Từ vụ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – Bài học về trách nhiệm của người đứng đầu
Vì sao một Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước lại có nhiều vi phạm, thậm chí vi phạm kéo dài dẫn tới hàng loạt cán bộ chủ chốt của Tập đoàn PVN vướng vào vòng lao lý? Đây là câu hỏi, đồng thời cũng là bài học đối với những người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, quản lý, nhất là những đơn vị, tập đoàn làm kinh tế lớn của Nhà nước.
Ngày 22-1-2018, sau một thời gian xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo: Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, với mức án 13 năm tù; Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), tù chung thân; các bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN; Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, đều chịu mức án 9 năm tù. Ngoài ra, nhiều bị cáo khác Hội đồng xét xử đã tuyên phạt với những mức án nghiêm minh của pháp luật.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, bởi các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia. Đồng thời, cũng là vụ án điển hình từ việc ban đầu được UBKT Trung ương phát hiện, kết luận rõ những vi phạm của tập thể, cá nhân qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn PVN và một số cá nhân liên quan. Hơn nữa, trong vụ án này nhiều bị cáo từng là người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị, trong đó có bị cáo từng là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước như bị cáo: Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, đều nguyên là Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN.
Vậy, vì sao một Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước lại có nhiều vi phạm, thậm chí vi phạm kéo dài dẫn tới hàng loạt cán bộ chủ chốt của Tập đoàn PVN vướng vào vòng lao lý? Đây là câu hỏi, đồng thời cũng là bài học đối với những người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, quản lý, nhất là những đơn vị, tập đoàn làm kinh tế lớn của Nhà nước.
Từ Nghị quyết trái luật dẫn đến hàng loạt vi phạm trong quản lý vốn, tài chính và thất thoát tài sản Nhà nước ở Tập đoàn PVN
Qua vụ án này, ngoài những vi phạm khác đã được Hội đồng xét xử nêu ra, thì việc liên quan tới thất thoát vốn, tài chính, tài sản và để xảy ra tham ô, tham nhũng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại Tập đoàn PVN và một số đơn vị trực thuộc, trong đó có việc ban hành nghị quyết trái luật của Đảng ủy (Nghị quyết 233/NQ-ĐU) và (Nghị quyết 4266/NQ-DKVN) của HĐTV Tập đoàn PVN. Hai Nghị quyết trái luật này được ban hành trong giai đoạn 2009 – 2011, khi đó ông Đinh La Thăng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, do đó phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đứng Tập đoàn PVN về việc ban hành nghị quyết trái luật và những vi phạm của Tập đoàn ở thời điểm này.
Từ việc Đảng ủy và HĐTV Tập đoàn PVN ban hành Nghị quyết số 233 và Nghị quyết 4266 trái pháp luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật, vi phạm rất nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng trong quản lý vốn, tài chính, tài sản Nhà nước. Đặc biệt, Nghị quyết 4266 của HĐTV ban hành ngày 16-5-2011, góp vốn đầu tư vượt mức quy định vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank), trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, với số tiền 800 tỷ đồng nay không thể thu hồi gây nhiều thiệt hại cho Tập đoàn. Từ ban hành Nghị quyết trái luật đã tạo cơ hội cho một số cán bộ suy thoái, biến chất lạm dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô tài sản và gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.
Hậu quả từ việc ban hành Nghị quyết trái pháp luật cũng đã được các cơ quan tố tụng nêu rõ tại phiên tòa: Trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu với các hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) với PVC trái quy định. Chỉ đạo PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 119 tỷ đồng.
Dù đây mới chỉ là phiên tòa sơ thẩm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Tập đoàn PVN, song đã thấy rõ những thiệt hại lớn về vốn, tài chính, tài sản của Nhà nước và nhiều cán bộ chủ chốt của PVN sa vào vòng lao lý, trong đó có hậu quả của việc ban hành 2 Nghị quyết trái luật nêu trên của Tập đoàn PVN.
Vậy, vì sao ở một Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước có nhiều tổ chức đảng, nhiều đảng viên và người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu Tập đoàn có nhiều năm trong công tác lãnh đạo, quản lý lại ban hành nghị quyết trái pháp luật?
Người đứng đầu có biểu hiện “lạm quyền” và “ngộ nhận quyền lực” dẫn tới việc ban hành Nghị quyết trái luật ở Tập đoàn PVN
Hậu quả từ nghị quyết trái luật của Tập đoàn PVN đã thấy rõ qua vụ án nêu trên, song phải thấy rằng việc ban hành hai Nghị quyết trái luật đó đã cho thấy biểu hiện sự “lạm quyền” và “ngộ nhận quyền lực” của người đứng đầu cấp ủy ở Tập đoàn PVN. Sự “lạm quyền” và “ngộ nhận quyền lực” này thể hiện rõ trong Kết luận của UBKT Trung ương qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn PVN (giai đoạn 2009 – 2015), trong đó giai đoạn 2009 – 2011, ông Đinh La Thăng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN: “Là người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu Tập đoàn, ông Đinh La Thăng đã vi phạm Quy chế của HĐQT Tập đoàn, khi chưa thảo luận thống nhất trong HĐQT đã tự ý ký văn bản để góp vốn vào OceanBank; đồng thời còn đề nghị các đơn vị sử dụng dịch vụ của ngân hàng này. Hơn nữa, ông Thăng còn trực tiếp ký và chấp thuận chỉ định nhiều gói thầu có giá trị lớn cho nhiều nhà thầu không đủ năng lực, điều kiện thực hiện, trong đó có 7 nhà thầu không phải là thành viên Tập đoàn, gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước”. Tại phiên tòa vừa qua, các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cũng cho rằng dù một số vi phạm có biết nhưng phải chịu sức ép và nhất nhất theo “mệnh lệnh” của bị cáo Đinh La Thăng, lúc đó là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn. Đồng thời, chính bị cáo Đinh La Thăng cũng đã thừa nhận sự chỉ đạo của mình quá nôn nóng, thiếu kiểm tra, giám sát nên dẫn tới hàng loạt vi phạm của Tập đoàn.
Rõ ràng, trên cương vị người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu Tập đoàn, ông Đinh La Thăng có biểu hiện của sự “lạm quyền” và “ngộ nhận quyền lực” dẫn tới việc chuyên quyền, độc đoán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khi trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN. Từ sự “lạm quyền” và “ngộ nhận quyền lực” ông Thăng đã tự ý ký nhiều văn bản và kế hoạch chỉ định thầu trái pháp luật, trong đó có Nghị quyết số 233 của Đảng ủy và Nghị quyết số 4266 của HĐTV Tập đoàn đã gây hậu quả rất nghiêm trọng và kéo theo nhiều hệ lụy với vi phạm kéo dài của Tập đoàn PVN. Nhiều dự án đầu tư của Tập đoàn không hiệu quả, mất vốn, thất thoát tài sản của Nhà nước; một số cán bộ suy thoái, biến chất lợi dụng cơ hội tham ô, tham nhũng đã bộc lộ rõ tại Tập đoàn PVN và Tổng Công ty PVC.
Bài học về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và sớm ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của người đứng đầu
Qua vụ án ông Đinh La Thăng, cùng nhiều lãnh đạo Tập đoàn PVN và Tổng Công ty PVC giai đoạn (2009 – 2015) bị khởi tố, bắt giam và đưa ra truy tố, xét xử với tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã cho thấy đây là bài học đắt giá đối với người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị khi có biểu hiện “lạm quyền”, độc đoán và nhất là “ngộ nhận quyền lực” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Thứ nhất, từ nghị quyết ban hành trái luật đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy mất vốn, sản xuất kinh doanh thua lỗ và nhiều dự án đổ vỡ gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng ở Tập đoàn PVN và các đơn vị trực thuộc. Không chỉ có vậy, khi một nghị quyết ban hành trái luật, đã tạo nhiều kẽ hở, cơ hội cho một số cán bộ suy thoái, biến chất toan tính “lợi ích nhóm”, “lợi ích cá nhân”, dẫn đến tham ô, tham nhũng; nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật của nhà nước, bị khai trừ khỏi Đảng và xử lý hình sự, trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt của Tập đoàn ở nhiều giai đoạn.
Để ban hành và thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả thiết thực ở mỗi cơ quan, đơn vị, cũng như ở mỗi tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị phải lắng nghe ý kiến quần chúng, biết tập hợp và phát huy được trí tuệ tập thể, tránh sự chuyên quyền, độc đoán của người đứng đầu. Coi trọng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu. Có vậy, thì nghị quyết của tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị mới bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, đi vào cuộc sống đạt hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai, để ngăn chặn sự “lạm quyền” hoặc “lợi dụng quyền lực” của người đứng đầu, thì mỗi tổ chức đảng phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, vì đây là nguyên tắc “xương sống” của tổ chức đảng; cùng với đó đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong đảng; thực hiện tốt quy chế giám sát để sớm phát hiện ngăn chặn sự lạm quyền, độc đoán, gia trưởng, mất dân chủ, vi phạm pháp luật của người đứng đầu; phát huy cao tinh thần dân chủ và thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị phải biết lắng nghe ý kiến của quần chúng, khuyến khích, thúc đẩy thực hiện tốt quy chế dân chủ, sẽ tránh được sai lầm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Qua những vi phạm tại Tập đoàn PVN và Tổng Công PVC cho thấy vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên kéo dài nhiều năm, thậm chí vi phạm có hệ thống. Nhiều cán bộ chủ chốt vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của đảng và pháp luật của Nhà nước phải xử lý hình sự. Để ngăn chặn, phát hiện sớm những vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải thực sự chú trọng thực hiện tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát; nhất là việc kiểm tra, giám sát với người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên và tổ chức đảng, để sớm phát hiện và ngăn chặn vi phạm, không để từ vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn; vi phạm của cá nhân thành vi phạm tập thể; vi phạm từ một tổ chức thành nhiều tổ chức vi phạm. Tăng cường kiểm tra, sàng lọc, xử lý, thay thế, miễn nhiệm, cho từ chức người đứng đầu yếu kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp, năng lực lãnh đạo yếu trong chỉ đạo, điều hành công việc. Thực hiện tốt việc giám sát kê khai tài sản theo các quy định của Đảng, Nhà nước để kịp thời phát hiện những vi phạm, những tài sản bất minh của cán bộ, đảng viên góp phần phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời sự lạm quyền, cơ hội, lợi ích nhón, tham ô, tham nhũng.
Thứ tư, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải thật sự gương mẫu, nêu cao đức tính cần, kiệm, liêm, chính, khắc phục biểu hiện độc đoán, gia trưởng, lạm quyền của người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị có trình độ, năng lực, thật sự là tấm gương tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống, là trung tâm của sự đoàn kết của mỗi tổ chức đảng và mỗi cơ quan, đơn vị./.
(Theo Website UBKTTW)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
Bình luận