Tranh chấp quyền sở hữu tài sản là phù hợp
Sau khi nghiên cứu bài viết “Đòi tài sản hay tranh chấp quyền sở hữu” của tác giả THs Nguyễn Thị Hoa đăng trên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí TAND điện tử ngày 05/8/2018. Tôi không đồng tình với quan điểm thứ nhất và cũng không hoàn toàn đồng tình với quan điểm thứ 2.
Trong vụ án tác giả nêu và có đặt vấn đề trao đổi về việc xác định quan hệ tranh chấp là đòi tài sản hay tranh chấp quyền sở hữu? Việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án dân sự có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của vụ án. Các quan hệ tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định cụ thể trong mục 1, Chương III BLTTDS 2015. Tuy nhiên thực tiễn khách quan, do các quan hệ pháp luật đa dạng và luôn vận động thay đổi không ngừng dẫn đến việc xác định chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp trong nhiều trường hợp không hề đơn giản. Muốn xác định được chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp trước hết phải xác định được đúng, đầy đủ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, từ đó liên hệ pháp luật nội dung điều chỉnh quan hệ này và xác định quan hệ tranh chấp.
Trong vụ án cần trao đổi, phía người khởi kiện là ông Nguyễn Việt T khởi kiện Công ty TNHH MN, đề nghị Tòa án xử cho nguyên đơn được sở hữu giá trị hạ tầng diện tích 848,5 m2 và một nửa giá trị xây dựng ngôi nhà 6 tầng, hiện đang thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty MN. Như vậy, phạm vi yêu cầu khởi kiện của ông T gồm 02 yêu cầu: Đề nghị Tòa án xác nhận giá trị hạ tầng diện tích 848,5m2 hiện đang thuộc quyền sử dụng của công ty MN là của ông T và yêu cầu xác nhận ½ giá trị xây dựng ngôi nhà 6 tầng đồng nghĩa với 1/2 vốn điều lệ của công ty MN là của ông T. Theo quan điểm của tác giả, tác giả không đồng tình với quan điểm thứ nhất và cũng không hoàn toàn đồng tình với quan điểm thứ 2 trong bài trao đổi cụ thể:
Trước tiên, để được xác định là quan hệ “kiện đòi tài sản” thì theo nội dung tại Điều 256 BLDS 2015: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này. Trong trường hợp tài sản đang thuộc sự chiếm hữu của người chiếm hữu ngay tình thì áp dụng Điều 257 và Điều 258 của Bộ luật này”. Như vậy, để được xác định quan hệ tranh chấp là kiện đòi tài sản thì người khởi kiện phải là chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản, tuy nhiên trong vụ án khi xác định đối tượng khởi kiện là giá trị hạ tầng diện tích 848,5m2 và ½ giá trị xây dựng ngôi nhà 6 tầng hiện các tài sản này thuộc quyền sử dụng và sở hữu của Công ty MN nên tranh chấp trong vụ án này không thể xác định là kiện đòi tài sản.
Đối với quan điểm thứ hai cho rằng đây là quan hệ tranh chấp quyền sở hữu về tài sản giữa ông Nguyễn Việt T và bà Nguyễn Thị Diệu N đối với số tiền 1,5 tỷ đồng mà bà N góp vốn vào Công ty MN. Như đã khẳng định bên trên, ý nghĩa của yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện không chỉ giúp xác định chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp mà còn xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng. Theo dữ kiện vụ án thì ông T khởi kiện Công ty MN. Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 BLTTDS: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm” và thực tế Công ty MN cũng đang là chủ sử dụng và chủ sở hữu các tài sản tranh chấp nên không thể xác định bị đơn là bà N và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty MN được.
Theo quan điểm của tác giả, đối với nội dung yêu cầu khởi kiện nêu trên của vụ án thì xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp quyền sở hữu tài sản là phù hợp.
Mở rộng về việc giải quyết nội dung vụ án: Đối với yêu cầu khởi kiện về xác định quyền sở hữu giá trị hạ tầng diện tích 848,5 m2 thì Tòa án cần dựa trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện và sử dụng chứng cứ có trong hồ sơ để quyết định có chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T hay không. Đối với yêu cầu khởi kiện về xác định quyền sở hữu ½ giá trị ngôi nhà 6 tầng thì có thể thấy rõ đây là vốn điều lệ Công ty MN đã được các thành viên góp vốn và được pháp luật thừa nhận thông qua chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty TNHH có hai thành viên trở lên do Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp cho Công ty TNHH MN ghi nhận trong danh sách thành viên góp vốn có hai người là Nguyễn Thị Diệu N và Nguyễn Thị Tuyết M với tổng số vốn góp là 3 tỷ đồng (trong đó bà M và bà N mỗi người 50% là 1,5 tỷ). Do đó dựa theo các dữ liệu mà tác giả cung cấp thì có thể thấy yêu cầu xác nhận này của ông T không có cơ sở chấp nhận, nếu ông T cho rằng số tiền góp 1,5 tỷ của bà N là của ông (thông qua một giao dịch dân sự có thể là vay tiền) thì ông T có quyền khởi kiện yêu cầu bà N trả ông số tiền trên bằng một vụ án khác.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận