Vận dụng chưa đúng, chưa đầy đủ quy định của pháp luật

Sau khi nghiên cứu bài viết về “Vướng mắc trong giải quyết khiếu nại tố cáo trong tố tụng dân sự” của tác giả Nguyễn Đình Dũng- Nguyễn Thị Hồng Ngọc đăng ngày 7/6/2023, tác giả đề xuất quan điểm trao đổi về nội dung bài viết đã nêu.

Về cách xử lý đơn là lựa chọn cách thức xử lý khiếu nại

Các tác giả đã nêu hai tình huống pháp lý như sau:

Tình huống 1: Sau khi Toà án đã mở phiên họp kiểm tra việc tiếp cận, giao nộp, công khai chứng cứ và hoà giải, thì nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện bổ sung; Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra Thông báo về việc không lý đơn khởi kiện bổ sung và bị khiếu nại; cho rằng khiếu nại trên thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán theo Điều 48 BLTTDS, nên Tòa án thành phố NT đã trả lời đơn khiếu nại trên bằng Văn bản trả lời đơn số 15/2022/TLĐ-TA; nguyên đơn tiếp tục khiếu nại đối với Văn bản trả lời đơn số 15/2022/TLĐ-TA và được TAND tỉnh K giải quyết bằng Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai số 06/2023/QĐ-GQKN ngày 14/3/2023 với nội dung: “Khiếu nại đối với Thông báo về việc không thụ lý đơn khởi kiện bổ sung không thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chánh án. Do đó, khiếu nại là không có cơ sở”; Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực thi hành”.

Tình huống 2: Quá trình xem xét, giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán của TAND tỉnh K đã ban hành Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản số 02/TB-SĐBS; thông báo này bị khiếu nại; TAND thành phố NT không thụ lý giải quyết khiếu nại mà trả lời đơn khiếu nại trên bằng Văn bản Trả lời đơn số 17/2022/TLĐ-TA ngày 29/12/2022 vì cho rằng khiếu nại này thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán theo Điều 48 BLTTDS 2015.

Từ tình huống và cách giải quyết khiếu nại trên, các tác giả cho rằng việc Tòa án không thụ lý và giải quyết khiếu nại trong hai tình huống trên bằng hình thức “Quyết định mà bằng hình thức “Trả lời đơn là đúng theo quy định về khiếu nại, tố cáo của BLTTDS năm 2015 và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng quy định tại các Điều 47, 48, 49, 50, 51, 57, 58, 59 của BLTTDS năm 2015.

Qua bài viết, chúng tôi cho rằng có một số điểm không phù hợp với quy định của pháp luật, dẫn đến việc lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại không đúng, cụ thể như sau:

[1.1] Ở tình huống thứ nhất, việc Thẩm phán ra Thông báo về việc không lý đơn khởi kiện bổ sung, là không đúng quy định tại Điều 191 của BLTTDS; bởi lẽ, Đơn khởi kiện bổ sung của nguyên đơn cũng là đơn khởi kiện và phải được Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn theo quy định tại khoản 3 Điều 191 của BLTTDS và điều luật này không quy định Thẩm phán khi xem xét giải quyết đơn khởi kiện được quyền ban hành bất cứ thông báo nào khác ngoại trừ 4 loại thông báo đã được điều luật liệt kê (sửa đổi, bổ sung đơn; thụ lý; chuyển đơn; trả lại đơn), trường hợp này, đáng lẽ Thẩm phán phải căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 để ra Thông báo trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, vì vụ việc chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật (điều kiện về thời điểm đưa ra yêu cầu khởi kiện bổ sung cũng là một loại điều kiện).

Khi đó, việc khiếu nại và trả lời khiếu nại trong trường hợp này phải tuân theo quy định tại Điều 194 của BLTTDS, việc Toà án thành phố NT giải quyết khiếu nại bằng văn bản Trả lời đơn số 15/2022/TLĐ-TA là không đúng, đồng thời, Toà án cho rằng khiếu nại thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán theo Điều 48 BLTTDS cũng là không đúng, vì điều luật này và pháp luật tố tụng dân sự không quy định Thẩm phán có quyền giải quyết khiếu nại (chỉ Chánh án mới có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 46, Thẩm phán giải quyết khiếu nại đối với việc trả lại đơn là theo sự phân công của Chánh án quy định tại khoản 2 Điều 194). Hơn nữa đó lại là giải quyết khiếu nại đối với chính mình.

[1.2] Ở tình huống thứ hai, các tác giả cho rằng khiếu nại đối với Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán theo Điều 48 BLTTDS 2015 là áp dụng sai quy định của pháp luật; bởi lẽ, Luật Phá sản là luật chuyên ngành về phá sản, vừa là luật nội dung, vừa là luật hình thức, hoàn toàn độc lập với BLTTDS, đồng thời, không có chương quy định về khiếu nại, tố cáo trong phá sản. Vì vậy, không áp dụng quy định của BLTTDS đối với vụ việc về phá sản, trừ trường hợp được chính Điều luật của Luật Phá sản quy định (cấp, thông báo, tống đạt văn bản (điều 25); thủ tục áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 114); thủ tục uỷ thác tư pháp (Điều 117).

Vậy giải quyết khiếu nại này như thế nào? Pháp luật về phá sản chỉ quy định quyền khiếu nại đối với việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản (Điều 128), như vậy, các quyết định khác, các thông báo, văn bản khác… của Thẩm phán đều không thuộc trường hợp mà người tham gia thủ tục phá sản có quyền khiếu nại. Pháp luật chỉ quy định về quyền đề nghị xem xét lại người tham gia thủ tục phá sản đối với Thông báo trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, Quyết định thay đổi Quản tài viên, Quyết định tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, Danh sách chủ nợ, Danh sách người mắc nợ, Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ; Quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản; Quyết định tuyên bố phá sản… và các đề nghị xem xét lại này đều đã được quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tại các điều luật tương ứng của Luật Phá sản.

Do không có quy định về khiếu nại, tố cáo trong Luật Phá sản, nên phải áp dụng các quy định chung của Luật Khiếu nại để giải quyết khiếu nại đối với Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, bởi lẽ đó là pháp luật chuyên ngành về khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Trường hợp này, Toà án phải áp dụng các quy định chung của Luật Phá sản và quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại để không thụ lý khiếu nại và trả lại đơn cho người khiếu nại theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 10/12/2020).

[1.3] Pháp luật về tố tụng dân sự quy định cụ thể về việc người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản (Điều 506)  mà không quy định về hình thức văn bản trả lời khiếu nại nào khác đối với các khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự (trừ các khiếu nại theo quy định của các chương tương ứng của Bộ luật), vì vậy, tất cả hình thức văn bản khác được ban hành để giải quyết khiếu nại mà không phải Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai” đều là áp dụng không đúng quy định của pháp luật.

Về các tồn tại, vướng mắc và kiến nghị

Xuất phát từ hai tình huống đã nên, các tác giả đã nêu một số tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo tại TAND liên quan đến việc áp dụng Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020 của Chánh án TANDTC và BLTTDS không quy định quy trình giải quyết khiếu nại đối với Thông báo không thụ lý đơn khởi kiện bổ sung; Thông báo nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng; Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ; Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục thông thường; Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; Khiếu nại, kiến nghị về việc chậm đưa vụ án ra xét xử… các quyết định, hành vi khác liên quan đến hoạt động tố tụng và không ban hành các biểu mẫu về giải quyết khiếu nại.

Chúng tôi thống nhất với tác giả đối với tồn tại và vướng mắc về việc Toà án áp dụng Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020 của Chánh án TANDTC để giải quyết các khiếu nại trong tố tụng dân sự. Cần phân biệt rõ ràng các khiếu nại thuộc trường hợp áp dụng Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC phải là khiếu nại về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp của TAND, tức là đối tượng bị khiếu nại phải là quyết định hành chính, hành vi hành chính của TAND, người có thẩm quyền trong TAND ban hành, thực hiện, còn khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự thì phải áp dụng quy định của BLTTDS, chứ không áp dụng Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC.

