Từ ngày 1/1/2021, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

XUÂN HÀ - Chiều ngày 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó các ĐBQH nhất trí cao với đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.

19 tháng 06 năm 2020 15:07 GMT+7    1 Bình luận

Sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), 446/458 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo.

Về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư (sửa đổi) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật, các đại biểu đã nhất trí với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ với tỷ lệ 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội).

Trước đó, thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ là cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Ban soạn thảo cũng đồng tình với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý tại phiên họp. Cụ thể là giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về nội dung này, Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học nhiều lần, và chuẩn bị rất thận trọng khi đề xuất ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tại điều khoản chuyển tiếp của Luật quy định, giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan. Do đó, kể từ ngày Luật có hiệu lực (1/1/ 2021), cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bình luận (1)
  1. Nếu bây giờ có thêm quy định, là yêu cầu tất cả các công ty tài chính trên đất nước Việt Nam ko được cho vay tiền, và lãi suất ko đc cao hơn ngân hàng, hoặc là nghiêm cấm luôn các công ty tài chính, và yêu cầu các ngân hàng nhà nước, tạo ra 1khoan vay nhất định cho những dân nghèo ko có tài sản thế chấp và đang gặp khó khăn thật sự và chứng minh được sự khó khăn đó thì được vay có thể vài chục triệu hoặc vài trăm triệu tùy theo thu nhập bình quân của mỗi người với lãi xuất thấp đc hổ trợ từ chính phủ như vậy dân đỡ khổ hơn, mới có hy vọng trong câu nói dân giàu nước mạnh của người Việt Nam từ xưa đến nay

    Trần Anh thi 05:14 22/09.2023 GMT+7 Trả lời

    Chuẩn luôn rồi

    Văn 05:14 22/09.2023 GMT+7

    Cho dù có như vậy thì những khoản vay tín chấp k có tài sản bảo đảm có tỉ lệ nợ xấu rất cao nên khó có thể tránh được việc ng vay không trả cố tình chây ì trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ nên mới nói là lãi suất là do hai bên thương lượng đồng ý thì ký hợp đồng không thì thôi. Chứ một khi đã ký hợp đồng là đã đồng ý với tất cả cá điều khoản và điều kiện trong hợp đồng cũng như các mức lãi suất đưa ra.

    Hh 05:14 22/09.2023 GMT+7

    KÍNH MONG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM NGHIÊM TRỊ ĐÒI NỢ THUÊ KIỂU HĂM DỌA KHỦNG BỐ UY HIẾP TINH THẦN - ĐIỆN THOẠI QUẤY RỐI

    Huỳnh Toàn 05:14 22/09.2023 GMT+7

Ðiền thông tin gửi bình luận

Tên hiển thị: *
Ðịa chỉ email: *

Nội dung (trên 20 ký tự): *

* Bình luận của bạn sẽ được ban quản trị phê duyệt trong thời gian sớm nhất

Hủy