TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦY LỢI: Đổi mới quản trị trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Để đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đường lối đó đã từng bước được thể chế hóa.
Cụ thể, trong hai năm 2018 và 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (năm 2018) và Luật Giáo dục (năm 2019) đã được Quốc hội thông qua và từng bước đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới giáo dục đại học. Mục tiêu của đổi mới giáo dục, đào tạo là tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Mục tiêu đến năm 2030, giáo dục đại học Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân và trực tiếp nhất là từ các cơ sở giáo dục trong nước.
Theo tinh thần đổi mới đó, Trường Đại học Thủy lợi đã sớm triển khai và tiến hành đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đổi mới quản trị của Nhà trường theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học; thúc đẩy công tác thể chế và tổ chức, sớm ban hành các quy chế, quy định nội bộ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành khác.
Trường Đại học Thủy lợi là một trong những trường đại học đầu tiên trên cả nước đã thành lập Hội đồng trường từ rất sớm (năm 2006). Đến nay Hội đồng trường đã bước sang nhiệm kỳ thứ tư với 25 thành viên và là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huế - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường chủ trì phiên họp
Ngay sau khi được thành lập, Hội đồng trường đã tập trung triển khai hiệu quả chiến lược phát triển của Trường Đại học Thủy lợi. Hội đồng trường nhận thức đổi mới quản trị giáo dục - đào tạo bậc đại học trong bối cảnh mới là tập trung vào xây dựng triết lý, thiết kế chức năng trong hệ thống giáo dục - đào tạo, quản trị lộ trình tổ chức thực hiện, kiểm soát và quản lý chất lượng, nâng cao hiệu quả trong hoạt động giáo dục - đào tạo. Mục đích đổi mới của quản trị nhà trường là tạo ra giá trị tốt hơn, gia tăng hiệu quả nhiều hơn.
Trước hết, cần phải làm rõ sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu trong kế hoạch chiến lược phát triển. Về vấn đề này, Hội đồng trường xác định Trường Đại học Thuỷ lợi là trường đại học công lập có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế và quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực thuỷ lợi, môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững Tổ quốc Việt Nam.
Triết lý đào tạo của Nhà trường là: Học tập vì ngày mai lập nghiệp.
Về tầm nhìn, Trường Đại học Thuỷ lợi là trường đại học số một trong lĩnh vực thuỷ lợi, thuỷ điện, tài nguyên, môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; phấn đấu là một trong các trường đại học đa ngành hàng đầu của Việt Nam, có năng lực hội nhập cao với hệ thống giáo dục đại học khu vực và quốc tế.
Giá trị cốt lõi bao gồm: Đoàn kết - Chính trực - Tôn trọng - Chất lượng - Khát Vọng.
Các thành viên Hội đồng trường thảo luận, đóng góp ý kiến tại phiên họp
Xác định mục đích đổi mới là tạo ra giá trị tốt hơn, gia tăng hiệu quả nhiều hơn. Do đó, Hội đồng trường đã quan tâm và ưu tiên cân bằng những khía cạnh tạo giá trị để những nỗ lực đổi mới được tập trung vào việc tối đa hóa hiệu suất của tổ chức, gồm:
Thứ nhất, nghiên cứu mở rộng, sắp xếp kiện toàn hệ thống ngành nghề đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0. Nằm trong chiến lược phát triển của Trường dần trở thành trường đa ngành, đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội, trong thời gian qua, Trường đã liên tục phát triển và mở các ngành mới. Có những ngành đáp ứng nhu cầu xã hội rất cao như ngành Luật, Logistics, An ninh mạng, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh, Kinh tế số, Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán… Hiện nay, Trường đang đào tạo 40 ngành bậc đại học, trong đó có 01 chương trình tiên tiến học bằng tiếng Anh; 23 chuyên ngành đào tạo bậc cao học, trong đó có 06 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh; 13 chuyên ngành đào tạo bậc tiến sĩ.
Thứ hai, thiết kế lại chương trình đào tạo để đạt hiệu quả cao hơn. Chương trình đào tạo bớt “nặng” về lý thuyết, chú trọng về thực hành và vận dụng kiến thức. Rà soát, hiện đại hóa các chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng; chú ý tăng cường thực hành và phát triển kỹ năng. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm 2018 trường triển khai rà soát, xây dựng các chương trình đào tạo trình độ đại học theo tiếp cận CDIO (Conceive - hình thành ý tưởng, Design - thiết kế, Implement - triển khai, Operate - vận hành). Đây là phương pháp đào tạo tiên tiến, trong đó, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra, kiến thức và kỹ năng được tích hợp trong các môn học, sinh viên được tăng cường thực hành và trải nghiệm… Khâu khảo sát xây dựng ngành mới được làm rất bài bản, có sự tham vấn các cơ sở sử dụng sản phẩm đào tạo. Chính vì vậy, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gắn kết với thị trường lao động. Theo kết quả khảo sát tháng 12/2022, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm ra trường đạt 97,32%. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 3 tháng ra trường đạt 88,25%. Nâng cao chất lượng, tăng cường kết nối với doanh nghiệp và người sử dụng lao động, tạo cơ hội việc làm tốt cho sinh viên tốt nghiệp để tạo thương hiệu cho các ngành đào tạo hướng đến nâng cao nguyện vọng chi trả, qua đó tăng nguồn thu từ tăng học phí thay cho việc tăng quy mô tuyển sinh.
Thứ ba, nhằm tái lập giá trị mới trong hệ thống giáo dục - đào tạo đại học, nhà trường đã ban hành hàng loạt các văn bản quy định (chuẩn mực đạo đức, tiêu chuẩn nhà giáo, chính sách giáo dục - đào tạo đại học, sự can thiệp của quản lý nhà nước, quan hệ giữa quản trị, dạy và học...). Sự thăng tiến về thứ hạng của trường đi đôi với sự tăng cường về chất lượng của đội ngũ giảng viên theo chuẩn quốc tế. Tính đến 31/12/2022, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Nhà trường có 624 giảng viên, trong đó có 13 giáo sư và 76 phó giáo sư; theo trình độ, có 361 tiến sĩ (chiếm 57,85 %), 258 thạc sĩ (chiếm 41.34%), 5 đại học (chiếm 0.08%). Như vậy so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đã được nâng từ 46 % lên 57,85% (gần đạt chỉ tiêu đặt ra vào năm 2025 là trên 60%). (Hiện nay, con số trung bình của các trường đại học là 22,7%.).
Cán bộ, giảng viên các chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị khoa học công nghệ tham gia triển khai nhiều dự án phục vụ sản xuất và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu của Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế nhằm đóng góp tích cực cho hoạt động khoa học và công nghệ của nhà trường. Tính đến 31/12/2022, Nhà trường đã và đang thực hiện 17 đề tài cấp Nhà nước, 25 đề tài cấp Bộ và cấp Thành phố và hơn 200 hợp đồng tư vấn, dự án, đề tài phục vụ Thủ đô Hà Nội; 107 đề tài cấp trường; 586 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành của quốc tế; 479 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước; 215 bài báo hội nghị/hội thảo quốc tế và 425 bài báo tại các Hội nghị/hội thảo trong nước. Các sản phẩm khoa học và công nghệ đã giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của Bộ, Ngành như vấn đề an toàn đập, nước dâng do bão, an toàn hồ chứa, chống sạt lở, cải tạo hệ thống tưới tiêu..., đồng thời phục vụ hiệu quả cho đào tạo đại học, sau đại học các chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, giảng viên. Nhà trường đã và đang thực hiện 6 dự án tham gia hợp tác với các tổ chức nước ngoài, trong đó nổi bật là: Dự án “Nghiên cứu chung Việt Nam - New Zealand về An toàn đập và vùng hạ lưu” do Chính phủ New Zealand tài trợ; Dự án Khí hậu Việt Nam - Hợp tác giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng của Việt Nam do Chính phủ Hà Lan tài trợ; Chương trình Nghị định thư nghiên cứu chung Đông Á, e-Asia JRP (Việt Nam – Thái Lan - Nhật Bản)...
Thứ tư, cải tiến, điều chỉnh mô hình giáo dục - đào tạo bằng cách ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin mới và từng bước chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục - đào tạo và đánh giá chất lượng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được triển khai tích cực phục vụ cho quản trị điều hành, quản lý hành chính và giảng dạy. Nhà trường đã thành lập Ban chuyển đổi số, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ công nghệ thông tin trong điều hành, cải cách hành chính để đồng bộ, tăng cường hiệu quả quản lý; thực hiện ứng dụng có hiệu quả phần mềm hành chính điện tử. Trong 3 năm từ 2020 đến năm 2022, do bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã triển khai thực hiện giảng dạy và thi trực tuyến trong thời gian giãn cách, công tác hội họp kết nối trực tuyến với các đơn vị xa trường thông qua hệ thống Zoom Cloud Meetings được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả. Cũng trong thời gian này, nhà trường đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, chủ động xây dựng và hoàn thiện đưa vào sử dụng các phần mềm quản lý đào tạo DTS, phần mềm quản lý thời khóa biểu và xếp lịch thi, phần mềm LMS phục vụ đào tạo với nhiều chức năng hỗ trợ giảng viên và sinh viên trong giảng dạy học tập, phần mềm thi trắc nghiệm trên máy tính Itest, phần mềm kết nối văn bản với trục liên thông quốc gia thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần mềm quản lý khoa học công nghệ, thí điểm ứng dụng phần mềm hỗ trợ chất lượng văn bản (DoIT) trong công tác quản lý chất lượng đào tạo...
Thứ năm, nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của công tác kiểm định chất lượng, góp phần hình thành "văn hóa chất lượng" trong nhà trường, mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên để từ đó chất lượng giáo dục được đảm bảo và không ngừng được cải tiến, nâng cao, Trường Đại học Thuỷ lợi là một trong những trường đầu tiên trong cả nước tiến hành kiểm định chất lượng theo thông tư Bộ Giáo dục và Đào tạo số 12/2017/TT-BGDĐT. Đây là bộ tiêu chuẩn đánh giá rất toàn diện tất cả các mặt hoạt động của Nhà trường, từ đảm bảo chất lượng về chiến lược, về hệ thống, về thực hiện chức năng cho đến kết quả hoạt động. Kết quả đạt được là 95,5% số tiêu chí đạt yêu cầu, đây một thành quả rất khả quan khẳng định được uy tín của nhà trường. Về kiểm định chất lượng các Chương trình đào tạo, nhà trường cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Với sự vào cuộc quyết liệt của các khoa, bộ môn trong toàn trường, hiện tại đã có 10 chương trình đào tạo đã hoàn thành công tác kiểm định với kết quả cao.
Với việc xác định trọng tâm những khía cạnh tạo giá trị để những nỗ lực đổi mới được tập trung vào việc tối đa hóa hiệu suất của tổ chức, có thể nhận thấy Trường Đại học Thủy lợi đã dần chuyển đổi từ mô hình quản lý truyền thống sang mô hình quản trị đại học.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận