Vụ án Hà Văn Thắm (OceanBank) – Nộp tiền khắc phục hậu quả để được giảm án
Phiên tòa xét xử các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và đồng phạm trong vụ án Ngân hàng Cổ phần Đại Dương - OceanBank đang đi đến hồi kết, tranh luận và nghị án. Những diễn biến tại phiên tòa được dư luận đánh giá là dân chủ và khách quan, đúng tinh thần tranh tụng theo quy định của pháp luật.
Hà Văn Thắm nêu sáu tình tiết giảm nhẹ
Trong bản luận tội, đại diện VKSNDCC tại Hà Nội đề nghị HĐXX bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên y án tổng hợp mức phạt chung là chung thân đối với ông Hà Văn Thắm về các tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Trong phần tự bào chữa, cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm nêu sáu tình tiết xin được giảm nhẹ hình phạt. Đó là bị cáo xuất thân từ gia đình có công với cách mạng; bản thân được tặng thưởng nhiều bằng khen, có đóng góp nhiều cho xã hội. Trong quá trình điều tra, đã thành khẩn khai báo, hợp tác tốt với cơ quan công tố. Ngoài ra, hành vi chi lãi suất ngoài hợp đồng cho PVN mà bị cáo đã bị kết án 3 tội danh được thực hiện trong hoàn cảnh bắt buộc và không có sự lựa chọn nào khác.
Bên cạnh đó, hành vi chi lãi suất vượt trần, hiện với sự thay đổi của chính sách và pháp luật, hành vi này không còn là vi phạm nữa. Tình tiết nữa là, trong quá trình điều tra, bị cáo đã chủ động kê khai và đề nghị cơ quan điều tra niêm phong toàn bộ tài sản để phục vụ việc khắc phục hậu quả nếu bị cáo bị phán quyết bồi thường dân sự.
Theo thanhnien.vn, LS của Hà Văn Thắm cũng nêu quan điểm đối với số tiền lãi ngoài, xét dưới góc độ trái pháp luật, có hai cách đánh giá. Về dân sự, nếu khẳng định việc chi lãi vượt trần là vi phạm điều cấm của pháp luật thì giao dịch dân sự vô hiệu. Khi đó, bên nhận hoàn trả lại cho bên giao. Ở góc độ hình sự, nếu số tiền này là khoản tiền được chi ra trái pháp luật thì các tổ chức, cá nhân đang giữ khoản tiền đó có hành vi chiếm giữ tài sản một cách trái phép và phải hoàn trả cho chủ sở hữu. Hồ sơ vụ án thể hiện cơ quan điều tra đã tổng hợp được số lượng hơn 51.000 cá nhân và gần 400 tổ chức nhận số tiền chi lãi ngoài của OceanBank. Tuy nhiên, tòa án sơ thẩm đã tuyên buộc bị cáo Thắm và các bị cáo khác phải bồi thường mà không buộc những người chiếm hưởng tiền trái pháp luật hoàn trả là chưa thấu đáo. Chưa kể, sau khi các vụ án đã được khởi tố và có thể sẽ tiếp tục được khởi tố mà diễn biến mới nhất là khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Mạnh Tùng, Phó giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, thì “Trường hợp đã buộc bị cáo Thắm và các bị cáo khác phải bồi thường trong vụ án này mà trong các vụ án sau xác định được các cá nhân, tổ chức phải bồi thường nữa thì trả cho ai? Ai sẽ là người được hưởng các khoản bồi thường đó?”, LS đặt câu hỏi và đề nghị HĐXX tách toàn bộ phần dân sự của vụ án này để giải quyết trong giai đoạn sau khi các vụ án kia đã kết thúc để đảm bảo tính tuân thủ, nghiêm minh và công bằng của pháp luật.
Gia đình Nguyễn Xuân Sơn khắc phục hậu quả
Đại diện VKSNDCC tại Hà Nội đề nghị HĐXX bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên y án tổng hợp mức phạt chung là tử hình đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về các tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản”.
Trình bày nội dung bào chữa, ông Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận bản thân chỉ phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tiếp tục kêu oan về các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản”.
Ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng HĐXX sơ thẩm kết luận bị cáo chiếm đoạt 69 tỷ đồng của Công ty BSC là chưa phù hợp. Bị cáo cho biết, thời gian làm Tổng Giám đốc OceanBank (2009- 2010) đã chi toàn bộ khoản tiền này để chăm sóc khách hàng theo chủ trương chi lãi ngoài của ông Hà Văn Thắm. Giai đoạn 2011- 2014, khi làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Nguyễn Xuân Sơn khai nhận 246 tỉ đồng từ Hà Văn Thắm và đã chi cho các đơn vị, một số cá nhân lãnh đạo; chi cho một số hoạt động khác như lễ, tết…
Ông Nguyễn Xuân Sơn cũng mong HĐXX xem xét, minh oan cho bị cáo về tội “Tham ô tài sản” để đưa ra phán quyết phù hợp. Trong trường hợp HĐXX phúc thẩm vẫn kết tội bị cáo tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản”, bị cáo xin được sử dụng số tiền 20 tỷ đồng HĐXX sơ thẩm tuyên Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) trả lại để bồi hoàn cho PVN trong số 49 tỷ đồng mà Sơn bị cáo buộc chiếm đoạt.
