Triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội
Ngày 22/3, TAND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị "Triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân". Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tham dự chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có bà Trần Thị Phương Hoa - Thành ủy viên, Bí thư quận ủy Cầu Giấy; ông Phí Minh Hải - Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội; bà Bùi Thị Hồng Ánh - Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội. Cùng dự còn có lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC, lãnh đạo TAND TP Hà Nội, các cơ quan tư pháp thành phố, lãnh đạo quận Cầu Giấy và các Hòa giải viên tại các đơn vị thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai phương thức giải quyết tranh chấp mới giữa các bên, giúp các bên hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, giúp giữ gìn trật tự xã hội, tạo đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân; đây là giải pháp quan trọng giúp giảm tải cho Tòa án trong bối cảnh lượng việc phải giải quyết ngày càng tăng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật và cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, đồng thời là giải pháp hữu hiệu, tạo thêm một cơ chế để các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính hiệu quả hơn, việc triển khai Luật hòa giải, đối thoại là một chủ trương lớn của Đảng, và là bước đột phá rất lớn của ngành TAND.
Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Đồng thời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã chia sẻ, động viên các Hòa giải viên về các khó khăn trong công việc, tuy nhiên Chánh án cũng yêu cầu các Hòa giải viên phải tránh các tiêu cực, không vi phạm các điều cấm, đảm bảo giữ bí mật trong công việc...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã tích cực trong việc chuẩn bị các nội dung cần thiết cho việc triển khai Luật. Sau khi Luật được thông qua, ngay từ tháng 8/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có Công văn báo cáo Thành ủy và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội đề nghị quan tâm, bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào nhiệm vụ công tác trọng tâm công tác năm 2021.
Ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Để Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, TAND hai cấp thành phố Hà Nội đã rất tích cực và chủ động trong việc tham gia ý kiến đối với các dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời đã tiến hành rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của từng đơn vị để kịp thời báo cáo tối cao, một số đơn vị cấp huyện cũng đã chủ động báo cáo đề nghị xin hỗ trợ của Huyện Ủy, Quận Ủy.
Sau khi TANDTC ban hành Thông tư số 04 ngày 16/11/2020 hướng dẫn về trình tự, thủ tục bổ nhiệm Hòa giải viên, ngay từ đầu tháng 12/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản thông báo cho các đơn vị về việc tuyển chọn Hòa giải viên, đồng thời cử những người có đủ tiêu chuẩn tham gia bồi dưỡng để cấp chứng chỉ Hòa giải viên.
Dự kiến, 27/30 đơn vị cấp huyện thuộc TAND hai cấp thành phố Hà Nội sẽ chính thức triển khai công tác Hòa giải, đối thoại kể từ ngày 01/4/2021, riêng TAND quận Cầu Giấy sẽ triển khai ngay ngày hôm nay - 22/3/2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi để thực hiện việc triển khai luật Hòa giải, đối thoại như báo cáo ở trên thì TAND hai cấp thành phố Hà Nội cũng gặp phải một số khó khăn, như: trụ sở làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; số lượng Hòa giải viên còn thiếu rất nhiều so với yêu cầu đặt ra; Đa phần là các cán bộ hưu trí không sử dụng được máy tính nên việc lập các biên bản hòa giải sẽ gắp nhiều khó khăn;...
Ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội xin hứa tiếp thu, lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, có hiệu quả để nhanh chóng đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Phát huy ý nghĩa, vị trí, vai trò của Luật góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân.
Hội nghị cũng đã công bố và trao quyết định bổ nhiệm các Hòa giả viên tại các đơn vị thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận