Vấn đề tạm giam trong thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án có bị can dưới và trên 18 tuổi

BLTTHS năm 2015 có những điểm rất mới trong đó có vấn đề tạm giam người bị buộc tội đặc biệt là đối với người dưới 18 tuổi (trước đây theo BLTTHS năm 2003 là người chưa thành niên). Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác của mình và qua nghiên cứu đối với vấn đề tạm giam đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi trong thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án có bị can dưới và trên 18 tuổi thuộc các trường hợp khác nhau có trường hợp tội đặc biệt nghiêm trọng, có trường hợp rất nghiêm trọng... Hiện nay, chúng tôi thấy còn có các quan điểm khác nhau trong việc vận dụng áp dụng pháp luật.

Theo quy định của BLTTHS năm 2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018). Vấn đề thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi  được quy định tại khoản 1 Điều 419, Chương XXVIII “Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi” BLTTHS 2015: “Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này. Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.”

Khoản 2 Điều 278 (giai đoạn xét xử sơ thẩm), khoản 2 Điều 347 (giai đoạn xét xử phúc thẩm) quy định “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử” quy định tại Điều 277 (sơ thẩm), Điều 346 (phúc thẩm) của Bộ luật này.

Vấn đề đặt ra, khi vụ án có cả bị can là người trên 18 tuổi, cả bị can là người dưới 18 tuổi; trong đó, bị can dưới 18 tuổi đã hết thời hạn tạm giam nhưng chưa hết thời hạn chuẩn bị xét xử và vụ án có tính chất phức tạp chưa thể ra quyết định đưa vụ án ra xét xử; trường hợp này cần giải quyết như thế nào?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Không được tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam hoặc phải thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác đối với bị cáo dưới 18 tuổi. Vì đối với ngay cả trường hợp trước đây bị tạm giam theo luật cũ (BLTTHS 2003) mà nay BLTTHS 2015 không cho phép tạm giam, hoặc vượt quá thời hạn tạm giam theo luật mới thì đều phải hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn.

Quan điểm thứ hai cho rằng:  Để đảm bảo xét xử cần gia hạn lệnh tạm giam đối với bị cáo dưới 18 tuổi và không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử. Để gia hạn có thể vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 173 BLTTHS 2015 (thời hạn tạm giam để điều tra): “Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau: a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng; b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;…”

Theo đó thời hạn gia hạn tương ứng đối với bị cáo dưới 18 tuổi không được quá 2/3 các thời hạn quy định tại điểm a, b, c, d Điều 173 BLTTHS 2015.

Từ các quan điểm trên, chúng tôi cho rằng cả hai quan điểm đều có không phù hợp với lý luận và thực tiễn áp dụng. Bởi các lý do sau:

Một là, trong một vụ án có nhiều người bị buộc tội có người trên và dưới 18 tuổi và thuộc các trường hợp bị buộc tội khác nhau có trường hợp thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng, có trường hợp rất nghiêm trọng lại có trường hợp nghiêm trọng thì về nguyên tắc thời hạn chuẩn bị xét xử phải được tính theo người bị buộc tội nặng nhất mà bị can đó bị truy tố. (Hướng dẫn tại điểm đ khoản 2.2, mục 2, phần I, Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC).

Hai là, đối với khoản 1 Điều 419 BLTTHS năm 2015 quy định“Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này. Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.” Ở đây, theo chúng tôi phải được hiểu là trong vụ án chỉ có một người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi chứ không phải là trong vụ án có nhiều người bị buộc tội khác nhau, có người dưới có người trên 18 tuổi. Vì, cùng một vụ án không thể tách trường hợp này tạm giam thế này, trường hợp khác lại tạm giam thế kia. Trong khi thời hạn chuẩn bị xét xử phải theo người bị buộc tội nặng nhất mà Viện kiểm sát đã truy tố. Việc áp dụng pháp luật đối với người dưới 18 tuổi sẽ được áp dụng trong quá trình áp dụng pháp luật như trách nhiệm hình sự, cá thể hóa hình phạt, trách nhiệm dân sự như thế nào sẽ được áp dụng cho người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật. Không thể lấy mức đối với người dưới 18 tuổi chỉ được phép tối đa bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người trên 18 tuổi để thay thế, hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với người bị buộc tội trong vụ án có các bị can bị buộc tội khác nhau và có độ tuổi trên và dưới 18 tuổi trong khi thời hạn chuẩn bị xét xử của vụ án vẫn còn như quan điểm thứ nhất được;

Ba là, đối với quan điểm thứ hai cũng không phù hợp. Bởi lẽ, không có khái niệm gia hạn tạm giam mà chỉ có khái niệm gia hạn thời hạn tạm giữ và gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Việc, khi thời hạn chuẩn bị xét xử đang còn mà thời hạn tạm giam của bị can còn lại dưới 05 ngày, thì theo quy định Chánh án hoặc Phó Chánh án có thẩm quyền tiếp tục ra lệnh tạm giam và thời hạn tạm giam được tính không quá thời hạn chuẩn bị xét xử hoặc để đảm bảo cho việc hoàn thành việc xét xử khi đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Chánh án hoặc Phó Chánh án khi thời hạn tạm giam còn lại dưới 5 ngày thì tiếp tục ra lệnh Tạm giam cho đến kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Trong trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm sau khi kết thúc phiên tòa thì Thẩm phán Chủ tọa phiên Tòa thay mặt HĐXX ra Quyết định tạm giam với thời hạn 45 ngày kể từ ngày tuyên án, do vậy, không có khái niệm ra lệnh tạm giam.

Trên đây là các quan điểm của chúng tôi về việc tạm giam đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi trong thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp vụ án có bị can bị buộc tội dưới và trên 18 tuổi thuộc các trường hợp khác nhau. Do việc nhận thức áp dụng pháp luật đối với trường hợp này còn rất khác nhau. Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc./.

Ảnh: Các bị cáo là người chưa thành niên tại một phiên tòa

                                                                     

Th.S ĐỖ NGỌC BÌNH- Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội và Th.S TRẦN HOÀNG GIANG - Tòa án quân sự Trung ương