Trao đổi bài viết “Án phí trong vụ án dân sự khi Tòa án tiến hành hòa giải thành”
Thẩm phán TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Sau khi đọc nội dung bài viết “Án phí trong vụ án dân sự khi Tòa án tiến hành hòa giải thành” của tác giả Võ Thanh Bình đăng ngày 24/11/2017 trên Tạp chí điện tử TANDTC, tôi xin trao đổi như sau:
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu , nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 326) thì: Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý đó là chỉ người yêu cầu (nguyên đơn) mới thuộc trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí và trong trường hợp này người yêu cầu phải có đơn đề nghị miễn tạm ứng án phí, án phí nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị quyết số 326. Như vậy, người yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe chỉ thuộc trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí chứ không đương nhiên được miễn tạm ứng án phí, án phí. Tòa án xem xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí cho người yêu cầu khi họ chưa có đơn đề nghị miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí là áp dụng pháp luật không đúng.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326 thì: “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.”. Như vậy, khi các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì về nguyên tắc án phí mỗi bên phải chịu là ½ trên tống số án phí mà hai bên phải sau sau khi được giảm 50%. Tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326 cũng có quy định: “Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định, của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp”
Để trả lời chính xác tình huống mà tác giả Võ Thanh Bình nêu thì cần xác định thêm các tình tiết sau:
[1] Ông Nguyễn Văn An có đơn yêu cầu miễn nộp tiền án phí không?
[2] Theo thỏa thuận ông Trần Văn Bình đồng ý chịu toàn bộ án phí hay ông Bình chỉ đồng ý chịu 50% án phí.
[3] Ông Trần Văn Bình có thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí không?
Do tình huống của tác giả Võ Thanh Bình không nêu rõ ông Trần Văn Bình có thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí không nên tôi đặt giả thiết ông Bình không thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí. Và ông Bình sẽ chịu án phí trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Ông An không có đơn yêu cầu miễn nộp tiền án phí (tức là không được Tòa án xem xét miễn án phí) và ông Bình đồng ý chịu toàn bộ án phí thì ông Bình phải chịu án phí là: 80.000.000đ x 5% = 2.000.000 đồng.
Trường hợp 2: Ông An không có đơn yêu cầu miễn nộp tiền án phí (tức là không được Tòa án xem xét miễn án phí) và ông Bình chỉ đồng ý chịu ½ án phí thì ông Bình phải chịu án phí là: ½ x (80.000.000đ x 5% )= 1.000.000 đồng. Còn lại 1.000.000 đồng án phí ông An phải chịu.
Trường hợp 3: Ông An có đơn yêu cầu miễn nộp tiền án phí (tức là được Tòa án xem xét miễn án phí) và ông Bình đồng ý chịu toàn bộ án phí thì ông Bình phải chịu án phí là: 0 đồng + ½ x (80.000.000đ x 5% ) = 1.000.000 đồng. Vì ông A được miễn nộp án phí nên ông Bình chỉ phải chịu án phí phần ông phải nộp là 1.000.000 đồng.
Trường hợp 4: Ông An có đơn yêu cầu miễn nộp tiền án phí (tức là được Tòa án xem xét miễn án phí) và ông Bình đồng ý chịu ½ án phí thì ông Bình phải chịu án phí là: ½ x (80.000.000đ x 5% ) = 1.000.000 đồng. Còn ông An được miễn nộp án phí nên ông An không phải chịu án phí.
Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi xin trao đổi cùng tác giả Võ Thanh Bình, quý đồng nghiệp và bạn đọc của Tạp chí Tòa án.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
Bình luận