LS bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn phát biểu cho rằng hành vi của bị cáo Sơn không hội tụ đủ các yếu tố cấu thành của tội “Tham ô tài sản”. Cụ thể, bị cáo Sơn không phải là chủ thể của tội “Tham ô tài sản”, không phải là người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank. Hơn nữa số tiền 49 tỉ này là tài sản của OceanBank, không phải là tài sản của PVN, do vậy không phải là tài sản của Nhà nước. Luật sư đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không phạm tội “Tham ô tài sản.
Một LS khác kiến nghị: Nếu không đủ căn cứ, đề nghị chuyển tội danh, không xét xử bị cáo Sơn cùng các bị cáo tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, mà chỉ cần xét xử tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đã thấu tình đạt lý, khiến các bị cáo tâm phục khẩu phục, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. LS cũng mong muốn HĐXX xem xét bị cáo Sơn có nhiều nỗ lực công tác, được tặng nhiều huân huy chương, bằng khen giấy khen, đề nghị xác định tình tiết giảm nhẹ. Ông Sơn đã cùng gia đình xin dùng tài sản riêng góp khắc phục hậu quả…
Sau khi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tự bào chữa, Thẩm phán Ngô Hồng Phúc – Chủ tọa phiên tòa giải thích, pháp luật quy định ai khắc phục 2/3 hậu quả thì hình phạt tội tham ô sẽ giảm từ tử hình xuống chung thân. “Bị cáo cứ an tâm cải tạo, khắc phục hậu quả thì “đâu khắc vào đó”, chủ tọa Ngô Hồng Phúc động viên và cho hay “HĐXX chưa đánh giá câu nào là bị cáo không thành khẩn. Nếu cấp sơ thẩm đánh giá bị cáo không thành khẩn, cấp phúc thẩm ghi nhận bị cáo thành khẩn”.
Điều bất ngờ được LS của Nguyễn Xuân Sơn tiết lộ là một doanh nhân sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để cứu bị cáo thoát án tử hình. Nguyễn Xuân Sơn bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án Tử hình về hành vi tham ô 49 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Con số này được lượng hóa từ 20% của 246 tỷ đồng Hà Văn Thắm đã chi lãi ngoài cho PVN thông qua ông Nguyễn Xuân Sơn, theo tỷ lệ 20% nắm giữ cổ phần của PVN.
Theo Infornet.vn, vị doanh nhân tốt bụng này chính là ông Nguyễn Trung Hà, thành viên sáng lập Công ty FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt, là bạn thân của ông Nguyễn Xuân Sơn. Theo thỏa thuận giữa bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ của Nguyễn Xuân Sơn) và ông Nguyễn Trung Hà, ông Hà sẽ hỗ trợ theo cách cho bà Xuân vay 32 tỷ đồng để chuộc tài sản đã bị cơ quan điều tra kê biên, số tiền này cùng với 5 tỷ đồng do gia đình bà Xuân lo liệu sẽ vừa đủ 37 tỷ đồng, bằng đúng ¾ của số tiền 49 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn bị quy kết tội tham ô.
Trao đổi với PV, bà Võ Thị Thanh Xuân cho biết, ngoài ông Nguyễn Trung Hà, còn có một số người bạn khác của ông Nguyễn Xuân Sơn sẵn sàng góp tiền để hỗ trợ gia đình khắc phục hậu quả. “Từ hôm qua đến nay, tài khoản của tôi có một món 2 tỷ đồng của K21 Vật giá – Đại học Kinh tế Quốc dân (nhóm bạn học cùng đại học với Nguyễn Xuân Sơn); một món 500 triệu đồng của một người bạn tên Trang, và một món khác nữa của K21 là 1,050 tỷ đồng. Bây giờ người ta cứ góp còn tôi chưa thể tính được nay mai sẽ là bao nhiêu. Còn đâu thì anh Nguyễn Trung Hà sẽ là người đứng ra xử lý. Sau đó sẽ phải trả toàn bộ tài sản kê biên cho anh Hà theo cam kết”, bà Võ Thị Thanh Xuân cho hay.
Theo lời bà Xuân, toàn bộ tài sản bị kê biên được hình thành từ cách đây rất lâu, gồm một ngôi nhà hình thành từ năm 1998 (số 30A Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội) và một ngôi nhà hình thành năm 2004 (biệt thự tại KĐT Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội). “Ngay cả cổ phiếu do anh Sơn nắm giữ cũng là sở hữu từ trước khi anh về làm ngân hàng. Toàn bộ giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản đã được tôi nộp đầy đủ cho cơ quan cảnh sát điều tra. Vì thương chồng chịu cảnh tù đày, gia đình cũng viết đơn xin, nếu buộc phải kết tội đấy thì gia đình sẵn sàng lấy số tài sản đó (của cả hai vợ chồng) để khắc phục hậu quả. Theo giá trị thị trường hiện nay, tổng số tài sản này khoảng vài ba chục tỷ đồng.
Bản thân tôi là người làm kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nên gom góp mới có được như thế, chứ bản thân anh Sơn nay phấn đấu lên chức này, mai phấn đấu lên chức kia thì còn đâu thời gian tập trung cho gia đình. Tôi cũng chưa dám nói chắc từ giờ đến mai có thể tập hợp được toàn bộ số tiền hay không, anh Hà đang cố gắng” – bà Võ Thị Thanh Xuân chia sẻ.
Kim Dung (tổng hợp)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
2 Bình luận
Trương Thanh Minh
09:58 05/12.2024Trả lời
Lê Thị Thủy
09:58 05/12.2024Trả lời