gồm các cơ quan trong ngành Tư pháp từ trung ương đến địa phương (Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp và các phòng tư pháp cấp huyện).

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tiếp cận hệ thống cơ quan tư pháp trong hoạt động dẫn độ bao gồm ba nhóm cơ quan là: Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra.

2.2. Khái quát về hoạt động dẫn độ

Khoản 1 Điều 3 dự thảo quy định: Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác một người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước tiếp nhận truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người đó.

Từ khái niệm này có thể thấy, chủ thể của hoạt động dẫn độ là nước yêu cầu và nước được yêu cầu; đối tượng bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự; địa điểm mà người bị yêu cầu dẫn độ đang lẩn trốn là trên lãnh thổ của nước được yêu cầu; mục đích của dẫn độ là truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người được yêu cầu dẫn độ.

Theo nguyên tắc chung được Luật quốc tế công nhận, trong trường hợp không có ĐƯQT tương ứng, dẫn độ được coi là quyền của quốc gia chứ không phải nghĩa vụ pháp lý quốc tế của quốc gia. Do vậy, trên thực tế, để thực hiện dẫn độ, các quốc gia phải ký kết với nhau các ĐƯQT song phương và đa phương về dẫn độ.

Luật quốc tế và pháp luật quốc gia cũng quy định những nguyên tắc dẫn độ, theo đó khi xem xét yêu cầu dẫn độ, các quốc gia thường áp dụng một số nguyên tắc sau: Nguyên tắc có đi có lại, nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình, nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị, nguyên tắc định tội danh kép.

Dẫn độ là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều hoạt động, nghiên cứu quy định của dự thảo Luật Dẫn độ và các văn bản có liên quan có thể khái quát quy trình dẫn độ thành các bước sau:

Đối với trường hợp dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài, quy trình bao gồm ba bước: bước một, tiếp nhận và xử lý yêu cầu dẫn độ; bước hai, bao gồm thủ tục xem xét, quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ; bước ba, thi hành quyết định dẫn độ. 

Đối với trường hợp dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, quy trình bao gồm: bước một, lập hồ sơ yêu cầu dẫn độ; bước hai, tiếp nhận, kiểm tra, chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ và bổ sung thông tin, tài liệu; bước ba, xử lý đối với trường hợp nước ngoài đồng ý yêu cầu dẫn độ và từ chối yêu cầu dẫn độ (bao gồm các hoạt động như tiếp nhận, áp giải người bị dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ của Việt Nam).

3. Trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong hoạt động dẫn độ

3.1. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động dẫn độ, là cơ quan quyết định cuối cùng về việc có chấp nhận hay từ chối yêu cầu dẫn độ từ phía nước ngoài. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động dẫn độ được thể hiện cụ thể như sau:

- Lập hồ sơ, gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến Bộ Công an để kiểm tra

Trong trường hợp dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, Tòa án có thẩm quyền lập và gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến Cơ quan trung ương về dẫn độ là Bộ Công an theo quy định tại Điều 18 đến Điều 23 của dự thảo.

- Thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam

Theo quy định tại Điều 28 dự thảo, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu dẫn độ do Bộ Công an chuyển đến, Tòa án có thẩm quyền phải thụ lý hồ sơ.

Đối với trường hợp xem xét yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người. Về cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung quy định “Trường hợp yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người mà yêu cầu dẫn độ sau được gửi đến khi Tòa án nhân dân  khu vực đã thụ lý yêu cầu dẫn độ trước thì Bộ Công an đề nghị Tòa án nhân dân  khu vực đó  xóa sổ quyết định đã thụ lý theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật này và trả lại hồ sơ yêu cầu dẫn độ đã thụ lý cho Bộ Công an để tiếp tục xem xét, quyết định”.

- Quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ

Theo quy định tại Điều  29 dự thảo, trong thời hạn 60 ngày kể từ khi thụ lý hồ sơ, Tòa án phải ra quyết định xem xét hoặc đình chỉ yêu cầu dẫn độ. Nếu quyết định xem xét, Tòa án mở phiên họp trong vòng 30 ngày với sự tham gia của Hội đồng gồm  một thẩm phán và có sự tham gia của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để đánh giá tính hợp pháp, hợp lý của yêu cầu. Sau phiên họp, Tòa án ra quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ và gửi đến các cơ quan liên quan trong vòng 10 ngày để tổ chức thực hiện.

Dự thảo cũng bổ sung thẩm quyền của Tòa án trong việc phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp xem xét áp dụng thủ tục dẫn độ đơn giản trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đồng ý bằng văn bản với việc bị dẫn độ về nước ngoài theo Điều 34 dự thảo.

Tòa án có trách nhiệm quyết định từ chối dẫn độ nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 41 của dự thảo: người bị dẫn độ là công dân Việt Nam, người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người ở nước yêu cầu dẫn độ…

- Ra quyết định, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn

Bộ luật TTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định thẩm quyền quyết định, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn để bảo đảm cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ do Tòa án quyết định. Các biện pháp này bao gồm: bắt, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, các biện pháp ngăn chặn chỉ được áp dụng đối với người bị xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc bị dẫn độ sau khi nước ngoài chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ chính thức đến Việt Nam, trừ biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp mới được bổ sung theo quy định tại Điều  33 dự thảo.

- Giải quyết kháng cáo, kháng nghị

Tòa án có thẩm quyền giải quyết kháng cáo, kháng nghị liên quan đến quyết định dẫn độ theo quy định tại Điều  30 dự thảo, đảm bảo các quyết định tố tụng đưa ra chính xác, đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tòa án còn có thẩm quyền ra quyết định thi hành quyết định dẫn độ, hoãn dẫn độ và tiếp tục thi hành quyết định dẫn độ, dẫn độ lại…

3.2. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát đóng vai trò là cơ quan kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động dẫn độ, qua đó, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình dẫn độ, thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể sau:

- Lập hồ sơ, gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến Bộ Công an để kiểm tra

Theo quy định tại Điều  18 dự thảo, Viện kiểm sát có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Kiểm sát, phê chuẩn các hoạt động tố tụng của các cơ quan khác trong hoạt động dẫn độ

Trong suốt quá trình dẫn độ, Viện kiểm sát giám sát các hoạt động, quyết định của Ccơ quan điều tra và Tòa án để bảo đảm quyền con người không bị xâm phạm và các quy định tố tụng được tuân thủ nghiêm ngặt như: phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ của cơ quan điều tra theo quy định tại Điều  33 dự thảo và Điều 113 BLTTHS; kiểm sát quyết định dẫn độ hoặc quyết định từ chối dẫn độ; kiểm sát các hoạt động thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra phục vụ yêu cầu dẫn độ;…

- Thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp trong trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ của Việt Nam

Theo quy định tại Điều 25 dự thảo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự do các cơ quan lập yêu cầu dẫn độ gửi đến và chuyển hồ sơ vụ án cho nước ngoài để tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự. theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

- Xem xét yêu cầu dẫn độ; kháng nghị quyết định dẫn độ hoặc quyết định từ chối dẫn độ

Viện kiểm sát phải cử kiểm sát viên tham gia phiên tòa để phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc dẫn độ theo quy định tại Điều  29 dự thảo.

Khi phát hiện vi phạm trong quá trình giải quyết yêu cầu dẫn độ, Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị theo quy định tại Điều  30 dự thảo Luật.

3.3. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra

Cơ quan điều tra là cơ quan trực tiếp thực hiện các biện pháp nhằm xác minh người bị yêu cầu dẫn độ, thu thập chứng cứ phục vụ cho hoạt động dẫn độ, cụ thể như sau:

- Lập hồ sơ, gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến Bộ Công an để kiểm tra

Trong trường hợp dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, Cơ quan điều tra có thẩm quyền lập và gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến Cơ quan trung ương về dẫn độ là Bộ Công an theo quy định tại Điều 18 đến Điều  23 của dự thảo Luật Dẫn độ.

- Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam, xác minh địa điểm của người bị yêu cầu dẫn độ và những vấn đề có liên quan khác trong quá trình dẫn độ.

Về cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung quy định về Cơ quan Công an có thẩm quyền tiến hành xác minh địa điểm của người bị yêu cầu dẫn độ tại Việt Nam. Việc xác minh địa điểm của người bị yêu cầu dẫn độ tại Việt Nam, thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của người bị yêu cầu dẫn độ đã được quy định trong BLTTHS, Luật Công an nhân dân và các luật khác có liên quan, do đó, trong dự thảo không quy định lại.

- Ra quyết định và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người trong trường hợp khẩn cấp.

Cơ quan điều tra có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn để dẫn độ theo quy định tại Điều 33, Điều 113 BLTTHS 2015.

4. Một số đánh giá và kiến nghị

Thứ nhất, dự thảo cơ bản đã xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các Cơ quan tư pháp trong các bước của quy trình dẫn độ góp phần bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cơ quan thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp, có trọng tâm.

Tuy nhiên, dự thảo chưa có điều luật quy định chung về trách nhiệm của từng cơ quan trong quy trình dẫn độ, mà chỉ quy định trách nhiệm của những cơ quan này trong các điều luật về các hoạt động cụ thể, dẫn đến khó hình dung tổng thể trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong hoạt động dẫn độ. Do vậy, cần bổ sung các điều luật quy định khái quát về trách nhiệm của từng cơ quan, có thể tham khảo các nội dung được trình bày ở mục 3.

Có thể bổ sung 02 điều luật vào sau Điều 17 phần những quy định chung tại Chương I dự thảo, cụ thể: “Điều 17a. Trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi tiến hành hoạt động dẫn độ: 1. Lập hồ sơ, gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến Bộ Công an để kiểm tra; 2. Kiểm sát, phê chuẩn các hoạt động tố tụng của các cơ quan khác trong hoạt động dẫn độ; 3. Thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp trong trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ của Việt Nam; 4. Xem xét yêu cầu dẫn độ; kháng nghị quyết định dẫn độ hoặc quyết định từ chối dẫn độ; 5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”; “Điều 17b. Trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân khi tiến hành hoạt động dẫn độ: “1. Lập hồ sơ, gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến Bộ Công an để kiểm tra; 2. Thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam; 3. Quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ; 4. Ra quyết định, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn; 5. Giải quyết kháng cáo, kháng nghị; 6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ với những thay đổi của dự thảo như: BLTTHS, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân… và các văn bản hướng dẫn khác.

Thứ hai, dự thảo đã bổ sung thêm một số thẩm quyền cho các cơ quan tư pháp trong hoạt động dẫn độ, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế

Một là, dự thảo bổ sung quy định về thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ, theo đó thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ của Việt Nam được phân công cụ thể cho nhiều cơ quan khác nhau theo hướng Cơ quan Trung ương về dẫn độ và cơ quan nào đang thụ lý vụ việc mà người bị tình nghi đã thực hiện tội phạm, bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự bỏ trốn ra nước ngoài thì cơ quan đó có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ. Cơ quan lập yêu cầu dẫn độ chính là Cơ quan Trung ương về dẫn độ và cơ quan tiến hành tố tụng nên nắm được toàn bộ hồ sơ, nội dung của vụ án và việc lập yêu cầu dẫn độ sẽ thuận lợi, bảo đảm các yêu cầu cả về nội dung và hình thức.

Hai là, dự thảo bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ. Việc bổ sung quy định này nhằm triển khai thực hiện các quy định về bắt khẩn cấp trong các ĐƯQT về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên, ngăn ngừa người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn, gây khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu dẫn độ của nước ngoài.

Ba là, bổ sung quy định về dẫn độ đơn giản nhằm triển khai thực hiện quy định trong các ĐƯQT về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên, góp phần rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu dẫn độ.

Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định về cơ chế xử lý khi một trong các cơ quan thực hiện không đúng chức năng, quyền hạn hoặc vi phạm quyền của người bị dẫn độ. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung các quy định xác định trách nhiệm pháp lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có hành vi sai phạm trong hoạt động dẫn độ, quyền khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động dẫn độ. Có thể nghiên cứu bổ sung một điều luật về trách nhiệm pháp lý trong hoạt động dẫn độ với nội dung:       

Trách nhiệm pháp lý trong hoạt động dẫn độ

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ, vượt quá thẩm quyền hoặc vi phạm pháp luật trong hoạt động dẫn độ thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Người bị dẫn độ có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý yêu cầu dẫn độ.

3. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động dẫn độ theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan”.

 

TS. TRẦN NGỌC MINH (Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công an (2024), Tài liệu tuyên truyền về dự án Luật Dẫn độ, https://congan.thaibinh.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-catp/cai-cach-hanh-chinh/tai-lieu-tuyen-truyen-ve-du-an-luat-dan-do.html.

2. Bộ Công an (2024), Dự thảo Luật Dẫn độ, https://1drv.ms/w/c/5715e6f8da79b481/ER_lPdPPEApNsM7s-EQ5qiwByN3R3IZDRHxSwMscxw8UTQ?e=Vks9EM

3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

4. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị.


[1]   Bộ Công an (2024), Tài liệu tuyên truyền về dự án Luật Dẫn độ, tr. 2.

[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, tr.224.

Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng dẫn độ một bị can trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả từ Cuba về Việt Nam, tháng 3/2019 - Ảnh: Mod.