Vấn đề áp dụng lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền đã có hướng dẫn
Sau khi đọc bài “Bất cập trong việc áp dụng lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 07/9/2019, trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật liên quan, tôi có ý kiến trao đổi về nội dung bài viết đặt ra.
Kể từ khi Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có hiệu lực thi hành đến trước ngày 15/3/2019 là ngày Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (Nghị quyết số 01/2019) thì TANDTC có hướng dẫn thống nhất cách ghi về nghĩa vụ chậm trả tiền trong giai đoạn thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định của Tòa án như sau: “Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả khoản tiền hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015”.
Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết số 01/2019 có hiệu lực thì cách ghi này không còn áp dụng nữa. Thay vào đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có hướng dẫn cụ thể về quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án tại Điều 13 của Nghị quyết số 01/2019 như sau:
“Điều 13. Quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án
1. Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau:
a) Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
b) Đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. “Mức lãi suất hai bên thỏa thuận” hướng dẫn tại khoản 1 điều này là mức lãi suất nợ quá hạn các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc tại Tòa án. Trường hợp, các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn.”
Từ hướng dẫn này có thể hiểu và khái quát lại như sau:
* Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng (bao gồm hợp đồng vay tài sản, các hợp đồng khác mà một bên phải có nghĩa vụ thanh toán cho bên còn lại) và có thỏa thuận việc trả lãi:
+ Nếu hai bên có thỏa thuận về mức lãi suất trong hợp đồng hoặc tại Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án thì quyết định bên phải thi hành án phải trả lãi cho bên được thi hành án đối với số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc tại Tòa án, nhưng mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm theo quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015.
+ Nếu hai bên không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định bên phải thi hành án phải trả lãi cho bên được thi hành án đối với số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất bằng 10%/năm theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015.
+ Nếu hai bên không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất thì quyết định bên phải thi hành án phải trả lãi cho bên được thi hành án đối với số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất bằng 10%/năm theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015.
* Đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi:
+ Nếu hai bên có thỏa thuận về mức lãi suất tại Tòa án thì quyết định bên phải thi hành án phải trả lãi cho bên được thi hành án đối với số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận tại Tòa án nhưng mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm theo quy định tại Điều 357 và khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015.
+ Nếu hai bên không có thỏa thuận về mức lãi suất tại Tòa án thì quyết định bên phải thi hành án phải trả lãi cho bên được thi hành án đối với số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất bằng 10%/năm theo quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015.
Như vậy, đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các đương sự có thỏa thuận việc trả lãi thì tùy thuộc vào việc đương sự có thỏa thuận mức lãi suất (trong hợp đồng hoặc tại Tòa án) hay không mà áp dụng khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 hay áp dụng khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015. Riêng đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong và ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì bắt buộc phải áp dụng Điều 357 BLDS năm 2015, vì đây là điều luật quy định trực tiếp về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (hay chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tài sản). Ngoài ra, tùy thuộc vào việc đương sự có thỏa thuận mức lãi suất tại Tòa án hay không mà áp dụng thêm khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 hoặc khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015.
Trở lại các quan điểm của tác giả nêu trong bài viết, quan điểm tôi cho rằng cả ba quan điểm đều không hoàn toàn chính xác trong mọi trường hợp. Như tôi đã phân tích ở trên tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 468 hay khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 hoặc kết hợp Điều 357 BLDS năm 2015 với khoản 1 Điều 468 hay khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015. Bởi vì vấn đề này đã được hướng dẫn rất rõ ràng và cụ thể tại Điều 13 Nghị quyết số 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Trên đây là một số ý kiến của cá nhân xin trao đổi cùng bạn đọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
2 Bình luận
Nguyễn Vĩnh Lộc (TAND huyện Chợ Gạo, Tiền Giang)
03:55 23/12.2024Trả lời
Nguyễn Vĩnh Lộc (TAND huyện Chợ Gạo, Tiền Giang)
03:55 23/12.2024Trả lời