TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN Ở VIỆT NAM

Người chưa thành niên do chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và nhân cách nên việc bảo vệ, chăm sóc người chưa thành niên; việc phòng ngừa và điều tra tội phạm, xử lý người chưa thành niên phạm tội là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân văn. Giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với người chưa thành niên không phải bằng tăng hình phạt mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho người chưa thành niên.

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện rất đầy đủ trong Bộ luật Hình sự, phù hợp với các Công ước quốc tế về người chưa thành niên.

Quy định của pháp luật

 Theo quy định tại Điều 40 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Tòa Gia đình và Người chưa thành niên có nhiệm vụ chung là giải quyết sơ thẩm các vụ việc theo quy đinh pháp luật, phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định pháp luật. Trên thực tế, Tòa gia đình và Người chưa thành niên giải quyết các vụ, việc:

Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác;

Các vụ, việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;

Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đối với người chưa thành niên.

Đối với công tác xét xử án hình sự, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên luôn đảm bảo các nguyên tắc: Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, ưu tiên cải tạo tại cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội; Bảo đảm quyền có người bào chữa, có người đại diện hợp pháp cho bị cáo là người chưa thành niên.

Về hình thức, phòng xử hình sự của Gia đình và Người chưa thành niên không có vành móng ngựa, bị cáo là người chưa thành niên được tiếp xúc với người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người thân, người bào chữa. Bảo đảm phiên tòa thân thiện, gần gũi, để bị cáo có tâm lý ổn định, an tâm tham gia phiên tòa. Trong các vụ án hình sự có bị hại là người chưa thành niên, đặc biệt là các vụ án xâm phạm tình dục đối với trẻ em, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên bố trí khu vực riêng cho bị hại, tránh để bị hại tiếp xúc với bị cáo làm ảnh hưởng đến tâm lý của bị hại trong quá trình xét xử và về sau, đồng thời cũng nhằm bảo đảm lời khai của bị hại khách quan.

Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin liên quan đến người chưa thành niên trong quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt là các vụ án liên quan đến các tội phạm xâm hại tình dục mà bị hại là người chưa thành niên. Đối với những vụ án xâm phạm tình dục mà có bị hại tham gia phiên tòa là trẻ em, người chưa thành niên thì để ổn định tâm lý, bảo vệ quyền riêng tư và danh dự, nhân phẩm của người bị hại là người chưa thành niên, trước khi ban hành Quyết định xét xử, Thẩm phán phải trao đổi với lãnh đạo tòa để quyết định vụ án có xét xử kín hay không (Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011).

Đối với giải quyết các vụ việc Hôn nhân và Gia đình, Tòa luôn đảm bảo các nguyên tắc: Khi giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình, Thẩm phán luôn bảo đảm lợi ích hợp pháp, quyền lợi mọi mặt của con chưa thành niên; Bảo đảm trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên đều được xem xét nguyện vọng một cách khách quan, đúng quy định pháp luật. Về hình thức, trẻ em từ đủ 07 tuổi đều được xem xét nguyện vọng tại phòng trẻ em nhằm bảo đảm cho trẻ ổn định tâm lý, tự tin trình bày đúng ý chí, nguyện vọng của mình, không bị tác động của cha, mẹ.

Thực tiễn tại Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh

Thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, trên cơ sở nghiên cứu  thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân tại Tp Hồ Chí Minh, ngày  30/3/2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 388/QĐ/TCCB, thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên và tổ chức lễ ra mắt Tòa Gia đình và Người chưa thành niên – Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh vào ngày 4/4/2016.

Một phiên tòa của Tòa Gia đình và NCTN

Tòa được thiết lập theo mô hình mới, gồm 2 phòng xử án (gồm 1 phòng xử án hôn nhân gia đình và 1 phòng xử án hình sự) đều được bố trí, tổ chức theo tiêu chí  thân thiện và 4 phòng chức năng: Phòng hòa giải; Phòng trẻ em; Phòng tư vấn; Phòng trợ giúp y tế, có hệ thống camera quan sát ở các phòng xử, Phòng trẻ em, Tivi, tủ lạnh… nhằm phục vụ cho việc xét xử và chăm sóc trẻ em.

Theo biên chế thì tổng số cán bộ, công chức của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là 38 người, trong đó Thẩm phán là 18 người và Thư ký là 20 người, hiện nay đã thực hiện được 28 biên chế gồm 13 Thẩm phán và 15 Thư ký. Ban lãnh đạo Tòa gồm 1 Chánh tòa và 2 Phó Chánh tòa.

Theo số liệu thống kê thì từ 1/4/2016 đến 30/9/2017, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đã thụ lý và giải quyết 1284/1636 vụ việc hôn nhân và gia đình, 295/297 vụ án hình sự. Số vụ án còn đang giải quyết đa số là án mới thụ lý và một số là án phức tạp.

Thông qua hoạt động tố tụng, xét xử của Tòa án có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội về mặt khách quan chính là từ ảnh hưởng, tác động bởi các phương tiện truyền thông khiến việc tiếp xúc với những văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực dễ dàng; sự biến tướng của các loại hình văn hóa, giải trí… tạo điều kiện cho việc thực hiện hành vi phạm tội. Gia đình và Nhà trường là nơi trẻ được nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục, có sự gắn bó và chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường này thì cũng chưa giáo dục được toàn diện, nhất là vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Một số gia đình do người lớn chưa quan tâm, dạy dỗ, buông lỏng quản lý con cái nên trẻ thiếu thốn tình cảm, dễ bị lôi kéo, lợi dụng, bị kích động và sa đà vào các tệ nạn xã hội, con đường xấu.

Về mặt chủ quan, nhiều trường hợp bị cáo phạm tội do sự tác động của chất kích thích, do nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng đắn về các quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức, không lường trước được hậu quả xảy ra.

Ngoài các nguyên nhân này, thì đặc điểm tâm lý của lứa tuổi có ảnh hưởng không nhỏ đến hành động của người chưa thành niên, nhiều trường hợp người bị hại là trẻ em chủ động rủ rê bị cáo thực hiện hành vi quan hệ tình dục,…

Trên thực tế, chỉ cần từ những nguyên nhân, mâu thuẫn rất đơn giản như một lời nói đăng trên facebook, một sự hiểu lầm nho nhỏ trong sinh hoạt chung, một chút ghen tuông của tuổi học trò… nhưng lại dẫn đến những hậu quả khó lường như người thì chết, người thì bị thương, người phải ra tòa và chấp hành án thì ảnh hưởng cả tương lai sau này…, chưa kể gánh nặng để lại cho gia đình và xã hội, khiến cho người thân, người tiến hành tố tụng và cả những người dự khán không ít nỗi buồn và sự trăn trở. Với những loại tội xâm phạm tài sản thuộc sở hữu công dân, nếu không được giáo dục, cải tạo tốt thì khó hòa nhập cộng đồng và việc tái phạm là rất dễ xảy ra. Đặc biệt, tình trạng người chưa thành niên phạm tội giết người và người bị hại là người chưa thành niên bị xâm hại về tính mạng sức khỏe (hiếp dâm, dâm ô trẻ em) gần đây không còn hiếm, sự an toàn cho các trẻ em gái đang cần được báo động.

 Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên thuộc Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh luôn bám sát và đảm bảo thực hiện quy định pháp luật và các nguyên tắc nói trên, mục đích nhằm bảo vệ quan hệ gia đình Việt Nam; bảo vệ trẻ em nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng; thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên về bảo vệ quyền con người và bảo vệ trẻ em, góp phần cùng với các đoàn thể xã hội, địa phương răn đe, giáo dục, cải tạo và định hướng cho người chưa thành niên phạm tội tránh vướng phải sai lầm, làm lại cuộc đời và sớm hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên thuộc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế.

Thư ký của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên chưa được đào tạo, trang bị kiến thức về tâm lý, giáo dục, kỹ năng, kinh nghiệm. Chưa có quy chế phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức phúc lợi xã hội, cơ quan y tế, giáo dục ở Trung ương và địa phương để phối hợp với Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ gia đình, bảo vệ trẻ em. Kiến trúc trụ sở làm việc của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên chưa thực sự phù hợp với mô hình công sở, đặc biệt là mô hình Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Quy mô Tòa Gia đình và Người chưa thành niên còn hạn chế, chỉ có 02 phòng xử án, 01 phòng hòa giải, dẫn đến tình trạng thiếu phòng xử án, hòa giải. Các phòng xử án, phòng hòa giải và phòng làm việc đều có diện tích nhỏ, trường hợp có nhiều đương sự thì không đủ sức chứa, trang thiết bị làm việc như máy in, máy photocopy… còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu công tác; Các phòng chức năng còn thiếu trang thiết bị và chưa phát huy được hết tác dụng như dự kiến…

NGUYÊN ANH