Về tình tiết Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong tội Gây rối trật tự công cộng
Theo quy định của BLHS năm 2015, tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” được quy định là tình tiết định khung cơ bản của một số tội trong đó có tội Gây rối trật tự công cộng (tại khoản 1 Điều 318).
Hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào mới về tình tiết này mà chỉ có hướng dẫn tại tiểu mục 5.1 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 245 của BLHS 1999, điều này dẫn tới cách hiểu và áp dụng không thống nhất trong thực tiễn. Tác giả căn cứ vào hướng dẫn trước đây, cũng như quy định của luật và thực tiễn áp dụng, thi hành để trao đổi về vấn đề này.
Trước hết, “An ninh, trật, tự, an toàn xã hội”, (hiểu đầy đủ là an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội). Theo từ điển thì “An ninh” là từ Hán- Việt hàm nghĩa là sự “yên ổn”, an ninh chỉ trạng thái bình yên của xã hội, của nhà nước, sự ổn định vững chắc của chế độ chính trị xã hội. An ninh quốc gia bao gồm an ninh đối nội, đối ngoại, an ninh về tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội … hay nói cách khác “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ Xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Còn “Trật tự xã hội” là khái niệm chỉ sự hoạt động ổn định hài hòa của các thành phần xã hội trong cơ cấu xã hội; trật tự xã hội nhằm duy trì sự phát triển xã hội và cơ chế bảo đảm tính trật tự xã hội là các thiết chế xã hội. Trật tự xã hội biểu hiện tính tổ chức của đời sống xã hội, tính chuẩn mực của các hành động xã hội. Nhờ trật tự xã hội mà hệ thống xã hội đạt được sự ổn định, cho phép nó hoạt động một cách có hiệu quả dưới sự tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài.
Như vậy, nói đến trật tự an toàn xã hội là nói đến tình trạng (trạng thái) bình yên, ổn định, có trật tự, kỷ cương của xã hội. trạng thái đó được xác lập trên cơ sở các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành (những quy phạm pháp luật) và những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức truyền thống được mọi người trong xã hội thừa nhận, tôn trọng, tuân thủ. Nói cách khác, trật tự an toàn xã hội là trạng thái xã hội có trật tự, kỷ cương, trong đó mọi người có cuộc sống yên ổn trên cơ sở các quy phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức, pháp lý xác định. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể hiểu là các hành vi làm ảnh hưởng, đe dọa, hoặc làm phá vỡ sự tình trạng (trạng thái) bình yên của xã hội.
Như vậy, về so với BLHS 1999, BLHS 2015 quy định tội Gây rối trật tự công cộng có nội hàm và phạm vi rộng hơn, nếu như quy định tại BLHS 1999 người phạm tội có hành vi như: làm náo động, hò hét, phá phách, hành hung người khác… gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì phạm tội này, thì quy định Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong BLHS 2015 có tính chất rộng hơn, bao hàm một phạm vi không gian, thời gian và chỉ cần có hành vi làm ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội thì có thể đã cấu thành tội phạm này mà chưa cần dẫn đến việc “Gây hậu quả nghiêm trọng”. Đó có thể là các hành vi như: làm ảnh hưởng, đe dọa, gây hoang mang, lo sợ trong một số gia đình trong một khu dân cư; làm ảnh hưởng đến tình hình quản lý trật tự, trị an hay làm xáo trộn trật tự tại nơi công cộng… thì có thể đã được xem là ảnh hưởng xấu. Như vậy, “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là nói đến hành vi của một cá nhân, pháp nhân làm ảnh hưởng, đe dọa, hoặc phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội, khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân, một khu dân cư hoặc một cộng đồng dân cư hoang mang, lo sợ, phẫn nộ hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, làm ảnh hưởng, đe dọa hoặc làm phá vỡ quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành hoặc xâm phạm đến những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trọng, thừa nhận và tuân thủ.
Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng tình tiết này sẽ gặp những khó khăn nhất định vì chưa có hướng dẫn cụ thể, dễ có cách hiểu và nhận thức, áp dụng thiếu thống nhất vì đây là tình tiết mà hậu quả mang tính phi vật chất. Theo tác giả thì khi đánh giá tính chất, mức độ của hành vi để xác định “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” phải xem xét nguyên nhân, tính chất, hậu quả do hành vi phạm tội đó có xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự, kỷ cương xã hội, sự mất ổn định trong đời sống của người dân, có gây tâm lý hoang mang, lo sợ, phẫn nộ trong một phạm vi khu dân cư, vụ việc diễn ra có thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng như thế nào, có gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương hay không… để có căn cứ xử lý đúng đắn, cụ thể.
Tác giả cũng đồng tình với quan điểm để đảm bảo việc áp dụng thống nhất trong thực tiễn thì Cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng tình tiết định khung cơ bản “Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đối với tội Gây rối trật tự công cộng và một số tội khác như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (điểm c khoản 1 Điều 172); Tội trộm cắp tài sản (điểm c khoản 1 Điều 173); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điểm c khoản 1 Điều 174); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điểm c khoản 1 Điều 178… và tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội như: Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (điểm đ khoản 2 Điều 158); Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân (điểm đ khoản 2 Điều 163); Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác (điểm đ khoản 2 Điều 164); Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (điểm c khoản 2 Điều 167); Tội cướp tài sản (điểm g khoản 2 Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điểm h khoản 2 Điều 169); Tội cưỡng đoạt tài sản (điểm đ khoản 2 Điều 170); Tội cướp giật tài sản (điểm h khoản 2 Điều 171); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điểm e khoản 2 Điều 175); Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (điểm a khoản 2 Điều 319); Tội hành nghề mê tín dị đoan (điểm c khoản 2 Điều 320)… theo hướng căn cứ vào nguyên nhân, tính chất và hậu quả của hành vi xác định mức độ, phạm vi ảnh hưởng đối với tình hình an ninh, trật tự, an toàn, xã hội; đồng thời, quy định cở sở đánh giá (xảy ra bao nhiêu hành vi, trong khoảng thời gian bao nhiêu, ảnh hưởng như thế nào, tới đối tượng nào…?) và cơ quan đánh giá (Công an xã, Phường, Thị trấn hay UNBD các cấp) để làm căn cứ xử lý./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Cain
05:55 11/01.2025Trả lời
1 phản hồi