Trần Văn Hào phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Lừa đảo hay trộm cắp tài sản?” của tác giả Minh Khôi đăng trên mục trao đổi ý kiến ngày 6/6 /2018, tôi có quan điểm trao đổi về bài tội danh của Trần Văn Hào.

Tôi đồng tình với quan điểm kết luận Trần Văn Hào có hành vi phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi vì Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 như sau:

1- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…

4- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp…

-Về chủ thể thực hiện tội phạm

Theo quy định tại BLHS về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm không phải là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tức là nếu từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ có người trên 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Trong nội dung bài viết không nói rõ về đối tượng Trần Văn Hào, tuy nhiên qua thông tin về Trần Văn Hào mà ông Út đã nói, chúng ta cho rằng Trần Văn Hào thỏa mãn về yếu tố chủ thể.

– Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này này được thể hiện trong cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt.

– Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi của tội phạm: Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trở lại với nội dung bài viết “Hào nói với anh Tư là có rẫy cao su 2 ha muốn bán. Anh Tư được Hào dẫn ra xem lô cao su, được rào dây thép gai cẩn thận. Anh Tư hỏi về giấy tờ thì Hào nói có đầy đủ, đang làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có ở nhà. Ạnh Tư đồng ý mua. Hai bên viết giấy tay, anh Tư trả cho Trần Văn Hào 900 triệu đồng.” . Như vậy là thủ đoạn gian dối của bị cáo xuất hiện trước khi nhận được tài sản của người bị hại là anh Tư…

– Mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Tội này không thể diễn ra dưới hình thức lỗi vô ý.

Vì vậy có thể thấy hành vi của Hào đã vi phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 là thỏa đáng.

DƯƠNG VĂN HƯNG (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân chủng Hải quân)