Một số ý kiến về viết bản án hình sự sơ thẩm

Soạn thảo bản án hình sự sơ thẩm là công việc thường xuyên của Thẩm phán và những người được giao soạn thảo bản án. Bản án hình sự sơ thẩm là sản phẩm thể hiện kết quả toàn bộ hoạt động tố tụng của Tòa án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi tuyên án. Thực tiễn cho thấy hiện nay việc viết bản án vẫn còn xảy ra nhiều sai sót. Qua nghiên cứu các quy định về viết bản án hình sự sơ thẩm xin nêu một số nội dung nhằm hoàn thiện vấn đề viết bản án...

Bản án hình sự sơ thẩm là văn bản tố tụng đặc biệt của Toà án nhân danh nước CHXHCN Việt Nam kết thúc hoạt động xét xử xác định bị cáo có tội hay không có tội quy định trong BLHS, xác định trách nhiệm pháp lý của bị cáo với Nhà nước cụ thể hoá bằng hình phạt quy định trong BLHS, xác định trách nhiệm của bị cáo với bị hại (nếu có) và các thành phần khác cụ thể hoá bằng mức bồi thường thiệt hại quy định trong BLDS. Bản án hình sự sơ thẩm khi được ban hành và có hiệu lực pháp luật thì những quyết định trong bản án đưa đến hậu quả pháp lý rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của những người bị buộc tội và những chủ thể khác có liên quan thể hiện tại Điều 31 Hiến Pháp, Điều 14 Luật tổ chức Tòa án nhân dân, các Điều 13, 14 BLTTHS. Vì vậy việc soạn thảo bản án nhằm phản ánh khách quan, toàn diện, đầy đủ vụ án là một yêu cầu rất quan trọng, thực tiễn cho thấy hiện nay việc viết bản án vẫn còn xảy ra nhiều sai sót. Qua nghiên cứu các quy định về viết bản án hình sự sơ thẩm và các bản án xin nêu một số nội dung nhằm hoàn thiện vấn đề viết bản án hình sự sơ thẩm như sau:

  1. Phần mở đầu.

– Phải ghi đầy đủ tiền án, tiền sự của bị cáo.

– Trường hợp bị hại chết thì trong phần đầu của bản án vẫn ghi căn cước của bị hại. Không ghi lý lịch của bị hại đã chết trước đại diện hợp pháp của bị hại.

– Trước khi mở phiên tòa, gia đình bị cáo đã thỏa thuận và bồi thường cho người đại diện hợp pháp của bị hại. Tại phiên tòa, đại diện gia đình bị cáo không yêu cầu bị cáo phải hoàn trả số tiền mà gia đình đã ứng ra để bồi thường thì không xác định đại diện gia đình bị cáo là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà xác định những người này với tư cách là người làm chứng.

– Trường hợp bị hại nằm viện, được người thân chăm sóc và họ yêu cầu bồi thường tiền công chăm sóc thì trong bản án không xác định người chăm sóc này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vì khoản thu nhập thực tế của người chăm sóc bị hại trong thời gian điều trị được tính để bồi thường cho bị hại, do vậy cần xác định người chăm sóc cho bị hại là người làm chứng.

– Đối với trường hợp “Việc vắng mặt của những người làm chứng trong vụ án không ảnh hưởng đến việc xét xử do Tòa án đã gửi giấy triệu tập hợp lệ” được xem xét giải quyết trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa và được ghi vào biên bản phiên tòa mà không ghi ở phần nhận định của Tòa án.

– Trường hợp người mua tài sản sau khi biết số tài sản đã mua là tài sản trộm cắp và đã giao cho Cơ quan Công an, không yêu cầu bị cáo hoàn trả số tiền đã mua tài sản thì cần xác định người mua tài sản đó là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đồng thời không tịch thu số tiền mà người mua tài sản không đòi của bị cáo, vì đây là quan hệ dân sự.

  1. Phần nội dung.

Khi viết phần nội dung vụ án không ngắt đoạn theo từng vấn đề vì rất khó xác định rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Ghi tóm tắt hành vi phạm tội của bị cáo được mô tả trong bản cáo trạng, mặc dù là tóm tắt, nhưng phải thể hiện được đầy đủ về thời gian, không gian, địa điểm thực hiện tội phạm, diễn biến hành vi phạm tội, động cơ, mục đích, thủ đoạn của người phạm tội và hậu quả của tội phạm; ý kiến, quan điểm của KSV về nội dung truy tố bị cáo theo cáo trạng (ghi rõ số, ngày, tháng, năm của bản cáo trạng, hoặc quyết định truy tố, tên VKS truy tố ban hành bản cáo trạng, hành vi của bị cáo theo tội danh mà VKS truy tố); tội danh điểm, khoản, điều của BLHS và mức hình phạt, hình phạt bổ sung, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS theo các điểm, khoản, điều của BLHS; biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà VKS đề nghị áp dụng đối với bị cáo tại phiên tòa; quan điểm xử lý vật chứng, nghĩa vụ chịu án phí của bị cáo và các đương sự…mà VKS đề nghị áp dụng đối với bị cáo và các đương sự.

Lời bào chữa tranh luận của người bào chữa, của bị cáo; ý kiến của bị hại, những người tham gia tố tụng và những người khác được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập.

Ngoài ra các chứng cứ khác như lời khai của bị hại, người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết quả giám định… cũng được ghi vào phần này để phục vụ cho việc nhận định của HĐXX ở phần sau.

  1. Phần Nhận định của Tòa án.

– Bản án đã trình bày nội dung của vụ án thì ở phần nhận định của Tòa án không trình bày lại toàn bộ nội dung đã được trình bày ở phần trước làm bản án rất dài, không cần thiết. Chỉ cần nhận định rồi kết luận tóm tắt hành vi đặc trưng phạm vào điểm, khoản, điều luật nào của BLHS (trừ khi bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội mới phải nhận định cụ thể từng nội dung).

– Phần nhận định của Tòa án không ghi “Nhận định của HĐXX” mà phải ghi là “Nhận định của Tòa án”. Các đoạn văn ở phần nhận định của Tòa án phải đặt trong dầu ngoặc vuông ([]) như hướng dẫn về mẫu bản án của HĐTPTANDTC.

– Khi cho bị cáo được hưởng án treo thì trong phần nhận định của Tòa án phải nhận định về thời gian thử thách đối với bị cáo (Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo).

– Trong phần nhận định của Tòa án phải xác định rõ đối tượng phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

– Trường hợp số tiền bồi thường của bị cáo nhiều hơn số tiền mà bị cáo chiếm đoạt của bị hại thì trong phần nhận định của Tòa án phải nhận định rõ việc thỏa thuận bồi thường giữa bị cáo với bị hại nhiều hơn số tiền chiếm đoạt.

– Trong phần nhận định của Tòa án phải nêu rõ việc bị cáo đã sử dụng vật chứng vào việc thực hiện hành vi phạm tội như thế nào để xử lý vật chứng trong phần quyết định của bản án.

2.4 Phần quyết định.

+ Hình phạt.

– Khi ghi các điều luật khác nhau thì ghi dầu (;) giữa các điều luật. Ví dụ: “Áp dụng khoản 1 Điều 134; Điều 17….”.

– Đối với bị cáo áp dụng hành phạt tù nhưng cho hưởng án treo, thì trong phần quyết định của bản án ghi rõ tên và địa chỉ của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; đồng thời ghi rõ trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi làm việc, cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Ngoài ra, cần tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS (Xem Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo).

– Quyết định của bản án phần tổng hợp hình phạt của nhiều bản án phải nêu cụ thể mức hình phạt của bản án mà bị cáo đã bị Tòa án xét xử trước đó.

+Biện pháp tư pháp.

– Trong quyết định phần bồi thường thiệt hại (trường hợp bị cáo gây thiệt hại cho nhiều bị hại), không ghi tổng số tiền phải bồi thường cho tất cả những bị hại mà phải ghi số tiền bị cáo phải bồi thường cho từng bị hại. Ngoài ra phải ghi nhận cụ thể số tiền bị cáo phải bồi thường theo thỏa thuận, trong đó đã bồi thường được bao nhiêu, còn phải bồi thường bao nhiêu.

– Trong vụ án đồng phạm, các bị cáo cùng gây ra thiệt hại tài sản thì cần áp dụng Điều 587 BLDS năm 2015 để tuyên trách nhiệm liên đới bồi thường đối với các bị cáo. Ngoài ra, cần tuyên số tiền cụ thể mà từng bị cáo phải bồi thường và số tiền còn phải bồi thường là bao nhiêu (Chỉ liên đới bồi thường thiệt hại khi nhiều bị cáo cùng có sự thống nhất ý chí trong việc gây thiệt hại “Cùng gây thiệt hại”). Tại phiên tòa nếu có bị hại không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền chiếm đoạt của họ, thì Tòa án phải nhận định cụ thể số tiền mà những bị hại không yêu cầu các bị cáo bồi thường là bao nhiêu để trừ đi, số còn lại phải bồi thường là bao nhiêu.

– Trước khi mở phiên tòa bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại đã thỏa thuận được với nhau về phần bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì trong bản án không tính án phí dân sự sơ thẩm (Xem Nghị quyết 326/2016/QH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án).

– Trường hợp bị cáo đã bồi thường xong thì trong phần quyết định về các biện pháp tư pháp của bản án không viện dẫn điều luật mà chỉ ghi nhận các bị cáo đã bồi thường.

– Trước khi mở phiên tòa, bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi hoàn số tiền thiệt hại, đại diện gia đình bị cáo chấp nhận yêu cầu của bị hại và đã nộp đủ số tiền yêu cầu thì trong phần quyết định của bản án về bồi thường thiệt hại không áp dụng các quy định của BLDS để buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại, trường hợp này, trong bản án chỉ cần ghi nhận bị cáo đã bồi thường theo yêu cầu của bị hại.

– Đối với tiền cấp dưỡng thì trong phần quyết định cần tuyên rõ số tiền cấp dưỡng, cũng như bị cáo phải chịu tiền án phí dân sự không có giá ngạch đối với số tiền cấp dưỡng hàng tháng đó và tuyên lãi suất trả chậm đối với số tiền cấp dưỡng chậm trả.

+ Xử lý vật chứng.

– Quyết định của bản án về xử lý vật chứng không nêu lại đặc điểm của vật chứng mà nội dung này được thực hiện tại phần Nhận đình của Tòa án. Đồng thời cần nêu rõ căn cứ vào Biên bản thu giữ vật chứng để giải quyết.

+ Án phí.

Trong phần quyết định của bản án không tính toán phần án phí dân sự vì phần tính toán án phí được thực hiện tại phần nhận định của Tòa án.

Một số nội dung khác:

– Trường hợp HĐXX quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án thì khi Nghị án phải thảo luận nội dung này (Điều 326 BLTTHS năm 2015).

– Trường hợp bản án tuyên trả lại tài sản của bị cáo đã bị kê biên cho bị cáo nhưng số tài sản này không phải là vật chứng thì chỉ tuyên trả lại tài sản mà không nêu cụ thể điều luật áp dụng.

– Trong bản án không ghi: “Dự kiến xử phạt bị cáo…”, vì Bản án đã được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng nghị án trước khi tuyên án.

– Trường hợp bị cáo có hành vi gian dối để bị hại giao cho bị cáo tổng số tiền là 1.379.000.000 đồng. Trước khi khởi tố vụ án, bị cáo đã trả cho bị hại số tiền 1.200.000.000 đồng thì Tòa án không xét xử bị cáo chiếm đoạt tổng số tiền là 1.379.000.000 đồng.

– Trường hợp bị cáo không bị tạm giữ theo dội danh bị cáo đang bị xét xử mà bị tạm giữ theo tội danh khác do cơ quan tiến hành tố tụng ngoài Quân đội áp dụng thì trong bản án phải ghi rõ bị cáo bị tạm giữ theo tội danh cụ thể nào.

– Đối với vụ án đồng phạm thì trong bản án phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo để xem xét trách nhiệm hình sự, dân sự của từng bị cáo theo quy định tại Điều 58 BLHS.

– Quá trình giải quyết vụ án, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa thì trong hồ sơ vụ án vẫn có Biên bản phiên tòa.

– Vấn đề kiến nghị, sữa chữa thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý được lập thành văn bản riêng được đọc tại phiên tòa cùng với bản án hoặc gửi riêng cho cơ quan, tổ chức hữu quan mà không nêu trong bản án Điều 264 BLTTHS năm 2015.

Soạn thảo bản án hình sự sơ thẩm là công việc thường xuyên của Thẩm phán và những người được giao soạn thảo bản án. Bản án hình sự sơ thẩm là sản phẩm thể hiện kết quả toàn bộ hoạt động tố tụng của Tòa án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi tuyên án. Vì vậy, chất lượng bản án phụ thuộc vào trình độ, bản lĩnh và kỹ năng nghiệp vụ của Thẩm phán và HĐXX. Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác cải cách tư pháp giai đoạn hiện nay đòi hỏi mỗi Thẩm phán và những người giao soạn thảo bản án phải nắm chắc quy định của pháp luật, hồ sơ vụ án, thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để có những bản án hình sự thực sự công minh, khách quan, đúng quy định, thấu tình đạt lý.

TRẦN HÙNG