Vài kỷ niệm đáng nhớ với Tạp chí Toà án nhân dân

Ông Hoàng Quảng Lực, nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình là một trong những cộng tác viết kỳ cựu, nhiệt tình của Tạp chí Tòa án nhân dân, đóng góp nhiều bài viết có chất lượng được bạn đọc quan tâm. Tạp chí TAND điện tử xin giới thiệu chia sẻ của ông Hoàng Quảng Lực nhân sự kiện 70 năm Tạp chí Tòa án nhân dân ra số đầu tiên.

Tôi sinh ra trong một gia đình có đôi chút truyền thống hoạt động trong lĩnh vực Tư pháp. Ba tôi trước tháng 8/1945 là công chức chế độ cũ, làm việc tại Bộ Tư pháp Nam triều – Huế. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, như nhiều trí thức của chế độ cũ, ông đi theo Cách mạng, công tác trong ngành Toà án tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, với hai chức vụ quản lý cao nhất đã kinh qua là Phó Công tố viện TAND tỉnh Thanh Hoá (tương tự chức vụ Phó chánh án) và Phó chánh án, quyền Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình.

Ông từng vinh dự được gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị Công tác tư pháp toàn quốc, do Bộ Tư pháp tổ chức tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào năm 1950. Ông có kể lại rằng tại Hội nghị, khi một số Đại biểu do quan tâm đến sức khoẻ của Bác, có hỏi Bác việc ăn ngủ, Bác đã trả lời một câu rất hóm hỉnh, tinh tế và ngắn gọn là “Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, việc nhiều ngủ ít, việc ít ngủ nhiều”.

Vì ảnh hưởng từ ba tôi, năm 1990, nhân sự kiện tỉnh Quảng Bình được tái thành lập trước đó ít lâu, nghe theo lời ông, tôi đã xin chuyển ngành về công tác tại TAND tỉnh Quảng Bình và được chấp nhận.

Những ngày đầu làm quen với công việc hoàn toàn mới mẻ, mà bản thân lại chưa được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào để có thể đảm nhận, ngoài sự hướng dẫn tận tình của các đồng nghiệp có kinh nghiệm, uy tín đi trước mà tôi luôn biết ơn, thì các Tạp chí chuyên ngành pháp luật nói chung, đặc biệt là Tạp chí Toà án nhân dân là các tài liệu hết sức quan trọng đối với tôi, góp phần giúp tôi từng bước hiểu biết về nghề nghiệp, về công việc mà mình được phân công, từ đó hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

Ông Hoàng Quảng Lực

Cũng vì hoàn cảnh có tính cá biệt nói trên của bản thân, nên tuy sau này, khi đã được đào tạo pháp luật, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn của các chức danh, nhiệm vụ công tác được giao, thì từ đó cho đến khi nghỉ hưu, Tạp chí Toà án nhân dân luôn là người bạn đồng hành, có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi, giúp tôi có được vốn kiến thức pháp luật như hiện nay, mang lại cho tôi những giây phút hạnh phúc, những kỷ niệm khó quên trên từng bước đường công tác của mình. Vừa là độc giả, tôi vừa là tác giả cộng tác liên tục với Tạp chí trong mấy chục năm qua. Qua Tạp chí tôi được chia sẻ những nghiên cứu của mình về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn xét xử.

Kỷ niệm với Tạp chí thì rất nhiều, tôi xin kể lại vài kỷ niệm nhỏ.

Khoảng năm 2008, một Thư ký TAND tỉnh Quảng Bình, khi đó đang học Cao học luật tại Đại học Quốc gia Hà Nội, trong một lần về phép có ghé phòng làm việc của tôi chơi, kể lại với tôi rằng khi biết cô là học viên công tác tại TAND tỉnh Quảng Bình được cử đi học, ông thầy dạy cô liền hỏi: “Em có biết ông Hoàng Quảng Lực không?”. Khi cô trả lời là biết và nói “anh ấy là sếp của em”, thì vị Tiến sỹ này hỏi cô ấy là tôi bao nhiêu tuổi, đồng thời nói là ông rất thích các bài viết của tôi đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân và các Tạp chí khác; ông thường lưu giữ các bài viết này làm tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy của ông. Được nghe cô thư ký kể lại những gì mà vị Tiến sỹ trên tâm sự, tôi hết sức xúc động, vì không hề nghĩ những bài viết của mình lại được một người làm công tác khoa học đón nhận một cách trân trọng đến thế.

Năm 2015, tôi là vận động viên bóng bàn của TAND tỉnh Quảng Bình được cử tham gia Hội thao TAND toàn quốc tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù số lượng các đoàn về dự hội thao rất đông, việc sắp xếp ăn, nghỉ, đi lại cho các đoàn gặp nhiều khó khăn, nhưng TAND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức việc đón tiếp hết sức tận tình, chu đáo. Đoàn vận động viên TAND tỉnh Quảng Bình được TAND Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh giúp đỡ trong việc ăn, nghỉ, đi lại trong thời gian lưu trú tại đây. Trong bữa tiệc gặp mặt do TAND Quận 1 tổ chức, một số Thẩm phán, Thư ký của TAND Quận 1 đến nâng ly chúc sức khoẻ của tôi, họ nói rằng khi thấy trong danh sách Đoàn vận động viên TAND tỉnh Quảng Bình tham gia hội thao có tôi, họ rất muốn được gặp mặt, vì lâu nay chỉ biết tên tôi trên Tạp chí Toà án nhân dân. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng đó là những giây phút mà trong tôi trào dâng một cảm giác hết sức đặc biệt, khó diễn tả về sự tôn trọng, về tình cảm rất chân thành mà các đồng nghiệp TAND Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh dành cho mình.

 Khoảng năm 2016, nghe vài anh em Thư ký trong Ngành TAND tỉnh Quảng Bình đi học lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử tại Học viện Tư pháp về, có nói trong Chương trình ôn thi cuối khoá môn Luật Dân sự của Học viện, có yêu cầu học viên phải đọc một số tài liệu, bài viết trên các Tạp chí, trong đó có một bài viết của tôi đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, vì mình đã góp được một phần, tuy là rất nhỏ bé, trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống Toà án. Sau này vào Internet, tôi có tìm thấy đề cương ôn tập này, bài viết mà các anh em Thư ký nói là bài “Bàn về giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu” đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân số 21 năm 2011.

Là cộng tác viên nhiều năm của Tạp chí Toà án nhân dân, tôi cũng rất vui khi được quen biết, gặp gỡ trực tiếp, hoặc qua kết bạn trên Internet các các thế hệ anh chị em làm ở Ban Biên tập của Tạp chí Toà án nhân dân, như các anh chị Lê Hồng Quang, Lê Phúc Hỷ, Trần Quốc Việt, Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Thị Hải Châu, Vũ Thuý Hoà, Phạm Thị Quỳnh Nga, Đinh Hùng Lan…  Tình cảm chân thành của các anh chị em là nguồn động viên rất lớn đối vói tôi để trong những năm qua, tôi có nhiều bài viết gửi đăng Tạp chí, góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển Ngành chúng ta nói chung, của Tạp chí TAND nói riêng. Vì vậy, qua đây, cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những gì mà các các anh chị em đã động viên, giúp đỡ tôi trong quá trình tôi làm công việc cộng tác viên của Tạp chí.

Tháng 8/2023, tôi nghỉ hưu. Trước khi nghỉ hưu, tôi có gửi Tạp chí bài viết  “Bàn về dấu hiệu hậu quả “gây thiệt hại về tài sản” trong mặt khách quan của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, được Tạp chí đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân số 10 năm 2023.

Nhân 70 năm thành lập Tạp chí Toà án nhân dân, xin kính chúc các thế hệ lãnh đạo, Biên tập viên Tạp chí TAND sức khoẻ, hạnh phúc, thành công; mong Tạp chí Toà án nhân dân mãi là địa chỉ tin cậy cho bạn đọc nói chung, những người làm công tác pháp luật nói riêng.

 

Ông Hoàng Quảng Lực chủ tọa một phiên tòa hình sự

HOÀNG QUẢNG LỰC