Tuy nhiên, kể cả có áp dụng Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020 của Chánh án TANDTC để giải quyết các khiếu nại trong tố tụng dân sự thì cũng không thể dẫn đến việc kết quả giải quyết của Tòa án có thể bị khởi kiện vụ án hành chính được, vì đó kết quả giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự thì không thể nào là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.

Đối với tồn tại, vướng mắc liên quan đến BLTTDS, khoản 1 Điều 499 của quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng dân sự ban hành nếu có khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo quy định của Chương này mà được giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của Bộ luật này.

Như vậy, loại trừ các Khiếu nại, kiến nghị đối với Thông báo trả lại đơn khởi kiện (Điều 194); Quyết chuyển hồ sơ vụ việc dân sự (Điều 41); Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 141); Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn (Điều 319); khiếu nại trả lại đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự; quyết định của Hội đồng trọng tài đối với thoả thuận trọng tài vô hiệu, không thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài… đã được quy định về trình tự thủ tục và hình thức văn bản giải quyết, thì các khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự còn lại phải tuân theo quy định tại Chương XLI của BLTTDS về “Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự”.

Tại Chương XLI của BLTTDS đã có quy định cụ thể từ đối tượng thuộc phạm vi khiếu nại (Điều 499); quyền nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại (Điều 500, 501); thời hiệu, hình thức của việc khiếu nại, thẩm quyền (Điều 502 -504) và hình thức văn bản giải quyết khiếu nại (Điều 506) cho đến trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự, đó là:

  • Sau khi nhận được khiếu nại, Toà án phải kiểm tra về quyền của người khiếu nại (điểm a khoản 1 Điều 500, Điều 503), kiểm tra về thời hiệu khiếu nại (điều 502), thẩm quyền giải quyết khiếu nại (điểm a khoản 2 Điều 500)
  • Toà án phải ra văn bản về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại hay không thụ lý (điểm d khoản 1 Điều 500);  
  • Toà án phải tiến hành xác minh nội dung khiếu nại, việc xác minh này được tiến hành thông qua lời trình bày sự việc, thông tin, tài liệu do người khiếu nại cung cấp (điểm b khoản 2 Điều 500); các bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi trong tố tụng bị khiếu nại; giải trình về quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự bị khiếu nại; thông tin, tài liệu liên quan do người bị khiếu nại cung cấp (điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 501).
  • Ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và gửi quyết định cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, cá nhân, tổ chức có liên quan, Viện kiểm sát nếu quyết định của Chánh án bị khiếu nại (Điều 506).

Đối chiếu với trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại (quy định từ điều 27 đến điều 32), thì các quy định đã nêu của Bộ luật tố tụng dân sự là tương đối trùng khớp, trừ việc tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại với người bị khiếu nại do đặc thù về loại hình khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự để không ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ việc.

Chính vì đã có các quy định như nêu trên, nên BLTTDS năm 2015 đã bỏ quy định tại Điều 402 của BLTTDS năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 (điều luật quy định rằng thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của Chương này và các quy định khác của pháp luật về khiếu nại, tố cáo không trái với quy định của Chương này).

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung là không cần thiết và đây không phải tồn tại, vướng mắc khi áp dụng BLTTDS trong việc giải quyết khiếu nại mà là việc vận dụng chưa đúng, chưa đầy đủ quy định của pháp luật.

Trên đây là quan điểm xung quanh vấn đề bài Vướng mắc trong giải quyết khiếu nại tố cáo trong tố tụng dân sự, nêu ta, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý bạn đọc.

 

TAND huyện Phú Hòa, Phú Yên xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Ánh Việt

PHẠM THỊ THANH VÂN (Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai)